Sáp nhập tỉnh thành, cuộc cách mạng "chưa có tiền lệ"
(Dân trí) - Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, nguyên Đại biểu Quốc hội Khóa VIII Lê Công Cơ nhìn nhận, Đà Nẵng và Quảng Nam "về một nhà" thời điểm hiện tại là hợp với xu thế thời đại.

Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, nguyên Đại biểu Quốc hội Khóa VIII, Chủ tịch Hội đồng đại học - Đại học Duy Tân Lê Công Cơ nhìn nhận, kết luận của Ban Bí thư và tầm nhìn của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc nghiên cứu, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh là một cuộc cách mạng "chưa có tiền lệ" để thực hiện sứ mệnh lịch sử "vươn mình của dân tộc".
Tách ra để phát triển, xứng đáng với vị trí và tiềm năng
Đà Nẵng và Quảng Nam, hai vùng đất không chỉ nổi tiếng bởi truyền thống cách mạng mà còn có sự gắn kết bền chặt về địa lý, lịch sử, văn hóa. Trải qua nhiều lần sáp nhập, chia tách, mỗi dấu mốc đều để lại dư âm sâu sắc trong lòng người dân hai địa phương.
Gắn bó với thành phố (TP) Đà Nẵng từ những ngày đầu tách tỉnh, ông Lê Công Cơ cho hay, trước đây Quảng Nam - Đà Nẵng là một, nhưng để phát triển nên được tách ra thành TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ XVI năm 1996 (Ảnh chụp lại: Hoài Sơn).
Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, của Nhà xuất bản Đà Nẵng, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ XV (10/1991), đã có kiến nghị cho tách Đà Nẵng thành TP trực thuộc Trung ương. Nếu chưa tách thì cho một quy chế riêng để xây dựng Đà Nẵng thành một đặc khu kinh tế của Duyên hải miền Trung hoặc khu kinh tế mở.
Tại Đại hội lần thứ IV Đảng bộ TP Đà Nẵng (8/5/1989), đã thống nhất kiến nghị Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng cho TP Đà Nẵng được trực thuộc Trung ương. Nếu chưa đủ điều kiện thì cho Đà Nẵng được trở thành Đặc khu kinh tế Đà Nẵng. Đây là ý tưởng đặt nền móng cho việc Trung ương xem xét Đà Nẵng trở thành TP trực thuộc Trung ương sau này.
Ngày 19/3/1992, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Phạm Văn Đồng đã đến làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng. Sau khi nghe ý kiến, Cố vấn Phạm Văn Đồng kết luận: "Tôi sẽ có ý kiến đề xuất với Trung ương Đảng và Chính phủ, để tạo điều kiện cho TP Đà Nẵng phát triển, xứng đáng với vị trí, tiềm năng của mình".
Ngày 24 và 25/4/1992, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt làm việc với lãnh đạo TP, có ý kiến cần phải xem xét để Đà Nẵng "có một cơ chế riêng" hoặc trở thành TP trực thuộc Trung ương.

