DMagazine

Mầm họa trong những món khoái khẩu ngày hè của người Việt

(Dân trí) - Thịt bò chỉ chín mặt ngoài, bên trong đỏ mọng là món ăn ưa thích của nhiều người vì cho rằng như thế mới ngon, ngọt và nhiều chất. Thế nhưng cách ăn này có thể khiến chúng ta tự rước bệnh vào người.

Thịt bò chỉ chín mặt ngoài, bên trong đỏ mọng là món ăn ưa thích của nhiều người vì cho rằng như thế mới ngon, ngọt và nhiều chất. Thế nhưng cách ăn này có thể khiến chúng ta tự rước bệnh vào người.

Mầm họa trong những món khoái khẩu ngày hè của người Việt - 1

Sau khi phát hiện thấy đốt sán mỗi lần đi vệ sinh, chị Hà (tên nhân vật đã được thay đổi), 27 tuổi, sống tại Hà Nội vội đi mua thuốc giun về uống. Tuy nhiên, vài tháng sau, chị Hà tiếp tục đi vệ sinh ra đốt sán nên quyết định đến bệnh viện.

Trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân, BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết kết quả xét nghiệm ký sinh trùng 8 loại giun sán thì nữ bệnh nhân này dương tính đến 6 loại.

"Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với nhiều loại giun sán hay gặp như: giun lươn, sán lá gan lớn, sán lá gan bé, sán dây bò…

Mặc dù bệnh nhân có uống thuốc giun trước đó nhưng vì đầu sán vẫn còn trong hệ tiêu hóa nên tiếp tục nhân lên", BS Thiệu cho hay.

Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân Hà chia sẻ rằng, mặc dù không ăn tiết canh nhưng lại hay ăn rau sống. BS Thiệu xác định đây rất có thể là nguồn lây truyền giun sán cho bệnh nhân.

Trên thực tế lâm sàng, BS Thiệu cho biết, thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân nhiễm giun sán do thói quen sinh hoạt hàng ngày, ăn uống không đảm bảo vệ sinh. Các trường hợp này thường sẽ cùng lúc nhiễm nhiều loại giun sán khác nhau.

Mầm họa trong những món khoái khẩu ngày hè của người Việt - 3

Đáng chú ý, theo chuyên gia này, các loại rau thủy sinh như: rau ngổ, rau nhút, cải xoong, rau cần, rau muống, ngó sen rất dễ có sán lá gan lớn, sán lá ruột ký sinh.

"Nhiều người có thói quen ăn sống các loại rau này hoặc nhúng lẩu sơ qua chưa chín kỹ để rau giữ được độ giòn. Thế nhưng cách làm này khiến các loại sán ký sinh trong rau chưa bị tiêu diệt hoàn toàn, dẫn đến nguy cơ nhiễm sán", BS Thiệu phân tích.

Sán lá ruột là loại sán lá nhỏ ký sinh trong ruột ở người và một số gia súc, đặc biệt phổ biến ở loài lợn.

Sán ký sinh trong ruột đẻ trứng và trứng sán theo phân ra ngoài làm nhiễm bẩn các nguồn nước. Sau một thời gian, ấu trùng hình thành, phát triển trong trứng, phá vỡ vỏ trứng ra ngoài tìm ốc để ký sinh.

Sau khi vào ốc, ấu trùng tiếp tục phát triển thành ấu trùng có đuôi. Lúc này chúng lại bỏ ốc, sống bám vào một số cây thủy sinh như: bèo, ngó sen, củ niễng… và các thực vật mọc dưới nước.

"Người nhiễm sán lá ruột thường có triệu chứng mệt mỏi, đôi khi đau bụng tiêu chảy, thiếu máu nhẹ. Ở giai đoạn phát bệnh, bệnh nhân có thể thấy sụt cân, thiếu máu, đau bụng tiêu chảy thất thường, phân lỏng có nhiều chất nhầy lẫn nhiều thức ăn không tiêu.

Tiêu chảy có thể kéo dài nhiều ngày hoặc nhiều tuần, đau bụng thường đau ở vùng hạ vị và có thể xảy ra những cơn đau dữ dội, bụng bị chướng, nhất là trẻ em", BS Thiệu cho hay.

Trong khi đó, sán lá gan lớn cũng có thể dẫn đến nhiều tình trạng bệnh nguy hiểm. Khi nhiễm sán lá gan lớn, sau khi vào dạ dày, tá tràng, các vỏ nang trùng sẽ giải phóng ra các ấu trùng.

Các ấu trùng này xuyên qua thành tá tràng, vào ổ bụng rồi di chuyển đến sinh trưởng và phát triển ở nhu mô gan. Trong quá trình ký sinh ở gan, sán lá gan tiết ra các chất độc làm phá hủy nhu mô gan, gây áp xe gan.

