DMagazine

Doanh nghiệp Việt "vượt sóng", vực dậy cuối năm 2023

(Dân trí) - Nhiều công nhân và người lao động thời gian qua rơi vào cảnh thất nghiệp hoặc bị giảm giờ làm. Trước tình hình đó, một số doanh nghiệp Việt đã tìm tòi hướng đi riêng, giúp họ vượt qua giai đoạn khó.

Trong giai đoạn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, ông Hồ Quốc Lực (Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta) quyết định gửi thư điện tử, đề nghị cùng chia sẻ bằng cách giảm giá 2% đơn hàng. Chính bức thư này đã khiến đối tác Nhật Bản xúc động.

***

Đến bây giờ, chị Phạm Thị Ngọc Huyền (34 tuổi, ngụ Đồng Nai) vẫn không quên ký ức khó khăn trong suốt 3 năm thất nghiệp, vợ chồng phải san sẻ từng đồng tiền lẻ để sống giữa "đất khách quê người".

Tháng 8/2020, Đồng Nai bắt đầu ghi nhận những ca dương tính Covid-19 đầu tiên. Nhanh chóng, công ty chồng của Huyền đã thực hiện chính sách thu hẹp quy mô, cắt giảm giờ làm và sa thải hàng loạt. 

Suốt 2 năm sau đó, từ một công nhân điện tử cho công ty nước ngoài, chồng của Huyền đã phải đi phụ hồ, bốc vác theo giờ để đủ tiền tã sữa cho các con.

"Công việc lúc có lúc không, anh rải đơn xin việc khắp các doanh nghiệp nhưng chẳng nhận được hồi âm. Cuối cùng, anh chấp nhận ở nhà phụ vợ may vá cả ngày lẫn đêm, 2 vợ chồng kiếm 300.000 đồng", Huyền kể.

Doanh nghiệp Việt vượt sóng, vực dậy cuối năm 2023 - 1

Tằn tiện là thế, đến tháng 4, 2 đứa con nhỏ của Huyền đột ngột mắc bệnh nặng, phải nằm viện suốt một tháng ròng. Huyền bảo rằng, đó là thời điểm bế tắc nhất trong suốt 34 năm cuộc đời và lần đầu tiên chị vỡ mộng về "miền đất hứa" của đời công nhân.

"Em ơi, giúp chị với! Chị cần ít thuốc cho con và gạo cho gia đình". Dòng tin nhắn đó, Huyền quyết định gửi cho một nhà hảo tâm với mong mỏi có thể nhận được sự hỗ trợ. Sau đó, người phụ nữ cảm động đến mức ôm đứa con vào lòng, bật khóc.

"Tôi biết là có người khổ hơn, khó khăn và cần giúp đỡ hơn, nhưng con tôi đang bệnh, chồng thất nghiệp. Tôi đã nhiều lần mượn tiền của người thân và giờ không biết sẽ xoay thế nào, nhờ ai nữa", Huyền nghẹn ngào.

Doanh nghiệp Việt vượt sóng, vực dậy cuối năm 2023 - 3

Vợ chồng Huyền là hai trong hơn 1,3 triệu người lao động Việt Nam lâm vào tình trạng thất nghiệp do đại dịch Covid-19 vào năm 2020. 

Bức tranh kinh tế khó khăn kéo dài từ năm 2020 đến năm 2023. Theo Tổng cục Thống kê, vào năm 2020, đã có 69,2% người lao động bị giảm thu nhập, 39,9% phải giảm giờ làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và khoảng 14% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Khó khăn không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, an sinh của lao động mà mỗi năm hàng nghìn doanh nghiệp cũng đã hoàn tất thủ tục giải thể, rút khỏi thị trường. 

Doanh nghiệp Việt vượt sóng, vực dậy cuối năm 2023 - 5
Doanh nghiệp Việt vượt sóng, vực dậy cuối năm 2023 - 7

Biểu đồ thể hiện số lượng doanh nghiệp giải thể trong giai đoạn 2020 - 2023.

