DNews

Rùng mình "đặc sản" phố cổ tắm dầu đen, ruồi nhặng bay quanh

Minh Nhật Linh Chi Hải Yến

(Dân trí) - Tại phố cổ Hà Nội, nơi vẫn được biết đến với những món ăn, thức quà nức tiếng của Thủ đô, tồn tại không ít những biểu hiện của việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Rùng mình "đặc sản" phố cổ tắm dầu đen, ruồi nhặng bay quanh

Rùng mình đặc sản ruồi bâu, tắm dầu đen

Thông tin cơ sở bánh cốm Nguyên Ninh (11 Hàng Than) vừa bị đình chỉ do những vi phạm trong an toàn vệ sinh thực phẩm dấy lên những lo ngại từ phía người tiêu dùng về chất lượng của các mặt hàng đặc sản này.

Rùng mình đặc sản phố cổ tắm dầu đen, ruồi nhặng bay quanh - 1

Một cửa hàng tại phố Hàng Giầy - con phố nổi tiếng chuyên bán bánh kẹo Tết theo cân

Thực tế ghi nhận của phóng viên báo Dân trí, tại phố cổ, nơi vẫn được biết đến với những món ăn, thức quà nức tiếng của Thủ đô, tồn tại không ít những biểu hiện của việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Các tuyến phố Hàng Buồm, Hàng Giầy là nơi có nhiều cơ sở bán kẹo mứt theo cân được nhiều người biết đến.

Rùng mình đặc sản phố cổ tắm dầu đen, ruồi nhặng bay quanh - 2
Rùng mình đặc sản phố cổ tắm dầu đen, ruồi nhặng bay quanh - 3

Theo quan sát của phóng viên, có nhiều sản phẩm mứt, ô mai, hạt không nhãn mác được bày bán tại các sạp hàng. Các sản phẩm này được chào bán với giá bình quân 30.000 đồng/lạng.

Đáng nói, những loại mứt này để ở khay "lộ thiên", không được che chắn mặc cho khói bụi từ xe cộ. Thi thoảng, một vài con ruồi đậu trên những miếng mứt xanh, đỏ nhưng chủ cửa hàng cũng không buồn đuổi đi.

Rùng mình đặc sản phố cổ tắm dầu đen, ruồi nhặng bay quanh - 4

Một khay mứt bí có ruồi bâu tại thời điểm phóng viên ghi nhận (Ảnh: Linh Chi).

Khi được phỏng vấn, chị Đ.T.L. (27 tuổi) một khách mua hàng nói, mình tự nhận thức một số sản phẩm kẹo mứt được bày bán có nhiều yếu tố không đảm bảo vệ sinh (không được che chắn, có bụi bẩn) nhưng cũng tặc lưỡi cho qua, vì cốt để mua được đồ ngon và đã ăn nhiều năm nhưng không bị làm sao. 

Tại con ngõ ăn vặt nổi tiếng trong chợ Đồng Xuân, mùi thơm nức mũi của những chiếc bánh tôm vừa chiên xong hấp dẫn nhiều thực khách. Theo ghi nhận, những chiếc bánh tôm được chiên ngập trong chảo dầu đen kịt. 

Rùng mình đặc sản phố cổ tắm dầu đen, ruồi nhặng bay quanh - 5

Chảo dầu được sử dụng để chiên bánh tôm có màu đen kịt (Ảnh: Linh Chi).

Bên cạnh chủ quán đặt một can đựng dầu màu vàng, vỏ nhựa bên ngoài đã bám đầy cặn đen, móp méo. Dẫu vậy, quán vẫn nườm nượp khách ra vào: từ học sinh, dân công sở cho đến các bà mẹ tranh thủ dừng xe, mua cho con món quà vặt xế chiều.

Bạn D.V.A. (23 tuổi, Hà Nội), một thực khách chia sẻ rằng, biết quán ăn này trên Tiktok. Mặc dù thấy cảnh chảo dầu đen ngòm, nhưng vì cất công đi từ Hà Đông lên phố cổ để thưởng thức món bánh tôm nổi tiếng nên đành "tặc lưỡi".

"Dù thấy vệ sinh không đảm bảo nhưng trung bình một tháng tôi mới tới đây ăn nên cũng nhắm mắt cho qua", A. chia sẻ.

Tại một góc phố cổ, quán bánh chuối chiên vỉa hè tấp nập khách ra vào. Người phụ nữ không đeo bao tay, thoăn thoắt thái những lát chuối. Trước mặt là thùng rác đã "đầy ứ" vỏ chuối vứt đi, hai bên là giấy ăn dùng xong bị vất la liệt. 

