Giải hạn, gọi vong, vay lộc và những mánh khóe lừa đảo tâm linh
(Dân trí) - Theo Thượng tá Đào Trung Hiếu, sợ hãi và hạn chế kiến thức về tín ngưỡng là 2 trạng thái tâm lý trở thành điểm yếu bị các đối tượng lừa đảo về tâm linh tấn công, nhằm chiếm đoạt tài sản.
Mới đây, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triệt phá một nhóm đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân bằng hình thức lợi dụng lòng tin tâm linh.
Chỉ trong khoảng một năm, các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khoảng 28.000 trường hợp, với tổng số tiền chiếm đoạt trên 8 tỷ đồng.
Thủ đoạn của các đối tượng là gọi điện tự nhận là "cô đồng" tại các chùa, đền; dọa dẫm người dân về việc họ có các vấn đề về tâm linh (có vong theo, vận hạn liên quan đến sức khỏe, tài chính…); mời chào, dụ dỗ người dân làm lễ giải hạn hoặc nhận các vật phẩm phong thủy.
Trước tình trạng trên, Thượng tá Đào Trung Hiếu (Tiến sĩ Tội phạm học) đã có những chia sẻ với phóng viên Dân trí dưới góc độ chuyên gia.
4 hình thức lừa đảo tâm linh
Theo Thượng tá Đào Trung Hiếu, lừa đảo tâm linh đang trở thành một vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay. Với thủ đoạn lợi dụng niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi, ông Hiếu đánh giá hậu quả không chỉ gây tổn thất về mặt tài chính, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, tinh thần của những người nhẹ dạ cả tin.
Vị tiến sĩ đã chỉ ra 4 hình thức lừa đảo tâm linh phổ biến hiện nay, gồm:
Một là, đồng cốt, bói toán: Nhiều đối tượng tự xưng là thầy bói, cô đồng, thầy pháp với khả năng "nhìn thấu vận mệnh", "giải hạn", "gọi vong" để thu tiền của người nhẹ dạ. Chúng thường đưa ra lời phán đoán chung chung hoặc gieo rắc nỗi sợ hãi rằng "gia đình sắp gặp đại nạn", "có người âm theo phá", "vong trẻ con quấy rối"… rồi yêu cầu cúng lễ tốn kém.
Một số thậm chí còn dàn dựng kịch bản "vong nhập", làm cho người bị hại tin rằng mình cần phải làm lễ giải hạn gấp.
Hai là, "vay lộc", "trả nợ tâm linh": Lợi dụng niềm tin của người kinh doanh, nhiều nơi rao giảng rằng muốn phát tài phải "vay lộc" từ các vị thánh thần và cam kết sẽ trả lại số tiền lớn hơn trong tương lai. Thực chất, đây là chiêu bài để moi tiền, vì chẳng có "thánh thần" nào đứng ra đòi nợ, chỉ có những "thầy cúng" hoặc "trung gian tâm linh" dùng lời lẽ để ép buộc người dân đóng góp.
Ba là, cúng giải hạn, bùa chú: Dịp đầu năm, nhiều nơi tổ chức "cúng sao giải hạn" với mức phí hàng triệu đến hàng chục triệu đồng, nhưng thực chất đây chỉ là việc kiếm ăn trên nỗi sợ hãi của gia chủ. Bên cạnh đó, một số đối tượng còn rao bán bùa chú "giữ chồng, giữ vợ", "cầu tình duyên", "tránh tà khí" với mức giá cao, khiến nhiều người mất tiền oan mà không có hiệu quả.
Bốn là, gọi vong, xem tiền kiếp: Đây là một hình thức tinh vi, lợi dụng tâm lý nhớ thương người đã khuất để lừa đảo. Một số nơi tổ chức các buổi "gọi vong", "nói chuyện với linh hồn", thực chất là chiêu trò được dàn dựng sẵn để đánh vào cảm xúc của người nghe.
Theo Thượng tá Đào Trung Hiếu, con người có 2 trạng thái tâm lý để trở thành điểm yếu bị các đối tượng lừa đảo tấn công.
Đầu tiên là tâm lý sợ hãi, lo lắng về tương lai. Ông Hiếu cho biết, những người đang gặp khó khăn về tài chính, công việc, tình duyên sẽ dễ tin vào "cứu cánh tâm linh".
Tiếp đó là sự thiếu hụt, hạn chế kiến thức về tín ngưỡng.
"Nhiều người không hiểu rõ về đạo lý Phật giáo, tín ngưỡng dân gian, dẫn đến việc tin theo những kẻ trục lợi.
Bên cạnh đó, cần phải kể đến tác động của mạng xã hội khi các nhóm "hội tâm linh", "hội gọi vong" được lập tràn lan, là tác nhân lan truyền thông tin gây hoang mang, thu hút người tham gia", Thượng tá Hiếu phân tích.
Dấu hiệu nhận biết là gì?
