DNews

Nhiều bệnh viện ở TPHCM 10 tháng chưa có tiền Nghị quyết 08: "Gồng hết nổi"

Hoàng Lê

(Dân trí) - Nhiều bệnh viện đã làm hồ sơ xin hỗ trợ kinh phí theo Nghị quyết 08 của Hội đồng nhân dân TPHCM từ đầu năm, nhưng đến nay chưa được giải ngân, khiến cuộc sống của nhân viên y tế gặp khó khăn.

Nhiều bệnh viện ở TPHCM 10 tháng chưa có tiền Nghị quyết 08: "Gồng hết nổi"

Những ngày qua, phóng viên Dân trí nhận được phản ánh của nhân viên y tế các bệnh viện trên địa bàn TPHCM, cho biết bị chậm, thậm chí chưa nhận được khoản tiền thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 08 của Hội đồng nhân dân TPHCM, từ đầu năm đến nay.

Không nhận được tiền chi Nghị quyết 08, nhân viên y tế mượn nợ để sống

Như trường hợp của chị B. (tên đã thay đổi), nhân viên y tế Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) cho biết, đã hết quý 3 nhưng chị vẫn chưa được nơi mình làm việc chuyển một đồng thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 08. Suốt 10 tháng nay, việc chi tiêu của chị chủ yếu dựa vào lương cơ bản và một vài khoản phụ cấp nhỏ, tổng chỉ vài triệu đồng/tháng.

Điều này khiến cuộc sống của nữ viên chức gặp bất ổn.

"Tôi phải vay mượn gia đình và bạn bè để cầm cự, ăn uống dè sẻn từng đồng, trong khi các khoản nợ dự tính đã trả xong từ đầu năm cũng phải xin khất. Ba quý thu nhập tăng thêm của tôi dự tính lên đến 50-60 triệu đồng.

Tôi mong sớm được nhận khoản tiền trên để trang trải cuộc sống. Nhiều đồng nghiệp của tôi ở bệnh viện cũng khó khăn, đã rục rịch muốn nghỉ", chị B. bày tỏ.

Nhiều bệnh viện ở TPHCM 10 tháng chưa có tiền Nghị quyết 08: Gồng hết nổi - 1

Nhân viên y tế làm việc tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Ảnh: Hoàng Lê).

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) xác nhận, từ đầu năm, đơn vị này chưa chi tiền thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 08 cho viên chức, người lao động nằm trong biên chế của đơn vị.

Vị trên lý giải, cuối năm 2023, Nghị quyết 08/2023/NQ-HĐND được Hội đồng nhân dân TPHCM ban hành thay thế cho Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND về quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức trước đây.

Để thực hiện Nghị quyết này, các bệnh viện tự chủ tài chính nhóm 2-3 (tự chủ chi thường xuyên và tự chủ một phần) gửi báo cáo tài chính, hồ sơ dự trù kinh phí cần chi cụ thể của từng đơn vị về Sở Y tế TPHCM, theo số lượng, xếp loại viên chức và thâm niên.

Nếu bệnh viện không thể tự chủ chi, số tiền thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 08 của đơn vị sẽ được ngân sách Thành phố hỗ trợ.

Theo đại diện Bệnh viện Lê Văn Thịnh, từ khi quy định tiền lương cơ sở tăng lên 30%, bệnh viện đã phải gồng gánh, "vật vã" rất nhiều để xoay xở. Trong khi đó, cơ cấu giá khám chữa bệnh không đổi. Vì vậy, đơn vị này không thể chi nổi khoản tiền Nghị quyết 08 cho hơn 600 nhân viên biên chế.

Từ đầu năm, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã gửi hồ sơ về Sở Y tế để xin ngân sách Thành phố duyệt chi tiền Nghị quyết 08 cho các nhân viên, nhưng đến nay vẫn chưa được giải ngân quý nào.

Nhiều bệnh viện ở TPHCM 10 tháng chưa có tiền Nghị quyết 08: Gồng hết nổi - 2

Nhân viên y tế trực đêm tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Ảnh: Hoàng Lê).

"Một số bệnh viện nộp hồ sơ sớm đợt 1 đã may mắn được duyệt chi. Còn bệnh viện chúng tôi chưa được giải ngân đồng nào, hồ sơ và danh sách gửi lâu lắm rồi. Tổng số tiền đề xuất cho cả 3 quý lên đến hơn 30 tỷ đồng.

Chúng tôi cũng rất nôn nóng, nếu có tiền sẽ phát cho nhân viên liền. Mong thành phố sớm xem xét duyệt chi, để anh em an tâm làm việc. Chúng tôi đã họp Công đoàn, họp Đảng ủy Ban giám đốc mở rộng, giải thích rõ với mọi người rằng bệnh viện hiện không có khả năng tự chi", vị trên nói.

Để tạm thời giải quyết khó khăn của nhân viên, phía Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, đơn vị sẽ cân đối các nguồn quỹ khác ngoài quỹ cải cách tiền lương để cho viên chức, người lao động tạm ứng nếu có nhu cầu.

Tương tự, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức cũng chia sẻ, nơi đây chưa được ngân sách Thành phố rót khoản tiền Nghị quyết 08 của quý nào trong năm.

Đại diện Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức cho rằng, sau khi lương tăng và quy định số phần trăm ngân sách được giữ lại quỹ cải cách tiền lương và các quỹ khác có sự thay đổi, nên cơ quan chức năng vẫn đang trong thời gian xác định số tiền cụ thể bệnh viện được giữ lại là bao nhiêu. Từ đó mới có thể phê duyệt các khoản hỗ trợ để chi cho viên chức.

