DMagazine

Những bữa cơm "lá rách đùm lá… tả tơi" của công nhân thất nghiệp

(Dân trí) - Những bữa cơm san sẻ, mớ rau chia đôi trong giai đoạn khó khăn và làn sóng sa thải càng giúp tình người của công nhân được gắn kết.

Một ngày tháng 4/2023, sau tin nhắn cần giúp đỡ vì 2 con bị bệnh nặng khi vợ chồng chị Phạm Thị Ngọc Huyền (34 tuổi, ngụ Đồng Nai) thất nghiệp, một chiếc ô tô của nhà hảo tâm đã dừng lại trước dãy phòng trọ của chị. Phía sau cốp xe chở theo gạo, mì tôm, ít rau, thịt kèm lời hứa sẽ lo toàn bộ viện phí cho 2 đứa con của chị. 

Lúc ấy, Huyền bật khóc. 

"Thực ra trong lúc bế tắc, mình nhắn tin cho một nhà hảo tâm chứ chưa bao giờ nghĩ mình sẽ được nhận giúp đỡ. Mọi thứ đúng là may mắn!", Huyền tâm sự.

Những bữa cơm lá rách đùm lá… tả tơi của công nhân thất nghiệp - 1

Vài ngày sau đó, chị Nguyễn Thị Hợp (34 tuổi, ngụ Đồng Nai) cũng rơi vào tình trạng thất nghiệp do công ty đột ngột đóng cửa. Hàng ngày, chị với con gái phải đi phục vụ quán nhậu nhằm duy trì cuộc sống 4 miệng ăn ở thành phố. 

Nghe tin về hoàn cảnh trên, Huyền mạnh dạn nhắn tin cho mạnh thường quân xin giúp đỡ thêm lần nữa.

Nhờ có Huyền, cuộc sống 4 mẹ con của Hợp sau đó nhanh chóng thay đổi khi không lo các bữa đói. Con Hợp được đến trường, chị cũng quay trở lại một nhà máy khác theo lời hỗ trợ của mạnh thường quân.

Sang tháng 8, công ty của Huyền bắt đầu cho tăng ca trở lại giúp thu nhập của chị bắt đầu ổn định. Cứ vậy, ngày cuối tháng, chị lại nấu một bữa cơm chay đùm bọc cho tất cả công nhân trong dãy trọ.

Hàng ngày, chạy xe ngang qua Khu công nghiệp Biên Hòa, thấy nhà máy nào đề bảng tuyển công nhân, Huyền lại trở về nhà, đăng địa chỉ liên lạc lên trên mạng xã hội nhằm giúp mọi người mau chóng tìm được công việc.

"Tôi nghĩ trong giai đoạn khó nhất, người ta đã giúp gia đình mình, vậy nên khi mọi thứ bình thường, mình phải đem sự may mắn này để giúp tiếp người khác, miễn sao tất cả công nhân mau chóng vượt qua giai đoạn này", Huyền tủm tỉm cười.

Những bữa cơm lá rách đùm lá… tả tơi của công nhân thất nghiệp - 3
Những bữa cơm lá rách đùm lá… tả tơi của công nhân thất nghiệp - 5

Qua quá trình tiếp xúc với hàng chục doanh nghiệp, lao động ở TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, nhóm phóng viên Dân trí ghi nhận rằng, mặc dù tình hình sản xuất giảm đã ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh, công nhân đôi khi phải chạy ăn từng bữa khi bị giảm giờ làm, sa thải… nhưng bằng tình yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ nhau, họ vẫn bám trụ nơi "đất khách quê người". Họ cố đợi đến thời điểm mọi hoạt động sản xuất trở về bình thường.

Vừa tan ca, Lê Thị Hà (24 tuổi, ngụ Đồng Nai) vội ghé vào tiệm rau củ nhỏ bên đường Hoàng Tam Kỳ (TP Biên Hòa, Đồng Nai) mua ít rau, trứng vịt nấu cho bữa tối.

Từ tháng 10, đơn hàng quốc tế của công ty trở lại bình thường giúp Hà trở thành người đầu tiên trong phòng trọ quay về mức lương cũ. Mỗi ngày, chị chịu phần tiền sinh hoạt hơn xíu nhằm san sẻ với bạn cùng phòng.

Vài năm trước, Hà cùng 2 đồng hương đón chuyến xe đò từ Thừa Thiên Huế vào Khu công nghiệp Biên Hòa. Cả 3 cô gái trẻ mang trong mình ước mơ đổi đời ở "miền đất hứa".

Những bữa cơm lá rách đùm lá… tả tơi của công nhân thất nghiệp - 7

Hà được nhận vào làm tại một doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử. Chẳng bao lâu, năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát, lần lượt từng công nhân đều bị giảm giờ làm, cắt biên chế. Nhiều tháng ròng, Hà chỉ làm 10 ngày, duy trì mức thu nhập 2,5 triệu đồng/tháng.

