Góc khuất của nghề vi vu khắp thế giới, kiếm trăm triệu mỗi tháng
(Dân trí) - Thay vì trở thành một nhân viên văn phòng làm việc cố định, giới trẻ hiện nay đang có xu hướng "work from another country" (làm việc tự do ở mọi nơi).
16h ngày 19/5, Nguyễn Thùy Trang (28 tuổi, ngụ Hà Nội) vội vàng chuẩn bị hành lý ra sân bay. Đây là lần thứ 2 Trang quay lại hòn đảo Koh Tao (Thái Lan) dựa trên lời mời của Tổng Cục du lịch Thái Lan để kích cầu khách tham quan sau đại dịch Covid-19.
Chuyến đi này Trang hoàn toàn được miễn phí, đồng thời cô còn tạo ra thêm thu nhập nhờ chia sẻ kinh nghiệm khám phá thông qua dự án và trang facebook cá nhân.
Là một content freelancer (người sáng tạo nội dung tự do) và travel blogger (viết trải nghiệm du lịch truyền cảm hứng) gần 10 năm, Nguyễn Thùy Trang luôn có những chuyến trải nghiệm khắp thế giới mà vẫn tạo thu nhập hàng trăm triệu đồng/tháng. Thế nhưng, cô gái trẻ cũng chịu nhiều góc khuất trong nghề.
Vi vu khắp thế giới vẫn kiếm trăm triệu đồng/tháng
Thế hệ trẻ, đặc biệt là GenZ ngày nay đã bắt đầu vô vàn suy nghĩ tích cực. Thay vì quan tâm đến vấn đề "cơm áo gạo tiền", họ lựa chọn một cuộc sống chất lượng, trải nghiệm, tạo ra hàng loạt xu hướng như "yolo", "chỉ sống một lần trong đời", hay "Workation".
"Workation" được ghép từ "work" (công việc) và "vacation" (kỳ nghỉ). Hai khái niệm này tưởng chừng không bao giờ đi kèm, thế nhưng đang là giải pháp hiện đại cho những người đam mê xê dịch muốn đảm bảo việc làm.
Hiện tại, mỗi tháng Nguyễn Thùy Trang có thu nhập từ 60 triệu đến hơn 100 triệu đồng nhờ chia sẻ và kết hợp những dự án du lịch. Trước đó, vào năm 2013, Trang tham gia vào lĩnh vực báo chí. Quá trình tiếp xúc với các nhân vật truyền cảm hứng, cô gái đã quyết định từ bỏ công việc ổn định, lên đường trải nghiệm thế giới.
"Nhà mình ở Hà Nội nhưng chủ yếu sống trên đường. Ban đầu mình đã đốt toàn bộ tiền tiết kiệm vào du lịch. Tuy nhiên, đến năm 2021, nhờ các chia sẻ kinh nghiệm được cộng đồng mạng biết đến, nhãn hàng quan tâm mà mình luôn có cơ hội được tài trợ cho các chuyến đi miễn phí, thậm chí tạo ra thu nhập qua sở thích này" - Trang chia sẻ.
Tương tự, anh Hà Mạnh (30 tuổi, một chuyên gia marketing tại TPHCM) cũng đã có vô vàn trải nghiệm tuyệt vời khi biến cả thế giới thành chiếc bàn làm việc. Nhiều thời điểm lệch múi giờ giữa các quốc gia, anh thường xuyên đợi đến đêm khuya ở New York để làm việc với người Việt Nam, hoặc vừa ngắm hoa anh đào tại Nhật Bản vừa đề xuất ý tưởng đến khách hàng.
2 năm trước, Hà Mạnh quyết định từ bỏ công việc của một dân văn phòng để cho mình khoảng thời gian làm chủ cuộc đời, dịch chuyển và sáng tạo nội dung.
"Hiện tại mức thu nhập của mình là vài chục triệu/tháng. So với thời đi làm cố định, nó chỉ bằng 1/2, thế nhưng điều đặc biệt là nó được tạo ra từ trải nghiệm sống, đam mê du lịch nên mình hài lòng" - Hà Mạnh nói.
