(Dân trí) - Mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao năm 2045 là con đường gập ghềnh mà Việt Nam phải đối mặt, song cũng là động lực để người Việt đồng lòng thực hiện khát vọng thịnh vượng, bước vào kỷ nguyên mới.
Tốt nghiệp bằng cử nhân loại khá Học viện Tài chính năm 2020, Đào Hoa (26 tuổi) quyết định không tìm việc theo đúng ngành nghề đã học mà lựa chọn làm du lịch. Gia đình Hoa phản đối nhưng cô vẫn nhất quyết lập nghiệp bằng con đường này. "Thu nhập người dân ngày càng tăng, việc chi tiền cho du lịch, nhất là du lịch cao cấp sẽ càng lớn", Hoa nói về lý do lựa chọn công việc.
3 năm sau, Hoa vẫn kiên trì với công việc. Khách hàng tìm đến cô ngày một đông, có những người chi hàng trăm triệu đồng cho một chuyến nghỉ dưỡng tại resort cao cấp. Hoa nói cô nhìn thấy cơ hội trong công việc khi người Việt đang ngày càng giàu lên.
Thực tế, trong hơn 15 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tích cực, thể hiện rõ nhất qua tăng trưởng nhanh gắn với giảm tỷ lệ nghèo. Như ông S D Pradhan - Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ nhận định trên tờ Times of India rằng: Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được ví như một "phép màu".
Tuy vậy, sau nhiều năm phát triển thần kỳ, kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, hệ thống pháp luật và hành chính còn nhiều rào cản với doanh nghiệp, hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội…
Và đặc biệt, khoảng cách về thu nhập của Việt Nam với thế giới ngày càng chênh lệch. Năm 2023, GDP bình quân thế giới đạt hơn 100.000 tỷ USD, tương đương 12.000 USD/người - con số này gấp gần 3 lần Việt Nam. Nhiều chuyên gia đánh giá những khó khăn nội tại và thách thức bên ngoài đang khiến Việt Nam đối mặt nguy cơ "sập bẫy" thu nhập trung bình.
Trong 20 năm tới, liệu Việt Nam có thể bứt phá để tránh được "bẫy" thu nhập trung bình trở thành nước có thu nhập cao? Đây có lẽ là bài toán nhiều ẩn số mà Việt Nam cần phải ra sức tìm cách giải để tiến đến mục tiêu đã đặt ra đến năm 2045.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã phân loại các nước có thu nhập trung bình ở khoảng 1.136-13.845 USD/người/năm, theo cập nhật năm 2023. Trong số này lại chia làm 2 nhóm: Nhóm thu nhập trung bình thấp và nhóm thu nhập trung bình cao. Nhóm thu nhập trung bình thấp khoảng 1.136-4.465 USD, nhóm thu nhập trung bình cao khoảng 4.466-13.845 USD. Sau khi vượt mốc 13.845 USD thì được coi là nước có thu nhập cao.
Bẫy thu nhập trung bình là một thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng mắc kẹt của nhiều quốc gia đã thoát nghèo, gia nhập các nước có thu nhập trung bình nhưng mất nhiều thập kỷ không thể vươn lên nhóm nước thu nhập cao (trên 13.000 USD/người/năm).
Phân tích dữ liệu 124 quốc gia trong giai đoạn 1950-2010 cho thấy một quốc gia ở mức thu nhập trung bình thấp từ 28 năm trở lên hoặc một quốc gia có thu nhập trung bình cao từ 14 năm trở lên, tức đang ở trong "bẫy" thu nhập trung bình.
"Tăng trưởng dựa trên vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), lao động dồi dào, các hiệp định thương mại, tài nguyên thiên nhiên hoặc lợi thế về vị trí cuối cùng sẽ kết thúc. Bẫy thu nhập trung bình xảy ra khi tăng trưởng kinh tế không được tạo ra từ những nỗ lực của người dân hoặc Chính phủ mà chỉ nhờ vào những lợi thế sẵn có", ông nói.
Theo vị chuyên gia, các quốc gia có thể đạt thu nhập trung bình bằng cách tự do hóa, tư nhân hóa và hội nhập toàn cầu, nhưng để đạt được thu nhập cao hơn đòi hỏi nỗ lực cải cách chính sách để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế tư nhân.