Mầm họa trong những món khoái khẩu ngày hè của người Việt - 5

Cơ thể hôn mê nằm bất động với hàng loạt những mảng da thâm đen do xuất huyết. Đây là hình ảnh điển hình của bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn khiến cả những bác sĩ dày dặn kinh nghiệm cũng phải ám ảnh.

Nhiều năm công tác tại khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện tuyến cuối về truyền nhiễm, bác sĩ Phạm Văn Phúc - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương dùng từ "đáng tiếc" để kể về các bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn, khi chỉ vì một miếng ngon mà phải gánh họa cả đời.

Điển hình như trường hợp người đàn ông 30 tuổi sống tại Lào Cai tổ chức mổ lợn đánh tiết canh, có rủ thêm khoảng 20 người khác cùng tham gia.

3 ngày sau bữa tiệc, anh bắt đầu sốt cao, rét run, đau mỏi người, xuất huyết dưới da toàn thân nên đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai khám, sau đó được chuyển lên tuyến trên.

Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cấp cứu trong tình trạng suy gan, suy thận, có rối loạn đông máu.

Kết quả xét nghiệm phát hiện người này còn bị nhiễm trùng máu, tình trạng rất nặng.

Mầm họa trong những món khoái khẩu ngày hè của người Việt - 7

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến nay đã ghi nhận 5 trường hợp nhiễm khuẩn liên cầu lợn trên địa bàn. Đáng chú ý, trong số này, ngoài những người nhiễm khuẩn do ăn tiết canh, còn có cả các trường hợp nhiễm khuẩn do giết mổ lợn không đảm bảo các nguyên tắc an toàn.

Theo BS Phúc, nhiễm liên cầu lợn có nhiều thể bệnh nhưng có 2 thể chính là: thể nhiễm trùng huyết và viêm màng não.

Với thể nhiễm trùng huyết, bệnh sẽ diễn biến rất nhanh và nặng. Bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng rối loạn đa cơ quan. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ tử vong rất cao.

Thể thứ hai là viêm màng não, thường tiên lượng điều trị sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ có những biến chứng về lâu dài như liệt, các di chứng về mặt thần kinh.

BS Phúc cũng thông tin thêm, chi phí điều trị với những ca liên cầu khuẩn diễn biến nặng là rất lớn. Với các bệnh nhân, phải lọc máu, thở máy, điều trị kháng sinh mạnh có thể tốn nhiều triệu đồng mỗi ngày. Không ít gia đình có hoàn cảnh khó khăn trở nên khánh kiệt chỉ vì hậu quả từ một bữa tiết canh.

Chưa dừng lại ở đó, bệnh nhân sau khi ra viện có nguy cơ cao phải sống với các di chứng suốt đời, tạo gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội.

Mầm họa trong những món khoái khẩu ngày hè của người Việt - 9

Thịt bò chỉ chín mặt ngoài, bên trong đỏ mọng là món ăn ưa thích của nhiều người vì cho rằng như thế mới: ngon, ngọt và nhiều chất.

Tuy nhiên, theo BS Lê Văn Thiệu, phở bò tái hoặc bò tái nhúng lẩu, bò bít tết tái là những món ăn khoái khẩu có thể khiến thực khách bị nhiễm sán, cụ thể là sán dây bò.

"Sán dây bò thường ký sinh trong phần thịt nạc của bò và đặc biệt là trong cơ quan nội tạng. Ngoài ra, nó có thể ký sinh lạc chỗ trong một số loài động vật khác như lợn. Do đó, nếu chúng ta ăn các món từ thịt, nội tạng bò, lợn chưa được nấu chín thì hoàn toàn có nguy cơ nhiễm sán", BS Thiệu phân tích.

Ngoài ra, khi ăn nem chua nhưng chưa đủ độ chua cũng có thể khiến bạn đối mặt với nguy cơ này.

Mầm họa trong những món khoái khẩu ngày hè của người Việt - 11

BS Thiệu thông tin thêm: "Khi nem đủ ngày, đủ độ chua axit trong nem có thể tiêu diệt trứng, ấu trùng sán. Tuy nhiên, thị trường hiện nay có nhiều sản phẩm nem chưa lên men đủ ngày đã được chào bán. Trứng, ấu trùng sán trong các sản phẩm này (nếu có) sẽ chưa bị tiêu diệt và khiến người ăn bị nhiễm ký sinh trùng vào người".

Khi sán dây bò vào cơ thể thường ký sinh ở hệ tiêu hóa. Tại đây, sán hút các chất bổ dưỡng và phát triển, chúng tồn tại lâu dài vì thân sán có khả năng đề kháng với các men tiêu protein có trong ruột non. Sán dây bò chiếm thức ăn làm suy yếu cơ thể, đồng thời gây tổn thương tại ruột, viêm ruột, rối loạn tiêu hóa...

Một số trường hợp có các triệu chứng như đau bụng, ăn không ngon, sụt cân hoặc chóng mặt, đau đầu, thiếu máu, thậm chí là hạ huyết áp... Đặc biệt, sán gây ra cảm giác ghê sợ khi người bệnh nhìn thấy đốt sán chui ra khỏi hậu môn, bò ra ngoài.

Mầm họa trong những món khoái khẩu ngày hè của người Việt - 13

Một trong những loại khuẩn gây bệnh quen thuộc nhất là phẩy khuẩn tả (Vibrio cholerae) gây bệnh tả. Người mắc bệnh tả có biểu hiện lâm sàng là tiêu chảy, nôn nhiều lần nhanh chóng dẫn đến mất nước, mất điện giải. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ diễn tiến trụy tim mạch, suy kiệt và tử vong.

Theo Bệnh viện Bạch Mai, chúng ta có nguy cơ cao nhiễm phẩy khuẩn khi ăn các loại hải sản sống như: hàu sống, gỏi cá, gỏi mực… hoặc hải sản không được chế biến đúng cách.

Bên cạnh phẩy khuẩn, hải sản còn là nơi trú ngụ của nhiều loại ký sinh khác như virus viêm gan siêu vi A, giun sán, nếu ăn hải sản không nấu chín kĩ thì có nguy cơ mắc các bệnh kí sinh trùng, viêm gan A…

Mầm họa trong những món khoái khẩu ngày hè của người Việt - 15

Ngay cả với các loại hải sản đã nấu chín cũng nên ăn sớm sau khi chế biến, bởi chúng sẽ nhanh chóng bị vi khuẩn bên ngoài xâm nhập và phát triển. Một số loại hải sản như cá thu, cá ngừ nếu bị nhiễm khuẩn thì thịt cá bị biến thành chất độc Histamine, nếu ăn vào sẽ gây đỏ da, nóng bừng, đau đầu, khó thở…

Đặc biệt, mùa hè, các nhà hàng thường đông đúc nên vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong khâu sơ chế nguyên liệu, cũng như khâu chế biến thường không được đảm bảo, nên tiềm ẩn nguy cơ các loại vi khuẩn từ môi trường lẫn vào thực phẩm hoặc các loại vi khuẩn có sẵn trong thực phẩm chưa được tiêu diệt hết vì nấu không kỹ.

Ngoài ra, với các loại thực phẩm giàu chất đạm như hải sản, quá trình bảo quản không đảm bảo thì cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc.

Mầm họa trong những món khoái khẩu ngày hè của người Việt - 17

Các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần đảm bảo ăn chín uống sôi, không nên ăn sống, ăn tái mà cần nấu chín kỹ để loại trừ nguy cơ nhiễm sán ký sinh cũng như nguy cơ ngộ độc.

Khi ăn ở nhà hàng cần lựa chọn các cơ sở uy tín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó cần chú ý đảm bảo xử lý phân, nuôi nhốt vật nuôi tránh thả rông, rửa rau sạch và ngâm nước muối pha loãng (có thể làm trứng giun sán chết hoặc hư hỏng trong môi trường nước muối).

Ngoài ra, nhiều người lầm tưởng rằng lợn rừng, "lợn sạch" ở quê hay tiết canh nhà làm sẽ không còn đáng ngại, nên vẫn vô tư thưởng thức món khoái khẩu.

Tuy nhiên, theo BS Phạm Văn Phúc, đây là một quan niệm hết sức nguy hiểm.

Mầm họa trong những món khoái khẩu ngày hè của người Việt - 19

"Lợn nuôi sạch không đồng nghĩa với vi khuẩn gây bệnh không tồn tại trong lợn. Liên cầu khuẩn lợn đôi khi không gây bệnh trên con vật, nhưng có thể gây bệnh với người có sức đề kháng kém", BS Phúc cho hay.

Bên cạnh đó, cũng có không ít người lựa chọn tiết canh gia cầm (tiết canh vịt, tiết canh ngan…) cho "an toàn" vì nghĩ rằng không có nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn.

Theo BS Phúc, cách làm này khiến người dân "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa".

"Trong tiết canh gia cầm dù không có liên cầu khuẩn nhưng lại tồn tại nhiều mầm bệnh nguy hiểm không kém như: tiêu chảy, tả, lỵ, giun sán… Đặc biệt là quá trình cắt tiết, chế biến thức ăn không đảm bảo vệ sinh dễ dẫn đến vi khuẩn trên da, lông động vật dễ dàng xâm nhập vào máu", BS Phúc nhấn mạnh.

Nội dung: Minh Nhật

Thiết kế: Đỗ Diệp