Lễ đưa cán bộ, công chức về Quảng Nam tại TP Đà Nẵng năm 1997 (Ảnh chụp lại: Hoài Sơn).
Đầu năm 1996, trong một cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát biểu: "Tôi tán thành việc tách TP Đà Nẵng ra trực thuộc Trung ương".
Ngày 7/10/1996, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng Mai Thúc Lân, nhận được bức công điện của Trung ương nêu rõ: "Bộ Chính trị đã nhất trí chia tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam và nâng cấp TP Đà Nẵng lên TP trực thuộc Trung ương. Tỉnh ủy phải chỉ đạo hoàn tất thủ tục, để kịp trình Quốc hội quyết định trong cuộc họp giữa tháng 10".
Lúc đó, có 4 phương án chia tách được đặt ra để tạo nên địa giới hành chính phù hợp với một Đà Nẵng trực thuộc Trung ương là: TP Đà Nẵng hiện tại và các huyện Hòa Vang, Điện Bàn, thị xã Hội An (TP Hội An hiện nay); TP Đà Nẵng hiện tại và huyện Hòa Vang; TP Đà Nẵng, thêm một số xã phụ cận của Hòa Vang và Điện Bàn; TP Đà Nẵng hiện tại và các huyện Hòa Vang, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Hội An.
Trong thảo luận, có ý kiến đề nghị chia thành Quảng Nam và Quảng Đà như trước khi giải phóng và địa bàn Đặc khu Quảng Đà trước đây sẽ gọi là TP Đà Nẵng - bao gồm cả huyện đảo Hoàng Sa.
Vì có nhiều phương án, ý kiến thảo luận khác nhau nên Thường trực Tỉnh ủy kết luận chỉ chọn phương án 1 và 2, là hai phương án có tính hợp lý, khả thi hơn cả.

Lễ đón cán bộ vào Quảng Nam công tác tháng 2 năm 1997 (Ảnh chụp lại: Hoài Sơn).
Ngày 12/10/1996, Hội đồng nhân dân tỉnh họp bất thường để quyết định phương án chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Cuối cùng, Hội nghị thống nhất chọn phương án TP Đà Nẵng có 7 đơn vị hành chính gồm các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, huyện Hòa Vang và huyện Hoàng Sa.
Trong khi đó, tỉnh Quảng Nam gồm 14 đơn vị hành chính và tỉnh lỵ là thị xã Tam Kỳ.
Ông Lê Công Cơ, nhìn nhận, trước đây Trung ương muốn tách Đà Nẵng thành trực thuộc Trung ương để cho Đà Nẵng phát triển mạnh, vươn mình và Đà Nẵng đã làm được điều đó trong 28 năm qua.
Từ tháng 1/1997 đến nay, Đà Nẵng đã phát triển trở thành một TP có thương hiệu quốc tế, nhiều người biết đến Đà Nẵng là TP đáng sống, tạo thành thương hiệu lớn.
Nhập vào để tạo sự khác biệt
Nói về việc sắp tới Trung ương và Quốc hội sẽ thảo luận sáp nhập tỉnh, trong đó có khả năng Quảng Nam sẽ nhập với Đà Nẵng, ông chia sẻ rằng đã từng nghĩ sẽ có ngày tái nhập.
"Trung ương muốn sáp nhập Đà Nẵng và Quảng Nam thời điểm hiện tại là hợp với xu thế thời đại, với mục đích tiếp tục phát triển, nhưng với tốc độ cao hơn", ông Cơ nói.

Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, nguyên Đại biểu Quốc hội Khóa VIII, Chủ tịch Hội đồng đại học - Đại học Duy Tân Lê Công Cơ (Ảnh: Hoài Sơn).
Ông Cơ phân tích, thời điểm hiện tại, Đà Nẵng đã không còn không gian để phát triển với loạt đề án như Khu thương mại tự do, Trung tâm tài chính quốc tế… Nếu được mở rộng, Đà Nẵng sẽ có diện tích để thực hiện các mô hình này.
Quảng Nam nếu "về chung một nhà" với Đà Nẵng cũng có lợi vì sẽ được chi viện về y tế, giáo dục và nguồn nhân lực khi 60% dân số Đà Nẵng là người Quảng Nam và như lời Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Cán bộ Quảng Nam chủ yếu ở Đà Nẵng".
Ông Cơ cho rằng, khi Đà Nẵng - Quảng Nam "về chung", sẽ tạo ra một sức mạnh tổng hợp, có lợi thế phát triển bậc nhất tại miền Trung - Tây Nguyên. Hai địa phương đang có 2 sân bay quốc tế (Chu Lai, Đà Nẵng); 3 cảng biển lớn (Tiên Sa, Chu Lai, Liên Chiểu); 3 ga đường sắt (Chu Lai, Tam Kỳ, Đà Nẵng) và có 2 đại học lớn (Đại học Đà Nẵng, Duy Tân).