Về nguyên nhân của "bẫy" thu nhập trung bình, ông cho rằng thiếu năng lực cạnh tranh là nguyên nhân chính khiến một quốc gia "mắc bẫy". Tức quốc gia đó không thể cải tiến công nghệ, sản xuất các sản phẩm có giá trị cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu… Bên cạnh đó, các vấn đề xã hội cũng là một nguyên nhân khác. Tăng trưởng kinh tế có thể bị chững lại nếu xã hội không ổn định do bất bình đẳng, tham nhũng, ô nhiễm môi trường…
"Ngoài ra, các vấn đề chính trị và quân sự như xung đột nội bộ hoặc bên ngoài, xung đột sắc tộc, khủng bố, đấu tranh chính trị cũng gây tác động lớn đến sự phát triển kinh tế của quốc gia", vị chuyên gia nêu quan điểm.
GS Kenichi Ohno dẫn nghiên cứu của GS Trần Văn Thọ cho rằng có 2 loại bẫy thu nhập trung bình: Trước hết là bẫy thu nhập trung bình thấp - ở đây các chính sách chưa thực sự đủ mạnh để khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Luật pháp, chính sách và thể chế chính sách phải được cải thiện và hạn chế sự can thiệp của Chính phủ để tạo ra động lực cho kinh tế tư nhân phát triển.
Thứ hai là bẫy thu nhập trung bình cao - mặc dù các chính sách hỗ trợ và môi trường kinh doanh thuận lợi, song khu vực kinh tế tư nhân quá yếu kém để đạt được năng suất, công nghệ và đổi mới sáng tạo và không thể cạnh tranh toàn cầu.
"GS Thọ cho rằng Việt Nam đang trong bẫy thu nhập trung bình thấp, tức trường hợp đầu tiên", ông Kenichi Ohno nói và cho biết trong gần 30 năm nghiên cứu tại Việt Nam ông nhận thấy các chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ vẫn chưa đem lại nhiều kết quả dù Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc trong 3 thập kỷ qua. Theo ông, động lực tăng trưởng chính của nước ta vẫn chủ yếu đến từ nỗ lực của con người, vốn FDI, vốn ODA và kiều hối.
Theo vị chuyên gia, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ "mắc bẫy" thu nhập trung bình nếu các chính sách không được cải thiện. Việt Nam cần phải đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng GDP lên 8-10% thay vì xuống mức 4-6%. "Việt Nam cần sự đột phá lớn trong chính sách và điều này cần phải xuất phát từ hành động và cam kết mạnh mẽ từ những nhà lãnh đạo lớn của đất nước", GS Kenichi Ohno nhấn mạnh.
Từ nay đến năm 2045, Việt Nam còn hơn 7.000 ngày để thực hiện mục tiêu thu nhập bình quân lên hơn 13.000 USD. Để hiện thực hóa khát vọng này, GDP của Việt Nam phải tăng trưởng đều đặn 7-8,5%/năm - đây được coi là một mục tiêu tăng trưởng cao giữa bối cảnh thế giới biến động và nhiều thách thức.
Các chuyên gia cho rằng để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đều đặn trong 20 năm tới, Chính phủ sẽ cần nhiều giải pháp và nỗ lực hơn nữa. Do vậy, cách làm, hướng đi trong bối cảnh hiện nay sẽ đóng vai trò quyết định cho mục tiêu trong tương lai.
GS Kenichi Ohno đánh giá Việt Nam có những thành tựu đáng kể trong hơn 3 thập kỷ qua như tăng trưởng thu nhập nhanh chóng từ mức thấp, tỷ lệ nghèo đói giảm; thu hút FDI và chính sách thương mại thành công (WTO, ASEAN, FTA, TPP, RCEP...); chuyển dịch cơ cấu từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ; sự "trỗi dậy" của một số tập đoàn trong nước như Vingroup/VinFast, Viettel, FPT…
Tuy nhiên, vấn đề của Việt Nam là tăng trưởng đang chậm lại ở mức thu nhập trung bình quá sớm thay vì tăng tốc và phụ thuộc nhiều vào FDI để xuất khẩu, công nghệ và chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp Việt còn mờ nhạt. Hệ thống giao thông hiện đại (đặc biệt là mạng lưới đường sắt đô thị) chậm phát triển. Bên cạnh đó là các vấn đề về môi trường và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên…
"Bẫy thu nhập trung bình là vấn đề quan trọng đối với nền kinh tế mà 108 quốc gia đang phải đối mặt. Có nhiều cách để một quốc gia vượt qua bẫy thu nhập trung bình và vị chuyên gia đánh giá Việt Nam có vị thế lý tưởng để thoát khỏi cái bẫy này", TS Fred McMahon nhận định.