Làm hàng chục công việc, thức khuya dậy sớm để cân bằng thời gian
Sở hữu cuộc sống như mơ trên mạng xã hội với trăm nghìn người theo dõi, thế nhưng Thùy Trang chia sẻ để theo đuổi công việc này thì hầu hết các freelancer như cô gặp không ít khó khăn, thử thách.
Trong đó, thời điểm ban đầu, bản thân Trang phải đầu tư không ít, thậm chí là "đốt tiền" vào các chuyến bay vòng quanh thế giới.
"Đến tận bây giờ tài chính vẫn là điều gì đó đau đầu. Trong đó, ngoài 4 nguồn thu nhập chính, mình phải nhận hàng chục đầu việc khác nhau như sản xuất nhạc chế, viết kịch bản, diễn xuất, viết báo… để tăng thu nhập. Mỗi tối trước khi ngủ, mình luôn lên danh sách công việc vào ngày mai và cố gắng phải hoàn tất chúng" - Trang cho biết.
Trong những chuyến đi dài ngày, điện thoại Trang không ngừng "réo". Cô gái trẻ luôn trong tình trạng phải lựa chọn giữa công việc và trải nghiệm. Để đảm bảo thời gian, Trang đã lập ra quy tắc rằng một giờ đồng hồ, cô phải giải quyết cùng lúc nhiều đầu việc. Đồng thời, buổi tối, dù vất vả vì di chuyển nhiều, cô vẫn cố hoàn tất deadline để kiếm được nhiều tiền nhất.
"Mọi người thường nghĩ đến du lịch là tham gia các cuộc vui, nhưng đôi khi công việc, tiền bạc khiến mình phải lách qua nó. Nếu khách hàng có yêu cầu quá gấp, mình thậm chí đã hủy lịch trình hôm đó để sửa cho xong dự án và gửi khách sớm nhất. Đó là các khó khăn dễ xảy ra" - Trang nói.
Cũng quan điểm này, anh Hà Mạnh cho biết để bắt đầu kiếm tiền dựa trên trải nghiệm sống, anh buộc phải lựa chọn.
"Nếu công việc quan trọng, mang về nguồn thu nhập tốt, mình sẽ hủy lịch trình. Còn nếu đã lên đường mà không thể bỏ lỡ, mình sẽ làm việc theo nhóm, có trợ lý và là người điều phối từ xa" - anh chia sẻ thêm.
"Cuộc sống trên mạng đẹp, nhưng hãy luôn nghĩ đến hiện thực"
Mặc dù là người mơ mộng nhưng Thùy Trang cho biết để trở thành một freelancer du lịch thì cô luôn chú ý đến hiện thực cuộc sống.
Theo đó, trước đây chưa có nhiều kinh nghiệm nên hầu hết các khoản tiết kiệm đều được cô "đốt" vào đam mê. Đến khi tài chính trở thành vấn đề quan trọng, cô gái trẻ đã nhận ra mình không thể sống với ước mơ nếu "không có cái đầu lạnh".
"Mặc dù hiện giờ bạn nhìn trên facebook, báo chí với đầy hình ảnh mình ở những vùng đất đẹp, thế nhưng hãy luôn để ý đến hiện thực cuộc sống. Mình đã chuẩn bị sẵn tiền tiết kiệm đủ cho 2-3 năm không đi làm, biết quản lý tài chính thông minh qua tái đầu tư chứng khoán, mua bảo hiểm và chuẩn bị kỹ chi phí cho chuyến đi để có thể theo đuổi ước mơ lâu dài" - Trang nói.
Về xu hướng Workation, cô gái trẻ mong muốn các bạn trẻ hãy học nhiều kỹ năng phụ giúp kiếm tiền từ đam mê. Ngoài ra, cần chấp nhận cuộc sống sẽ trở nên bận rộn hơn, việc trải nghiệm luôn đi kèm với deadline.
Bạn Hà Mạnh cho biết bản thân để có thể gap year (không đi làm) thì luôn có số tiền tích lũy nhất định, ít nhất là 3-6 tháng.
"Hãy kiên nhẫn! Có thể bây giờ chúng ta chỉ du lịch qua màn ảnh nhỏ, nhưng 10 năm nữa biết đâu ta sẽ đến mảnh đất đó, miễn là ước mơ đó luôn tồn tại" - Mạnh nói.