"Đại dịch" béo phì đang bùng phát trên toàn cầu
(Dân trí) - Thế giới đang đứng trước cuộc khủng hoảng béo phì khi tỷ lệ này đã tăng gần gấp 3 kể từ năm 1975. Tốc độ tăng dựng đứng này cũng tương tự tại Việt Nam, tăng gấp đôi trong vòng 10 năm.
Ngày 4/3 hàng năm được chọn là Ngày Thế giới phòng chống béo phì. Mục đích khuyến khích các giải pháp thiết thực để giúp mọi người đạt được và duy trì cân nặng khỏe mạnh, thực hiện phương pháp điều trị thích hợp và đẩy lùi cuộc khủng hoảng béo phì.
Hơn một nửa dân số thế giới sẽ bị thừa cân, béo phì vào năm 2035
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ béo phì đã tăng gần gấp ba kể từ năm 1975 và tăng gần gấp 5 lần ở trẻ em và thanh thiếu niên, ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi thuộc mọi nhóm xã hội ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Ước tính có 4 triệu người chết mỗi năm do béo phì.
Trên toàn thế giới có hơn 1 tỷ người mắc bệnh béo phì, gồm 650 triệu người lớn, 340 triệu thanh thiếu niên và 39 triệu trẻ em.
Liên đoàn Béo phì Thế giới dự đoán đến năm 2030, cứ 5 phụ nữ thì có 1 người bị béo phì, ở nam giới là cứ 7 người có 1 người bị béo phì. Ngoài ra, 51% thế giới, tương đương hơn 4 tỷ người, sẽ bị béo phì hoặc thừa cân vào năm 2035 nếu không có hành động can thiệp kịp thời. Cứ 4 người trong chúng ta sẽ có 1 người sống chung với bệnh béo phì vào năm 2035.
Tỷ lệ béo phì đang gia tăng nhanh chóng ở trẻ em và các nước có thu nhập thấp. Tình trạng béo phì ở trẻ em có thể tăng hơn gấp đôi so với mức năm 2020, lên 208 triệu bé trai và 175 triệu bé gái vào năm 2035.
Theo Forbes, hiện nay, nhiều người mắc bệnh béo phì hơn là thiếu cân ở mọi khu vực trên thế giới, ngoại trừ khu vực châu Phi cận Sahara và châu Á. Điều đó cho thấy đây là vấn đề sức khỏe phổ biến ở cả các nước phát triển và đang phát triển.
Tỷ lệ béo phì ở Mỹ gia tăng trong đại dịch Covid-19, tăng 3% trong khoảng thời gian từ tháng 3/2020 đến tháng 3/2021.
Tương lai bệnh tật chỉ vì thừa cân, béo phì
PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế, cho biết, thừa cân, béo phì đã trở thành một vấn nạn trên toàn cầu, một "đại dịch" có tính chất toàn cầu. Tốc độ tăng theo hình dựng đứng.
Cụ thể, trước năm 1970, tỷ lệ béo phì ở học sinh 5-19 tuổi chỉ khoảng 2% thì nay là 16%. Như vậy, cứ cách 10 năm tăng gấp 2-3 lần.
Tại Việt Nam, sau 10 năm tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi tăng 1,5 lần (từ 5,6% vào năm 2010 lên 7,4% vào năm 2020). Con số này ở trẻ 5-19 tuổi cũng tăng gấp đôi (từ 8,5% lên 19%). Đặc biệt, tại TPHCM cứ 2 trẻ sẽ có 1 trẻ bị thừa cân, béo phì.
Tương tự, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở người lớn cũng tăng gần gấp đôi sau 10 năm (từ 12% lên 19,6%).
Hơn 1.230 tỷ đồng và 2.553 tỷ đồng là chi phí trực tiếp và gián tiếp cho điều trị bệnh béo phì tại Việt Nam.
"Trẻ em là tương lai của đất nước, vì thế chúng ta rất cần quan tâm đến vấn đề thừa cân béo phì. Nếu cứ để tốc độ này thì sau 10 năm tỷ lệ thừa cân, béo phì ở lứa tuổi học đường sẽ tăng gấp đôi", PGS Mai nhấn mạnh.