Cảng biển Tiên Sa nằm tại TP Đà Nẵng (Ảnh: Hoài Sơn).
Đà Nẵng - Quảng Nam khi hợp nhất sẽ có diện tích khoảng 11.723km2 và có đường bờ biển dài khoảng 150km, ít địa phương có được. Chính những yếu tố thuận lợi trên sẽ tạo nên sự khác biệt lớn để phát triển.
"Nếu sáp nhập, cái Đà Nẵng không có là diện tích, bây giờ lại có. Cái Quảng Nam không có là nguồn nhân lực, bây giờ lại có. Đây là một cơ hội để cả hai cùng phát triển", ông Cơ nhấn mạnh và kỳ vọng, hai địa phương "về chung" sẽ phát triển mạnh, thu hút được những người giỏi về làm việc trong môi trường thuận lợi.
Mới đây, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng khẳng định chủ trương sáp nhập Đà Nẵng và Quảng Nam là hoàn toàn đúng đắn.
"Trước đây chia ra là đúng, giờ nhập lại là rất đúng. Bởi vì hiện nay không gian phát triển của TP Đà Nẵng đang rất chật chội, ngược lại Quảng Nam thì hết sức rộng mở. Hai địa phương nhập lại để có không gian phát triển mạnh hơn là điều vô cùng đúng đắn", ông Dũng nói.
Còn tại hội thảo khoa học kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng bộ TP Đà Nẵng ngày 28/3, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh, khi Quảng Nam và Đà Nẵng "về chung một nhà" cần có tầm nhìn mới, cách làm mới để phát huy mạnh mẽ các tiềm năng, lợi thế của một thành phố mới.
Tên gọi nào cũng phải giữ được "thương hiệu" trên bản đồ thế giới

Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (Ảnh: Hoài Sơn).
Bàn về câu chuyện tên gọi sau khi sáp nhập, với quan điểm của một người đã từng đi qua nhiều nước, ông Cơ cho rằng, phải giữ được tên của các TP trực thuộc Trung ương như TPHCM, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng, vì đó là thương hiệu đã được định hình trên bản đồ thế giới.
Ông Cơ phân tích, nếu lấy tên là TP Đà Nẵng thì Quảng Nam sẽ được hưởng "thương hiệu Đà Nẵng" đã có trên thị trường quốc tế. Mặc dù tỉnh Quảng Nam đã đạt được nhiều dấu ấn trong sự phát triển, nhưng khi nhắc đến Quảng Nam trên trường quốc tế, nhiều người chỉ biết đến TP Hội An với nơi phát triển về du lịch.
Ông cho rằng, nhiều người có ý kiến quay lại tên Quảng - Đà, sẽ làm mất đi thương hiệu Đà Nẵng. Thương hiệu là thứ không dễ dàng xây dựng được, đánh mất thương hiệu là tự đánh mất giá trị quý giá nhất.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chào hỏi các đại diện quốc tế tham gia diễn đàn các TP hữu nghị và hợp tác Đà Nẵng 2025 (Ảnh: Hoài Sơn).
Bàn về câu chuyện thách thức, ông Cơ nhìn nhận, "bài toán" khó nhất đặt ra cho các nhà lãnh đạo là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm, có tài và điều quan trọng nhất là phải giỏi về công nghệ, vì đây sẽ là xu thế. Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý hành chính, để rút ngắn khoảng cách chính quyền với người dân và bảo đảm quy trình xử lý hồ sơ nhanh chóng.
Ông cũng kỳ vọng Đà Nẵng - Quảng Nam sẽ là hai địa phương tiên phong trong việc sáp nhập lần này để tạo "cú hích" cho cả nước vì trong lịch sử đã chứng minh Đà Nẵng trước đây là nơi được chọn lựa đầu tiên.