Những bóng hồng "săn tử thần", sai lầm không có cơ hội rút kinh nghiệm
(Dân trí) - Tuyệt đối không mắc sai lầm trên thực địa, không thời gian làm đẹp, chăm lo gia đình vào buổi sáng, họ là những bóng hồng làm nghề rà phá bom mìn, vật liệu
Tính đến ngày 11/4, chị Lê Thị Bích Ngọc (46 tuổi, Đội trưởng) cùng các đồng nghiệp trong Đội MAT 31 thuộc Nhóm Cố vấn bom mìn (MAG Quảng Trị) đã làm việc 25 ngày trên khu đất ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh dọc tuyến đê Quế Dương - Hải Ba, tại thôn Thống Nhất, xã Hải Ba (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị).
Trước đó, từ ngày 18/3, Nhóm MAG được điều phối đến rà, phá các loại bom chùm và vật liệu nổ khác sau chiến tranh tại khu vực nói trên. MAG đã triển khai 3 đội rà phá, trong đó có Đội MAT 31 với 13 thành viên nữ và duy nhất 1 nam làm nhiệm vụ lái xe kiêm kỹ thuật.
Các thành viên nữ trong Đội MAT 31 đều là những người đã gắn bó với nghề lâu năm, từ 6 đến trên 20 năm, có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng rà, phá, thực hiện thu dọn, hủy nổ bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh còn sót lại.
Tuy là phận nữ nhi nhưng các thành viên đội rà, phá bom mìn đều có sức khỏe tốt, chịu thương, chịu khó và luôn xác định làm nghề "săn tử thần" không chỉ vì thu nhập cá nhân, mà còn mong muốn đóng góp công sức làm sạch đất ô nhiễm, bảo đảm an toàn cho người dân, giúp quê hương ngày càng phát triển.
Để thực hiện nhiệm vụ, các Đội MAT ngoài được đào tạo kỹ năng, kiến thức rà tìm, phá, nổ vật liệu chiến tranh, còn được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động, các loại thiết bị rà tìm chuyên nghiệp, như máy rà cầm tay Valllon, máy rà vòng lớn, máy xung kích,... và nhiều phương tiện khác.
Theo chị Lê Thị Bích Ngọc, rà, phá bom mìn là một công việc vô cùng vất vả, nguy hiểm nên tất cả các thành viên trong đội phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc an toàn do cơ quan quy định, chỉ dẫn của cấp trên; sử dụng máy móc, thiết bị đúng kỹ thuật; không để xảy ra sai sót, mắc sai lầm trên thực địa vì nghề này không có cơ hội để rút kinh nghiệm, sửa sai.
Để làm sạch các diện tích đất ô nhiễm, các Đội MAT sẽ cắm cọc, dùng dây thừng chăng, chia thành từng luống nhỏ, sau đó hai thành viên sử dụng máy rà sâu, rà lần lượt từng luống đất. Khi máy rà phát tín hiệu bắt được kim loại, nhân viên sẽ đặt một tấm nhựa hình tam giác màu đỏ để đánh dấu, đồng thời báo cho Đội trưởng điều nhân viên kỹ thuật đến xử lý.
Ông Trần Bình Phương, quản lý hoạt động trên thực địa của MAG, cho biết với những vùng địa hình bằng phẳng, đất mềm, độ ô nhiễm ít, bình quân một ngày các đội MAT có thể xử lý 4.000-4.500m2 đất; còn hiện trường có địa hình phức tạp, độ ô nhiễm cao, một ngày xử lý được 3.000-3.500m2 đất.
Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao, khi làm nghề rà, phá bom mìn, những bóng hồng còn đối mặt với thách thức của thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao ở vùng đất lửa Quảng Trị. Nhiều khu vực không có cây cối, toàn cát trắng nên công việc của các chị càng tăng thêm độ khó, độ cực nhọc.
"Nghề của chúng tôi gần như không có thời giờ để làm đẹp cho bản thân. Mà làm rồi ra hiện trường gặp nắng nóng, gió Lào cũng như không', chị Bích Ngọc chia sẻ.
Một ngày làm việc trên thực địa của các đội rà, phá bom mìn thuộc Nhóm MAG Quảng Trị thường kéo dài 8 tiếng đồng hồ, từ sáng sớm đến 14h. Do hầu hết các thành viên đều ở các huyện xa như Hải Lăng, Gio Linh, Triệu Phong,... nên họ phải thức dậy sớm, chuẩn bị cơm, thức ăn, đồ uống mang theo rồi đến Văn phòng điều hành của MAG tại thành phố Đông Hà, lên xe di chuyển đến nơi làm việc.
Trong ảnh, các thành viên Đội MAT 31 tranh thủ ăn cơm, nghỉ ngơi chốc lát ngay tại khu vực hiện trường.
Vì phải thức dậy, dời khỏi nhà đi làm từ khi trời chưa sáng hẳn nên toàn bộ công việc chăm lo con cái ăn uống, đi học buổi sáng, các chị đều phải dựa vào chồng hoặc cha mẹ.
Như trường hợp chị Trần Thị Thảo (32 tuổi, ở xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) vào làm việc cho MAG từ tháng 10/2018, hiện nuôi 2 con nhỏ mới học cấp 1 và mẫu giáo. Buổi sáng hàng ngày, chồng chị là người thay vợ gọi con thức dậy, vệ sinh thân thể, lo bữa ăn sáng rồi đưa các cháu đến lớp.
Dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng đội rà, phá bom mìn toàn nữ vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Theo chị Lê Thị Bích Ngọc, sau thời gian làm việc vất vả, đội quân bóng hồng của chị đã "săn" được 23 quả bom chùm, 13 loại vật liệu nổ khác như đạn pháo, đạn cối, làm sạch 185.222m2 trên tổng số 377.162m2 đất bị ô nhiễm mà đội được giao thực hiện.
Dự kiến đến ngày 28/6, nhiệm vụ tại khu đất ô nhiễm ở thôn Thống Nhất, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị sẽ được các đội MAT thuộc Nhóm MAQ thực hiện hoàn thành, trả lại đất sạch cho 640 hộ/2.897 nhân khẩu địa phương hưởng lợi, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Quảng Trị là địa phương gánh chịu nhiều hậu quả và thiệt hại nặng nề của chiến tranh, có mật độ ô nhiễm bom mìn cao nhất toàn quốc. Giai đoạn 2021-2023, có 6 tổ chức, dự án phi Chính phủ nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị gồm: MAG, RENEW, PTVN, CRS, NPA, GWHF.
Thời gian qua, nhiều tổ chức đã thành lập các đội nữ rà, phá bom mìn và đạt hiệu quả tốt, trong đó đội của MAG thành lập vào năm 2018
Nhóm Cố vấn bom mìn (MAG) bắt đầu hoạt động tại Quảng Trị năm 1999 và Quảng Bình năm 2003, hiện là tổ chức rà, phá bom mìn dân sự lớn nhất tại Việt Nam.
Từ năm 1999 đến nay, MAG đã hoàn thành việc rà, phá gần 180 triệu m2 đất và bàn giao đất sạch cho người dân canh tác, trồng trọt, phát hiện; hủy nổ thành công trên 230.000 vật liệu nổ các loại, góp phần mang lại cuộc sống an toàn cho gần 700.000 người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.