May mắn Hà được 2 người chị có kinh nghiệm hướng dẫn công việc buôn bán online. Mỗi tuần, cả nhóm sẽ nhập thực phẩm như cá tươi, nem tré, mắm, ruốc… từ quê nhà vào và bán cho các đồng hương.

"Có hôm không hết hàng, chủ trọ và chị em lại mua ủng hộ. Lúc đầu chưa quen nên buôn bán còn nhỏ, giờ thu nhập đã đủ để tụi mình trả tiền trọ. Ngoài ra, mình và nhóm bạn còn hỗ trợ tăng ca, làm thêm ngoài giờ nên mọi thứ trở nên tốt hơn. Cuối tháng dư dả xíu mọi người lại hùn vào để đi chơi một bữa. Đời công nhân mà, như thế là vui lắm rồi!", Hà cười.

Suốt năm 2023, không đêm nào chị Tuyền (35 tuổi, ngụ Bình Tân, TPHCM) yên giấc. Đầu tháng 2, danh sách giảm biên chế được quản lý gửi xuống mỗi tuần khiến Tuyền thấp thỏm không yên, chẳng biết khi nào đến lượt mình.

Nhằm duy trì sinh hoạt của 4 miệng ăn trong gia đình, vợ chồng Tuyền ngày làm ở nhà máy, đêm lại bôn ba xin thêm việc bên ngoài. Những hôm không có ca làm, Tuyền nhận hành về lột vỏ với mức phí 5.000 đồng/ký. 

"Đó là lần đầu tiên trong 15 năm ở Sài Gòn, chị thấy mình không thể trụ được nữa", Tuyền nói.

Những bữa cơm lá rách đùm lá… tả tơi của công nhân thất nghiệp - 9

Năm 2021, dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện ở các khu công nghiệp quận Bình Tân (TPHCM). Chứng kiến bạn bè rời dãy trọ, trở về quê vì không thể trụ nổi, Tuyền vô cùng xót xa.

Vài ngày sau, chị tự lên mạng tìm cách đăng bài để xin thực phẩm, thuốc men. Chuyến xe đầu tiên chở bắp cải, rau muống đậu trước dãy trọ, chị rưng rức khóc vì xúc động.

Sang năm 2022, một lần nữa làn sóng cắt giảm giờ làm, sa thải hàng loạt khiến đời sống công nhân càng thêm chật vật. Nhờ ứng dụng tốt mạng xã hội, Tuyền đã vào các hội nhóm để giới thiệu việc cho chị em. 

Những bữa cơm lá rách đùm lá… tả tơi của công nhân thất nghiệp - 11

Sau nhiều nỗ lực, những công nhân thất nghiệp ở dãy trọ giờ đã nhận thêm công việc tạp vụ ở nhà máy với mức lương 25.000 đồng/giờ.

"Tôi không nghĩ bản thân giúp được gì nhiều, nhưng việc đứng nhìn họ chịu khổ thì còn đau lòng hơn. Như bao công nhân khác, chúng tôi cũng ao ước có công việc, cuộc sống ổn định. Bây giờ về quê làm lại từ đầu rất khó nên không chỉ riêng tôi mà mọi người đều rất hi vọng kinh tế sẽ sớm ổn định", chị Tuyền nói.

Những bữa cơm lá rách đùm lá… tả tơi của công nhân thất nghiệp - 13

Bên cạnh việc giúp đỡ nhau giữa những công nhân "đồng khó", từ năm 2020 đến năm 2023, nhiều doanh nghiệp nói "không" với việc cắt giảm, sa thải nhân sự.

"Chúng tôi luôn quan niệm, công ty lãi nhiều năm rồi thì chịu lỗ vài năm là bình thường. Vì vậy, ở Công ty TNHH Poong In chưa bao giờ có câu chuyện từ bỏ lao động", ông Lê Vũ Hồng Quân (Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH Poong In Vina) cam kết.

Theo đó, mặc dù năm 2021, dệt may là ngành hàng bị ảnh hưởng đầu tiên bởi đại dịch Covid-19, Poong In Vina vẫn đảm bảo việc cho 1.100 lao động nữ. Trong giai đoạn Bình Dương phong tỏa lần đầu tiên, công ty đã trả lương đầy đủ cho người lao động. Từ năm 2021 đến năm 2022, công ty chi trả 80.000 đồng/ngày cho công nhân không đến nhà xưởng nhằm chia sẻ khó khăn.

"Đa phần công nhân ngành may là nữ, vì vậy chúng tôi còn nỗ lực tổ chức các buổi tập huấn về quấy rối tình dục, bình đẳng giới, nâng cao nhận thức nghề nghiệp. Bằng việc nghiệp vụ nâng cao này, công nhân mới trở nên tốt hơn, tự chủ được cuộc sống và gắn bó lâu dài hơn với lãnh đạo", ông Quân phát biểu thêm.