Rùng mình đặc sản phố cổ tắm dầu đen, ruồi nhặng bay quanh - 6

Một cửa hàng bán chuối chiên nổi tiếng tại phố cổ (Ảnh: Hải Yến).

Thỉnh thoảng, bà lại dùng tay dọn vỏ chuối và giấy lau ở nền cho vào thùng rác. Sau đó, người này chỉ rửa ào lại tay bằng nước lã trước khi tiếp tục chế biến.

Xen lẫn mùi chuối chiên thơm phức là tiếng vo ve của ruồi, nhặng bay quanh. Những vị khách vẫn ngon miệng thưởng thức đặc sản phố cổ buổi xế chiều.

Rùng mình đặc sản phố cổ tắm dầu đen, ruồi nhặng bay quanh - 7
Rùng mình đặc sản phố cổ tắm dầu đen, ruồi nhặng bay quanh - 8

Bất chấp để ăn ngon: Coi chừng rước bệnh

Trước vấn nạn mất an toàn vệ sinh thực phẩm leo thang, các chuyên gia đưa ra lời cảnh cáo về những nguy cơ bệnh tật có thể xảy ra.

Theo BS Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, những loài côn trùng như ruồi, nhặng khi bám trên đồ ăn, không chỉ gây mất vệ sinh mà còn là trung gian truyền bệnh.

"Côn trùng thường mang theo vi khuẩn nguy hiểm như Salmonella, E. coli. Khi thực phẩm bị nhiễm khuẩn từ các loại côn trùng này, người tiêu dùng có thể gặp các triệu chứng ngộ độc như tiêu chảy, đau bụng", BS Thiệu cho biết.

ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam cũng lên tiếng cảnh báo nguy hiểm từ việc sử dụng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần, thường gặp ở các món chiên đường phố.

"Nhiệt độ cao và không khí là các nhân tố khiến dầu ăn biến đổi thành phần, giá trị dinh dưỡng mất đi, hình thành các chất độc gây hại. Nếu thường xuyên ăn những thực phẩm dùng dầu cũ để chiên không sớm muộn cũng mắc bệnh nguy hiểm, thậm chí là ung thư", BS Mạnh cảnh báo.

Từ vụ việc này, BS Thiệu khuyến cáo, dịp Tết đến gần nhu cầu mua sắm cũng gia tăng. Do đó, người tiêu dùng cần đặc biệt kỹ lưỡng trong khâu lựa chọn các mặt hàng, đặc biệt là thực phẩm.

"Hãy ưu tiên các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, nhãn mác đầy đủ, và tránh xa những cơ sở có dấu hiệu vi phạm vệ sinh. Sự lựa chọn cẩn thận sẽ giúp bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình", BS Thiệu nhấn mạnh.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ, UBND thành phố Hà Nội đã thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm cấp thành phố. 

Mục tiêu là nhằm ngăn ngừa các nguy cơ ngộ độc thực phẩm và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Các đoàn kiểm tra sẽ tập trung vào các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp lễ Tết như thịt, mứt, bánh, rượu, đồ uống có cồn, và các cơ sở dịch vụ ăn uống.

Việc tăng cường kiểm tra là cần thiết để đảm bảo chất lượng và sự an toàn của các sản phẩm tiêu thụ trong mùa Tết. 

Chiều 2/1, đoàn kiểm tra liên ngành số một về an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội đã yêu cầu cơ sở bánh cốm gia truyền Nguyên Ninh, địa chỉ số 11 Hàng Than (quận Ba Đình), tạm dừng hoạt động để khắc phục hàng loạt vi phạm liên quan đến vệ sinh và an toàn thực phẩm.

Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra, cơ sở sản xuất bánh cốm Nguyên Ninh có 5 nhân công lao động sản xuất và một chủ cơ sở.

Theo ghi nhận của đoàn kiểm tra tại hiện trường, khu vực sản xuất của cơ sở này được tận dụng từ gian bếp sinh hoạt của gia đình, không có phân khu riêng biệt, bố trí lộn xộn và trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

Nền nhà nơi sản xuất bong tróc, ẩm mốc, cống rãnh hở với rác thải ứ đọng. Đoàn kiểm tra còn phát hiện quần áo được phơi ngay trong khu vực chế biến, dụng cụ sản xuất bẩn do không được vệ sinh định kỳ.

Đáng chú ý, nhà vệ sinh lại nằm ngay cạnh nơi sơ chế thực phẩm. Khu vực sản xuất còn xuất hiện côn trùng và phân động vật.

Nguyên liệu sản xuất cũng không được bảo quản đúng quy định. Những bao tải cốm khô, nguyên liệu chính để sản xuất bánh cốm, được xếp chồng ngay lối ra vào, sát khu vực tường ẩm mốc...