Tháng 9, trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận thực tế khó khăn của các doanh nghiệp nói riêng và kinh tế nước nhà nói chung. Qua đó, Thủ tướng nhấn mạnh rằng cần tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

"Suốt 15 năm có mặt tại Việt Nam, đó là lần đầu tiên Wanek gặp khó khăn nghiêm trọng đến thế. Ngày chia tay với công nhân viên gắn bó cùng công ty, chúng tôi chỉ có thể trao nhau những cái ôm và những giọt nước mắt…", bà Nguyễn Thị Sơn Bình (Giám đốc Nhân sự Cấp cao Công ty Wanek Furniture - Wanek Furniture) mở đầu cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí.

Khép lại một năm tăng trưởng vượt bậc 2019, Wanek Furniture từng được đặt kỳ vọng trở thành công ty có vốn đầu tư của Mỹ xuất khẩu lớn nhất Việt Nam vào năm 2020, tạo việc làm cho hơn 11.000 lao động phổ thông từ độ tuổi 18.

Doanh nghiệp Việt vượt sóng, vực dậy cuối năm 2023 - 9

Thế nhưng, bối cảnh đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến ngành nội thất bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bà Bình thừa nhận, cả công nhân lẫn ban giám đốc không kịp trở tay khi chứng kiến Bình Dương bị phong tỏa, lao động bị cách ly.

Trong giai đoạn khó khăn, nhằm bảo vệ chuỗi cung ứng toàn cầu, duy trì hoạt động sản xuất, việc làm cho người lao động, công ty nỗ lực chuyển đổi và thực hiện mô hình hoạt động mới. Vào cao điểm, công ty đã duy trì một lực lượng với hơn 4.200 người lao động cùng đồng hành tham gia hoạt động "3 tại chỗ".

Với chính sách mở cửa "bình thường mới", Ban giám đốc công ty cùng tập thể người lao động bắt tay vào việc khôi phục và mở rộng dây chuyền sản xuất. Thế nhưng, một cơn bão mới ập tới vào tháng 3/2022, chi phí vận tải container xuất khẩu tăng vọt lên gấp hơn 10 lần khi đơn hàng tiếp tục giảm. Trong vòng 3 tháng, công ty buộc phải đóng cửa 2 nhà máy và giảm hơn 60% lực lượng lao động còn 3.300 người.

Doanh nghiệp Việt vượt sóng, vực dậy cuối năm 2023 - 11

Tương tự, ông Lê Vũ Hồng Quân (Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH Poong In Vina - Poong In Vina) thừa nhận: Dệt may là ngành nghề đầu tiên hứng chịu hậu quả nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.

Trước biện pháp phong tỏa được áp dụng lần đầu tiên tại Bình Dương, ban đầu công ty vẫn quyết định trả lương đầy đủ nhằm đảm bảo an sinh cho công nhân. Thế nhưng, thời gian đại dịch kéo dài, ngân sách công ty không gồng nổi đã khiến công nhân không thể trụ lại thành phố. Lần đầu tiên Poong In Vina đã mất hơn 50% lao động trong vài tháng khi họ đột ngột trở về quê.

"Đơn hàng từ trước vẫn còn nhưng con người chỉ còn 1.100 lao động. Cuối cùng, ngay trong giai đoạn dịch căng thẳng, chúng tôi vẫn phải bắt đầu bài toán tự động hóa bằng hệ thống máy móc, ứng dụng công nghệ cao với mong mỏi có thể thay thế nhân công", ông Quân chia sẻ.

Doanh nghiệp Việt vượt sóng, vực dậy cuối năm 2023 - 13
Doanh nghiệp Việt vượt sóng, vực dậy cuối năm 2023 - 15

Trong giai đoạn khó khăn kể trên, bằng cách chuyển mình thích ứng, đặc biệt là phương pháp biến nguy thành cơ, nhiều doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi và phát triển.

"Biết mình biết người", Tiến sĩ Hồ Quốc Lực (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta) nói và khẳng định chính việc áp dụng đúng đắn binh pháp ấy đã giúp ông đưa công ty sớm vượt đại dịch Covid-19 và giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Trong đó, Sao Ta thường xuyên liên lạc, nắm tình hình diễn biến khủng hoảng trên thế giới, đánh giá mức tiêu thụ, biến động thị trường… để phân bổ sản phẩm phù hợp. Đồng thời, người đứng đầu Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta không ngần ngại chia sẻ giảm giá thành, chia sẻ khó khăn để giúp đỡ các quốc gia cùng vượt qua.