Theo vị chuyên gia, Việt Nam vẫn là một quốc gia có thu nhập khá thấp và đây lại là một "lợi thế", điều này sẽ giúp Việt Nam dễ dàng bắt kịp các nền kinh tế hiện đại. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng liên tục tung ra nhiều chính sách hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, muốn vượt qua "bẫy" thu nhập trung bình, ông cho rằng cần được đổi mới hơn nữa về thể chế, chính sách của Chính phủ, đặc biệt là chính sách kinh tế phải trở nên cạnh tranh hơn.
"Nền kinh tế thị trường (tự do kinh tế) cũng là động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP bình quân của các quốc gia. Ngoại trừ một số nước phụ thuộc vào dầu mỏ, tất cả quốc gia có thu nhập cao đều tự do kinh tế, ngay cả quốc gia bắt đầu từ thu nhập thấp như Hàn Quốc. Với Việt Nam, nền kinh tế thị trường vẫn chưa thực sự phát triển mạnh mẽ", vị chuyên gia đánh giá.
Để vươn cao hơn mức thu nhập trung bình, Việt Nam phải hoạch định con đường phát triển đất nước theo hướng duy trì tốc độ tăng trưởng cao một cách bền vững. Đặc biệt, Việt Nam cần có năng lực bao quát và tầm nhìn phát triển một cách phù hợp và triển khai hiệu quả các biện pháp nhằm thực hiện tầm nhìn.
Điều này có thể học tập ở các quốc gia Đông Á. Bên cạnh đó, phải quan tâm đến quá trình thực hiện thay vì chỉ soạn thảo, phê duyệt chính sách. Đặc biệt cần theo dõi và sửa đổi khi cần thiết đến khi đạt được kết quả mong muốn.
Ngoài ra, GS Kenichi Ohno lưu ý Việt Nam cần tăng cường học tập chính sách của các quốc gia phát triển để xây dựng chính sách riêng cho quốc gia. Chẳng hạn như Nhật Bản đã học cách thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa và Singapore học cách thúc đẩy năng suất lao động từ các nước khác bằng phương pháp nghiên cứu kỹ lưỡng, so sánh và điều chỉnh theo điều kiện quốc gia.
"Những nỗ lực học tập kinh nghiệm quốc tế của Nhật Bản, Singapore nên được lặp lại ở Việt Nam để cải thiện chất lượng chính sách, thay vì tổ chức quá nhiều hội nghị và hội thảo cùng một chủ đề mà không mang lại kết quả cụ thể", ông nhìn nhận.
Ngoài ra, vị giáo sư cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nền kinh tế tư nhân đối với sự phát triển kinh tế quốc gia. Còn cơ chế, chính sách có vai trò quan trọng trong việc tăng cường tính linh hoạt của kinh tế tư nhân và đối phó với các "cú sốc" bên ngoài.
Dẫn chứng nhiều quốc gia châu Á, TS Fred McMahon cho hay chính sách của Chính phủ đã giúp Hàn Quốc và Singapore - hai quốc gia sở hữu ít tài nguyên thiên thiên và bị ảnh hưởng nặng nề bởi Thế chiến II - vươn lên thành nước thu nhập cao bất chấp hàng loạt thách thức.
"Trong khi đó, Venezuela, Nigeria - nơi có trữ lượng dầu mỏ khổng lồ, hay Brazil và Indonesia - thị trường nội địa rộng lớn và vị trí thuận lợi vẫn mắc kẹt trong nhóm thu nhập trung bình", Trưởng nhóm nghiên cứu về tự do kinh tế tại Viện Fraser, Canada chia sẻ.
Đối với những nền kinh tế này, những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á (1997-1998) và đại dịch Covid-19 (2020-2021) chỉ là tạm thời. "Trong khi đó, Malaysia và Thái Lan - khởi đầu từ mức tương đương với Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc trong những năm 1950. Tuy nhiên, các quốc gia này lại tăng trưởng chậm để đạt mục tiêu thu nhập cao, cả 2 đều bị mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình. Chính phủ Malaysia và Thái Lan cũng đã chính thức thừa nhận điều đó", ông nói.
Theo vị chuyên gia, sự khác biệt giữa các nền kinh tế phát sinh từ việc người dân và doanh nghiệp không ngừng tích lũy kỹ năng, kiến thức, công nghệ và năng lực để đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, GS Kenichi Ohno cho biết ở châu Á, sự xuất hiện của các nhà lãnh đạo như: Tưởng Giới Thạch (Đài Loan, 1949), Park Chung Hee (Hàn Quốc, 1961), Lý Quang Diệu (Singapore, 1965) và Đặng Tiểu Bình (Trung Quốc, 1977) đã đánh dấu bước ngoặt lịch sử cho nền kinh tế. Ngược lại, các nước kém thành công hơn như Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines… không có được các nhà lãnh đạo mang tính thời đại dù các quốc gia này đã có sự thay đổi về lãnh đạo.
