(Dân trí) - Với các cán bộ, nhân viên Trung tâm điều dưỡng tâm thần kinh thương binh Nghệ An, các thương bệnh binh là người thân, ruột thịt của họ. Họ chăm sóc với tất cả trách nhiệm và lòng biết ơn,
Chăm sóc thương bệnh binh bằng cả tấm lòng tri ân
Với cán bộ, nhân viên Trung tâm điều dưỡng tâm thần kinh thương binh Nghệ An, các thương, bệnh binh điều trị ở đây là người thân, là ruột thịt của họ. Chăm sóc, phụng dưỡng người có công không chỉ bằng trách nhiệm mà cả với tấm lòng biết ơn những người đã hi sinh máu xương và tuổi trẻ cho nền độc lập, hòa bình hôm nay.
Trung tâm điều dưỡng thương binh Nghệ An (đóng trên địa bàn xã Nghi Phong, Nghi Lộc, Nghệ An) hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng 70 thương, bệnh binh nặng và thân nhân liệt sĩ quê ở Nghệ An, Hà Tĩnh.
Thỉnh thoảng, điều kiện sức khỏe cho phép, các thương bệnh binh mới về thăm người thân còn lại phần lớn thời gian trong năm, các thương, bệnh binh này sinh sống ở đây - nơi họ xem như là ngôi nhà của mình.
Với cán bộ, nhân viên trung tâm, các thương, bệnh binh là người thân, là ruột thịt. Họ chăm sóc, phụng dưỡng không chỉ bằng trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp mà trên hết là tấm lòng biết ơn sâu sắc những cống hiến của các anh, các bác đối với độc lâp, hòa bình hôm nay.
Họ thuộc tính nết, sở thích của từng thương, bệnh binh đang ở trung tâm...
Các thương, bệnh binh ở đây đều rất nặng, bởi vậy bên cạnh chế độ chăm sóc, ăn uống đặc biệt, sức khỏe là điều được quan tâm hàng đầu. Ngoài việc duy trì chế độ khám bệnh hàng ngày, hàng tuần, đội ngũ y tế ở đây luôn phải trong trạng thái "trực chiến". Bởi các thương bệnh binh có thể tái phát vết thương bất kỳ lúc nào.
Y sỹ Nguyễn Thị Lượng (SN 1950, quê huyện Thanh Chương, Nghệ An) tham gia phục vụ chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên. Năm 1974, cô y sỹ Nguyễn Thị Lượng bị thương nặng, được chuyển ra Bắc điều dưỡng.
Chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, bệnh viện giải tán, bà Lượng được chuyển về Trung tâm điều dưỡng tâm thần kinh thương binh Nghệ An cho đến nay. Với người phụ nữ này, trung tâm là nhà, cán bộ, nhân viên trung tâm là con cháu "bảo gì chúng nó cũng nghe, sai gì cũng làm".
Chiến tranh đã lùi xa nhưng vết thương vẫn hành hạ những người lính năm xưa, bòn rút hết tuổi trẻ và sức lực của họ. Thương binh Trương Công Hoạt đang nấu cơm trưa nhưng vết thương tái phát khiến ông không thể tiếp tục công việc của mình.
"Mảnh đạn vẫn nằm trong đầu gối, nó đau khủng khiếp, như trăm nghìn mũi kim đâm vào xương tủy, tối tăm cả mặt mày", ông bấu chặt bàn tay vào đầu gối. Tuổi tác càng nhiều, cường độ và tần suất tái phát của vết thương càng lớn khiến những thương, bệnh binh phải gồng mình để chống chọi.
Sự chăm sóc ân cần, tận tình và trách nhiệm của các cán bộ, nhân viên Trung tâm điều dưỡng tâm thần kinh thương binh Nghệ An giúp họ xoa dịu vết thương chiến tranh.
Gắn bó ở đây, mỗi người mỗi cảnh. Người may mắn có gia đình, vợ con, người chỉ còn anh em, có người trở về sau chiến tranh không còn ai thân thích. Họ vào đây, nương tựa vào nhau về mặt tình cảm.
Tuổi tác đã cao nhưng những người lính năm xưa vẫn tếu táo vui đùa rồi cười vang cả một khoảng sân. Vui đó, cười đó, nhưng khi trở về căn phòng riêng của mình, đối mặt với nỗi đau về thể xác, nhiều người không khỏi ngậm ngùi.
Trừ những thương bệnh binh đặc biệt nặng, không thể tự phục vụ, còn lại phần lớn thương binh tự nấu nướng theo sở thích của mình.
"Bác Hồ dạy rồi, thương binh tàn nhưng không phế. Việc gì mình tự làm được thì làm thôi, đỡ phiền tới các cháu. Lính mà, việc gì cũng làm được tất, đánh giặc khó thế còn làm được thì mấy công việc này nhằm nhò gì", người cựu binh này nói.
"Phải hiểu sở thích, tính cách của từng cụ mới có thể chăm sóc được tốt. Có khi bố mẹ mình ở nhà thích gì mình không biết nhưng ở đây, các bác thích gì, không thích gì mình phải nắm rõ bởi để các bác phật ý là không hợp tác trong chăm sóc, điều trị", chị Hoàng Thị Tuyết Nhung - Phó trưởng phòng Y tế - điều dưỡng trung tâm cho hay.
Vào đây năm 1975, bệnh binh Phan Huy Phác (SN 1932, quê Diễn Châu, Nghệ An) là một trong những người gắn bó lâu nhất trung tâm. Ông hầu như rất ít ăn cơm, món ăn yêu thích nhất của ông là bánh quy.
"Cụ chỉ ăn đúng loại bánh quy này, mua loại khác về là nhất định không ăn. Mà phải tự cụ chế biến thì mới ăn", chị Nhung cho hay. Món cháo bánh quy được cụ Phác chế biến bằng cách thả bánh quy vào nước rồi mang đun lên.
Với sở thích đặc biệt này, đội ngũ y tế của trung tâm cũng khá vất vả trong việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho cụ.
Có 10 cặp vợ chồng đã nên đôi ở Trung tâm điều dưỡng tâm thần kinh thương binh Nghệ An. Họ sinh con, đẻ cái ở đây, xem đây như ngôi nhà của mình. Vợ chồng thương binh Phan Nhân Toàn, bệnh binh Nguyễn Thị Hồng là một ví dụ điển hình.
Tuổi thanh xuân, họ rời quê nhà Hà Tĩnh vào chiến trường. Trở về với vết thương trên cơ thể, họ đến đây, gặp, yêu và gắn bó với nhau suốt 40 năm qua. "
Nay 3 đứa con trai đã trưởng thành, thành đạt cả. Các con muốn đón bố mẹ về để chăm sóc, phụng dưỡng nhưng vợ chồng tôi quyết định ở lại đây bởi đây cũng là nhà", bà Hồng tâm sự.
Chăm sóc, phụng dưỡng người có công không chỉ giới hạn trong nhiệm vụ của những cán bộ, nhân viên của Trung tâm điều dưỡng tâm thần kinh thương binh. Dù đã nghỉ hưu khá lâu nhưng thường ngày bà Hoàng Thị Khánh vẫn vào trung tâm, chăm sóc bệnh binh Trần Hữu Diến - người bà xem như anh trai, như người bạn đặc biệt của mình.
"Gắn bó với nhau mấy chục năm trời, chứng kiến từng cơn vật vã vì vết thương hành hạ, từ thương, từ trách nhiệm mà gắn bó với nhau như ruột thịt trong nhà. Thương lắm, mỗi ngày không ghé vào nhìn thấy ông ấy là không chịu được", bà Khánh tâm sự.