1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Chuyên gia khuyến cáo người dân sau vụ Mr Pips Phó Đức Nam bị bắt giữ

Hải Nam

(Dân trí) - Theo chuyên gia, đối tượng lừa đảo thường lợi dụng tâm lý muốn làm giàu nhanh chóng và thiếu hiểu biết của người dân về đầu tư tài chính để dụ dỗ rồi chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

Chuyên án bắt giữ Phó Đức Nam (30 tuổi, TikToker Mr Pips) đã vạch trần thủ đoạn, chiêu thức tinh vi, chuyên nghiệp của các đối tượng lừa đảo dưới hình thức đầu tư ngoại hối, chứng khoán phái sinh.

Ít nhất 2.661 người đã bị lừa đảo, với tổng số tiền nạp vào lần đầu lên tới 50 triệu USD. Sau vụ việc trên, Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học) đã chỉ ra những điểm yếu tâm lý của nạn nhân bị các đối tượng khai thác.

Người dân nên làm gì?

"Các đối tượng lợi dụng tâm lý muốn làm giàu nhanh chóng và thiếu hiểu biết về đầu tư tài chính của nạn nhân. Họ tạo dựng hình ảnh hào nhoáng, giả danh chuyên gia để tạo lòng tin.

Nạn nhân thường mắc lỗi thiếu kiểm chứng thông tin, tin tưởng mù quáng vào lời hứa hẹn lợi nhuận cao mà không tìm hiểu kỹ về tính hợp pháp và uy tín của sàn giao dịch", ông Hiếu nói.

Vị Thượng tá nêu ra 4 dấu hiệu sẽ xuất hiện ở một sàn giao dịch lừa đảo.

Đó là những lời mời gọi đầu tư với lợi nhuận cao bất thường trong thời gian ngắn; sử dụng hình ảnh, video giả mạo chuyên gia để tạo lòng tin; yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân hoặc qua các kênh không chính thống và thiếu thông tin rõ ràng về công ty, sàn giao dịch hoặc giấy phép hoạt động.

Chuyên gia khuyến cáo người dân sau vụ Mr Pips Phó Đức Nam bị bắt giữ - 1

Thượng tá Đào Trung Hiếu (Ảnh: Tổ quốc).

Để phòng ngừa, ông Hiếu khuyến cáo người dân trước khi tham gia bất kỳ một sàn giao dịch hay quyết định đầu tư, cần xác minh thông tin về công ty, sàn giao dịch, giấy phép hoạt động và uy tín trên thị trường.

"Người dân cần nhận thức rằng lợi nhuận cao đi kèm với rủi ro lớn, tránh bị cuốn hút bởi những lời hứa hẹn không thực tế, đặc biệt là không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng cho người lạ hoặc qua các kênh không tin cậy", vị tiến sĩ nói.

Chuyên gia tội phạm học cũng đề nghị người dân nên tham khảo ý kiến từ các chuyên gia tài chính độc lập và uy tín trước khi quyết định đầu tư, đồng thời phải cập nhật thường xuyên thông tin về các thủ đoạn lừa đảo mới để nâng cao cảnh giác.

Ứng dụng AI trong phát hiện dấu hiệu lừa đảo

Để ngăn chặn từ sớm và từ xa các hành vi lừa đảo công nghệ cao như vụ Phó Đức Nam, Thượng tá Đào Trung Hiếu cho rằng các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát và quản lý các hoạt động trên không gian mạng.

"Siết chặt quy trình cấp phép và giám sát các sàn giao dịch tài chính, ngoại hối, tiền điện tử. Công khai danh sách các tổ chức được cấp phép và tổ chức vi phạm.

Đặc biệt là phát hiện và ngăn chặn kịp thời các quảng cáo lừa đảo trên mạng xã hội và các nền tảng số khác", ông Hiếu chia sẻ.

Đối với công tác điều tra, vị Thượng tá nhận định cần thành lập đội ngũ chuyên trách về tội phạm công nghệ cao, thường xuyên củng cố về chuyên môn để theo dõi, phát hiện và xử lý nhanh chóng các vụ việc. Song song với đó là khung hình phạt nghiêm khắc, công khai các vụ việc để răn đe, tạo sức mạnh phòng ngừa.

Chuyên gia khuyến cáo người dân sau vụ Mr Pips Phó Đức Nam bị bắt giữ - 2

Đối tượng Phó Đức Nam (Ảnh: T.A.).

Ông Hiếu cũng đề xuất việc áp dụng trí tuệ nhân tạo AI để phát hiện dấu hiệu bất thường từ các giao dịch, hoạt động trên không gian mạng và xây dựng một cơ sở dữ liệu các sàn giao dịch, tổ chức nghi ngờ lừa đảo.

Để đối phó với tội phạm công nghệ cao, vị chuyên gia cho rằng sự phối hợp giữa công an, ngân hàng, cơ quan quản lý thông tin truyền thông phải thật sự chặt chẽ, có sự liên kết.

Xa hơn, theo ông Hiếu, đó là công tác hợp tác quốc tế, tích cực chia sẻ thông tin và tận dụng sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để nâng cao năng lực điều tra và phòng chống tội phạm công nghệ cao.

Cuối cùng, quan trọng nhất chính là tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân.

Thượng tá Đào Trung Hiếu cho rằng cơ quan chức năng cần tổ chức các chiến dịch truyền thông, thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội và hệ thống giáo dục về các thủ đoạn lừa đảo và cách nhận diện. Đồng thời, nhà chức trách cũng nên phát hành các tài liệu cảnh báo về lừa đảo công nghệ cao đến từng địa phương, trường học và doanh nghiệp.