DNews

Sẵn sàng cho cả thất bại khi cởi bỏ "tấm áo"... người nhà nước

Hoàng Lam

(Dân trí) - Nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông thành phố Vinh (Nghệ An) cho rằng, nghỉ hưu sớm mà không làm gì, chỉ mang khoản tiền hỗ trợ đi tiêu xài là sự lãng phí "kép".

Sẵn sàng cho cả thất bại khi cởi bỏ "tấm áo"... người nhà nước

Tiền hỗ trợ với người rời nhà nước

Ông Nguyễn Khắc An, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông  thành phố Vinh (Nghệ An), khi sáp nhập thị xã Cửa Lò vào thành phố Vinh, được tổ chức tiếp tục phân công phụ trách Trung tâm Văn hóa - Thể thao và truyền thông thành phố sau sáp nhập.

Ngày 1/4, ông Nguyễn Khắc An là một trong những cán bộ, lãnh đạo làm đơn tự nguyện rời vị trí, nhận quyết định nghỉ hưu theo nguyện vọng cá nhân, sớm hơn so với tuổi công tác 5 năm.

Ông cho biết, quyết định được đưa ra trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng, thấu đáo, phù hợp với mong muốn, dự định cá nhân, hoàn cảnh riêng của bản thân cũng như công tác sắp xếp, tổ chức lại bộ máy đang được địa phương triển khai quyết liệt.

Sẵn sàng cho cả thất bại khi cởi bỏ tấm áo... người nhà nước - 1

Ông Nguyễn Khắc An quyết định nghỉ hưu sớm hơn 5 năm so với tuổi công tác (Ảnh: Hoàng Lam).

Theo ông, chưa bao giờ lãnh đạo Đảng đưa ra một quyết sách mạnh mẽ, cách mạng đến vậy về tinh gọn bộ máy nhà nước. Tán thành chủ trương, ông kỳ vọng việc này sẽ tạo nên bứt phá cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới. Cũng như mọi cuộc cách mạng khác, ở chừng mực và góc độ nào đó, ông An cho rằng "phải biết chấp nhận những hy sinh".

"Tôi cảm nhận đây là cuộc cách mạng thực sự, được các tầng lớp nhân dân đồng thuận, ủng hộ cao. Là một đảng viên, tôi tự thấy mình phải có bổn phận, trách nhiệm đối với chủ trương lớn của Đảng, khi vòng quay của bản thân rơi vào "ô"... nghỉ sớm. Tôi cũng thấy may mắn khi nhà nước có những chính sách thỏa đáng để những người về hưu sớm có thể yên tâm", ông An chia sẻ.

Nhìn lại những năm gắn với biên chế "người nhà nước", từ cán bộ phường, công đoàn, quản lý trường nghề cho đến làm lãnh đạo Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông thành phố Vinh, ông tự đánh giá đã luôn cố gắng để hoàn thành công việc được tổ chức phân công.

Chính các môi trường làm việc đã trải qua cùng với sự dìu dắt của tổ chức, ông đã có điều kiện, không gian để cống hiến, phấn đấu, cọ xát và trưởng thành.

Đến những năm công tác sau cùng, ông An tự nhận thấy chuyện "đã có tuổi" của bản thân, sự sung mãn về tâm huyết, sự xông xáo không thể bằng lớp trẻ. Có những thời điểm, ông phải gồng mình để thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu.

Vị nguyên lãnh đạo Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông thành phố Vinh cũng phân tích, đây là đơn vị đặc thù, khi vừa thực hiện sáp nhập nhân sự từ thị xã Cửa Lò vào lại chịu sự ảnh hưởng khi sáp nhập đơn vị cấp phòng theo Kết luận 126 của Bộ Chính trị và sắp tới sẽ thực hiện sắp xếp khi không tổ chức chính quyền cấp huyện.

"Sau sáp nhập, mặc dù đã được tổ chức tin tưởng phân công điều hành đơn vị nhưng bên cạnh tôi còn có 4 Phó giám đốc trẻ, đang ở giai đoạn bước vào độ chín, rất nhiệt huyết và giàu năng lượng, đặc biệt là chưa ai đủ điều kiện để nghỉ theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ.

Như vậy, nếu cán bộ đủ điều kiện như tôi cứ khư khư bám trụ thì ít nhiều cũng làm ảnh hưởng đến không gian cống hiến của những nhân sự trẻ, tuyệt vời ấy", ông tâm sự.

Sẵn sàng cho cả thất bại khi cởi bỏ tấm áo... người nhà nước - 2

Ông Nguyễn Khắc An trong một chuyến thăm quần đảo Trường Sa (Ảnh: nhân vật cung cấp).

Bởi vậy, ông An quyết định xin nghỉ hưu sớm để tự thử thách bản thân ở môi trường mới, đồng thời tạo "khoảng trống" vị trí cho những đồng nghiệp có năng lực và tuổi đời còn trẻ.