Những bữa cơm lá rách đùm lá… tả tơi của công nhân thất nghiệp - 15

Tương tự, bà Nguyễn Thị Sơn Bình (Giám đốc Nhân sự Cấp cao Công ty TNHH Wanek Furniture) chia sẻ: Trong giai đoạn Covid-19, Wanek trở thành đơn vị tiên phong bố trí làm việc 3 tại chỗ cho hơn 4.300 công nhân với sự hỗ trợ về vật chất, tinh thần, trang thiết bị và vắc-xin…

Tháng 10, công ty vừa bước vào giai đoạn phục hồi thì cũng đã nhanh chóng tuyển dụng hơn 100 lao động phổ thông mỗi tuần. Trong đó, Wanek ưu tiên đưa nhân sự cũ quay trở lại làm việc với mức hỗ trợ tốt hơn.

Không chỉ về phía các doanh nghiệp, thời gian qua, các sở, ban ngành địa phương các tỉnh miền Nam nói chung đã triển khai nhiều kế hoạch, hành động nhằm nỗ lực đưa người lao động thất nghiệp trở lại với thị trường.

Những bữa cơm lá rách đùm lá… tả tơi của công nhân thất nghiệp - 17

Trong đó, Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương cho biết, trong năm 2023, Liên đoàn lao động tỉnh đã xét duyệt, hỗ trợ 22.654 công nhân bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động với tổng số tiền gần 35 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 10, Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai chia sẻ, trên địa bàn vẫn tồn tại hơn 147 doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, dẫn đến việc phải giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động với trên hơn 73.000 lao động. 

Trước tình hình khó khăn đó, Liên đoàn lao động tỉnh đã đề xuất tặng 30.000 phần quà cho người lao động, mỗi phần quà trị quá 1 triệu đồng, tổng là 30 tỷ đồng cho lao động vào dịp cuối năm.

Những bữa cơm lá rách đùm lá… tả tơi của công nhân thất nghiệp - 19

Đặc biệt, dịp cuối năm 2023, khi tình hình kinh tế vẫn còn ảm đạm, nhiều doanh nghiệp trên cả nước vẫn xoay trở tìm nguồn để đảm bảo một cái Tết sum vầy cho công nhân.

"Tăng lương và thưởng Tết cho người lao động", đó là thông báo của Công ty TNHH Changshin Việt Nam (DN sản xuất giày da hiện có hơn 37.000 lao động) đưa ra vào ngày 27/11.

Theo ban quản lý công ty, người có thời gian làm việc dưới 3 tháng đến dưới 20 năm được thưởng từ 25% đến 195% lương cơ bản (tùy thâm niên làm việc). Mức thưởng dành cho người có thâm niên từ 20 năm là 2 tháng lương.

Những bữa cơm lá rách đùm lá… tả tơi của công nhân thất nghiệp - 21

Đại diện Công ty CP Greenfeed Việt Nam chi nhánh Đồng Nai (Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom) cũng cho biết, dù khó khăn nhưng công ty vẫn có nhiều hoạt động chăm lo Tết Nguyên đán 2024 cho công nhân. 

Ngoài lương tháng 13, công ty còn có thưởng Tết, tổ chức tất niên và nhiều hoạt động khác để giúp cán bộ, công nhân lao động đón tết an lành, vui tươi.

18.000 người lao động của Canon sẽ nhận thưởng 2 tháng lương dịp cuối năm (tương đương 16 triệu đồng/người), đó là lời khẳng định của ông Mikinao Tanaka - Giám đốc cấp cao - Ban hành chính - Công ty TNHH Canon Việt Nam (Bắc Ninh).

Theo đó, mặc dù năm vừa qua,  Công ty TNHH Canon Việt Nam (Bắc Ninh) gặp không ít khó khăn, thế nhưng vẫn đảm bảo lương, thưởng cũng như giữ nguyên các phúc lợi cho người lao động. 

"Không riêng gì năm nay, thời điểm khó khăn trước đây, điển hình như giai đoạn 2021-2022, cả thế giới đều bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, doanh thu giảm nhưng Canon Việt Nam vẫn đảm bảo lương, thưởng cũng như giữ nguyên các phúc lợi cho người lao động.

Do đó, năm nay, dù doanh nghiệp khó khăn chúng tôi vẫn thưởng Tết cho người lao động", ông Mikinao Tanaka chia sẻ thêm.

Những bữa cơm lá rách đùm lá… tả tơi của công nhân thất nghiệp - 23

Đọc thêm bài 1: Doanh nghiệp Việt "vượt sóng", vực dậy cuối năm 2023

Nội dung: Huy Hậu, Phạm Diện, Phước Tuần, Nguyễn Vy

Ảnh: Nhóm phóng viên

Thiết kế: Tuấn Huy