Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Sửa từ "liệt sĩ vô danh" là lương tâm, trách nhiệm

(Dân trí) - “Cần thay chữ “Liệt sĩ vô danh” thành “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin” trên bia mộ liệt sĩ. Đây là việc làm vì lương tâm, trách nhiệm, danh dự với thế hệ trước chứ không phải vì thành tích…”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Sửa từ liệt sĩ vô danh là lương tâm, trách nhiệm - 1

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thắp hương các liệt sĩ tại nghĩa trang tỉnh Quảng Trị

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chỉ đạo trong Hội nghị trực tuyến nhằm triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 của lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức trung tuần tháng 7 tại Hà Nội. 

Bày tỏ nỗi day dứt về tồn tại trong việc triển khai công tác mộ và nghĩa trang liệt sĩ, Bộ trưởng cho biết: “Các cô, bác, anh, chị khi ra đi chiến đấu đều có họ tên, năm sinh, quê quán. Vì đất nước, họ đã hi sinh anh dũng. Do điều kiện khác nhau, chúng ta chưa xác định lại được danh tính của các liệt sĩ. Nhưng không vì thế mà đành lòng ghi trên bia là “liệt sĩ vô danh…”.

Bộ trưởng chỉ đạo các địa phương cần xử lý ngay tất cả những bia mộ có chữ “liệt sĩ vô danh” hay “vô danh” trong năm 2020. Trường hợp các bia mộ tạm thời đang được ghi, như: “Tên anh sống mãi cùng tên núi sông”, “chưa biết tên” do số lượng nhiều thì có thể sửa vào năm sau.

“Việc ghi tên bia mộ cần nghiêm túc thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC, thống nhất tên trên những tấm bia này là “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin”, không nên để “vô danh” - Bộ trưởng lưu ý.

Về nguồn kinh phí cho việc tu sửa, Bộ trưởng chỉ đạo sử dụng chủ yếu từ nguồn kinh phí từ địa phương để sửa các bia mô “vô danh”. Bên cạnh đó là kinh phí của Bộ đã hỗ trợ trong 2020, trường hợp thiếu sẽ báo cáo Bộ để có phương án xử lý sau. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Sửa từ liệt sĩ vô danh là lương tâm, trách nhiệm - 2

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tới thăm và thắp hương các liệt sĩ tại Quảng Trị.

Trong số các địa phương, tỉnh Quảng Trị còn tới khoảng 20.000 ngôi mộ chưa xác định được tên gọi chuẩn theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC là “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin”. Đặc biệt, tỉnh Quảng Trị có khoảng 6.000 bia mộ ghi “vô danh”. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2020, tỉnh Quảng Trị sẽ hoàn thành xong việc sửa 6.000 bia mô ghi chữ “vô danh”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đồng ý với các bia mộ ghi “chưa có tên”, “chưa xác định được tên” tạm thời có thể giữ lại để xử lý sau. Với khoảng 6.000 bia mộ “vô danh”, tỉnh cần xử lý dứt điểm thì từ nay đến cuối năm 2020, như trong đề xuất. Đồng thời, công tác sửa chữa bia mộ cần được thực hiện theo phong tục và truyền thống đạo lý của dân tộc.

Trước đó, đầu tháng 7/2020, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Công điện số 06/CĐ-BLĐTBXH gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về công tác chuẩn bị cho hoạt động kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ và người có công. Nội dung Công điện cũng đề cập chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, lưu ý các tỉnh, thành phố về việc sửa thông tin trên bia mộ. 

Cụ thể, đối với những mộ liệt sĩ chưa có đủ các thông tin theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 13 Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC thì bia mộ chỉ ghi thông tin đã rõ vào dòng tương ứng. Với những mộ liệt sĩ không có thông tin hoặc đang khắc chữ "Liệt sĩ vô danh" hoặc "Liệt sĩ không xác định được danh tính" thì trên bia mộ ghi "Liệt sĩ chưa xác định được thông tin".

Hoàng Mạnh - Hải An