Có hơn 800 nhân viên nằm trong diện được nhận tiền, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức đã cố gắng cân đối các nguồn tiền để ứng trước cho viên chức 1 quý thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 08. Đơn vị đang chờ được nhận kinh phí từ Thành phố để tiếp tục chi quý 2, quý 3.

Nhiều bệnh viện ở TPHCM 10 tháng chưa có tiền Nghị quyết 08: Gồng hết nổi - 3
Nhiều bệnh viện ở TPHCM 10 tháng chưa có tiền Nghị quyết 08: Gồng hết nổi - 4

Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức đã tạm chi quý 1 tiền thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 08 cho nhân viên (Ảnh: Hoàng Lê).

"Gồng" hết nổi

Một thành viên trong Ban giám đốc Bệnh viện quận 11 phân tích, hàng quý, các bệnh viện công lập trên địa bàn sẽ gửi báo cáo tài chính chi tiết lên Sở Y tế TPHCM để tổng hợp, phân loại theo từng nhóm. Đối với đơn vị tự chủ tài chính nhưng không có nguồn chi, ngân sách sẽ cấp tiền dựa trên hồ sơ đề nghị xét duyệt do bệnh viện gửi lên.

Bệnh viện quận 11 nằm trong diện ngân sách không hỗ trợ, vì còn nguồn chi ở quỹ cải cách tiền lương. Từ đầu năm nay, mỗi quý đơn vị đều cố gắng chi đủ cho các viên chức. Tuy nhiên từ 1/7, tiền lương cơ sở đã tăng 30% kéo theo các phụ cấp nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, ngân sách chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 08 cũng đội lên cao.

Do đó, Bệnh viện quận 11 dự kiến chỉ chi khoản này được đến hết năm, vì đã "gồng hết nổi".

"Tổng nhân viên của Bệnh viện khoảng 600 người, biên chế được chi tiền Nghị quyết 08 là hơn 300 nhân viên. Mỗi quý, chúng tôi chi tổng cộng khoảng 6 tỷ đồng. Trong khi lương cơ sở tăng mà giá khám chữa bệnh chưa tính đúng, tính đủ, bệnh viện phải cố gắng tiết kiệm nhất có thể, từ chi phí điện nước đến cơ sở vật chất, trang thiết bị, triệt để chống lãng phí.

Ngoài ra, chúng tôi chủ động tham gia đấu thầu các hợp đồng khám sức khỏe dịch vụ bên ngoài, để khai thác thêm nguồn thu, sau khi đã đảm bảo hoạt động tại bệnh viện", đại diện Bệnh viện quận 11 nói.

Còn lãnh đạo Bệnh viện TP Thủ Đức thống kê, đơn vị có gần 1.500 nhân viên, với khoảng 1.200 người trong biên chế, còn lại là lao động hợp đồng. Từ đầu năm, bệnh viện đã gửi danh sách và nộp hồ sơ về tình hình tài chính lên Sở Y tế, để xin kinh phí hỗ trợ chi Nghị quyết 08 tối đa cho nhân viên (hệ số 1,8), nhưng đến giờ chưa được duyệt.

Nhiều bệnh viện ở TPHCM 10 tháng chưa có tiền Nghị quyết 08: Gồng hết nổi - 5

Nhân viên y tế làm việc tại Bệnh viện TP Thủ Đức (Ảnh: Hoàng Lê).

Bệnh viện TP Thủ Đức đã cố gắng dùng nguồn quỹ của mình cân đo đong đếm để chi cho nhân viên. Cụ thể, quý 1 đơn vị chi với hệ số 0,7; quý 2 chi theo hệ số 0,875. Đến quý 3, vì tài chính eo hẹp và lương cơ bản tăng, đơn vị chỉ còn chi được với hệ số 0,5. Tuy nhiên, số tiền cho quý này cũng lên đến 15 tỷ đồng.

"Chỉ mong thành phố hỗ trợ ngân sách để chi tối đa hệ số thu nhập tăng thêm phần còn lại theo Nghị quyết 08 cho nhân viên y tế, để đời sống nhân viên y tế được cải thiện. Vậy là mừng lắm rồi", vị trên hy vọng.

Đại diện Bệnh viện Lê Văn Việt (TP Thủ Đức) chia sẻ, nơi này chỉ có khoảng 160 nhân viên nằm trong diện được chi tiền theo Nghị quyết 08, với kinh phí gần 2 tỷ đồng/quý. Do đó, từ đầu năm, đơn vị đã tự chủ khoản này. Tuy nhiên, với tình hình khó khăn hiện tại, trong quý 4, Bệnh viện Lê Văn Việt sẽ xin hỗ trợ từ ngân sách Thành phố.

Thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 08 là gì?

Ngày 19/9/2023, Nghị quyết 08/2023/NQ-HĐND đã được Hội đồng nhân dân TPHCM ban hành. Nghị quyết này quy định chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Nghị quyết 08 áp dụng với nhiều đối tượng, trong đó có cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập do TPHCM quản lý.

Việc chi thu nhập tăng thêm diện này sẽ theo hệ số, căn cứ vào mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ của cán bộ, công chức, viên chức; với người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động sẽ chi theo mức tiền cụ thể.

Mức chi tối đa là 1,8 lần mức lương ngạch, bậc, chức vụ và không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý của Thành phố.

Về kinh phí thực hiện, từ năm 2024 đến hết thời gian thí điểm theo Nghị quyết số 98/2023/QH15, khi xây dựng dự toán ngân sách hàng năm, sau khi Thành phố bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội theo quy định; trên cơ sở nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách Thành phố và quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý, Ủy ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân TPHCM bố trí dự toán chi thu nhập tăng thêm, trong dự toán ngân sách.