"Cuộc chính biến quân sự của ông Park Chung Hee năm 1961 đã buộc Hàn Quốc phải hành động. Ông trực tiếp kiểm soát các chính sách kinh tế, thành lập Ban Kế hoạch kinh tế và soạn thảo kế hoạch phát triển 5 năm. Đặc biệt, mối quan hệ giữa Chính phủ và doanh nghiệp rất chặt chẽ và hợp tác. Các quan chức không có tài năng và tham nhũng đã buộc phải nghỉ việc", vị chuyên gia cho biết.
Những năm 1960, dưới các chính sách phát triển mạnh mẽ của Nhà nước, các tập đoàn lớn như Samsung, LG và Daewoo đã đẩy mạnh xuất khẩu. Đến năm 1970, Hàn Quốc nhắm mục tiêu vào các ngành công nghiệp nặng. Các tập đoàn này đã tham gia vào các ngành thép, ô tô, đóng tàu và điện tử.
Đặt vấn đề "điều gì tạo ra một khu vực kinh tế tư nhân mạnh mẽ và một Chính phủ đủ năng lực quản trị?", vị chuyên gia cho rằng đó là tư duy xuyên suốt, nhất quán của toàn bộ quốc gia từ các nhà lãnh đạo, chuyên gia, doanh nhân, công nhân, nông dân đến cả tầng lớp sinh viên và học sinh.
"Nhật Bản trong những năm 1950-1960 và Hàn Quốc trong những năm 1960-1970 tràn đầy tư duy dân tộc, chính vì vậy mà tất cả người dân và Chính phủ đã cùng nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng và công nghiệp hóa", ông nhấn mạnh.
Riêng với Nhật Bản, từ một quốc gia bị tàn phá nặng nề sau Thế chiến II, Nhật Bản vươn lên trở thành một trong những nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới. Giai đoạn 1955-1973, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng nhanh, bình quân khoảng 10%/năm, được coi là "kỳ tích" mà khó có nước nào sau này đạt được. Nhật Bản đã tăng cường nhập khẩu công nghệ cao, rút ngắn khoảng cách, từng bước công nghiệp hóa, nâng cao năng suất, rồi sau đó xuất khẩu lại công nghệ ra thế giới.
Nhật Bản tập trung nguồn lực với những ngành nghề tạo ra năng suất cao, giá trị cao thay vì những ngành có giá trị thấp như nông nghiệp đồng thời tăng quy mô sản xuất của nhiều ngành nghề, tạo ra giá trị cao, năng suất cao cho hàng hóa.
Bài học của Nhật Bản, Hàn Quốc được nhiều người nhắc đến như là một ví dụ, để cổ vũ Việt Nam hoàn toàn có thể làm nên kỳ tích, hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng vào năm 2045. Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, GDP bình quân đầu người đạt 7.500 USD. Đến năm 2045, mục tiêu Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Lúc này, GDP bình quân đầu người sẽ đạt trên 13.000 USD, vượt xa mức 4.280 USD của năm 2023.
Kính thưa quý độc giả,
Đất nước ta đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, một kỷ nguyên mới đầy hứa hẹn với những vận hội và thách thức đan xen. Sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, kinh tế tăng trưởng vượt bậc, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, chúng ta cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như: biến đổi khí hậu, cạnh tranh quốc tế gay gắt, chênh lệch giàu nghèo, ô nhiễm môi trường, lo lắng về đạo đức xã hội...
Trong bối cảnh đó, việc nhận thức rõ những đặc trưng, thời cơ và thách thức của kỷ nguyên mới là hết sức quan trọng. Tuyến bài "Kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam" trên báo Dân trí sẽ phân tích sâu sắc những vấn đề then chốt, góp phần làm sáng tỏ những câu hỏi lớn:
Kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam được hiểu như thế nào? Đâu là những dấu mốc, sự kiện quan trọng khẳng định bước chuyển mình của đất nước?
Những cơ hội và thách thức đặt ra cho Việt Nam trong kỷ nguyên mới là gì? Làm thế nào để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững?
Vai trò của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc xây dựng đất nước trong kỷ nguyên mới?
Chúng tôi hy vọng tuyến bài sẽ góp phần khơi dậy niềm tin, khát vọng vươn lên, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường của toàn dân tộc, cùng nhau xây dựng một Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc.