1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thanh Hóa:

Những "bóng hồng" nhọc nhằn chấp nhận hít bụi đá để mưu sinh

Bình Minh

(Dân trí) - Ít ai biết rằng, đằng sau vô vàn bức tượng được chạm khắc tinh xảo bằng đá là những giọt mồ hôi nhọc nhằn của bao người thợ điêu khắc đá tài hoa.

"Bóng hồng" tay búa tay mài   

Đến làng chế tác đá mỹ nghệ xã Minh Tân (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), du khách không khỏi ấn tượng về hình ảnh về những người phụ nữ trong bộ trang phục bảo hộ kín mít với tay búa, tay mài làm nghề đá.

Tại đây, xưởng đá của gia đình anh Đỗ Văn Lợi (xã Minh Tân) đang sử dụng 11 lao động chính, trong đó hơn nửa là nữ giới.

Những bóng hồng nhọc nhằn chấp nhận hít bụi đá để mưu sinh - 1

Nhiều phụ nữ làm công việc nặng nhọc đáng ra của đàn ông.

Theo anh Lợi, nghề cần sức khỏe và cả tính sáng tạo nghệ thuật. Người thợ phải có sức khỏe, sự tỉ mẩn và óc sáng tạo mới có thể làm ra những sản phẩm đẹp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách.

Một ngày của những người thợ sẽ bắt đầu từ 7-12h và tới 14h lại tiếp tục. Công việc mưu sinh của họ kéo dài và liên tục gần như quanh năm suốt tháng, hiếm dịp nghỉ ngơi. 

Lau vội những giọt mồ hôi trên trán, chị Nguyễn Thị Bình (xã Minh Tân) phải nói thật to mới không bị những âm thanh chát chúa từ đục đẽo át đi. Theo chị Bình, nhiều lao động là nữ giới làm công việc này, một số là do phải mưu sinh,  tuy nhiên cũng nhiều người là đam mê.

Những bóng hồng nhọc nhằn chấp nhận hít bụi đá để mưu sinh - 2

Nghề cực nhọc nhưng cho thu nhập khá nên nhiều phụ nữ ở Minh Tân vẫn chọn nghề này để mưu sinh.

Chị Bình ngay từ nhỏ đã được ông nội hướng dẫn về nghề chạm khắc đá mỹ nghệ. Từ những sản phẩm như cối, chày giã gạo cho đến những chiếc lư hương, tượng. Từ đó, chị thấy yêu nghề truyền thống của gia đình rồi gắn bó cho đến giờ.

"Dù là công việc cực nhọc nhưng cho thu nhập khá nên những người phụ nữ như tôi làm nghề này không hiếm, thậm chí chiếm gần phân nửa trong tổng số lao động làng nghề", chị Bình nói.

Người phụ nữ này cũng cho biết, thu nhập từ công việc này là 250.000-500.000 đồng/ngày, tùy vào mức độ tay nghề.

Chị Nguyễn Thị Tình (xã Minh Tân) đang miệt mài đục đẽo trong không gian bụi mù mịt. Không ai nghĩ một người nhỏ nhắn như chị lại đến và gắn bó với cái nghề chế tác đá mỹ nghệ đầy khó nhọc, đòi hỏi người có sức khỏe này.

Theo chị Tình, nghề này cực nhọc, việc đứt tay, đá dăm văng vào mặt hay một số tai nạn nghề nghiệp khác là chuyện thường ngày. Tuy nhiên, cuộc sống khó khăn nên ở vùng quê như chị để có thu nhập cho con cái học hành thì chỉ nghề làm đá là cho thu nhập cao, ổn định nên chị vẫn chọn. Ban đầu chị Tình chỉ làm những công việc đơn giản như mài, đục theo nét sẵn… rồi học hỏi từ các bậc nghệ nhân, chị dần lên tay thợ phụ, thợ chính.

Gần 1.000 lao động được tạo việc làm

Theo các chủ cơ sở sản xuất đá, ngoài tay nghề, chất lượng đá thì việc đầu tư máy móc phụ trợ có vai trò quan trọng. Những năm gần đây, nhờ có sự đầu tư trang thiết bị máy móc, có bạn hàng truyền thống, thị trường mở rộng, nhiều lao động địa phương được giải quyết việc làm, mức thu nhập cũng khá cao.

Những bóng hồng nhọc nhằn chấp nhận hít bụi đá để mưu sinh - 3

Phía sau những bức tượng đẹp là sự nhọc nhằn của những người thợ điêu khắc.

Chủ xưởng đá Đỗ Văn Lợi cho biết, để tạo ra một sản phẩm mỹ nghệ đẹp, đòi hỏi trải qua nhiều công đoạn, từ vẽ phác thảo trên đá, tạo hình khối tới đục thô, đục tinh và đánh bóng hoàn thiện sản phẩm. Trong đó, khâu đục tinh đều do những người thợ lâu năm đảm nhiệm.

Thần thái, hồn cốt tác phẩm thành công hay không đều đặt vào con mắt thẩm mỹ và bàn tay khéo léo của người thợ. Cũng vì thế mà thu nhập của mỗi nhóm thợ khác nhau, trung bình ở mức 250.000-500.000 đồng/ngày

Ông Hoàng Văn Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân cho biết, làng nghề đang duy trì, phát triển với gần 200 cơ sở chế tác đá mỹ nghệ, giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động của địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 8-12 triệu đồng/tháng.

Những bóng hồng nhọc nhằn chấp nhận hít bụi đá để mưu sinh - 4

Thu nhập trung bình của lao động làm đá từ 8-12 triệu đồng/tháng.

Cũng theo ông Khải, sản phẩm từ làng nghề đã vươn ra thị trường nhiều nước. Để phát triển, quảng bá hơn nữa nghề chế tác đá địa phương, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định thành lập cụm công nghiệp với quy mô 30 ha. Đây được xem là tiền đề để làng nghề chế tác đá hoạt động, phát triển quy mô, chuyên nghiệp và là cơ hội tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương cũng như các xã lân cận.