Giải ngân 941 tỷ đồng cho các bệnh viện ở TPHCM sau phản ánh của Dân trí
(Dân trí) - Toàn bộ 941 tỷ đồng còn lại của dự toán kinh phí chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 08 do UBND TPHCM giao cho ngành y tế năm 2024, đã được giải ngân đến các bệnh viện.
Ngày 20/11, nguồn tin tại Sở Y tế TPHCM chia sẻ với phóng viên Dân trí, cơ quan này đã làm thủ tục giải ngân toàn bộ kinh phí chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 08 của HĐND TPHCM năm 2024, đến tất cả các bệnh viện nằm trong diện được ngân sách nhà nước hỗ trợ.
Giải ngân toàn bộ tiền Nghị quyết 08 cho các bệnh viện ở TPHCM
Theo đó, sau khi nắm thông tin từ các phản ánh của Báo Dân trí, Sở Y tế TPHCM đã thực hiện rà soát, hướng dẫn các bệnh viện bổ sung hồ sơ đúng quy định, để gửi các quyết định phân bổ kinh phí cho từng đơn vị đến Sở Tài chính TPHCM.
Đại diện phòng Kế hoạch tài chính, Sở Y tế TPHCM cho biết, các kinh phí đều được giải ngân theo đúng quy định của Nghị quyết 08, căn cứ vào số liệu tài chính của các đơn vị, với hệ số 1,5 lần lương cho viên chức và 3 triệu đồng cho nhân viên hợp đồng phục vụ.
Trước khi chi, các đơn vị phải đánh giá xếp loại nhân sự, những ai hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mới được nhận mức chi với hệ số tối đa, còn nhân viên hoàn thành tốt sẽ được chi 80% mức tối đa (hệ số 1,2).
"Hiện tiền đã chuyển về hết. Sở Y tế TPHCM đã nhắc nhở các đơn vị phải sớm chi để đảm bảo quyền lợi cho anh em, thực hiện sự quan tâm của lãnh đạo Thành phố đến nhân viên y tế", vị trên nói.
Cùng ngày, đại diện Sở Tài chính TPHCM thông tin với phóng viên, cơ quan này đã chuyển toàn bộ kinh phí dựa vào các quyết định phân bổ dự toán tiền thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 08 cho các bệnh viện của Sở Y tế.
Cụ thể, hơn 941 tỷ đồng còn lại, trong tổng số hơn 1.429 tỷ đồng được UBND TPHCM giao kinh phí chi thu nhập tăng thêm cho Sở Y tế trong năm 2024, đã được Sở Tài chính TPHCM bàn giao hết.
Trước đó, tính đến ngày 6/11, Sở Tài chính TPHCM đã nhập dự toán trên hệ thống TABMIS (hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc tích hợp) cho các đơn vị y tế số tiền hơn 487 tỷ đồng. Tất cả đều căn cứ theo những quyết định giao dự toán kinh phí chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 08 của Sở Y tế.
Cũng trong ngày 20/11, bác sĩ chuyên khoa 2 Cao Tấn Phước, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức xác nhận, đơn vị đã được giải ngân kinh phí thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 08 toàn bộ 4 quý của năm 2024.
Theo bác sĩ Phước, đơn vị đã chi xong tiền 2 quý đầu năm cho hơn 800 nhân viên y tế và đang tiến hành các thủ tục chi tiếp quý 3. Riêng quý 4 sẽ được tiến hành chi khi hết tháng 12 và đánh giá nhân sự theo quy định.
"Sở Y tế TPHCM đã giao hết ngân sách năm 2024. Sau đó căn cứ theo tình hình thực tế, kinh phí dư hay thiếu đủ thế nào, bệnh viện sẽ làm quyết toán với Sở Y tế vào cuối năm. Dự kiến tuần sau, bệnh viện sẽ chi quý 3 cho nhân viên", bác sĩ Phước thông tin.
Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức đã nhận kinh phí chi tiền Nghị quyết 08 cả 4 quý của năm (Ảnh: Hoàng Lê).
Lãnh đạo Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) xác nhận, nơi đây đã được cơ quan chức năng giải ngân toàn bộ tiền Nghị quyết 08 của năm 2024 (hơn 70 tỷ đồng). Nhiều nhân viên y tế của đơn vị chia sẻ niềm vui với phóng viên vì đã được nhận tiền Nghị quyết 08 các quý trong năm, sau hơn 10 tháng chờ đợi.
Vì sao chậm chi?
Trước đó, lý giải về nguyên nhân có một số bệnh viện bị chậm nhận tiền thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 08 trong văn bản phản hồi các câu hỏi của Báo Dân trí, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, ngày 19/9/2023, HĐND TPHCM ban hành Nghị quyết 08/2023/NQ-HĐND về quy định chi thu nhập tăng thêm đặc thù của Thành phố.
Đến ngày 8/12/2023, HĐND TPHCM ban hành Nghị quyết 31/2023/NQ-HĐND quy định về tỷ lệ trích lập nguồn cải cách tiền lương của các đơn vị sự nghiệp công lập là 40%, riêng lĩnh vực y tế thì tiếp tục khảo sát, lấy ý kiến để đề xuất mức phù hợp.
Do đó, trong giai đoạn đầu năm, Sở Y tế chưa có cơ sở để cấp nguồn cải cách tiền lương cho các đơn vị, vì chưa có quy định về tỷ lệ trích lập nguồn cải cách tiền lương cho ngành y tế.
