DNews

Góc khuất sau thu nhập trăm triệu đồng mỗi tháng của nghề làm YouTuber

An Huy

(Dân trí) - Làm việc tự do, lại có thu nhập khủng, nhiều người bỏ việc ổn định, chuyển sang làm nội dung trên YouTube. Để kiếm tìm được danh tiếng, tiền bạc, nhiều YouTuber đánh đổi bằng nhiều áp lực, chỉ trích.

Góc khuất sau thu nhập trăm triệu đồng mỗi tháng của nghề làm YouTuber

Nuôi mộng đổi đời

Hơn 3 năm trước, anh Nam là nhân viên công ty bất động sản có trụ sở trên đường Tô Hiến Thành, quận 10, TPHCM. Một lần đi cà phê, anh được bạn chung lớp đại học khoe đang xây kênh YouTube có thu nhập 80 triệu đồng mỗi tháng.

Anh nghe nhưng không tin sự thật. Đến khi được bạn cho xem bảng doanh thu trên ứng dụng YT Studio, anh Nam kinh ngạc. Trong 2 tháng quay 95 clip về chủ đề ẩm thực Cua Dì 3 ở hẻm 565 Nguyễn Trãi (quận 5), bạn anh thu về hơn 130 triệu đồng. Số tiền mà cả năm làm nhân viên bất động sản, anh chưa chắc có được.

Sau hôm đó, anh Nam có động lực về lập kênh YouTube, mua bộ gimbal chống rung 1,6 triệu đồng thử vận may với nghề livestream (phát trực tiếp). Trước khi "mở hàng" công việc, anh mua 2kg heo quay, trái cây về khấn vái trước bàn thờ ông địa, thần tài xin lộc.

Góc khuất sau thu nhập trăm triệu đồng mỗi tháng của nghề làm YouTuber - 1
"YouTuber là một công việc kiếm tiền như bao nghề khác, xấu hay tốt là do bản thân người làm. Điều tất yếu để theo được nghề là tính nhẫn nhịn, thậm chí chịu nhục vì thường xuyên bị chửi. Nghề này giống như làm dâu trăm họ vậy, khó có thể làm hài lòng mọi người xem"
Nguyễn Nam (25 tuổi) chủ một kênh YouTube có 278.000 lượt đăng ký

Từ đó, mỗi buổi tối sau giờ làm, anh Nam tập tành đi quay các clip ẩm thực. Tháng đầu, 40 clip về chủ đề ăn uống đăng lên kênh YouTube khiến anh thất vọng vì không có view. Mỗi clip chỉ vài chục lượt xem, cao nhất chỉ hơn 1.000 lượt xem, lượng đăng ký vỏn vẹn 200 người.

"Khi đó tôi nản dữ lắm, muốn bỏ cuộc vì mọi thứ không như tưởng tượng. Bởi muốn được bật chế độ kiếm tiền thì người sáng tạo phải có ít nhất 1.000 người đăng ký và kênh đủ 4.000 giờ xem", anh Nam nói.

Góc khuất sau thu nhập trăm triệu đồng mỗi tháng của nghề làm YouTuber - 2

Hàng trăm Youtuber vây kín mộ nghệ sĩ Vũ Linh ghi hình (Ảnh: Cắt từ clip).

Chủ kênh YouTube này cho biết, sau bao ngày chán nản với chủ đề ẩm thực, một hướng đi mới cũng đã đến với anh. Một người bạn trong lúc lái xe máy sử dụng camera hành trình, vô tình bị CSGT dừng phương tiện và xảy ra tranh cãi. Toàn bộ quá trình diễn ra sự việc được camera ghi lại. 

Sau khi được người bạn cho đoạn clip, anh đăng tải lên YouTube, không ngờ được đề xuất mạnh. Sau một tuần, clip cán mốc 1 triệu lượt xem, đem về cho kênh anh 37.000 lượt đăng ký với 160.000 giờ xem.

"Chỉ một clip duy nhất được đề xuất, tôi đủ điều kiện bật chế độ kiếm tiền trên kênh YouTube. Tôi hiểu ra rằng, chủ đề gây tranh cãi, gây tò mò mới nhanh thu hút người xem", anh Nam chia sẻ.

Theo nam YouTuber, dịp Tết năm 2020, anh ở lại TPHCM và "cắn" đề xuất liên tiếp hàng chục clip ghi lại cảnh lực lượng chức năng vây bắt Lê Quốc Tuấn (tức Tuấn Khỉ) khi lẩn trốn tại xã Trung An (huyện Củ Chi) liên quan đến cờ bạc.

Dịp đó, mỗi ngày anh đăng 10 clip lên YouTube. Trong vòng 2 tháng, anh đạt doanh thu hơn 300 triệu đồng, kênh tăng lên 180.000 lượt đăng ký. Đến nay, lượng người xem kênh của anh không còn nhiều nhưng cũng đủ kinh phí giúp anh chi trả tiền thuê nhà. 

"Làm YouTube có tiền nhiều nhưng bị chửi cũng nhiều. Đa số người xem chửi tôi là "vô công rỗi nghề". Khi quay đám tang nghệ sĩ thì bị nói là kền kền ăn xác chết. Nhiều lúc tôi rất buồn, nhưng bản chất quay cảnh tang lễ là để đưa tin, cho người ở xa theo dõi vì không thể trực tiếp đến viếng. Tôi làm đúng với lương tâm, không giật title (tiêu đề) câu view (lượt xem)", anh Nam trải lòng.

Góc khuất sau thu nhập trăm triệu đồng mỗi tháng của nghề làm YouTuber - 3

Lễ di quan cố nghệ sĩ Vũ Linh với hàng trăm YouTuber vây kín ghi hình, livestream (Ảnh: Nam Anh).

