Hà Nội: Nhiều người nhập viện, nguy kịch vì đợt rét "chớp nhoáng"
(Dân trí) - Nhiệt độ đột ngột giảm sâu cộng với yếu tố nguy cơ từ bệnh nền khiến nhiều người cao tuổi phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Đang ngồi ở nhà, ông Phương (tên nhân vật đã được thay đổi), 70 tuổi, sống tại Tây Hồ, Hà Nội bất ngờ lên cơn khó thở, mặt tím tái và dần mất ý thức.
Phát hiện tình trạng bất thường, gia đình tức tốc đưa ông Phương đến Bệnh viện Phổi Trung ương cấp cứu.
Đang chăm sóc bố tại bệnh viện, chị Hà (con gái ông Phương) chia sẻ: "Bố tôi có tiền sử phổi tắc nghẽn mãn tính, cũng thường xuyên bị lên cơn khó thở, ho có đờm. Tuy nhiên, đợt lạnh lần này, ông diễn biến nặng nhất, khiến cả gia đình hốt hoảng. Mùa lạnh những năm trước, các triệu chứng của ông gia tăng nhưng cũng chỉ phải vào viện khám rồi về nhà uống thuốc".
Sau khi vượt qua tình trạng nguy hiểm, ông Phương được chuyển lên Khoa Bệnh phổi mạn tính để tiếp tục điều trị.
Nhiệt độ bất ngờ giảm sâu khiến lượng bệnh nhân nhập viện vì bệnh đường hô hấp tại Khoa Bệnh phổi mạn tính nói riêng và Bệnh viện Phổi Trung ương nói chung gia tăng.
Tại Khoa Bệnh phổi mạn tính thường xuyên có 55 giường bệnh, lúc nào cũng kín giường. Hiện có 15 bệnh nhân phải thở máy không xâm nhập, số còn lại cũng phải can thiệp thở oxy không xâm nhập. Trên 25% bệnh nhân nặng và nguy kịch, đặc biệt thời điểm tháng 10 - 11 số bệnh nhân nặng có sự gia tăng đáng kể.
Chia sẻ với PV Dân trí, BS Vũ Văn Thành - Trưởng Khoa Bệnh Phổi mạn tính cho hay: "Trong một tuần gần đây, thời tiết miền Bắc chuyển lạnh sâu. Do vậy, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh lý hô hấp nhập viện ở các cơ sở y tế đều gia tăng. Riêng tại khoa chúng tôi, số lượng bệnh nhân liên quan mật thiết với các yếu tố môi trường đến khám và điều trị tăng rõ rệt".
Theo BS Thành, trước đây, khoa điều trị cho khoảng 200 bệnh nhân nội trú/tháng. Tuy nhiên, trong tháng vừa qua, con số này đã tăng 130%.
Lý giải về vấn đề này, theo BS Thành, sự thay đổi thời tiết đột ngột là yếu tố nguy cơ đối với các bệnh lý đường hô hấp.
"Phổi là cơ quan trực tiếp "thông thương" với môi trường bên ngoài khi chúng ta hít thở. Tất cả những thay đổi bên ngoài môi trường đều ảnh hưởng tới phổi. Đặc biệt là đối với các trường hợp có sức đề kháng kém như: người cao tuổi, người có bệnh nền (điển hình như hen phế quản, phổi tắc nghẽn mãn tính, giãn phế quản... rất dễ tổn thương khi thời tiết giao mùa", BS Thành phân tích.
Trường hợp của ông Hà (tên nhân vật đã được thay đổi), 65 tuổi ở Triệu Sơn, Thanh Hóa là một ví dụ điển hình. Gió mùa tràn về khiến nền nhiệt đột ngột giảm sâu, kèm thêm bệnh nền phổi tắc nghẽn mãn tính đã mắc 15 năm nay, khiến ông phải vào bệnh viện tỉnh cấp cứu vì khó thở.
Sau đó, ông tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Phổi Trung ương vì tình trạng nặng. Tại đây, ông Hà được xác định nồng độ CO2 trong phổi đã quá cao. Các bác sĩ phải can thiệp đặt ống nội khí quản cho bệnh nhân thở máy xâm nhập.
Đến nay, sau khoảng một tuần điều trị, sức khỏe của ông Hà đã dần ổn định, không còn phải can thiệp thở máy xâm lấn.
Một vấn đề khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp trong giai đoạn hiện nay, theo BS Thành, là do khi thời tiết lạnh việc bảo vệ tại chỗ giảm sút. Trong khi đó, môi trường của chúng ta có chứa rất nhiều chất độc hại vô cơ, hữu cơ, vi sinh…
"Hàng ngày, môi trường chúng ta luôn trong tình trạng báo động ô nhiễm. Khi các trường hợp có bệnh lý nền bị yếu tố bảo vệ giảm sút, khiến bùng phát cấp tính bệnh mãn tính, nhiễm trùng", BS Thành phân tích, "Đối với bệnh nhân có bệnh lý nền thì tình trạng bệnh lại càng trầm trọng".
Thời điểm vào viện, một số tỷ lệ không nhỏ các bệnh nhân đều ở tình trạng bệnh nặng, nguy kịch.
"Ví dụ, bệnh viêm phổi do các vi khuẩn có độc lực mạnh bùng phát nhiễm trùng nặng hoặc bệnh nhân có những đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen cấp có tình trạng suy hô hấp phải thở máy", BS Thành thông tin.
Đa phần các bệnh nhân nhập viện đều là những đối tượng nguy cơ cao như: người cao tuổi, người có bệnh nền...
BS Thành chia sẻ: "Ở khoa bệnh phổi mãn tính, khi bệnh nhân phải vào nhập viện, trường hợp nhẹ phải thở oxy, nặng phải thở máy. Sau quá trình điều trị, đa số các bệnh nhân thoát đợt cấp và được ra viện. Tuy nhiên, cũng có những bệnh nhân nặng phải đặt ống nội khí quản".
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, trong thời tiết cực đoan hiện nay, mọi người đặc biệt là người có nguy cơ cao cần tuân thủ chặt chẽ các phương pháp phòng bệnh, cũng như đảm bảo chế độ dinh dưỡng khoa học để tăng sức đề kháng, ngăn ngừa bệnh tật.