Bánh cốm làm cạnh nhà vệ sinh, bim bim la liệt trên sàn nhà bụi bặm
(Dân trí) - Hình ảnh bim bim thành phẩm chưa đóng gói đổ la liệt trên sàn nhà bụi bẩn, phát hiện cả chuột chết gần nơi sản xuất; bánh cốm sản xuất ngay cạnh nhà vệ sinh... khiến nhiều người rùng mình.
Liên tục các vụ việc vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm
Vụ việc cơ sở sản xuất bánh cốm Nguyên Ninh bị tạm dừng hoạt động do không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đã khiến dư luận xôn xao.
Như Dân trí đã đưa tin, trong quá trình kiểm tra, cơ sở sản xuất này đã bị phát hiện hoạt động trong một khu bếp gia đình không đạt tiêu chuẩn, không có phân khu chức năng riêng biệt và được bố trí lộn xộn.
Tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng với nền nhà bong tróc, ẩm mốc, cống rãnh hở chứa đầy rác thải ứ đọng.
Đáng chú ý, đoàn kiểm tra còn ghi nhận nhiều vi phạm nghiêm trọng như quần áo được phơi ngay trong khu vực chế biến, các dụng cụ sản xuất không được vệ sinh định kỳ, dẫn đến tình trạng bám bẩn. Nhà vệ sinh nằm ngay cạnh khu vực sơ chế thực phẩm, trong khi khu sản xuất xuất hiện côn trùng và thậm chí cả phân động vật.
Khi vụ việc còn chưa lắng xuống, Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm số 1 của TP Hà Nội tiếp tục phát hiện sai phạm nghiêm trọng tại xưởng sản xuất bim bim của Công ty Cổ phần Thương mại và Công nghệ thực phẩm Đức Vinh có địa chỉ số 2 đường Thanh Niên, điểm công nghiệp La Phù (Hoài Đức, Hà Nội).
Kết quả kiểm tra ghi nhận khu vực sản xuất không tuân thủ nguyên tắc một chiều, không phân khu chức năng riêng biệt và không đảm bảo tính khép kín trong quy trình sản xuất.
Điều kiện vệ sinh tại đây đặc biệt đáng lo ngại, khi các loại bim bim được đổ trực tiếp xuống sàn nhà vốn bám đầy vết bẩn dầu mỡ.
Công nhân trong xưởng không sử dụng găng tay khi thực hiện đóng gói sản phẩm.
Nghiêm trọng hơn, đoàn kiểm tra còn phát hiện xác chuột chết đang bốc mùi hôi thối ngay trong khu vực sản xuất.
Ngoài ra, cơ sở này không thể xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc của một số loại phụ gia và nguyên liệu sử dụng trong sản xuất.
Điều đáng nói, đây là món ăn vặt quen thuộc của nhiều người, đặc biệt là trẻ em, vốn là đối tượng nhạy cảm, dễ bị tổn thương.
Những sai phạm liên tiếp trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm được phát hiện gần đây đã dấy lên sự hoang mang cho cộng đồng, đặc biệt khi Tết Nguyên đán đang cận kề, khi mà nhu cầu mua sắm thực phẩm của người dân tăng cao.
Thức ăn đường phố: Nhiều nguy cơ
Ghi nhận thực tế của phóng viên Dân trí tại khu vực bán các món ăn được nhiều người lựa chọn cho ngày Tết ở phố cổ cũng ghi nhận nhiều biểu hiện mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Những địa điểm nổi tiếng như Hàng Buồm, Hàng Giầy được xem là "thiên đường" ẩm thực ngày Tết ở Hà Nội.
Tại phố Hàng Giầy, nhiều cửa hàng đựng hạt khô như: hạt điều, hạt dẻ... trong những túi nilon lớn, không hề có nhãn mác hay thông tin nguồn gốc rõ ràng. Những túi hạt thường được bày trên kệ hoặc để dưới đất, thu hút sự chú ý nhờ mức giá rẻ và sự tiện lợi.