Tương tự anh Nam, anh H.L. (28 tuổi) cũng bắt đầu làm YouTube bằng các clip ẩm thực, phụ thêm thu nhập từ công việc chính. Tuy nhiên, lượng view đến từ clip mảng ẩm thực tương đối thấp, thu nhập không nhiều.

Sau một thời gian quay tin tức về các vụ án được dư luận quan tâm, anh cũng để dành được hơn 50 triệu đồng. Anh đã dùng số tiền trên mua dàn máy ảnh và tiếp tục công việc chính của mình. 

"Tôi nhận thấy làm YouTube không phải là công việc mà bản thân muốn theo đuổi vì bấp bênh. Tôi làm trong thời gian ngắn nhưng chịu áp lực nhiều vì bị người xem mắng chửi. Khi đạt được mục đích, có tiền mua máy ảnh, tôi cũng bỏ nghề YouTube để dành thời gian lo công việc hiện tại", anh L. bộc bạch.

"Đóng chốt" bên mộ, thu nhập trăm triệu mỗi tháng

Chị T.T.L. (30 tuổi, quê Cà Mau) là một YouTuber có tuổi nghề hơn 2 năm, chuyên quay review các món ăn dân dã ở huyện Năm Căn. Dù làm lâu nhưng kênh có lượng người đăng ký thấp, thu nhập cũng bấp bênh theo lượt xem. "Có tháng tôi kiếm được 10 triệu đồng, có tháng chỉ được 2 triệu. Tôi thấy đây là nghề tự do nên cứ làm, hên thì ăn nhiều. Tôi chưa lập gia đình nên thoải mái về công việc", L. nói.

Đầu tháng 3 năm nay, khi nghệ sĩ Vũ Linh qua đời. Nhận thấy đây là cơ hội đầy tiềm năng để quay clip kiếm tiền, L. đã xếp hành lý lên quận Phú Nhuận, TPHCM thuê phòng trọ và bắt đầu tháng ngày ăn cơm bụi livestream. 

Trong 5 ngày diễn ra lễ tang của nghệ sĩ Vũ Linh trên đường Đoàn Thị Điểm (quận Phú Nhuận), L. đăng liên tục 32 clip lên YouTube. Tuy nhiên, đồng nghiệp quá đông nên lượt xem chủ yếu tập trung vào các kênh có lượng subscribe (theo dõi) lớn, L. vỡ mộng.

Những ngày kế tiếp, L. tiếp tục đến gần Hoa viên nghĩa trang Bình Dương, thị xã Bến Cát (Bình Dương) thuê trọ, cắm chốt mỗi ngày tại mộ cố nghệ sĩ Vũ Linh để quay clip đăng lên YouTube, TikTok.

Sự kiên trì của L. cũng được đền đáp khi nhiều clip quay về cảnh cúng viếng, xây mộ và tranh chấp tài sản gia đình của ông hoàng cải lương mang về cho kênh cả triệu view. Trong 3 tháng sau ngày nghệ sĩ Vũ Linh qua đời, L. đăng hơn 200 clip, thu về số tiền hơn 180 triệu đồng.

Góc khuất sau thu nhập trăm triệu đồng mỗi tháng của nghề làm YouTuber - 4

Một số Youtuber đặt máy ghi hình phiên tòa xét xử vụ Tịnh thất Bồng Lai (Ảnh: Hải Long).

Theo chị L., quay đề tài đám tang "rất khỏe", mỗi ngày có thể sản xuất hơn 20 clip mà không cần di chuyển. Những nghệ sĩ lớn được đông đảo người dân trong và ngoài nước quan tâm, view rất nhiều.

"Đủ thứ chuyện để quay ở mộ Vũ Linh như khán giả đến viếng, cúng mở cửa mả, cúng 100 ngày mất, tranh chấp tài sản gia đình… tôi và hàng chục YouTuber cùng quay, đều có view cao", L. nói.

Theo L. ngày nào cũng có người hâm mộ mang heo quay, gà luộc, trái cây, cơm… đến cúng ở mộ nghệ sĩ Vũ Linh. Hàng chục YouTuber chỉ việc quay clip đăng kiếm tiền, rồi ăn trưa bằng số đồ cúng đó, đến tối thì giải tán và quay lại vào sáng sớm hôm sau. Có những kênh YouTube quay về mộ nghệ sĩ Vũ Linh thu nhập mỗi tháng hơn 150 triệu đồng.

Bên cạnh đó, anh N.M. (36 tuổi), chủ một kênh YouTube có 150.000 người đăng ký, cho biết YouTuber cũng có người này, người kia. Những người không có lòng tự trọng sẽ đặt tựa đề giật gân để câu view, kiếm tiền bất chấp. Chủ các kênh này bị khán giả chửi riết thành quen, không còn biết xấu hổ.

Theo anh M., muốn làm một YouTuber có nhiều khán giả bền vững thì phải đưa tin đúng sự thật, nội dung sạch. Có nhiều YouTuber đang sống rất tốt theo mảng thiện nguyện, làm phim về những hoàn cảnh khó khăn rồi kêu gọi cộng đồng giúp đỡ.

Một số YouTuber khác thì chọn chủ đề lên rừng cắm trại sinh tồn, review các căn nhà hoang để lý giải chuyện tâm linh, du lịch, ẩm thực… 

"Kiếm tiền mưu sinh với nghề làm YouTuber, mỗi người phải tự chọn một mảng nội dung riêng. Tốt hay xấu là do bản thân người làm chứ nghề không có tội, người nào làm sai phải đối mặt với dư luận, với pháp luật", anh M. nói

Bài 1: YouTuber, TikToker càn quét đám tang, livestream kiếm tiền phản cảm