DMagazine

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Đời sống người có công ngày càng đầy đủ hơn”

(Dân trí) - "Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, công tác chăm sóc người có công sẽ tiếp tục được toàn xã hội hưởng ứng tích cực để người có công có cuộc sống đầy đủ, tốt đẹp hơn...".

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Cuộc sống người có công ngày càng đầy đủ, tốt đẹp hơn”

"Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần đền ơn đáp nghĩa, công tác chăm sóc người có công sẽ tiếp tục được các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân hưởng ứng tích cực để người có công có cuộc sống đầy đủ, tốt đẹp hơn...".

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chia sẻ nhân kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Nhiều kết quả quan trọng

Bộ trưởng cho biết, những năm qua, công tác chăm sóc người có công với cách mạng đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước triển khai đạt nhiều kết quả quan trọng.

Về công tác giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp xem xét, giải quyết và có ý kiến kết luận với 6722 hồ sơ ở cấp tỉnh trong các cơ quan ở quân đội, công an. Trong đó, Bộ đã trình Thủ tướng công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công 2.204 liệt sĩ, công nhận 2.500 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh.

Những hình ảnh ấn tượng dịp kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Các trường hợp công nhận liệt sĩ thời gian qua, nhất là những trường hợp giải quyết hồ sơ tồn đọng đều là những trường hợp đã hi sinh quá lâu, chủ yếu trong thời kỳ chống Pháp, có những trường hợp hy sinh cách đây trên 80 năm đến nay mới được công nhận liệt sĩ.

“Thậm chí, tính theo tuổi đời thì đến nay nhiều cụ đã trên 100 tuổi, người nhiều tuổi nhất là 126 tuổi, rất nhiều trường hợp bị địch bắt tra tấn tới chết trong tù nhưng không có bất cứ một giấy tờ gì. Qua xác minh thông tin tại nhà tù, đồng thời được sự tôn vinh của các bậc lão thành cách mạng và nhân dân đã lập hồ sơ xác nhận liệt sĩ…” - Bộ trưởng cho biết.

BT 12.jpg

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gặp gỡ các Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại trụ sở Quốc hội

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong quá trình xem xét, giải quyết của các cơ quan chức năng đã xử lý căn bản và kết luận cụ thể về những vụ việc, hồ sơ rất phức tạp từ lâu chưa xử lý được nay đã được trình Chính phủ xem xét kết luận.

Đối với những hồ sơ không đủ điều kiện các cơ quan chức năng đã kết luận và giải thích đối với các đối tượng. Các trường hợp được xác nhận cho đến nay qua giải quyết hồ sơ tồn đọng đều được nhân dân đồng tình và không có đơn thư thắc mắc, khiếu kiện.

Ngành LĐ-TB&XH cũng đã trực tiếp tiếp nhận hơn 61.000 hồ sơ từ Hội Cựu TNXP để rà soát. Qua rà soát đến nay còn khoảng 300 hồ sơ sẽ tiếp tục được xác nhận. Trong 300 hồ sơ này, bước đầu đã có 21 trường hợp được Chính phủ công nhận là liệt sĩ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Đời sống người có công ngày càng đầy đủ hơn” - 2

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Lễ gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc 2020, ngày 25/7.

Bộ trưởng thông tin, tính riêng từ tháng 7/2019 đến nay, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 580 liệt sĩ và đã thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội cộng nhận và cấp bằng tới đâu thì tổ chức trao ngay tới đó, không để thân nhân liệt sĩ phải chờ đợi.