"Ngoài những chiêu trò quen thuộc như cúng sao giải hạn, gọi vong, vay lộc đầu năm, các đối tượng còn lợi dụng công nghệ AI, phát trực tiếp (livestream), mạo danh nhà sư, nhà ngoại cảm để kêu gọi quyên góp hoặc bán bùa may mắn online.
Bên cạnh đó, một số nhóm còn mạo danh các đền, chùa nổi tiếng để lừa đảo, kêu gọi đóng tiền làm lễ từ xa mà thực chất không hề có hoạt động nào tại các cơ sở thờ tự này", Thượng tá Đào Trung Hiếu cho biết.
Dù tinh vi là vậy, theo ông Hiếu, vẫn có một số dấu hiệu có thể nhận biết được những hành vi lừa đảo tâm linh.
Một là, dự đoán chung chung, gây hoang mang: Các đối tượng thường phán đoán những điều mơ hồ như "sắp có vận hạn", "gia đình có vong theo", "phải cúng gấp để tránh tai họa", đánh vào nỗi sợ hãi của nạn nhân.
Hai là, yêu cầu nộp tiền hoặc mua vật phẩm với giá cao: Đòi hỏi làm lễ online, mua "bùa may mắn", "bùa giữ chồng", "tượng thần linh phù hộ" với giá hàng triệu đồng.
Ba là, mạo danh các đền chùa, thầy tu, pháp sư nổi tiếng: Nhiều tài khoản trên mạng giả danh các nhà sư hoặc thầy phong thủy để kêu gọi quyên góp hoặc bán dịch vụ tâm linh.
Bốn là, sử dụng livestream, AI để tạo hiệu ứng giả: Một số đối tượng còn dựng cảnh "thần thánh nhập xác", "đọc lệnh trời" trên TikTok để thu hút sự chú ý và lừa đảo người nhẹ dạ.
"Sống thiện lành, làm điều tốt sẽ mang lại bình an"
Với những dấu hiệu nêu trên, Thượng tá Đào Trung Hiếu cũng đưa ra những khuyến cáo cho mỗi cá nhân khi vô tình rơi vào "tầm ngắm" của kẻ xấu.
Theo ông Hiếu, mỗi người cần tự tìm hiểu rõ về tín ngưỡng, tôn giáo chính thống, cần biết rằng Phật giáo, Đạo giáo, tín ngưỡng dân gian đều hướng con người đến cái thiện, không có chuyện phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để "mua bình an".
Bên cạnh đó, người dân luôn phải cảnh giác với những lời phán đoán tiêu cực. Nếu một người tự xưng là "thầy", "cô" mà ngay lập tức nói bạn có hạn nặng, phải cúng gấp, theo ông Hiếu, đây là dấu hiệu lừa đảo.
"Người thật sự có kiến thức tâm linh sẽ không gieo rắc sợ hãi mà khuyên con người sống tốt, hành thiện để thay đổi vận mệnh", vị tiến sĩ nói.
Đặc biệt, vị Thượng tá nhấn mạnh, người dân không được chuyển tiền, làm lễ theo yêu cầu mơ hồ. Các hình thức "vay lộc", "cúng sao giải hạn giá cao", "giải nghiệp tiền kiếp" đều không có căn cứ và nếu bị yêu cầu đóng tiền lớn để cúng bái, phải từ chối ngay.
Cuối cùng, khi nghi vấn hay phát hiện những hành vi lừa đảo, người dân cần báo cáo với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời.
"Tâm linh là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa, nhưng cần tỉnh táo để không trở thành nạn nhân của những kẻ trục lợi. Đừng để niềm tin bị biến thành công cụ kiếm tiền cho những kẻ lừa đảo.
Sống thiện lành, làm điều tốt, hành động đúng đắn sẽ mang lại bình an thực sự, không phải nhờ vào các "mánh khóe tâm linh" đầy mê tín dị đoan", Thượng tá Đào Trung Hiếu chia sẻ.
Dưới góc độ quản lý Nhà nước, Thượng tá Hiếu nhận định việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý tình trạng này đang gặp nhiều khó khăn.
Theo vị chuyên gia, thiếu cơ sở pháp lý là yếu tố đầu tiên, khi nhiều hành vi lừa đảo tâm linh không có bằng chứng rõ ràng, thường chỉ dựa vào lời khai của nạn nhân.
Đồng thời, hoạt động lừa đảo hiện nay diễn ra trên mạng xã hội, đối tượng lừa đảo được ẩn danh và có thể xóa dấu vết, đổi tên liên tục. Kết hợp với đó, ông Hiếu cho rằng việc nhiều nạn nhân cảm thấy xấu hổ, ngại trình báo cũng là yếu tố tạo điều kiện cho các đối tượng lừa đảo tiếp tục hoạt động mà không bị xử lý.
Đặc biệt, theo Thượng tá Hiếu, vấn đề có thể là khó khăn nhất chính là vì liên quan đến tín ngưỡng, nên không ít người vẫn tin tưởng vào những lời mê tín, không nhận ra mình bị lừa.