Dấu tích người tiền sử trong hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á
(Dân trí) - Ngoài hệ thống hang động tại Đắk Nông, nhiều nhà khoa học cho rằng chưa có nơi nào ở trên thế giới phát hiện ra di cốt người tiền sử sinh sống bên trong hang động núi lửa.
Tồn tại sự sống bên trong hang động núi lửa
Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO Đắk Nông có diện tích hơn 4.700km2, trải dài qua 6 huyện, thành phố của tỉnh Đắk Nông. Đây là vùng đất có sự đa dạng về di sản địa chất, sinh học, xã hội và hội tụ những tiêu chí của một CVĐC toàn cầu.
Điểm nổi bật nhất trong CVĐC Đắk Nông là hệ thống hang động trong núi đá bazan, phân bố ở khu vực Đ'ray Sáp - Chư Bluk, được phát hiện từ năm 2007. Khu vực này từng được Hiệp hội Hang động núi lửa Nhật Bản xác lập kỷ lục hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á.
PGS.TS Trần Tân Văn- thành viên Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO - cho biết ở các CVĐC khu vực phía bắc Việt Nam, đá vôi chiếm diện tích 60-70%. Trong khi đó, CVĐC Đắk Nông, hơn một nửa diện tích là đá phun trào bazan, về sau phân hóa ra thành đất đỏ. Điều này đã giúp Đắk Nông trở thành một vùng đất trù phú, mang lại lợi thế cho việc phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả.
PGS.TS Trần Tân Văn thông tin thêm, Đắk Nông có hàng trăm hang động núi lửa, nhưng cho đến nay, mới khoảng 50 hang động núi lửa đã được điều tra, khảo sát, đo vẽ, trong đó có hang dài hơn 1km.
Việc khảo sát và đo đạc sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới. Từ đó, các nhà khoa học sẽ có đánh giá toàn diện về địa chất, địa mạo của các hang động núi lửa khu vực Tây Nguyên.
Là một trong số những nhà khoa học góp công trong việc phát hiện di chỉ khảo cổ tại hang động núi lửa nằm trên địa bàn huyện Krông Nô (Đắk Nông), PGS.TS Nguyễn Lân Cường - Viện Khảo cổ học Việt Nam - cho rằng điểm vô cùng đặc sắc làm nên sự khác biệt của hang động núi lửa ở Đắk Nông so với thế giới, đó là di chỉ khảo cổ, nơi có dấu vết người tiền sử từng sinh sống. Qua đánh giá, di cốt người tiền sử từng sinh sống cách đây khoảng 6.000-7.000 năm, thuộc nền văn hóa Hòa Bình.
Nhớ lại thời điểm phát hiện ra những di chỉ có giá trị khoa học, văn hóa quan trọng, PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho biết, năm 2018, khi thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về hang động núi lửa ở Krông Nô, một nhóm nghiên cứu đã phát hiện được nhiều di chỉ và hiện vật, gồm các công cụ lao động là đồ đá, đồ gốm, xương và vỏ nhuyễn thể.
"Tôi nhận được điện báo của nhóm nghiên cứu nên lập tức từ Hà Nội vào Đắk Nông kiểm tra. Một chiếc xương, giống xương chày của người trồi lên từ đất khiến chúng tôi mừng lắm. Thế nhưng sau khi xem xét kỹ, chúng tôi đều nhận định, đó chỉ là xương của con hươu. Tôi tiếp tục ở lại hang C6.1 thêm một thời gian và rồi ngỡ ngàng phát hiện ra một chiếc răng người cùng một ngôi mộ trẻ em tại khu vực này".
Sự phát hiện này cũng là lần đầu tiên các nhà khoa học nhìn thấy di chỉ người ở khu vực Tây Nguyên. Bởi theo lý giải, với đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu của cao nguyên M'nông, hầu như xương người sẽ bị phân hủy.
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường, sau khi phát hiện ra xương cốt của người, khó khăn lớn nhất là việc xác định chủng tộc, bởi cứ liệu chỉ là một chiếc răng và di cốt của trẻ em.
Chính vì điều này mà một năm sau khi phát hiện dấu vết người tiền sử, ông PGS.TS Nguyễn Lân Cường cùng Viện Khảo cổ học Việt Nam, Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam đã tiếp tục khai quật một số khu vực bên trong hang động và phát hiện ra 10 bộ di cốt khác.
"Trong số 10 bộ di cốt này, có một bộ còn đầy đủ cả xương sọ, xương chi, cao khoảng 1m83 và được đánh giá là bộ di cốt đẹp nhất. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đề nghị dựng lại hình ảnh 3D từ bộ xương này, đặt lại vào khu vực phát hiện di cốt để giới khoa học, người dân, du khách nước ngoài cũng có thể tới chiêm ngưỡng, tìm hiểu", PGS.TS Nguyễn Lân Cường nói.
Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch
Ở thời điểm hiện tại, các nhà khoa học đã tìm thấy hiện vật đồ đá ở một số hang động thuộc hệ thống hang động núi lửa Krông Nô. Điều này là căn cứ để các nhà khoa học tin vào khả năng người tiền sử sinh sống ở nhiều hang động khác nhau ở CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
"Chúng ta cần hiểu rằng để nghiên cứu về một nền văn hóa, cần phải biết chủ nhân của nền văn hóa ấy là ai? Chắc chắn trong thời gian tới, cùng với việc tìm hiểu các hang động núi lửa, kết hợp với sự phát triển của khoa học, chúng ta có thể biết họ là ai, đến từ đâu?" - PGS.TS Nguyễn Lân Cường nhấn mạnh.
Lý giải vì sao người tiền sử lại lựa chọn việc sinh sống trong hang động núi lửa, nhà nghiên cứu về cổ nhân học Nguyễn Lân Cường cho rằng, các hang động núi lửa được hình thành từ hàng ngàn năm trước. Tuy nhiên, khoảng 6.000 năm trước, miệng núi lửa cũ sập xuống, hình thành một cửa hang thứ sinh. Người tiền sử đã đi qua cửa hang thứ sinh đó để vào bên trong, sinh sống.
"Chúng ta có thể cảm nhận rõ ràng, nhiệt độ bên ngoài hang rất nóng nhưng khi vào bên trong lại rất mát mẻ nên có lẽ cha ông ta đã chọn cách vào bên trong hang để sinh sống. Trong quá trình sinh hoạt bên trong hang, họ bắt ốc ngoài suối để ăn và bỏ lại vỏ xung quanh. Chính canxi trong ốc làm xương người cứng lại và làm chất đất biến đổi để cho đến ngày nay, giới nghiên cứu có được những hiện vật, di vật quý báu, phục vụ nghiên cứu khoa học", PGS.TS Nguyễn Lân Cường nhận định.
Tháng 11/2022, tỉnh Đắk Nông đăng cai tổ chức Hội nghị Quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20- ISV20. Đây là một sự kiện khoa học quốc tế về hang động lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, qua đó khẳng định quyết tâm trong việc bảo tồn và sử dụng hợp lý các giá trị di sản, đặc biệt là các di sản địa chất.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười nhấn mạnh, hang động núi lửa là di sản địa chất quý giá mà tỉnh Đắk Nông và một số địa phương khác ở Việt Nam đang sở hữu. Hội nghị ISV20 là cơ hội tốt để tỉnh Đắk Nông giới thiệu, quảng bá hệ thống núi lửa và hang động núi lửa - những di sản địa chất tồn tại hàng ngàn năm qua. Đồng thời, đây cũng là dịp để tỉnh Đắk Nông học hỏi kinh nghiệm để khai thác bền vững di sản, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.