Sắp xếp nhân sự khi tinh gọn bộ máy: "Sự lựa chọn sinh tử"

Hoa Lê

(Dân trí) - Khi tinh gọn bộ máy, điều quan trọng nhất là lựa chọn được nhân sự có năng lực, trình độ, phẩm chất và thanh lọc những người không đáp ứng yêu cầu.

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy

Liên quan đến thông tin dự kiến sẽ có khoảng 100.000 công chức rời nhà nước trong đợt tinh gọn, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, việc sắp xếp bộ máy và công tác cán bộ được coi như cuộc cách mạng.

Trong đó, việc giữ được người có năng lực, trình độ, phẩm chất ở lại bộ máy là lựa chọn "sinh tử". Bên cạnh đó, một bộ phận sẽ rời khỏi bộ máy vì không đáp ứng yêu cầu.

Theo ông Hiểu, một số người vì lý do cá nhân, gia đình có thể không làm việc trong môi trường nhà nước. Tuy nhiên, chủ trương chung là cố gắng giữ chân những người có năng lực, trình độ, tinh thần trách nhiệm cao, tinh thần phục vụ nhân dân, đất nước.

Sắp xếp nhân sự khi tinh gọn bộ máy: Sự lựa chọn sinh tử - 1

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu (Ảnh: Văn Quân).

Với trường hợp không đáp ứng yêu cầu, vị này cho rằng các cơ quan cần xác định tiêu chí cụ thể để tinh gọn.

"Điều chúng ta gặp khó nhất là việc xác định tiêu chí khi sắp xếp. Từ đó, chúng ta đủ bản lĩnh, dũng cảm, phương thức khoa học trong lựa chọn, bóc tách, sắp xếp nhân sự. Thực hiện việc này có hiệu quả hay không phụ thuộc vào người đứng đầu cơ quan, tập thể", ông Hiểu cho hay.

Tổng Liên đoàn sẽ nghiên cứu để có kiến nghị, tham mưu để công chức, viên chức kết thúc làm việc ở môi trường nhà nước có cơ hội sinh kế, việc làm trong môi trường làm việc khác.

Chính sách để lao động thích ứng môi trường mới

Cũng trao đổi về vấn đề này, Nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quang Trung cho biết, người thôi làm việc ở các đơn vị nhà nước khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập, tinh giảm bộ máy hầu hết những người được đào tạo và đào tạo bài bản. Họ có kinh nghiệm làm việc, có kỹ năng và tác phong chỉnh chu, có tinh thần trách nhiệm trong công việc, am hiểu chính sách và pháp luật...

Chuyên gia này còn cho rằng họ luôn mong muốn và khao khát làm việc để đóng góp cho gia đình và xã hội.

Tuy nhiên, khi chuyển đổi vị trí việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp hay khởi sự doanh nghiệp, bản thân họ sẽ có những khó khăn nhất định.

Cùng với các chính sách hỗ trợ theo Nghị định 178/NĐ-CP, ông Trung cho rằng rất cần có các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị, doanh nghiệp để người thôi việc sớm có việc làm và việc làm phù hợp.

Nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm nêu việc đầu tiên cần làm là tổ chức rà soát, đánh giá về trình độ và chuyên môn đào tạo, nhu cầu đào tạo bồi dưỡng; khả năng làm việc và nguyện vọng cá nhân khi tìm việc làm mới của từng người thôi không làm việc do thực hiện sắp xếp, sáp nhập, tinh giảm, bộ máy.

Đồng thời, cơ quan quản lý cần thu thập, thống kê nhu cầu tiếp nhận và tuyển dụng của các doanh nghiệp, tổ chức trên từng địa phương và cả nước. Từ đó, có định hướng và kế hoạch đào tạo, đào tạo lại và giải quyết việc làm.

Sắp xếp nhân sự khi tinh gọn bộ máy: Sự lựa chọn sinh tử - 2

Ông Lê Quang Trung (Ảnh: NVCC).

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng đề nghị cần nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ cho các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện việc đào tạo, đào tạo lại và nâng cao trình độ cho những người có nhu cầu. Cùng với đó là chính sách hỗ trợ đối với những doanh nghiệp tiếp nhận, tuyển dụng nhiều người thuộc đối tượng này vào làm việc.

Tiếp nữa, ông Trung cũng cho biết khâu nghiên cứu và ban hành chính sách, biện pháp hỗ trợ đối với những người là phụ nữ, người lớn tuổi (có thể là trên 40 tuổi) và có nhiều năm làm việc trong khu vực nhà nước là rất quan trọng.

Bởi những người này khó tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề, chuyên ngành đã từng được đào tạo hay làm việc...

Thêm vào đó, những chính sách khuyến khích, tôn vinh và hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp hoặc tự tạo việc làm và thu hút thêm nhiều lao động, bao gồm hỗ trợ về định hướng sản xuất - kinh doanh, vốn, kỹ thuật - công nghệ, thị trường, quản trị tài chính...

Cùng với nhóm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng, người khởi nghiệp, ông Trung cũng đề xuất một chương trình hoặc dự án hỗ trợ đào tạo, việc làm cho những người thôi không làm việc do thực hiện sắp xếp, sáp nhập, tinh giảm, bộ máy để thích ứng nhanh với thị trường lao động trong một giai đoạn nhất định.

Để thực hiện điều này cần xác định rõ đối với từng đối tượng, từng hoạt động, điều kiện và tài chính để thực hiện từng hoạt động, trách nhiệm cụ thể và đơn vị thực hiện, kết quả thực hiện. 

Vị chuyên gia này cho biết thêm, cần tăng cường liên kết giữa các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và trung tâm dịch vụ việc làm trong việc đào tạo, đào tạo lại, nâng cao trình độ chuyên môn và việc làm sau đào tạo ở từng địa phương, vùng và cả nước để hỗ trợ cho người lao động nói chung và người thôi làm việc ở các đơn vị nhà nước nói riêng.

Mặt khác, ông Trung chốt lại vai trò của việc tăng cường năng lực cho các Trung tâm dịch vụ việc làm và đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động, đặc biệt là dự báo cung - cầu lao động ngắn và trung hạn...