Người tài năng vào khu vực công có chính sách ưu đãi ra sao?
(Dân trí) - Dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi quy định cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá trong thu hút, trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng làm việc trong khu vực công.
Dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi đã hoàn thiện quy định về thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan nhà nước.
Theo đó, nhà nước có cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá trong thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng làm việc trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị, bảo đảm nguyên tắc kết hợp nguồn lực khu vực công và khu vực tư.
Chính phủ quy định cơ chế, chính sách ưu đãi và nguồn kinh phí theo thẩm quyền (bao gồm kinh phí từ ngân sách nhà nước và nguồn huy động hợp pháp khác) để thu hút, trọng dụng người có tài năng trong các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, mũi nhọn để phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
Cùng với đó, HĐND cấp tỉnh quyết định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý, phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của địa phương.
Theo dự Luật, căn cứ vào quy định của Chính phủ và của HĐND, định hướng, chiến lược, trọng tâm phát triển của ngành, lĩnh vực, quốc gia, địa phương, người đứng đầu cơ quan quản lý cán bộ, công chức xác định những ngành, lĩnh vực cần ưu tiên sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong từng giai đoạn và quyết định việc thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
Như vậy, dự Luật đã đề xuất Chính phủ quy định cơ chế, chính sách ưu đãi và nguồn kinh phí theo thẩm quyền để thu hút, trọng dụng người có tài năng trong các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, mũi nhọn để phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
Trên cơ sở đó, người đứng đầu cơ quan quản lý cán bộ, công chức quyết định việc thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng thuộc phạm vi quản lý.
Bên cạnh đó, các nội dung không quy định tại dự Luật này gồm: Các điều kiện bảo đảm thi hành công vụ; thanh tra công vụ; áp dụng chế độ công chức đối với viên chức lãnh đạo, quản lý...
Mặt khác, dự Luật cũng nêu các nội dung để giao Chính phủ quy định chi tiết về vị trí việc làm; về tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, kỷ luật, tiền lương và các chế độ phụ cấp để phù hợp với các quy định của Đảng...
Dự thảo Luật đã xử lý để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật liên quan như: Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Thi hành án dân sự, Luật Cơ yếu, Luật Thanh tra, Luật Công an nhân dân, Luật Dân quân tự vệ...