Tại phố Hàng Buồm, nơi nổi tiếng với các gian bán mứt, kẹo và ô mai bán theo cân, đang trở nên nhộn nhịp trong những ngày cận Tết. Các sản phẩm được bày bán tại đây có đủ chủng loại, màu sắc và hình dáng đa dạng. Người mua, bán tấp nập.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt hàng được đóng gói cẩn thận trong bao bì có nhãn mác rõ ràng, không khó để bắt gặp những khay mứt sặc sỡ được trưng bày lộ thiên mà không hề có bất kỳ biện pháp bảo vệ nào. Những khay mứt này thường nằm ngay sát lối đi hoặc bên vỉa hè, tiếp xúc trực tiếp với bụi bẩn từ xe cộ qua lại.
Ghi nhận của phóng viên ở một trong những cửa hàng mứt Tết này, chủ quầy hàng đon đả mời khách ăn thử thoải mái các sản phẩm bày bán. Tuy nhiên, thay vì có một đĩa ăn thử riêng, người mua được hướng dẫn bốc tay trực tiếp mứt trên sạp hàng.
Đáng nói, theo quan sát của phóng viên, nhiều thực phẩm bày bán tại các quầy hàng còn trở thành "mục tiêu" của côn trùng như ruồi, nhặng.
Dù những hình ảnh mất an toàn vệ sinh thực phẩm hiển hiện ngay trước mắt như vậy, nhiều khách hàng vẫn không ngần ngại "chốt đơn".
Tại con ngõ ăn vặt nổi tiếng trong chợ Đồng Xuân, mùi thơm nức mũi của những chiếc bánh tôm vừa chiên xong hấp dẫn nhiều thực khách. Theo ghi nhận, những chiếc bánh tôm được chiên ngập trong chảo dầu đen kịt.
Bên cạnh bếp, chủ quán đặt một can đựng dầu màu vàng, vỏ nhựa bên ngoài đã bám đầy cặn đen, móp méo. Dẫu vậy, quán vẫn nườm nượp khách ra vào, từ học sinh, dân công sở cho đến các bà mẹ tranh thủ dừng xe, mua cho con món quà vặt xế chiều.
Tại một góc phố cổ, quán bánh chuối chiên vỉa hè tấp nập khách ra vào. Người phụ nữ không đeo bao tay, thoăn thoắt thái những lát chuối. Trước mặt là thùng rác đã "đầy ứ" vỏ chuối vứt đi, hai bên là giấy ăn dùng xong bị vất la liệt.
Thỉnh thoảng, bà lại dùng tay dọn vỏ chuối và giấy lau ở nền cho vào thùng rác. Sau đó, người này chỉ rửa ào lại tay bằng nước lã trước khi tiếp tục chế biến.
Xen lẫn mùi chuối chiên thơm phức là tiếng vo ve của ruồi, nhặng bay quanh. Những vị khách vẫn ngon miệng thưởng thức đặc sản phố cổ buổi xế chiều.
Nỗi lo thực phẩm Tết
"Rẻ", "tiện lợi" hay "ăn một chút chắc không sao" - đó là lời giải thích phổ biến mà nhiều người tiêu dùng đưa ra, khi được hỏi về lý do họ vẫn chọn mua những sản phẩm có thể thấy rõ rủi ro.
Anh Lộc (tên nhân vật đã được thay đổi), sinh năm 1971 tại Long Biên, chuyên mua số lượng lớn bánh kẹo bán cân trên phố cổ để làm quà Tết cho người thân, chia sẻ: "Tiền nào của nấy. Ở những cửa hàng này có đủ loại từ đắt đến rẻ, muốn gì cũng có.
Điều kiện vệ sinh, đặc biệt là các loại ô mai, mứt đương nhiên không thể bằng trong siêu thị. Tuy nhiên đây là hương vị truyền thống. Khi đem biếu người thân ở nơi xa họ cũng thích hơn nên tôi năm nào cũng mua. Tết mỗi năm có một lần, ăn ít chắc cũng chẳng sao".
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chị Mai Hồng Hạnh, 31 tuổi, luôn dành tình yêu đặc biệt cho ẩm thực truyền thống. Trước đây, mỗi khi muốn thưởng thức hoặc mua sắm đặc sản, chị thường tìm đến những địa chỉ nổi tiếng trên phố cổ.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhất là sau khi có con, chị đã thay đổi quan điểm "chỉ cần ngon là được" của mình.