Ngay trong tháng 7/2020, Bộ đã trình xác nhận 264 liệt sĩ thuộc Bộ Công an, Bộ LĐTBXH, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và 35 tỉnh, thành phố, trong đó có những trường hợp hết sức cảm động... Tính đến ngày 10/7/2020, đã có 36 địa phương, 2 bộ về cơ bản không còn hồ sơ tồn đọng

"Kết quả trên là sự cố gắng, tập trung rất lớn của toàn thể các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, nhất là các tổ chức chính quyền địa phương cơ sở, các chứng nhân lịch sử, các bậc lão thành cách mạng đã hết sức nỗ lực trong việc tìm kiếm, chắt lọc những chứng cứ dù là nhỏ nhất. Những thông tin ít ỏi nhưng vô cùng quý báu để từ đó hình thành lên những cơ sở nhất định trong việc họp, bàn để xem xét, xác nhận đối tượng người có công với cách mạng..." - Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ: "Chúng ta vẫn phải cố gắng hơn, quyết tâm hơn và đồng lòng phối hợp hơn nữa trong các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công và gia đình người có công nói chung và việc giải quyết hồ sơ tồn đọng nói riêng dù rằng việc này ngày càng khó khăn hơn".

Điểm nhấn tri ân

Trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, ngày 25/7, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ quan Trung ương đã tổ chức chương trình gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc.

Phát biểu tại Lễ gặp mặt, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Chương trình gặp mặt vừa là dịp đặc biệt tri ân các Bà mẹ Việt Nam anh hùng vừa nhắc nhở thế hệ sau rằng, chăm sóc người có công là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài; là tình cảm, lương tâm và trách nhiệm của mỗi tổ chức, mỗi người dân đất Việt”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Đời sống người có công ngày càng đầy đủ hơn” - 3

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cùng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng vào Lăng viếng Bác 

Trong những năm qua, việc chăm lo và phụng dưỡng các mẹ Việt Nam anh hùng là một trong những chính sách quan trọng của Đảng, Nhà nước.

Sau 25 thực hiện Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Đảng, Nhà nước ta đã phong tặng và truy tặng gần 140.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trong đó, tỉnh Quảng Nam có số lượng Bà mẹ Việt Nam anh hùng được phong tặng, truy tặng nhiều nhất với 15.261 mẹ, tiếp đó Bến Tre với 6.905 mẹ, Quảng Ngãi với 6.802 mẹ, Hà Nội với 6.723 mẹ,...

Bên cạnh các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, với tinh thần "Đền ơn, đáp nghĩa", nhân dân cả nước đã có nhiều việc làm, nhiều hoạt động thiết thực nhằm tri ân, phụng dưỡng các mẹ. Từ phong trào "Áo lụa tặng bà" của các cháu thiếu nhi cả nước, phong trào "Tấm chăn tặng mẹ" của các tổ chức, đoàn thể xã hội đến việc xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, xây dựng Nhà tình nghĩa, Sổ tiết kiệm tình nghĩa, đăng ký chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời những Bà mẹ Việt Nam anh hùng...

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Đời sống người có công ngày càng đầy đủ hơn” - 4

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Chương trình đã quy tụ được 300 Bà mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu đến từ mọi miền của Tổ quốc. Mỗi mẹ là một câu chuyện chân thực với điểm chung là sự hiền hậu, tần tảo, lặng thầm với nỗi đau mất người thân yêu ở chiến trường.

“Đơn cử như trường hợp mẹ Võ Thị Tặng ở Quảng Nam với nỗi đau mất đi người chồng và 2 người con. Mẹ chồng cũng là Bà mẹ Việt Nam anh hung. Bản thân mẹ đã nhiều lần bị địch bắt giam cầm, tra tấn, giờ đây mang trên mình nhiều vết thương, di chứng nặng nề của chiến tranh để lại”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Đời sống người có công ngày càng đầy đủ hơn” - 5

Niềm vui của thế hệ trẻ khi được gặp các Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Nỗi đau, sự hy sinh thầm lặng của các mẹ đã dệt thêu nên một dân tộc anh hùng, dệt nên những trang sử hào hùng, chói lọi của mảnh đất hình chữ S.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ: "Chúng ta vẫn phải cố gắng hơn, quyết tâm hơn và đồng lòng phối hợp hơn nữa trong các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công và gia đình người có công nói chung và các Bà mẹ Việt Nam anh hùng nói riêng”.