(Dân trí) - Từ bài học thành công của nhiều nước, chuyên gia cho rằng để Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, phải bảo đảm vai trò truyền cảm hứng và dẫn dắt của lãnh đạo cấp chiến lược, đặc biệt lãnh đạo chủ chốt.
Kính thưa quý độc giả,
Đất nước ta đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, một kỷ nguyên mới đầy hứa hẹn với những vận hội và thách thức đan xen. Sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, kinh tế tăng trưởng vượt bậc, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, chúng ta cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như: Biến đổi khí hậu, cạnh tranh quốc tế gay gắt, chênh lệch giàu nghèo, ô nhiễm môi trường, lo lắng về đạo đức xã hội...
Trong bối cảnh đó, việc nhận thức rõ những đặc trưng, thời cơ và thách thức của kỷ nguyên mới là hết sức quan trọng. Tuyến bài "Kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam" trên báo Dân trí sẽ phân tích sâu sắc những vấn đề then chốt, góp phần làm sáng tỏ những câu hỏi lớn:
Kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam được hiểu như thế nào? Đâu là những dấu mốc, sự kiện quan trọng khẳng định bước chuyển mình của đất nước?
Những cơ hội và thách thức đặt ra cho Việt Nam trong kỷ nguyên mới là gì? Làm thế nào để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững?
Vai trò của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc xây dựng đất nước trong kỷ nguyên mới?
Chúng tôi hy vọng tuyến bài sẽ góp phần khơi dậy niềm tin, khát vọng vươn lên, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường của toàn dân tộc, cùng nhau xây dựng một Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc.
Phát biểu tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh "Với thế và lực đã tích lũy sau gần 40 năm đổi mới, sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Việt Nam đã hội tụ đủ những điều kiện cần thiết, đề ra định hướng chiến lược, đột phá để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".
Khái niệm "kỷ nguyên mới", "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", cũng thường xuyên được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhắc đến trong các bài viết của ông sau khi được tín nhiệm bầu giữ cương vị người đứng đầu Đảng, Nhà nước.
Những tuyên bố công khai về "khởi điểm mới", "kỷ nguyên mới", "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", theo TS. Nguyễn Văn Đáng (Nhà nghiên cứu Quản trị công và chính sách, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), cho thấy nhận thức, quan điểm, và quyết tâm chính trị trong thời gian tới của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Nhắc đến bối cảnh đất nước hiện nay, ông Đáng cho rằng Việt Nam đang rất cần sự đổi mới trong nhận thức và quyết liệt trong hành động để có thể bứt phá, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển vào giữa thế kỷ XXI, như đã được đề ra tại Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Vị chuyên gia nhận định thông điệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước truyền cảm hứng tích cực đến cho mọi lực lượng trong xã hội về tầm nhìn lãnh đạo, sự tự tin và tâm thế chủ động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trước những nhiệm vụ, mục tiêu đầy thách thức mà Đảng đã đề ra.
Nhìn từ phía người dân, những tuyên bố về kỷ nguyên mới cũng chính là những cam kết chính trị mà Đảng đã công khai. "Nhân dân sẽ trông đợi, kỳ vọng Đảng nỗ lực đổi mới, cả trong nhận thức và hành động, để hội tụ và phát huy tối đa mọi nguồn lực của đất nước, lãnh đạo các lực lượng xã hội cùng hiện thực hóa mục tiêu nâng tầm vị thế của quốc gia, dân tộc", ông Đáng nêu quan điểm.
Nói rõ thêm về khái niệm, PGS.TS. Vũ Văn Phúc (Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản), cho biết kỷ nguyên được đánh dấu bởi một sự kiện lớn, mở đầu cho thời kỳ phát triển mới của đất nước, của dân tộc.
Ngày 19/8/1945 được ghi vào lịch sử như một ngày mở đầu kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam - Kỷ nguyên độc lập dân tộc, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã mở đường đưa dân tộc Việt Nam tiến vào kỷ nguyên đầu tiên trong lịch sử của mình - Kỷ nguyên độc lập dân tộc. Kỷ nguyên mới đánh dấu bước nhảy vọt của đất nước ta.
Lần đầu tiên trong lịch sử, một Nhà nước công nông ra đời ở Việt Nam. Nhân dân Việt Nam trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.
Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa và nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những thắng lợi nổi bật vĩ đại nhất của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng.
Năm 1986, từ Đại hội VI, đất nước ta bước vào kỷ nguyên thứ hai - Kỷ nguyên đổi mới.
Thời điểm ấy, PGS.TS Vũ Văn Phúc cho rằng mệnh lệnh của cuộc sống chính là "Đổi mới hay là chết". Và sau 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, chuẩn bị tiền đề cho dân tộc bước vào kỷ nguyên mới.
Giai đoạn hiện nay, theo ông Phúc, cũng là một khởi điểm lịch sử mới, đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nói.
Vị chuyên gia gợi mở, có thể đặt tên kỷ nguyên mới này của dân tộc là Kỷ nguyên văn minh - hiện đại.