Sở Y tế và Sở Tài chính đã cùng phối hợp chuẩn bị nội dung, rà soát số liệu để tham mưu UBND TPHCM, trình HĐND TPHCM ban hành Nghị quyết 18/2024/NQ-HĐND quy định về tỷ lệ trích nguồn thu được để lại, để tạo nguồn cải cách tiền lương đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập có số thu lớn do TPHCM quản lý, tại kỳ họp ngày 27/9.
Để có cơ sở, xem xét cấp bổ sung kinh phí, Sở Y tế đã ban hành Công văn số 1035/SYT-KHTC ngày 8/10 đề nghị Giám đốc các đơn vị trực thuộc và khẩn trương rà soát, xác định lại nguồn và nhu cầu chi Nghị quyết số 08/2024/NQ-HĐND, báo cáo về Sở Y tế đối với trường hợp thiếu nguồn.
Nhân viên y tế Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã có tiền Nghị quyết 08 sau hơn 10 tháng chờ đợi (Ảnh: Hoàng Lê).
Đến ngày 7/11, Sở Y tế đã ban hành các quyết định phân bổ kinh phí cho 28 đơn vị với số tiền 776 tỷ đồng, song song với việc tiếp tục xem xét, ban hành quyết định phân bổ dự toán trước ngày 15/11, đối với các đơn vị gửi hồ sơ trễ so với thời hạn quy định. Và đến nay, các đơn vị đã nhận đủ tiền.
Giải pháp giúp các bệnh viện tháo gỡ khó khăn về kinh phí
Cũng theo Sở Y tế TPHCM, từ trước đến nay, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chưa được tính đúng, tính đủ, làm cho các đơn vị có nguồn thu chủ yếu từ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế gặp khó khăn, và càng khó khăn hơn khi kể từ ngày 1/7 mức lương cơ sở mới tăng lên 2,23 triệu đồng mà chưa được kết cấu vào giá.
Sở Y tế TPHCM đã kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về bất cập trên. Đến ngày 17/10, Bộ Y tế ban hành Thông tư 21/2024/TT-BYT quy định về phương pháp xác định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và Bộ Y tế đang thực hiện điều chỉnh giá khám bệnh, chữa bệnh theo mức lương cơ sở mới cho các cơ sở y tế thuộc Bộ, ngành Trung ương.
Đây là cơ sở để Sở Y tế trình HĐND TPHCM tại kỳ họp cuối năm 2024 Nghị quyết về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mới đối với các cơ sở y tế công lập, để tháo gỡ về nguồn kinh phí khi thực hiện chính sách tăng lương.
Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được tính đúng, tính đủ đã quy định trong Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2023. Tuy nhiên việc thực hiện này cần phải có lộ trình, vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố kinh tế, xã hội và do Bộ Y tế, Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ quyết định.
Vì vậy, trong thời gian chờ ban hành giá khám bệnh, chữa bệnh được tính đúng, tính đủ thì Nghị quyết 18/2024/NQ-HĐND cũng là một trong những giải pháp mà Sở Y tế đã tham mưu Thành phố, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các bệnh viện.
Bên cạnh đó, hiện nay Sở Y tế đang trình UBND TPHCM một số giải pháp để giúp các cơ sở y tế tự chủ bền vững, như ngân sách hỗ trợ kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị y tế, kinh phí tiếp nhận, vận hành cơ sở mới cho các đơn vị tự chủ nhóm 2; các dự án đầu tư, phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ thông tin cho các cơ sở y tế theo định hướng phát triển chung của toàn ngành.
Sở Y tế TPHCM đề nghị các đơn vị chủ động tăng cường các giải pháp quản lý tài chính, như: nâng cao năng lực quản lý tài chính; tăng nguồn thu chính đáng từ phát triển chuyên môn kỹ thuật; thực hiện tiết kiệm và chống lãng phí bằng cách cải thiện quy trình chăm sóc, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực, thiết lập tiêu chuẩn và định mức chi tiêu, tinh gọn cơ cấu tổ chức, sắp xếp lại bộ máy và nhân sự, thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trên mọi lĩnh vực.
Theo Quyết định về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 do ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM ký ban hành ngày 13/11, nhiều đơn vị tự chủ tài chính nhóm 2 thiếu nguồn đã đề nghị Ngân sách nhà nước cấp kinh phí.
Đó là Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn, Bệnh viện quận Phú Nhuận, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện huyện Nhà Bè, Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi, Bệnh viện Nguyễn Trãi, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Tâm Thần, Bệnh viện An Bình, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện TP Thủ Đức, Phòng khám Sức khỏe sinh sản Kế hoạch hóa gia đình.
Tại Quyết định trên, Sở Y tế TPHCM đã điều chỉnh giảm dự toán kinh phí sự nghiệp tại Văn phòng Sở, số tiền hơn 4,4 tỷ đồng để tăng dự toán kinh phí luân phiên có thời hạn (Đề án 1816); kinh phí chăm sóc sức khỏe cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo; kinh phí phòng, chống dịch; kinh phí chi Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐND cho các đơn vị trực thuộc.
Sở Y tế TPHCM cũng điều chỉnh giảm dự toán kinh phí nguồn cải cách tiền lương tại Văn phòng Sở, số tiền hơn 259 tỷ đồng, để tăng dự toán kinh phí nguồn cải cách tiền lương chi Nghị quyết 08/2023/NQ-HĐND, tăng kinh phí quỹ tiền thưởng cho các đơn vị trực thuộc.