Doanh nghiệp Việt vượt sóng, vực dậy cuối năm 2023 - 17

Đầu tháng 2/2020, ngay khi Covid-19 lây nhiễm mạnh tại Trung Quốc và có dấu hiệu lây sang các quốc gia khác, HĐQT công ty Thực phẩm Sao Ta lập tức ra quyết định "Dọn kho càng sạch càng tốt". Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn họ đã tiêu thụ sạch toàn bộ lượng hàng dự phòng.

"Chúng tôi luôn đề cao tôn chỉ "cùng hợp tác cùng phát triển thịnh vượng". Vì vậy, khi đơn hàng nào sang Nhật có tỷ suất lợi nhuận còn tốt, tôi chủ động gửi thư điện tử trao đổi với đối tác đề nghị để chia sẻ khó khăn với nhau, giảm giá 2% cho đơn hàng", ông Hồ Quốc Lực trình bày.

Đến giai đoạn lạm phát, suy thoái vào năm 2022, năm 2023, lần nữa Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta đã định vị lại thị trường thế mạnh, đẩy mạnh phương thức thanh toán nhanh nhằm giảm thiểu rủi ro.

Nhìn vào báo cáo 11 tháng năm 2023 của Tổng cục Thống kê, bức tranh kinh tế của cả nước bắt đầu có nhiều điểm sáng. Trong đó, dự báo GDP cả năm 2023 sẽ đạt trên 5%, mặc dù chưa đạt chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%), vẫn là mức cao so với các quốc gia trên thế giới.

Trong 11 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP ước tăng 1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,4%); cả nước có hơn 200.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 619,17 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 88 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 99,6 tỷ USD.

Đặc biệt, theo khảo sát tình hình đời sống hộ dân cư vào tháng 11năm nay, Tổng cục Thống kê cho biết, tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập trong tháng không thay đổi và tăng lên so với cùng kỳ năm trước là 94,2%.

Doanh nghiệp Việt vượt sóng, vực dậy cuối năm 2023 - 19

Biểu đồ thể hiện mức độ đầu tư vào ngành sản xuất và mức bán lẻ, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng trong năm 2023.

Với chiến lược "trong thời bình chuẩn bị cho thời chiến - trong thời chiến chuẩn bị cho thời bình", nên ở giai đoạn khó khăn nhất, Công ty Wanek Furniture đã quyết định nhanh chóng chạm đáy kinh tế sớm để đi lên.

Song song với việc thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp lại dây chuyền sản xuất, công ty nỗ lực thực hiện các dự án cải tiến, giảm chi phí sản xuất, cấu trúc lại sản phẩm, nghiên cứu, phát triển nhưng vẫn giảm giá thành sản phẩm để đẩy mạnh hơn nữa việc tiếp cận khách hàng, khai phá thị trường mới.

Nhờ vậy, sau hơn 6 tháng bị ảnh hưởng, đến đầu tháng 10/2022, Wanek Furniture bắt đầu có những tín hiệu phục hồi. Ngoài thị trường chính là Mỹ, lượng đơn hàng từ các quốc gia Indonesia, Saudi Arabia, Ấn Độ, Malaysia, New Zealand… khởi sắc trở lại và phát triển mạnh mẽ. 

Doanh nghiệp Việt vượt sóng, vực dậy cuối năm 2023 - 21

"Từ 3.300 lao động vào năm 2022, hiện tại chúng tôi đã có 5.800 lao động tại Bình Dương. Nhà máy ở Quảng Ngãi cũng tăng từ 3.200 lên hơn 4.800. Cuối tháng 11, chúng tôi vừa đưa vào hoạt động kho ngoại quan Ashton Furniture ở khu công nghiệp Phú Mỹ 3, Bà Rịa - Vũng Tàu với công năng 26ha để đảm bảo chuỗi cung ứng và nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng", bà Bình tiết lộ.