WHO cũng nhấn mạnh, tỷ lệ béo phì lại đáng lo ngại là vì tình trạng này có liên quan đến rất nhiều tình trạng bệnh lý khác. Béo phì khiến con người gặp phải tình trạng kháng insulin, vốn là nền tảng của nhiều loại bệnh tật và thúc đẩy bệnh tiến triển. Những mối lo ngại về sức khỏe như vậy bao gồm bệnh tiểu đường túyp 2, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh thận và bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
Tại Việt Nam, sau 10 năm tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi tăng 1,5 lần (từ 5,6% vào năm 2010 lên 7,4% vào năm 2020). Con số này ở trẻ 5-19 tuổi cũng tăng gấp đôi (từ 8,5% lên 19%). Đặc biệt, tại TPHCM cứ 2 trẻ sẽ có 1 trẻ bị thừa cân, béo phì.
Tương tự, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở người lớn cũng tăng gần gấp đôi sau 10 năm (từ 12% lên 19,6%).
Hơn 1.230 tỷ đồng và 2.553 tỷ đồng là chi phí trực tiếp và gián tiếp cho điều trị bệnh béo phì tại Việt Nam.
"Trẻ em là tương lai của đất nước, vì thế chúng ta rất cần quan tâm đến vấn đề thừa cân béo phì. Nếu cứ để tốc độ này thì sau 10 năm tỷ lệ thừa cân, béo phì ở lứa tuổi học đường sẽ tăng gấp đôi", PGS Mai nhấn mạnh.
WHO cũng nhấn mạnh, tỷ lệ béo phì lại đáng lo ngại là vì tình trạng này liên quan đến rất nhiều tình trạng bệnh lý khác. Béo phì khiến con người gặp phải tình trạng kháng insulin, vốn là nền tảng của nhiều loại bệnh tật và thúc đẩy bệnh tiến triển. Những mối lo ngại về sức khỏe như vậy bao gồm bệnh tiểu đường túyp 2, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh thận và bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
Theo nghiên cứu trên Tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, béo phì liên quan đến 30-53% số ca mắc bệnh tiểu đường mới ở nước này mỗi năm.
Béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên có hại cho quá trình trao đổi chất trong tương lai và có thể làm giảm tuổi thọ của một người nhiều năm. Đó là một vấn đề nghiêm trọng.
GS.TS Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, cho biết, trẻ em bị béo phì ngoài thân hình không đẹp, trẻ còn mắc các rối loạn chuyển hóa mỡ máu, đường… Vì thế, trẻ có thể bị tăng huyết áp sớm, tiểu đường sớm… Hiện nay, chúng ta đang cảnh báo nhiều về tình trạng trẻ hóa trong các bệnh tim mạch, tiểu đường, xương khớp.
"Trẻ đang trong giai đoạn phát triển bộ xương, nếu thêm cân nặng quá lớn, đè lên toàn bộ khung xương có thể gây ra gãy xương, xương bị giòn, ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ. Trẻ béo phì cũng lười tập luyện, từ đó ảnh hưởng đến chiều cao hoặc dẫn đến nguy cơ cao mắc các bệnh mãn tính không lây sau này", GS Hương phân tích.
Béo phì - hệ lụy "đắng" từ đồ uống có đường
Tỷ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ em Việt Nam đã tăng gấp đôi trong 10 năm cùng với đó là gần 1/3 trẻ em tiêu thụ nước ngọt thường xuyên ít nhất 1 lần/ngày. Mức tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam đã tăng gấp 7 lần trong 15 năm qua.
Một trong những nguyên nhân gây thừa cân béo phì không thể không cảnh báo đó là tình trạng tiêu dùng thiếu kiểm soát đồ uống có đường. Nhiều công trình nghiên cứu đã khẳng định mối liên quan thuận chiều giữa việc tiêu thụ các loại đồ uống có đường với hàm lượng mỡ cơ thể hay tình trạng béo phì.
Cụ thể, chỉ cần 1% tăng lên của mức tiêu thụ nước ngọt trên toàn cầu dẫn đến 4,8% thừa cân, 2,3% béo phì, 0,3% mắc bệnh tiểu đường ở người trưởng thành. Chỉ cần uống 1 lon nước ngọt/ngày bạn đã có thể tích tới 6,75kg cân nặng trong vòng 1 năm.