Ông nhấn mạnh Đại hội XIV của Đảng sẽ diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa lịch sử, là một dấu mốc quan trọng trên con đường phát triển của dân tộc ta.
Đó là thời điểm đất nước ta sau 50 năm thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; trải qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 35 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991), đặc biệt là đánh giá, kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trong 5 năm tới (2026-2030), tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030)...
"Đến nay thế, lực, vị thế, uy tín của Việt Nam được nâng lên rất nhiều. Nhưng đất nước cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức", PGS.TS Vũ Văn Phúc nhấn mạnh.
Đánh giá thêm về vị thế của Việt Nam sau nhiều giai đoạn lịch sử, TS. Nguyễn Văn Đáng, nhận định sau gần 40 năm đổi mới, một thực tế không thể phủ nhận là vị thế của Việt Nam đã được cải thiện rõ ràng.
Việt Nam hiện tại được xếp là nền kinh tế đứng thứ 34 trên thế giới, có quan hệ thương mại rộng khắp. Bên cạnh việc duy trì được sự ổn định chính trị, nước ta cũng đạt được những thành tích đáng ngưỡng mộ về văn hóa - xã hội, đặc biệt là từ năm 2008 đã thoát ra khỏi nhóm nước nghèo để gia nhập nhóm quốc gia thu nhập trung bình.
Về đối ngoại, Việt Nam không chỉ thiết lập quan hệ ngoại giao hữu hảo với hơn 190 quốc gia, trở thành thành viên tích cực của các Tổ chức quốc tế, mà còn thể hiện trách nhiệm khi cho thấy tâm thế chủ động tại các diễn đàn khu vực cũng như thường xuyên thể hiện chính kiến trước các vấn đề toàn cầu và tham gia các hoạt động của Liên Hợp Quốc.
"Sự phát triển của Việt Nam đã được một số tổ chức quốc tế coi là điển hình về sự thành công trong tiến trình đổi mới và hội nhập", ông Đáng nhấn mạnh.
Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt, sự quan tâm của các nước lớn đến Việt Nam cho thấy mức độ ảnh hưởng và vai trò ngày càng gia tăng của đất nước.
"Thế và lực hiện tại giúp Việt Nam tự tin hướng đến vị thế là một quốc gia quyền lực tầm trung trong những năm tới, từ đó đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng khu vực và toàn cầu", TS. Nguyễn Văn Đáng nhận định.
Để bước vào kỷ nguyên mới, PGS.TS Vũ Văn Phúc nhận định "thuận lợi luôn đi kèm thách thức".
Chỉ ra nhiều thuận lợi và cơ hội mới trong giai đoạn hiện nay, song ông Phúc nhấn mạnh sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra thời cơ mới cho sự phát triển đất nước. Đây chính là khởi điểm lịch sử mới trong tiến trình phát triển, đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Kỷ nguyên văn minh, hiện đại.
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi căn bản mọi mặt đời sống xã hội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã khẳng định: "Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất".
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - "phương thức sản xuất số".
Trong đó, đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời, quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số".
Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, đổi mới, sáng tạo chính là chìa khóa cho Việt Nam vươn tầm.
Trong kỷ nguyên mới, Việt Nam phải nhanh chóng nắm bắt và thực hiện thành công chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để bứt phá vươn lên, theo ông Phúc.
Muốn vậy, theo vị chuyên gia, phải chuyển mạnh từ áp dụng, "bắt chước" công nghệ sẵn có sang đổi mới sáng tạo công nghệ, phát triển công nghệ mới, tiên tiến hiện đại là một đột phá chiến lược.
"Phải có công nghệ Việt Nam để tạo ra hàng hóa Việt Nam làm cho Việt Nam phát triển hùng cường", ông Phúc nhấn mạnh.
Ông tái khẳng định kỷ nguyên mới sẽ là kỷ nguyên Việt Nam tập trung thúc đẩy năng lực sáng tạo, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đưa khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực của phát triển đất nước nhanh và bền vững, bảo đảm phát huy cao nhất tinh thần "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc"; mở ra triển vọng phát triển mới.
Về thách thức, ông cho rằng sự phát triển đất nước theo chiều rộng đã tới hạn, cần phải chuyển mạnh sang phát triển theo chiều sâu; 4 nguy cơ mà Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII đã xác định vẫn tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp hơn; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", cơ hội chính trị, "lợi ích nhóm" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao là một nguy cơ gây mất ổn định chính trị - xã hội, đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Trong khi đó, quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh hơn, bối cảnh "già nhưng chưa giàu" đang hiện hữu.
Trong ba đột phá chiến lược, thể chế phát triển đất nước chưa được hoàn thiện đồng bộ; chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hệ thống kết cấu hạ tầng chưa được xây dựng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội.
Trong khi đó, tình hình thế giới diễn biến nhanh, rất phức tạp, khó lường, khó dự báo.
Những khó khăn, thách thức này đòi hỏi cần có sự thay đổi bứt phá để đất nước phát triển lên tầm cao mới, theo ông Phúc.