Ngay khi đơn hàng giảm sút nghiêm trọng, ông Hsu Heng Wei (Tổng Giám đốc công ty TNHH Dệt may ECLAT) đã tận dụng thời gian để đào tạo người lao động, thúc đẩy phát triển kỹ năng nghề nghiệp nhằm chuẩn bị đội ngũ công nhân tay nghề cao.

"Nhân viên là tài sản quan trọng nhất, vì vậy chúng tôi luôn chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần cho họ. Ngoài ra, phần lớn thời gian trong đại dịch Covid-19, công ty còn giúp công nhân cải thiện quy trình, củng cố quản lý tại chỗ, nâng cao yêu cầu thêm về chất lượng và giảm thiểu lãng phí", ông Hsu Heng Wei chia sẻ. 

Với cam kết không đình chỉ công việc, sa thải nhân viên, đồng thời thường xuyên chăm lo đời sống an sinh thông qua hoạt động tặng áo mưa, gạo, mì ăn liền, các hoạt động ngoại khóa gắn kết gia đình… Thế nên, khi khó khăn qua đi, chính nguồn lực con người tinh nhuệ đã giúp ECLAT nhanh chóng phục hồi.

Doanh nghiệp Việt vượt sóng, vực dậy cuối năm 2023 - 23

Từ tháng 10, chiếc bàn thông báo tuyển dụng vẫn luôn được đặt trước cửa Công ty TNHH Wanek Furniture. Đối với bà Bình, đó là hình ảnh đẹp nhất trong suốt 3 năm khó khăn. Bởi lẽ, nó phản ánh đúng bức tranh phục hồi, phát triển của công ty và sự trở lại từ người lao động.

"Hiện tại, mỗi tuần chúng tôi có thêm 100 công nhân được nhận vào nhà xưởng, trong đó 40% là những nhân viên cũ từ quê quay trở lại thành phố. Đặc biệt, thu nhập tại Wanek Furniture đang được đảm bảo cao hơn so với mặt bằng chung, thưởng năng suất và thưởng năm 2023 vẫn sẽ không thay đổi", bà Bình khẳng định.

Năm 2023, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta vẫn có doanh thu 200 triệu USD. Và đối với ông Hồ Quốc Lực, có một điều tuyệt vời hơn cả là trong giai đoạn khó khăn ông vẫn giúp người nông dân bán giá tôm từ 100.000 đến 250.000 đồng/ký.

"Đối với chúng tôi, 3 năm vừa qua tôi chưa để một nhân viên nào bị sa thải, thậm chí còn tạo điều kiện cải thiện môi trường làm việc, thu nhập và phúc lợi xã hội", ông Lực tâm đắc.

Doanh nghiệp Việt vượt sóng, vực dậy cuối năm 2023 - 25

Đến tháng 10, Poong In Vina Bình Dương đã phục hồi 80% đơn hàng so với trước đại dịch Covid-19. Mỗi ngày, chứng kiến hàng nghìn công nhân nữ có thêm giờ tăng ca, cải thiện kinh tế gia đình khiến ông Vũ Hồng Quân không khỏi tự hào.

"Chúng tôi luôn quan niệm, công ty lãi nhiều năm rồi thì chịu lỗ vài năm cũng là chuyện bình thường. Vì vậy, ở Poong In chưa bao giờ có câu chuyện cắt giảm, sa thải lao động. Theo kế hoạch vẫn đảm bảo đầy đủ lương thưởng Tết Nguyên đán 2024", ông Quân chia sẻ thêm.

Một buổi sáng tháng 8, cuộc điện thoại từ công ty thông báo Huyền sẽ có thêm giờ tăng ca buổi tối và cuối tuần. Nghe xong, cả hai vợ chồng chị mừng đến bật khóc.

Sau Tết, vợ chồng Huyền vẫn tiếp tục quyết định quay lại nhà máy ở Đồng Nai làm việc. Đời sống công nhân có lúc khó lúc sướng, thế nhưng đối với Huyền: "Chỉ cần thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn". Chị tủm tỉm cười trước câu nói như nửa đùa nửa thật.

Doanh nghiệp Việt vượt sóng, vực dậy cuối năm 2023 - 27

Nội dung: Huy Hậu, Phước Tuần, Phạm Diện, Nguyễn Vy

Ảnh: Nhóm phóng viên