Bí quyết đếm 2.000 con cua, tôm "nhanh như điện" của người Cà Mau
(Dân trí) - Cách để đếm được vài nghìn con cua, tôm giống nhanh nhất, người ươm sẽ đong cua, tôm giống bằng ca nhựa hoặc chén nước rồi so màu sắc theo kinh nghiệm.
Từ lâu cua, tôm Cà Mau đã được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt cua Cà Mau với thịt ngọt, chắc, gạch béo, hàm lượng dinh dưỡng cao… vinh dự lọt top 100 món ăn đặc sản Việt Nam. Để thuận tiện cho việc kinh doanh và nuôi giống, người dân đã suy nghĩ những cách độc lạ để đong, đếm cua, tôm.
Bí quyết đếm hàng nghìn con cua "dễ như ăn kẹo"
Quá trình trưởng thành của tôm, cua trải qua 25 đến 27 ngày ươm giống trứng và cua con; tiếp đó, người dân sẽ nuôi thêm 3 đến 5 tháng để thu hoạch.
Hoạt động trong nghề sản xuất cua, tôm giống hơn 20 năm, bà Trần Thị Kim Cương (chủ trại giống Hưng Thạnh ở ấp Cái Keo, xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi), cho biết, cua, tôm giống có kích thước nhỏ, không thể đếm bằng tay mà phải có phương thức đo lường riêng biệt vì đơn vị tính theo nghìn con.
Trại giống của bà Cương có hơn 50 bể chứa để cho cua, tôm sinh sản và vèo giống. Bà Cương chia sẻ: "Con tôm nhỏ như cây kim không thể đếm từng con mà cách dễ nhất là dùng ca nhựa múc tôm ra sau đó dùng cây vợt nhỏ lấy tôm sao cho tôm đầy vợt tức là đủ 2.000 con".
Theo bà Cương, trước kia các trại giống đếm tôm bằng chén nước để so màu sắc, vài năm nay mới đổi qua ca nhựa. Đôi khi cũng có dư nhưng số lượng chênh lệch không quá nhiều.
Còn đếm cua thì vớt cua giống ra chiếc khay nhựa (kích thước khay ngang 20cm, dài 30cm) để so màu sao cho cua giống phủ đều mặt khay thì đạt số lượng khoảng 1.000 con.
Anh Phạm Văn Hùng (37 tuổi, làm việc ở trại giống Hưng Thạnh hơn 10 năm), cho biết, khi mới vào làm phải mất gần 2 tháng anh mới thuần thục việc đếm con giống.
"Hồi trước người ta đong tôm trong 5 đến 6 chén nước để so màu nhưng cách này không hiệu quả lắm vì hay bị thiếu. Giờ đây các trại đong bằng ca nhựa, tùy kích cỡ tôm, ví dụ con tôm dài 1,2cm hay 1,5cm sẽ đong bằng ca khác nhau sau đó lường với chiếc vợt nên ít khi đếm thiếu", anh Hùng cho hay.
Theo anh Hùng, so với tôm giống, quy trình ươm cua giống khá tốn công. Khi con cua cái gần sinh sản sẽ được nuôi trong các xô nhựa, khoảng 10 ngày cua đẻ rồi chuyển ra vèo trong các bể xi măng. Sau đó, tùy vào ngày tuổi, màu sắc và kích cỡ, người làm giống sẽ phân ra các loại cua hạt tiêu, dưa, me hay hạt mít.
"Cua tiêu thường bán chạy nhất, kế đến là cua dưa, cua me khách không ưa chuộng vì loại này kích thước đã lớn. Cua dưa hiện có giá 250 đồng/con, cua me 200 đồng/con, tôm từ 18 đến 20 đồng/con...", anh Hùng nói thêm.
Đếm số lượng nhiều nhưng hiếm khi sai sót
Được biết, mỗi ngày trại giống Hưng Thạnh cung cấp khoảng 200.000 con cua giống, 500.000 con tôm giống, số lượng sẽ tăng gấp đôi, gấp ba nếu vào mùa cao điểm.
Theo những người ươm giống, mùa mưa là thời điểm bất lợi nên số lượng bán ra không nhiều vì thả ra ao sẽ hao hụt. Thời điểm thả tôm cua thích hợp nhất vào các tháng nắng không gay gắt.
Ông Võ Văn Ty (ngụ ấp Cái Keo, xã Quách Phẩm) cho biết, cua, tôm giống tuy nhỏ nhưng ít khi nào người bán đếm sai, đôi khi có thiếu hụt chừng vài chục con, lắm lúc cũng đếm dư.
"Tôi thường mua vài nghìn con cua tiêu về thả trong ao. Trước khi thả xuống phải thuần nước và diệt cá bống, vì khi bị động, cua chui vào trong hang gặp những con này sẽ bị ăn thịt.
Điều đặc biệt là phải dùng lưới chất thành đống tại một khu vực trong ao nuôi để thả cua giống vào đó, tạo nơi trú ẩn khi con giống còn nhỏ, yếu. Thức ăn chủ yếu của cua là cá phi, sau 3 đến 5 tháng sẽ thu hoạch được cua thịt hoặc cua gạch", ông Ty nói.