PhotoStory

Trải nghiệm cùng ngư dân bẫy mực lá trên biển

Thực hiện: Nhật Anh

(Dân trí) - Các lồng bẫy mực có hình hộp chữ nhật làm bằng tre, lưới được ngư dân thả xuống biển vào sáng sớm, đến chiều cùng ngày ra thu thành quả.

Trải nghiệm cùng ngư dân bẫy mực lá trên biển - 1

Đến bãi biển Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, cứ vào khoảng 15h hằng ngày, không khó để bắt gặp những chiếc tàu, ghe, vượt sóng ra khơi thu bẫy mực lá.

Theo ngư dân xã Hải An, nghề bẫy mực xuất phát từ tỉnh Thanh Hóa và Đà Nẵng, sau đó người dân địa phương thấy hay nên làm theo.

Trải nghiệm cùng ngư dân bẫy mực lá trên biển - 2
Trải nghiệm cùng ngư dân bẫy mực lá trên biển - 3

Các lồng bẫy mực của ngư dân xã Hải An có hình hộp chữ nhật, được làm bằng tre, lưới, chiều cao hơn 1m, rộng 0,6m. Xung quanh được phủ bằng lá cây đùng đình phơi khô hoặc vải bạt nilon màu đen để tạo thành vùng tối trong lồng.

Những chiếc bẫy được ngư dân dùng ghe, thuyền đưa ra thả xuống vùng biển gần bờ lúc sáng sớm, đến chiều sẽ quay trở lại để thu thành quả.

Trải nghiệm cùng ngư dân bẫy mực lá trên biển - 4

Mỗi thuyền đánh bắt mực sẽ có 2-3 ngư dân. Mùa vụ đánh bắt mực của ngư dân xã Hải An thường diễn ra từ tháng 2 đến tháng 7 hằng năm. Tùy vào các loại thuyền mà vị trí thả lồng bẫy khác nhau, tàu công suất nhỏ, đặt bẫy cách bờ 1-4 hải lý, độ sâu 5-8m, tàu lớn đặt vị trí xa hơn và sâu hơn.

Trải nghiệm cùng ngư dân bẫy mực lá trên biển - 5

Chở chúng tôi trên chiếc thuyền nhỏ ra khu vực đặt bẫy mực, anh Nguyễn Thanh Lâm (40 tuổi), trú thôn Mỹ Thủy, cho hay, bản thân có hơn 20 năm đi biển, hàng ngày anh đưa 10 lồng bẫy ra khơi để bắt mực.

Để cố định và cho lồng bẫy chìm xuống đáy biển, phần đáy lồng được ngư dân buộc với hòn đá hoặc bao cát nặng khoảng 5kg. Đỉnh lồng được nối với sợi dây thừng dài 20-30m, bên trên buộc vào phao nổi trên mặt nước với những hình thù khác nhau để phân biệt với lồng bẫy của ngư dân khác. 

Theo anh Lâm, vị trí đặt bẫy được ngư dân xác định từ trước, trước khi bẫy được đưa xuống biển sẽ được gắn chùm trứng mực tươi để làm mồi dẫn. Đây là thời gian mực lá vào gần bờ để sinh sản nên hễ thấy trứng ở trong lồng bẫy là chui vào đẻ rồi không thoát ra ngoài được.

Trải nghiệm cùng ngư dân bẫy mực lá trên biển - 6
Trải nghiệm cùng ngư dân bẫy mực lá trên biển - 7
Trải nghiệm cùng ngư dân bẫy mực lá trên biển - 8

Mực và các loại hải sản khác sau khi đánh bắt được ngư dân đưa lên bờ bán lại cho thương lái và các chủ nhà hàng, du khách.

Các ngư dân tâm sự, nghề bẫy mực cũng tùy vào con nước, thời tiết và dòng chảy là có thể biết vị trí nào mực tập trung đông. Những ngày nước biển đục, biển động rất ít mực. Nghề này dễ làm nhưng vô chừng, ngày trúng mực có thể thu về tiền triệu, ngày không có thì lỗ tiền dầu.

Trải nghiệm cùng ngư dân bẫy mực lá trên biển - 9
Trải nghiệm cùng ngư dân bẫy mực lá trên biển - 10

Trung bình mỗi ngày, một thuyền của ngư dân xã Hải An thu về 3-7kg mực lá. Có thuyền thả lồng bẫy trúng luồng mực còn thu hoạch được 15-20kg.

Với mức giá hiện tại khoảng 350.000-400.000 đồng/kg, ngư dân thu về 1,5-2,5 triệu đồng, trừ chi phí cũng kiếm được từ 700.000 đến 1,2 triệu đồng/người. 

Trải nghiệm cùng ngư dân bẫy mực lá trên biển - 11

Bên cạnh các loại hải sản biển khác, nghề bẫy mực lá đang mang lại nguồn thu nhập khá cho ngư dân vùng bãi ngang của tỉnh Quảng Trị.

Ông Lê Đức Thắng, Phó Trưởng phòng Quản lý khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá, Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Trị, cho biết, nghề đặt lồng bẫy mực lá ở các bãi ngang của địa phương có cách đây hơn 20 năm.

"Nghề này đang được ngư dân các xã biển bãi ngang khai thác khá hiệu quả, nhất là các xã thuộc huyện Hải Lăng. Dễ làm, lại cho thu nhập ổn định nên trừ những ngày mưa gió, còn lại ngư dân đều đi thả lồng bẫy mực", ông Thắng nói.