Từ thực tiễn hoạt động của mình, ông thấy rõ đội ngũ quản lý và cả cán bộ nói chung sẽ làm việc tốt hơn khi có động lực phấn đấu. Việc ông chủ động xin nghỉ hưu sớm cũng tạo động lực phấn đấu cho người khác và ở chừng mực nào đó, sẽ gián tiếp góp sức vào cuộc cách mạng lớn mà Đảng và Nhà nước đang xúc tiến.

Nghỉ hưu sớm không có nghĩa là hưởng thụ sự an nhàn

Nếu như nhiều người khác cho rằng, độ tuổi này đã có thể nghỉ ngơi, hưởng thụ cuộc sống, thì ông An không nghĩ như vậy. 57 tuổi, theo Bộ Luật lao động, vẫn đang trong độ tuổi lao động. Bởi vậy, theo ông An, nếu bản thân nghỉ làm việc, tức là đang lãng phí sức lao động.

"Ở môi trường nhà nước, trong bối cảnh của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, quyết định nghỉ hưu của tôi là cần thiết và phù hợp. Nhưng tôi cho rằng, ở một số lĩnh vực ngoài nhà nước, cơ hội cống hiến đối với những người rời công sở như chúng tôi không phải đã cạn kiệt.

Mình có sức khỏe, trí tuệ đang "dùng được", động lực vẫn còn, không làm được việc lớn thì làm được việc nhỏ. Suy cho cùng đó cũng là một cách "tham gia cách mạng". Đã có không ít cán bộ là tấm gương trước tôi. Còn nếu nhìn rộng, ở Nhật Bản chẳng hạn, chúng tôi vẫn còn trẻ hơn nhiều cụ ông, cụ bà vẫn đang làm việc mỗi ngày", ông chia sẻ.

Với quyết định nghỉ hưu, ông đã sẵn sàng cho việc chuyển trạng thái lao động từ biên chế nhà nước ra ngoài. Bằng kinh nghiệm và năng lực của mình, ông có nhiều lựa chọn về công việc "kiếm tiền" để có thêm thu nhập chính đáng bên cạnh khoản lương hưu hàng tháng.

Thực tế, trước thời điểm nghỉ hưu, ông An đã nhận được một số lời mời từ các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau. Hiện tại, ông đang cân nhắc với những tính toán công việc tiếp theo. 

Sẵn sàng cho cả thất bại khi cởi bỏ tấm áo... người nhà nước - 3

Ông An đang cân nhắc tìm kiếm việc làm ở độ tuổi "đã toan về già" (Ảnh: Hoàng Lam).

Ông cũng xác nhận, quyết định nghỉ hưu sớm có sự cộng hưởng từ chính sách hỗ trợ theo Nghị định 178. Khoản hỗ trợ "một cục" ấy với một công chức như ông không dễ mà tích lũy được. Ông tâm niệm, nếu ôm hết tiền để tiêu xài thì cũng là một sự lãng phí về nguồn lực.

Ông coi tiêu chí "chống lãng phí" khoản hỗ trợ là gợi ý quan trọng để thực hiện kế hoạch tiếp tục làm việc của mình.

Chưa tiết lộ cụ thể hướng đi tiếp theo nhưng ông An cho biết đã chuẩn bị về mọi mặt, từ tinh thần, trách nhiệm, chuẩn bị cho thành công và sẵn sàng đón nhận cả sự thất bại.

"Bắt đầu việc mới ở độ tuổi này là mạo hiểm, nhưng mạo hiểm cũng sẽ mang lại nhiều điều thú vị. Ra ngoài sẽ giúp tôi khai mở giới hạn của bản thân, khai phá những khả năng mà trước giờ chưa có cơ hội để trải nghiệm. Tuy nhiên, ở độ tuổi này, làm gì cũng phải có "hệ số an toàn".

Tôi chưa biết sẽ được hỗ trợ bao nhiêu nhưng chắc chắn tôi không mang hết khoản tích lũy đó đi đánh cược với thị trường. Khởi nghiệp thành công là tôi góp thành quả cho gia đình và xã hội, còn thất bại thì góp bài học cho bạn bè. Tôi xác định không thể liều lĩnh nhưng cũng không nên nhút nhát", ông An chia sẻ.

Sẵn sàng cho cả thất bại khi cởi bỏ tấm áo... người nhà nước - 4

Theo ông An, luôn có cơ hội đối với những người cởi bỏ "tấm áo người nhà nước" (Ảnh: Hoàng Lam).

Trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hiện nay, dù ở vị thế chủ động rời vị trí hay thuộc diện phải tinh giản, theo ông Nguyễn Khắc An, cơ hội việc làm đối với đội ngũ này luôn sẵn có, quan trọng là tâm thế, sự chuẩn bị của mỗi người để nắm bắt cơ hội.

Ông cũng cho rằng, từng cá nhân cần xác định lĩnh vực, công việc phù hợp với độ tuổi và năng lực, thay vì lao ra ngoài, vào cuộc chiến đấu với thương trường ngay.