"Các vụ ngộ độc thực phẩm ngày càng nhiều khiến tôi quan ngại về vấn đề "bệnh từ miệng vào". Do đó, khi chọn mua đồ ăn, tôi đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Bên cạnh đó, tôi dần tập thói quen tự làm các món ăn vặt thay vì mua ở ngoài hàng, chị Hạnh chia sẻ.
Trong khi đó, Thắng (25 tuổi, Đào Tấn, Hà Nội) cho biết: "Nhà tôi năm nào cũng mua mứt, hạt ở chợ Đồng Xuân mỗi dịp Tết".
Anh Thắng cũng thừa nhận, một số sản phẩm kẹo mứt Tết được bày bán có nhiều yếu tố không đảm bảo vệ sinh (không được che chắn, có bụi bẩn) nhưng cũng tặc lưỡi cho qua, vì nghĩ rằng đồ truyền thống, thủ công thì không thể tránh và cũng cốt để mua được đồ ngon.
Thêm vào đó, theo anh Thắng gia đình đã ăn nhiều năm nhưng không bị làm sao. Tuy nhiên, sau các vụ việc mới đây, anh Thắng nói mình sẽ thận trọng hơn.
"Tôi thật sự băn khoăn, không hiểu sao những cơ sở như thế đến giờ mới bị phát hiện. Vì vậy, năm nay gia đình tôi quyết định hạn chế mua bánh kẹo sẵn, thay vào đó tự làm mứt tại nhà cho yên tâm hơn", anh Thắng bày tỏ.
Những lưu ý khi mua thực phẩm ngày Tết
Trước tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm ngày Tết đang trở thành vấn đề đáng lo ngại, BS Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã đưa ra những khuyến cáo quan trọng:
Thứ nhất, người tiêu dùng nên ưu tiên lựa chọn mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng uy tín có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo đủ điều kiện pháp lý.
Thứ hai, khi mua sắm, người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ lưỡng các thông tin trên bao bì, bao gồm ngày sản xuất, hạn sử dụng và nguồn gốc xuất xứ.
Thứ ba, nếu phát hiện các cơ sở kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, người dân cần thông báo ngay với cơ quan chức năng để ngăn chặn nguy cơ gây hại và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Chuyên gia cũng cho rằng, an toàn thực phẩm không chỉ là trách nhiệm của nhà sản xuất hay cơ quan quản lý mà còn đòi hỏi ý thức và hành động thiết thực từ mỗi người tiêu dùng.
Gia tăng các ca ngộ độc thực phẩm do thức ăn đường phố
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, năm 2024, toàn quốc ghi nhận 131 vụ ngộ độc thực phẩm làm 4.796 người mắc và 21 trường hợp tử vong.
So với cùng kỳ năm 2023, số vụ tăng 7 vụ, số mắc tăng 2.677 người, tử vong giảm 7 người.
Điểm nổi bật là ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn gia đình, ngộ độc thực phẩm tại đám cưới/giỗ/liên hoan giảm cả về số vụ, số mắc.
Tuy nhiên, ngộ độc thực phẩm tại quán ăn, nhà hàng/khách sạn, nhất là ngộ độc thực phẩm do thức ăn đường phố có xu hướng gia tăng (như các vụ xảy tại Khánh Hòa, Đồng Nai, Sóc Trăng, Bà Rịa - Vũng Tàu).
Ngoài ra, đã ghi nhận một số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bếp ăn tập thể đông người tại các công ty ở Vĩnh Phúc, Đồng Nai; bếp ăn trường học, và, căng tin, các cơ sở kinh doanh thực phẩm xung quanh khu vực trường học tại Khánh Hòa, TPHCM.
Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm chính do vi sinh vật và do độc tố tự nhiên. Trong khi đó, nguyên nhân gây tử vong do ngộ độc thực phẩm chủ yếu là do ngộ độc rượu và độc tố tự nhiên.
Các sản phẩm thực phẩm ô nhiễm vi sinh vật chủ yếu là các sản phẩm thịt lợn qua chế biến, các món ăn có chứa thịt gà.
Hồng Hải