Thủ đoạn dẫn dụ người Việt lừa đảo người Việt ở Campuchia
(Dân trí) - Những nạn nhân sang Campuchia làm "việc nhẹ, lương cao" sẽ bị bán cho các công ty lừa đảo do người Trung Quốc quản lý. Lừa đảo không đủ chỉ tiêu, nạn nhân sẽ bị đánh đập, chích điện.

Mới đây, Công an tỉnh Tây Ninh bắt giữ 24 người trong đoàn 177 công dân vừa được lực lượng chức năng Campuchia trao trả vì nhập cảnh, làm việc bất hợp pháp liên quan đến lừa đảo tại TP Bavet, tỉnh Svay Riêng.
Những người bị bắt giữ được công an xác định có hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người dân ở các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Cách thức quản lý
Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, qua công tác nghiệp vụ, đơn vị này xác định hàng chục người Việt bị dính bẫy làm "việc nhẹ, lương cao". Các nạn nhân bị kẻ xấu bán sang các công ty chuyên hoạt động lừa đảo tại Campuchia.
Sau khi báo cáo và được sự đồng ý Ban Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh, Phòng Cảnh sát hình sự đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tập trung lực lượng khẩn trương tiến hành điều tra, thu thập tài liệu chứng cứ, xác định những người lợi dụng địa bàn Campuchia để hoạt động phạm tội.

Lực lượng chức năng tỉnh Tây Ninh tiếp nhận công dân lao động bất hợp pháp trên đất Campuchia (Ảnh: Tuyết Nhung).
Ngày 31/1, cơ quan chức năng Campuchia kiểm tra, tạm giữ 177 người là công dân Việt Nam hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tại thành phố Bavet (tỉnh Svay Riêng) chuẩn bị trục xuất về nước.
Nhận tin này, Công an tỉnh Tây Ninh phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và lực lượng Biên phòng xây dựng kế hoạch tiếp nhận, làm việc, phân loại xác định những người giữ vai trò chính, trực tiếp "cào khách, giết khách".
Quá trình tiếp nhận công dân và lấy lời khai, công an xác định tại TP Bavet, nhóm người Trung Quốc thuê tầng 3-4, tòa 11, khu Kim Sa 4, để thành lập công ty hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức sử dụng app "Tình yêu".
Đồng thời, nhóm này mua website tên "Sandsking" để dẫn đến trang web có tên "Casino Bay Sands" phục vụ cho hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Công an thu giữ điện thoại của nhóm lừa đảo vừa bị bắt (Ảnh: Tuyết Nhung).
Công ty lừa đảo trên do HeYuki (quốc tịch Trung Quốc) làm giám đốc, một người khác tên A Lửng làm quản lý. Các nhân viên, được tổ chức chặt chẽ, lập ra nhiều nhóm và phân công vai trò, nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận như quản lý, hậu đài, sale (bán hàng), bộ phận HR (nhân sự), hậu cần…
Khu vực tầng 3 gồm 2 tổ: A và B làm việc; tầng 4 gồm có 9 tổ: A, B, B 2.1, C, G, F, H, K, M làm việc. Các nhân viên làm việc tại tầng 3 và 4 của tòa nhà 11, chủ yếu sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người Việt.
Thủ đoạn ép chỉ tiêu
Theo Công an tỉnh Tây Ninh, khi người dân bị bắt cóc qua đây làm việc, được nhóm lừa đảo cho học kịch bản (quy trình lừa đảo của ứng dụng "tình yêu"). Tiếp đó, công ty giao máy vi tính và điện thoại di động để nhân viên tự thực hiện các bước trong quá trình lừa đảo theo công việc phân công.
Nhân viên mới vào sẽ được bố trí đến tổ gọi là sale. Nhân viên được cấp một mã số và hàng ngày phải sử dụng các tài khoản Facebook ảo do công ty cung cấp để lên mạng xã hội tìm kiếm, làm quen từ 2 khách hàng trở lên.
Nếu không thực hiện đủ chỉ tiêu hoặc không lừa được khách nào, nạn nhân sẽ bị công ty phạt tiền mỗi chỉ tiêu thiếu là 20 USD. Đồng thời, người không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị tổ trưởng và quản lý đánh đập, chích điện, tăng ca và chỉ được hưởng lương 400 USD/tháng.

Công an tỉnh Tây Ninh xác minh thông tin công dân trước khi làm hồ sơ tiếp nhận (Ảnh: Tuyết Nhung).
Những cuộc trò chuyện, nhắn tin tâm sự với khách hàng, nhân viên sẽ giới thiệu vỏ bọc bản thân làm cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, chuyên thiết kế website, bảo trì các dự án kinh doanh casino hoặc trang xổ số trực tuyến trong và ngoài nước để tạo lòng tin.
Tiếp đến, nhân viên sẽ khai thác thông tin về tài sản của khách hàng để chuyển đến tổ trưởng của nhóm sale. Trong giai đoạn này, khách hàng sẽ được nhân viên dẫn dụ rằng phải đi công tác ở Singapore hoặc Hàn Quốc nên gửi đường link nhờ giúp tham gia chơi cá cược hoặc xổ số.
Khi khách hàng đồng ý tham gia đặt cược giúp, các nhân viên sẽ tạo giả các hóa đơn nhận tiền để họ thấy dễ dàng thắng cược. Đồng thời, nhân viên cho biết trong ngày, hệ thống trên ứng dụng "Casino Bay Sands", sẽ bị lỗi 3 lần, mỗi lần 5 phút. Nếu người chơi đặt cược vào thời điểm đó thì chắc chắn sẽ thắng được nhiều tiền.
Đây là chiêu trò giăng bẫy của nhân viên để kích thích lòng tin cũng như lòng tham của khách hàng. Nhân viên sẽ hướng dẫn khách đăng ký tài khoản và nhân viên sẽ gửi thông tin tài khoản ngân hàng cho họ để nạp tiền tham gia đặt cược.

Đây là đợt tiếp nhận công dân bị lừa đảo trên đất Campuchia lớn nhất kể từ đầu năm đến nay (Ảnh: Tuyết Nhung).
Khi khách thắng nhưng không rút được tiền, nhân viên đưa ra nhiều lý do khác nhau để tiếp tục dụ dỗ họ nạp thêm tiền thì mới có cơ hội lấy lại số tiền đã thắng cược trước đó. Tuy nhiên, khách càng nạp thêm tiền thì chỉ "tiền mất tật mang".
Qua làm việc với nhóm người bị trục xuất về nước, công an xác định có 5/20 tài khoản dùng để lừa đảo có số tiền trên 500 tỷ đồng. Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh đang tiếp tục phối hợp Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và lực lượng chức năng Campuchia điều tra, truy bắt những người liên quan.
Công an cũng kêu gọi những người liên quan ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Công an thông báo những ai là bị hại của tội phạm với thủ đoạn như trên liên hệ cung cấp thông tin cho Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh để xử lý.