Trúng đậm ruốc biển, ngư dân "bỏ túi" tiền triệu mỗi ngày
(Dân trí) - Những ngày đầu năm 2023, ngư dân vùng biển huyện Diễn Châu (Nghệ An), rất phấn khởi khi trúng đậm mùa ruốc biển. Sau mỗi chuyến ra khơi, người dân "bỏ túi" 500.000-1.000.000 đồng.
Ngày đầu tháng 2, khu vực bãi biễn xã Diễn Hải, Diễn Kim, huyện Diễn Châu trở nên nhộn nhịp. Hàng chục bè, mảng lớn nhỏ cập bờ, trên khoang đầy ắp ruốc tươi.
Theo nhiều ngư dân có kinh nghiệm, phương tiện để đánh bắt ruốc rất đơn giản, chỉ cần làm trụ đẩy hình tam giác, chiều dài 10m, rộng 3m, phía đầu gắn một dải lưới. Khi gặp luồng ruốc, người bắt chỉ việc hạ lưới, bè, mảng tiến về phía trước là ruốc biển lập tức lọt vào trong .
Vừa cập bờ sau chuyến đánh bắt ngắn, ông Thái Văn Hùng (SN 1967, trú tại xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu), cho biết, để đánh bắt ruốc có hiệu quả thì vợ chồng ông phải dậy chuẩn bị đồ đạc để ra khơi từ 3h hằng ngày. Ông Hùng chọn những vùng biển đã thăm dò từ trước và khoảng cách không quá 10km.
"Sau chuyến đánh bắt này tôi thu về được khoảng 2 tạ ruốc biển. Số ruốc này sẽ đưa về phơi khô rồi đem bán cho các thương lái chứ không bán liền. Trung bình mỗi tạ ruốc tươi sau khi phơi sẽ được hơn 10kg ruốc khô, giá bán dao động 500.000-600.000 đồng/10kg", ông Hùng chia sẻ thêm.
Thu nhập không nhiều bằng gia đình ông Hùng nhưng ông Thái Bá Sang (SN 1964, xã Diễn Kim) cũng rất vui khi chuyến bè, mảng của ông cập bến thu về hơn 1 tạ ruốc tươi. Sản phẩm của ông đánh bắt được khi vừa cập bến đã có thương lái chờ sẵn trên bờ thu mua.
Theo ông Sang, một kg ruốc tươi có giá 15.000-20.000 đồng. Sau khi bán hết một tạ ruốc tươi, trừ chi phí sẽ thu về được khoảng 700.000 đồng.
"Gia đình tôi chọn cách bán ruốc tươi ngay sau khi đánh bắt là vì để tiếp tục ra khơi đánh bắt chuyến thứ hai trong một ngày. Công việc cũng rất vả vì thời gian này thời tiết rất lạnh nên ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều", ông Sang tâm sự.
Theo nhiều người dân địa phương, mùa ruốc biển năm nay bắt đầu từ tháng 11/2022 đến khoảng tháng 2/2023. Ruốc tươi sau khi đánh bắt về được các thương lái phân loại, thu mua ngay tại chỗ để đi chợ bán hoặc phơi khô, đến nhập trực tiếp cho nhà máy.
Nếu thời tiết thuận lợi, mỗi ngày có thể ra khơi 3-4 chuyến, hôm nào trúng nhiều thì được 3-4 tạ. Ruốc tươi bán tại chỗ giá 15.000-20.000 đồng/kg; nếu nhập cho nhà máy thì chỉ 7.000-8.000 đồng/kg.
Thông thường, với việc ra khơi 2-3 chuyến/ngày, ngư dân có thu nhập 1-2 triệu đồng, sau khi đã trừ chi phí. Bên cạnh đó nhiều gia đình ở đây chọn phương pháp là chồng đi đánh bắt còn vợ ở nhà phơi khô để bán được giá tốt hơn.
Ruốc biển có hình dạng như tôm nhỏ, dài khoảng 10-40mm, là động vật giáp xác mười chân, sống ở vùng nước lợ hay nước mặn ven biển. Ruốc biến có thể chế biến thành nhiều món ăn, gia vị hấp dẫn như nấu canh, làm gỏi, làm mắm ruốc…
Diễn Kim và Diễn Hải là hai xã có nghề khai thác ruốc biển lâu đời ở huyện Diễn Châu (Nghệ An). Đây cũng là nơi có số lượng lao động làm nghề khai thác biển rất đông.