Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Day dứt khi còn người có công thuộc hộ nghèo”
(Dân trí) - “Đất nước thống nhất bao năm, nhưng vẫn còn tình trạng hộ gia đình có thành viên là người có công với mức sống thấp hơn mức trung bình nơi cư trú”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trăn trở.
Phát biểu về nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm 2020 của ngành lao động, người có công và xã hội được tổ chức trung tuần tháng 7, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chỉ đạo, các địa phương tập trung giải quyết dứt điểm số hồ sơ tồn đọng về công nhận người có công và tình trạng hộ gia đình nghèo có thành viên là người có công.
Đồng bộ chính sách hỗ trợ
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, hơn 99,5% hộ gia đình có thành viên là người có công có cuộc sống bằng hoặc cao hơn người dân nơi cư trú.
Tuy nhiên, cả nước vẫn còn khoảng 8.000 hộ thuộc diện nghèo có thành viên là người có công.
Để giải quyết tình trạng này cần sự vào cuộc đồng bộ. “Phải phân công cán bộ, đảng viên đỡ đầu hộ nghèo, dùng các chính sách vận động, thuyết phục. Trường hợp không thể thoát nghèo do những lý do bất khả kháng như người khuyết tật, địa phương sử dụng đồng bộ các chính sách khác để hỗ trợ giải quyết dứt điểm trong năm 2020”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ đạo.
Về giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng, Bộ trưởng đánh giá việc vào cuộc quyết liệt của các địa phương. Tới nay cơ bản hoàn thành việc xử lý.
Đối với việc rà soát hơn 61.000 hồ sơ thanh niên xung phong, việc tập trung xử lý đã giảm chỉ còn hơn 300 hồ sơ và sẽ phấn đấu giải quyết xong trong năm 2020.
Điều này nhằm thực hiện đúng với nội dung trong Chỉ thị số 14-CT/T.Ư ngày 19/7/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Theo đó, đến năm 2020, hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng sẽ được giải quyết cơ bản.
“Sau năm 2020, vai trò lịch sử của Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH sẽ kết thúc với việc hoàn thành giải quyết 6.000 hồ sơ người có công tồn đọng và rà soát hơn 61.000 hồ sơ thanh niên xung phong. Các trường hợp phát sinh sau này sẽ không gọi là hồ sơ tồn đọng nữa mà là trường hợp vướng mắc”, Bộ trưởng kết luận.
Lần đầu tiên gặp mặt 300 Bà mẹ Việt Nam anh hùng
Về các hoạt động kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/72020), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Lễ "Gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc năm 2020" tổ chức sáng 25/7 tại Hà Nội nhận được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớn xã hội.
Đây là lần đầu tiên có một chương trình gặp gỡ các Bà mẹ Việt Nam anh hùng với số lượng lớn và được tổ chức tại Thủ đô đúng vào dịp ngày Thương binh - Liệt sĩ. Chương trình sẽ có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ.
“Chính vì vậy, công tác đưa đón các Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở nhiều địa phương về Thủ đô dự lễ là việc rất quan trọng, đòi hỏi sự chuẩn bị chu đáo trong công tác tổ chức”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã phong tặng và truy tặng hơn 139.000 Mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó gần 5.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống.
Cũng trong dịp kỷ niệm 73 năm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tổ chức trao bằng Tổ quốc ghi công cho 500 trường hợp.
Đặc biệt, sáng 21/7 tại Quảng Nam, Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công tới 73 thân nhân liệt sĩ trên toàn quốc sẽ được Bộ LĐ-TB&XH, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức, với sự tham gia của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Không quan niệm năm kỷ niệm sự kiện là chẵn hay lẻ
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Trong công tác tổ chức, các địa phương không nên được quan niệm việc kỷ niệm ngày Thương binh - liệt sĩ vào năm chẵn hay năm lẻ.
“Dù có tổ chức vào năm nào, chúng ta cũng phải đảm bảo tốt nhất các điều kiện tới người có công. Theo đó, trên cơ sở bám sát kế hoạch đã được Bộ ban hành, hướng dẫn, Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố cần tham mưu triển khai tốt các nhiệm vụ đề ra” - Bộ trưởng lưu ý.
Hải An