PhotoStory

Làng nghề gạch gốm nức tiếng miền Tây, loay hoay tìm cách bảo tồn

Thực hiện: Bảo Kỳ

(Dân trí) - Từng vang bóng một thời, nay làng gạch trăm tuổi nức tiếng miền Tây phải loay hoay tìm hướng đi mới. Một số chủ lò đầu tư công nghệ mong muốn vực dậy làng nghề.

Làng nghề gạch gốm nức tiếng miền Tây, loay hoay tìm cách bảo tồn - 1

Làng nghề gạch, gốm đỏ nổi tiếng hàng trăm năm tuổi, được ví như "Vương quốc lò gạch" ĐBSCL nằm trên bờ Nam sông Cổ Chiên, dọc theo kênh Thầy Cai, huyện Mang Thít (tỉnh Vĩnh Long). Làng nghề gạch gốm nức tiếng miền Tây, loay hoay tìm cách bảo tồn nghề - 2

Làng nghề gạch ngói, gốm đỏ Mang Thít hình thành hơn 200 năm và tồn tại theo thời gian. Thời hoàng kim, vào những năm giữa thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI, làng nghề có trên 2.000 miệng lò sản xuất gạch, gốm đỏ truyền thống, hoạt động ngày đêm, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế của huyện Mang Thít.

Làng nghề gạch gốm nức tiếng miền Tây, loay hoay tìm cách bảo tồn - 2

Làng nghề cung cấp gạch thẻ, gạch ống, gạch tàu số lượng lớn cho người dân trong và ngoài tỉnh.

Làng nghề gạch gốm nức tiếng miền Tây, loay hoay tìm cách bảo tồn - 3

Quy trình tạo ra viên gạch tốn khá nhiều công sức. Trước tiên phải chọn đất. Các loại đất sét được nhào trộn với cát theo một tỷ lệ do thợ pha đất quyết định. Đất được cho vào khuôn đúc để định hình thành gạch, ngói, chậu cây và các sản phẩm trang trí khác. Trước đây, quá trình nhào đất và đúc khuôn được làm bằng tay, nhưng máy móc nay đã giảm thiểu thời gian và công sức.

Làng nghề gạch gốm nức tiếng miền Tây, loay hoay tìm cách bảo tồn - 4

Thợ có kinh nghiệm sẽ sắp xếp các sản phẩm trong lò để đảm bảo sức nóng được lan tỏa tối ưu, cho ra màu sắc và cấu trúc đồng nhất.

Làng nghề gạch gốm nức tiếng miền Tây, loay hoay tìm cách bảo tồn - 5
Làng nghề gạch gốm nức tiếng miền Tây, loay hoay tìm cách bảo tồn - 6

Sau khoảng một tháng nung, thành phẩm thu được khoảng 70.000-120.000 viên gạch.

Làng nghề gạch gốm nức tiếng miền Tây, loay hoay tìm cách bảo tồn - 7

Giá đất sét, trấu tăng cao khiến người sản xuất gạch ống ở làng gạch Mang Thít thua lỗ. Thêm vào đó, sự xuất hiện của lò liên hoàn giúp tăng sản lượng, giảm giá thành nên một số chủ lò gạch ở làng nghề đầu tư chi phí chuyển đổi công nghệ sản xuất. Ai không đủ tiền thì bỏ nghề, các lò gạch lâu ngày không sử dụng trở nên hoang phế. 

Làng nghề gạch gốm nức tiếng miền Tây, loay hoay tìm cách bảo tồn - 8

Kiểu lò "đời mới" là lò liên hoàn. Kiểu lò này hoạt động trên nguyên lý nhiệt và khói được dẫn từ buồng trước qua khe gạch của vách ngăn đến buồng kế tiếp. Khi buồng thứ nhất đang nung thì buồng thứ hai đang trong quá trình gia nhiệt và sấy cho các buồng kế tiếp do đó nhiệt thừa đã được tận dụng tối ưu. 

Làng nghề gạch gốm nức tiếng miền Tây, loay hoay tìm cách bảo tồn - 9

Anh Đào Phong Đỉnh, chủ lò gạch Hòa Hiệp, chia sẻ, cơ sở anh có 59 miệng (cửa) lò liên hoàn, mỗi miệng chứa 7.000 đến 8.000 viên gạch. Hiện giá gạch hơn 800 đồng/viên, tùy loại gạch ống hay gạch thẻ.  "Lò này nung khoảng 8 tiếng là xong, gạch thành phẩm cung cấp cho trong và ngoài tỉnh", chủ lò cho hay. 

Làng nghề gạch gốm nức tiếng miền Tây, loay hoay tìm cách bảo tồn - 10

Chị Nguyễn Thị Phượng Hằng (ngụ xã Hòa Tịnh, huyện Mang Thít) đầm đìa mồ hôi khi dở xong mẻ gạch buổi sáng. 

Người phụ nữ này đã có hơn 15 năm theo nghề làm gạch gốm, từ lò tròn sang lò liên hoàn. Vợ chồng chị cùng làm việc ở lò gạch mỗi ngày từ 4 đến 8 tiếng, thu nhập trên 400.000 đồng, tạm đủ xoay sở nuôi mẹ già và con học lớp 8.

"Tôi làm khâu bóc dở gạch, cực nhất là bụi tro với nóng. Lúc nào ngộp quá thì chạy ra hít thở vài hơi rồi vào làm tiếp. Một ngày như thế cũng dở được 4 đến 5 miệng lò", chị Hằng  nói. 

Làng nghề gạch gốm nức tiếng miền Tây, loay hoay tìm cách bảo tồn - 11

Nhằm tôn vinh giá trị của gạch gốm truyền thống,  ngày 10/11, tỉnh Vĩnh Long sẽ khai mạc Festival Gạch Gốm Đỏ - Kinh tế Xanh lần I năm 2024. Hoạt động với mong muốn mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị về vùng đất Vĩnh Long cũng như hiểu biết thêm về giá trị của "Di sản đương đại Mang Thít".