Nghiên cứu tại các nước cho thấy mối liên quan thuận chiều giữa tăng tiêu thụ nước ngọt và cân nặng, tăng vòng eo, tăng mỡ trong cơ thể. Ở nữ tiêu thụ từ trên 1,3 lon đồ uống có đường/ngày, nguy cơ rối loạn chuyển hóa tim mạch tăng 3,2 lần so với chị em tiêu thụ đồ uống có đường ít hơn.
Đường cũng làm tăng đáng kể sự tích tụ mỡ bụng. Đặc biệt, fructose liên quan đến sự gia tăng đáng kể chất béo nguy hiểm xung quanh bụng và các cơ quan của bạn. Đây được gọi là mỡ nội tạng, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường túyp 2 và bệnh tim.
Hơn nữa, do đồ uống có đường là dạng lỏng nên được cơ thể dung nạp một cách nhanh chóng khiến cơ thể không kịp ghi nhận lượng calo vừa nạp vào và gửi tín hiệu no đến não bộ giống như cách cơ thể phản ứng theo cơ chế điều khiển ngược của cơ thể với lượng calo từ thức ăn dạng đặc. Điều này có thể khiến một người tiếp tục ăn ngay cả khi đã uống đồ uống có đường với hàm lượng calo cao.
Do đó, nếu không giảm năng lượng ăn vào từ các nguồn thực phẩm khác thì lượng calo dư thừa từ đồ uống có đường này sẽ góp phần gây ra thừa cân và béo phì, bởi chúng dễ dàng chuyển hóa thành chất béo trong cơ thể và được lưu trữ trong các mô khác nhau.
Kết quả là một người trưởng thành ăn uống bình thường nhưng lại uống thêm mỗi ngày một lon nước soda có đường (350ml cung cấp 150kcal và 40-50gr đường) có thể gây tăng 6,75kg trọng lượng cơ thể, nếu sử dụng liên tục trong vòng 1 năm.
Bác sĩ Ngô Thị Hà Phương, Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế), cho biết, tiêu thụ quá nhiều đường, đặc biệt là đồ uống có đường là nguyên nhân chính gây ra bệnh béo phì, đái tháo đường và bệnh tim mạch.
WHO khuyến nghị các quốc gia triển khai kết hợp các giải pháp:
- Áp thuế với đồ uống có đường.
- Bắt buộc công bố nhãn dinh dưỡng, nhãn cảnh báo sức khỏe… trên bao bì sản phẩm.
- Kiểm soát quảng cáo, khuyến mại và tài trợ các sản phẩm đồ uống có đường đặc biệt là đối với trẻ em.
- Can thiệp dinh dưỡng trong trường học.
- Đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe trong cộng đồng về tác hại của đồ uống có đường...
Trong đó chính sách thuế đồ uống có đường được coi là chính sách hiệu quả nhất giúp giảm tiêu thụ loại đồ uống này, từ đó ngăn ngừa thừa cân, béo phì và tác hại của đồ uống có đường đến sức khỏe.
Theo BS Phương, áp thuế đối với đồ uống có đường có thể là một chiến lược đôi bên cùng có lợi, thắng lợi cho y tế công cộng (ngăn chặn chi phí chăm sóc sức khỏe), thắng lợi về doanh thu của chính phủ và thắng lợi cho công bằng về sức khỏe.
Thực tế, tại Thái Lan cho thấy, 2 năm sau khi thực hiện đánh thuế đồ uống có đường, lượng tiêu thụ trung bình hàng ngày giảm 2,8% trong đó tiêu thụ đồ uống có ga giảm nhiều nhất, với mức tiêu thụ trung bình hàng ngày giảm 17,7%.
Hiện nay, Việt Nam chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào đồ uống có đường, sản phẩm này chỉ chịu ảnh hưởng của thuế GTGT 10%.
TS Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết, tương tự như thuốc lá và rượu bia, đồ uống có đường cũng là những sản phẩm có hại cho sức khỏe. Vì vậy, chúng ta cần làm cho giá các sản phẩm này đắt hơn để không khuyến khích tiêu thụ. Ngày càng có nhiều bằng chứng thuyết phục cho thấy khi đặt thuế ở mức đủ cao sẽ tác động đến tiêu dùng.
"Đồ uống có đường rất có hại cho sức khỏe. Việc tiêu thụ chúng không mang lại bất kỳ lợi ích dinh dưỡng nào", đại diện WHO nhấn mạnh.