1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ngày Tết cảnh giác mối nguy tiềm ẩn từ đồ uống có đường

Nam Phương

(Dân trí) - Trong bữa ăn ngày Tết, nhiều nhà thường bày bia, rượu và nước ngọt. Đặc biệt, trong dịp này nhiều cha mẹ có tâm lý cả năm có mấy ngày nên để cho trẻ ăn uống thỏa thích, trong đó có đồ uống có đường.

Tết đến là thời điểm nhu cầu và mức tiêu thụ đồ uống có đường tăng cao. Tuy nhiên, ít ai biết rằng việc này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy liên quan đến sức khỏe.

Bệnh tật rình rập vì tiêu thụ đồ uống có đường

Theo TS.BS Hoàng Thị Đức Ngàn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), sự gia tăng về chủng loại, sự tiện lợi, cũng như giá thành vừa phải của các loại đồ uống có đường hiện nay được cho là một trong những nguyên nhân của "dịch" thừa cân, béo phì, một rối loạn của con người ở thời đại mới. 

Trong khi đó, thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ của hàng loạt các bệnh có liên quan đến chuyển hóa như đái tháo đường túyp 2, gút, rối loạn mỡ máu, rối loạn huyết áp và các bệnh tim mạch, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe xương và làm gia tăng tỷ lệ tử vong.

Ngày Tết cảnh giác mối nguy tiềm ẩn từ đồ uống có đường - 1

Hiện nay, trên 70% gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam là từ các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Trong số các thực hành ăn uống không hợp lý, tiêu thụ các đồ uống có đường là một yếu tố nguy cơ gia tăng bệnh không lây nhiễm thông qua một loạt các rối loạn về chuyển hóa.

Chẳng hạn, người uống 1-2 lon đồ uống có đường mỗi ngày có thể tăng 26% nguy cơ bị đái tháo đường túyp 2 so với người hiếm khi uống các loại nước này. Các nguy cơ này thậm chí còn cao hơn ở người trưởng thành hay người Châu Á. 

Nếu thay thế đồ uống có đường bằng nước lọc, cà phê (đen) hoặc trà có thể giảm 2-10% nguy cơ đái tháo đường túyp 2.

Ngoài ra, các loại đường tự do trong nước ngọt (fructose, sucrose…) có thể gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ và tăng đường huyết sau ăn, dẫn tới tăng viêm nhiễm, kháng insulin, giảm chức năng tế bào beta tại tụy, dẫn tới đái tháo đường túyp 2. 

Một nghiên cứu theo dõi 40.000 nam giới trong 2 thập kỷ cho thấy những người uống trung bình 1 cốc đồ uống có đường mỗi ngày có nguy cơ bị đau tim hoặc tử vong do đau tim cao hơn những người hiếm khi hoặc không uống đồ uống có đường khoảng 20%. Nguy cơ này còn ở mức 40% đối với nữ giới.

Đồ uống có đường cũng làm tăng 12% nguy cơ bị đột quỵ và 22% nguy cơ nhồi máu cơ tim. 

Lượng đường từ đồ uống có đường cũng tác động lên gen SLC2A9, là kiểu gen có ảnh hưởng đến sự bài tiết acid uric qua thận. Đường, đặc biệt là đường trắng có thể là nguyên nhân gây tăng axit uric hay tăng insulin máu. Tăng insulin máu được cho là yếu tố nguy cơ tiềm tàng của béo phì và hội chứng chuyển hóa. 

Đồ uống có đường hoặc có chất làm ngọt nhân tạo cũng được xác định làm tăng lần lượt 19% và 27% các ung thư có liên quan tới béo phì như ung thư gan, dạ dày, thận, thực quản, buồng trứng...

Việt Nam cần có chính sách giảm tiêu thụ đồ uống có đường

Nhằm hạn chế những ảnh hưởng của đồ uống có đường với sức khỏe đặc biệt trẻ em, rất nhiều quốc gia đã có những chính sách chặt chẽ nhằm giảm tiếp thị đồ uống có đường đối với trẻ em.

Hiện nay, thế giới đã áp dụng nhiều biện pháp để giảm lượng tiêu thụ đối với đồ uống có đường, trong đó chủ yếu là 4 biện pháp: Ghi nhãn dinh dưỡng và quảng cáo, giảm tính sẵn có, hoạt động truyền thông, áp dụng chính sách thuế và giá.

Hiện nay, Việt Nam chưa áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.

Bác sĩ Ngô Thị Hà Phương, Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế), cho biết, áp thuế đối với đồ uống có đường có thể là một chiến lược đôi bên cùng có lợi, thắng lợi cho y tế công cộng (ngăn chặn chi phí chăm sóc sức khỏe), thắng lợi về doanh thu của chính phủ và thắng lợi cho công bằng về sức khỏe. 

Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường có thể đóng vai trò rất quan trọng như một biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn nhiều bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống trong tương lai. 

Ngày Tết cảnh giác mối nguy tiềm ẩn từ đồ uống có đường - 2

Đối với biện pháp áp dụng chính sách thuế và giá, WHO khuyến cáo đánh thuế đối với đồ uống có đường. Đây là chính sách quan trọng nhằm giảm mức tiêu thụ, từ đó ngăn ngừa thừa cân, béo phì và tác hại của đồ uống có đường đến sức khỏe. 117 quốc gia và vùng lãnh thổ đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.

Các can thiệp về giá có thể ảnh hưởng tới hành vi tiêu thụ các sản phẩm nói chung và việc tiêu thụ đồ uống có đường nói riêng. Kinh nghiệm về tác động vào chính sách thuế thuốc lá đã chứng minh lợi ích của việc tăng giá đối với việc thay đổi hành vi mua sắm và nâng cao sức khỏe cộng đồng, bên cạnh đó thuế cũng tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách. 

Vì thế, không nên nhìn nhận đồ uống có đường đơn giản là một thức uống giải khát tiện dụng mà người dân nên được hướng dẫn, giáo dục để tiêu thụ đồ uống có đường một cách hợp lý nhằm bảo vệ sức khỏe.