"Kỷ nguyên mới gắn với những mục tiêu mới, cụ thể nhất là tầm nhìn lãnh đạo 2045, phản ánh khát vọng của cả dân tộc, sẽ là một thách thức rất lớn nhưng nếu thực hiện thành công thì sẽ nâng tầm vị thế của đất nước", TS. Nguyễn Văn Đáng nhận định.
Nhìn từ bài học thành công trong ngắn hạn của các nước trong khu vực, theo ông, Việt Nam cần rất nhiều yếu tố, trong đó có một số điều kiện then chốt.
Thứ nhất, ông Đáng nhấn mạnh điều kiện phải bảo đảm được vai trò lãnh đạo phát triển quốc gia của Đảng, cụ thể hơn là vai trò truyền cảm hứng và dẫn dắt của đội ngũ lãnh đạo chính trị cấp chiến lược, đặc biệt là lãnh đạo chủ chốt.
Theo vị chuyên gia, đó phải là những người luôn cháy bỏng khát vọng quốc gia phát triển, trung thành tuyệt đối với cam kết chính trị mà Đảng đã đề ra. Đội ngũ này không chỉ giữ vai trò hoạch định chủ trương, chính sách vĩ mô mà còn phải có khả năng nuôi dưỡng, lan tỏa, và truyền cảm hứng về khát vọng quốc gia phát triển đến với các lực lượng khác trong xã hội, từ đó huy động được mọi nguồn lực, kiến tạo, duy trì được sự đoàn kết trên quy mô quốc gia và hành động vì các mục tiêu, giá trị chung của dân tộc.
Thứ hai, cần tiếp tục quyết liệt thực hiện ba ưu tiên đột phá chiến lược mà Đảng đã xác định từ đại hội XI, đó là thể chế, nguồn nhân lực, và cơ sở hạ tầng. Trong đó, TS. Đáng đặc biệt nhấn mạnh vai trò quyết định của yếu tố con người với sự bứt phá của đất nước trong hơn hai thập kỷ sắp tới.
Thứ ba, chúng ta cần tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến trình hiện đại hóa hệ thống công quyền các cấp theo hướng duy lý, chuyên nghiệp, coi phục vụ người dân, doanh nghiệp là sứ mệnh cao nhất.
"Yêu cầu then chốt đặt ra là cỗ máy công quyền phải tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trong vai trò thực thi các quyết định chính sách do các ban lãnh đạo các cấp ban hành", ông Đáng nói.
Thứ tư, theo vị chuyên gia, đất nước sẽ không thể tiến đến thịnh vượng nếu thiếu sự lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trong nước. Điều này có nghĩa, chúng ta cần những chính sách thiết thực để có thể khơi dậy mọi tiềm năng trong xã hội, nhanh chóng gia tăng số lượng doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là phải hình thành những doanh nghiệp lớn trong vai trò định hình thương hiệu quốc gia, dẫn dắt tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Cho rằng sự phát triển của quốc gia không thể coi nhẹ các yếu tố ngoại lực, đặc biệt là nguồn lực hỗ trợ phát triển, song theo TS. Nguyễn Văn Đáng, quan điểm nhất quán của Đảng vẫn là "tự lực cánh sinh".
Tức là chúng ta trân trọng và tranh thủ mọi nguồn lực từ bên ngoài, nhưng trên hết vẫn phải khơi dậy lòng tự hào dân tộc, truyền thống tự chủ, tự lực, tự cường, tự tin để phát triển đất nước.
"Lòng tự hào dân tộc không chỉ sẽ giúp chúng ta luôn ý thức được bản sắc và vị thế của đất nước trên bình diện quốc tế, mà còn là điểm tựa bền vững cho các ý tưởng, quyết tâm, và nỗ lực hành động vì tương lai của dân tộc", ông Đáng nhấn mạnh.
Phân tích rõ hơn từng yếu tố, ông Đáng lý giải "tự chủ" tức là không để số phận của dân tộc bị chi phối, lèo lái bởi các lợi ích và thế lực nước ngoài, luôn kiên định, kiểm soát và làm chủ được lộ trình tiến đến những mục tiêu mà chúng ta đã đề ra.
"Tự lực" có nghĩa là dựa vào ý chí và sức mạnh của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam, không phụ thuộc vào những sức mạnh đến từ bên ngoài.
"Tự cường" là phải phát huy tối đa các nguồn lực của quốc gia để làm cho đất nước trở nên giàu mạnh, chứ không phải sức mạnh mong manh, có được nhờ sự hỗ trợ, nuôi dưỡng từ các quốc gia khác.
"Tự tin" có nghĩa là chúng ta nhận thức rõ những thế mạnh, thuận lợi cũng như những cơ hội và thách thức phía trước, và tin với nỗ lực của cả dân tộc, đất nước sẽ vượt qua mọi khó khăn để đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Như vậy, theo vị chuyên gia, để tranh thủ được ngoại lực cho tiến trình phát triển, chúng ta cần tiếp tục duy trì quan hệ hữu hảo với tất cả quốc gia và tổ chức quốc tế. Để phát huy được nội lực, phải khơi dậy và quy tụ được nguồn lực, sức mạnh từ mọi lực lượng khác nhau trong xã hội.