"Vũ điệu" tra hạt trên cánh đồng dung nham hàng nghìn năm tuổi
(Dân trí) - Khi mùa mưa bắt đầu, những người nông dân Đắk Nông cùng nhau đi tỉa bắp trên cánh đồng dung nham. Cánh đồng được hình thành từ hàng nghìn năm trước nhờ hoạt động của núi lửa Chư B'lúk.
Khu vực dưới chân núi lửa Chư B'lúk thuộc địa giới hành chính của 3 xã Nam Đà, Đắk D'rô và Buôn Chóah (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông), có diện tích rộng hàng trăm héc-ta.
Tháng 4 hàng năm, khi đã vào cuối mùa khô, người dân địa phương bắt đầu phát dọn cỏ, đốt lớp thực bì tại khu vực này để chuẩn bị cho mùa tỉa bắp mới.
Đối với những khu vực rộng lớn, người dân diệt cỏ trước khi đốt thực bì. Cỏ phát triển rất nhanh vì nguồn đất giàu khoáng chất.
Đầu tháng 5, những cơn mưa đầu mùa xuất hiện, người dân các xã Đắk D'rô, xã Buôn Chóah cùng nhau xuống giống, bắt đầu cho mùa bắp mới.
Việc tỉa bắp trên cánh đồng dung nham rất đặc biệt. Thanh niên có sức khỏe đi tìm khe đất, tạo lỗ nhỏ để tiện cho việc tra hạt.
Dụng cụ để tạo lỗ là những thân cây tre, cây gỗ, trong đó phần đầu (khoảng 15cm) được bọc sắt, tạo độ cứng và chắc chắn mỗi khi làm việc trên vùng đất toàn đá núi lửa.
Song song với việc tạo lỗ, phụ nữ và trẻ em sẽ đi theo sau để tra hạt bắp. Không khí làm việc trên cánh đồng khẩn trương, nhịp nhàng như trong những điệu múa xoang của đồng bào M'nông.
Diện tích gieo trồng lớn, người dân thường lập thành từng tổ sản xuất, thành viên là những người trong cùng một dòng họ hoặc sinh sống trong cùng một buôn làng.
Công việc tra hạt bắp tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo của đôi bàn tay.
Người tỉa bắp sẽ dùng một tay thả hạt vào lỗ, tay còn lại cầm chiếc gậy nhỏ để lấp đất. Người tra hạt liên tục làm việc trong tư thế khom lưng nên rất vất vả.
Điều đặc biệt, ở đây người dân không tính diện tích gieo trồng bằng héc-ta, mà tính bằng lượng bắp được gieo xuống đất. Trung bình, mỗi gia đình sẽ gieo trồng khoảng 20kg bắp giống, tương đương với diện tích 1,5-2 héc-ta.
Diện tích canh tác lớn, khu vực canh tác phần lớn là sỏi, đá ong thế nhưng lợi thế có được lại là phần đất giàu chất dinh dưỡng từ núi lửa. Chính điều này đã giúp nông dân giảm bớt chi phí đầu tư sản xuất, nhất là mua phân bón.
Việc sản xuất ở đây không chỉ thể hiện tinh thần vượt lên điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên, mà còn là minh chứng tiêu biểu cho tính gắn kết cộng đồng. Theo người dân, mỗi ngày đi tỉa bắp được ví như một "ngày hội" của đồng bào M'nông ở Đắk Nông.
Anh Y Thiết Buôn Oi (xã Đắk D'rô, huyện Krông Nô) cho biết việc gieo trồng bắp sẽ được thực hiện luân phiên. Mỗi nông hộ sẽ huy động khoảng 20 người, cùng làm việc trong khoảng 2 ngày, sau đó di chuyển sang rẫy nhà người khác. Đây là cách mọi người giúp đỡ nhau làm ăn, củng cố thêm tình cảm, tình đoàn kết trong cộng đồng.
Với khoảng 20kg bắp giống, khoảng 6 tháng sau khi gieo trồng, đến tháng 11 hàng năm, người dân có thể thu được khoảng 70 triệu đồng từ bắp hạt. Đây được coi là thu nhập khá đối với những hộ gia đình đang canh tác ở khu vực chân núi lửa Chư B'lúk.
Niềm vui trên nét mặt của những người lao động vùng khó khăn. Hiện nay cây bắp đang dần trở thành cây trồng chủ lực, giúp nhiều hộ dân Đắk Nông thoát nghèo, có cuộc sống ấm no, ổn định hơn.