PhotoStory

Ngư dân xoay vòng trên biển, rẽ sóng, "hóng" con bé tí teo

Thực hiện: Hoài Sơn

(Dân trí) - Những ngày qua, ruốc kéo đàn vào sát bờ, ngư dân ở Đà Nẵng rủ nhau giăng lưới đón "lộc biển". Đón mùa ruốc bao năm qua đã thành kế sinh nhai của nhiều người dân vùng biển.

Ngư dân xoay vòng trên biển để kéo ruốc (Video: Hoài Sơn).

Ngư dân xoay vòng trên biển, rẽ sóng, hóng con bé tí teo - 1

Trời vừa hửng sáng, ngư dân sống dọc bờ biển Nguyễn Tất Thành (Đà Nẵng) í ới gọi nhau mang lưới ra biển kéo ruốc.

Nhiều ngư dân cho biết, những ngày qua, ruốc tụ lại từng đám, có lúc nổi hẳn trên mặt nước theo sóng biển ven bờ. Có lúc luồng ruốc dày đặc ngay bãi biển, ngư dân thường tranh thủ, vận dụng những cách thủ công để bắt ruốc.

Ruốc là động vật thuộc họ giáp xác mười chân, nhỏ như tôm con. Ruốc được coi là một đặc sản của miền biển vì có giá trị dinh dưỡng rất cao.

Ngư dân xoay vòng trên biển, rẽ sóng, hóng con bé tí teo - 2

Ra tới biển, một nhóm ngư dân ngồi trên bờ hướng mắt ra phía xa "hóng" tìm vệt màu của đàn ruốc. Sau ít phút dò dẫm, một ngư dân phát hiện ruốc rúc vào chân, người này kêu lớn: "Nhột rồi, nhiều lắm".

Những người trên bờ vội vác đồ nghề tỏa xuống biển, có người nhanh chân lội ra vùng nước ngang ngực để tìm đàn ruốc đầu tiên trong ngày.

Ngư dân xoay vòng trên biển, rẽ sóng, hóng con bé tí teo - 3

Dụng cụ để bắt ruốc là một đoạn lưới buộc vào hai thanh gỗ để chống cho lưới căng, phía dưới là những cục chì lớn để ép lưới xuống sát đáy biển, sau cùng là một cái đụt (một đoạn lưới dài giống chiếc túi) là nơi gom ruốc đọng lại sau khi kéo lưới.

Cứ hai người một tay lưới, họ giăng ngang đi song song với nhau ở mực nước ngang ngực trở vào. Đàn ruốc cứ thể bị cuốn vào lưới và được gom lại ở đụt.

"Ruốc kéo đàn về bờ biển theo đợt nên ai cũng tranh thủ, kể cả những mẻ lưới thâu đêm, thâu trưa", một ngư dân có thâm niên hơn chục năm làm công việc cào ruốc cho hay.

Ngư dân xoay vòng trên biển, rẽ sóng, hóng con bé tí teo - 4

Ngư dân Nguyễn Văn Phúc dùng cào để săn ruốc. Dụng cụ này được tạo thành từ đoạn lưới buộc vào khung gỗ nhỏ hình chữ nhật, khung này buộc cố định với thanh tre hoặc gỗ dài chừng 1,5m.

Lội nước ngập tới gối, ông Phúc kéo cào đi vòng quanh nơi có đàn ruốc khiến chúng xoay theo dòng nước và nằm gọn trong túi lưới.

Ngư dân xoay vòng trên biển, rẽ sóng, hóng con bé tí teo - 5
Ngư dân xoay vòng trên biển, rẽ sóng, hóng con bé tí teo - 6

Cào ruốc khoảng 30 phút, ông Phúc đi vào bờ, đưa hai ngón tay báo hiệu được mẻ ruốc khoảng 2kg. Ông Phúc cho hay trung bình mỗi ngày ông thu được 7-10kg ruốc, bán ruốc tươi được 20.000 đồng/kg. Tuy nhiên, ông không bán hết mà dành một phần phơi khô để dùng trong nhà hoặc bán ruốc khô dự trữ trong mùa mưa.

Theo ông Phúc, nghề cào ruốc biển chỉ theo mùa vụ nhưng lại có thu nhập ổn với người dân miền biển bãi ngang như ông.

Ngư dân xoay vòng trên biển, rẽ sóng, hóng con bé tí teo - 7
Ngư dân xoay vòng trên biển, rẽ sóng, hóng con bé tí teo - 8

Những mẻ ruốc vừa được cánh đàn ông thu hoạch đã có các phụ nữ ở trên bờ chờ đón, mang bán cho kịp buổi chợ hoặc phơi kịp lúc trời nắng to. Giá ruốc tươi suốt mùa dao động 20.000-30.000 đồng/kg.

Ông Phan Đức Tín (50 tuổi) cho hay, ruốc mang lên bờ được vợ ông rửa sạch cát, loại bỏ rác và mang đi bán ngay. Ruốc còn tươi rói nên rất đắt khách.

Ngư dân xoay vòng trên biển, rẽ sóng, hóng con bé tí teo - 9

Không đánh bắt bằng cách cào gần bờ, ngư dân ở vùng biển Mân Thái (quận Sơn Trà) dùng một chiếc thuyền máy, gắn lưới cào chạy dọc bờ biển để đánh bắt được nhiều hơn.

Trên tàu có một người làm "hoa tiêu" đứng ở mũi thuyền, khi phát hiện đàn ruốc, người này ra hiệu lệnh cho những người còn lại hạ lưới xuống, người điều khiển máy rồ ga cho thuyền chạy nhanh, ruốc cứ thể lọt vào lưới. Một thuyền có thể thu được cả tạ ruốc mỗi chuyến ra khơi.

Ngư dân xoay vòng trên biển, rẽ sóng, hóng con bé tí teo - 10

Từng khay ruốc tươi rói vừa đánh bắt được khẩn trương đưa vào bờ. Ruốc tươi có thể chế biến món ăn ngay hoặc phơi khô, làm mắm đều ngon và giàu dinh dưỡng. Sản phẩm từ ruốc trở thành nguồn sống của những ngư hộ quanh năm bám biển mưu sinh.