Vì sao treo biển giảm 85%, cửa hàng vẫn ế ẩm ngày Black Friday?
(Dân trí) - Tung ra ưu đãi lên đến 85-90%, nhiều cửa hàng quần áo vẫn ế ẩm ngày Black Friday. Thêm vào đó, sự bùng nổ săn sale qua các sàn thương mại điện tử cũng khiến khách thờ ơ mua sắm tại cửa hàng.
Không còn cảnh chen chúc, xô đẩy để săn đồ hiệu giảm giá, Black Friday (ngày thứ 6 đen tối) năm nay khá ảm đạm, mất dần sức hút như thời hoàng kim. Ghi nhận tối ngày 29/11 tại một số điểm mua sắm lớn ở Hà Nội như Vincom Phạm Ngọc Thạch, phố Chùa Bộc (quận Đống Đa), Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân)..., lượng khách chỉ tập trung ở một vài cửa hàng thời trang và gia dụng.
Hạ giá ảo
Nhiều mặt hàng như quần áo, giày dép giảm tới 85-90% nhưng vẫn vắng vẻ, lượng khách rất ít. Tại một cửa hàng thời trang trên phố Phạm Ngọc Thạch, dù treo biển giảm 85% dịp Black Friday, khách hàng vẫn thất vọng ra về vì biển quảng cáo giảm giá "sốc" không thực chất.
Chị Minh Châu (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, dù cửa hàng treo biển giảm 85%, nhưng vào trong chỉ thấy giảm 5%, mẫu giảm 70-85% chủ yếu là đồ mùa hè. Sản phẩm giảm 85% được đặt trong góc nhỏ, kiểu dáng cũ, màu xấu.
Tương tự, không ít cửa hàng khác cũng treo biển "một đằng" giảm giá "một nẻo" khiến người mua hụt hẫng. "Nhiều cửa hàng nhìn qua thấy rất đông khách nhưng đa số chỉ vào xem, người mua rất ít vì khuyến mại không thật", chị Châu chia sẻ thêm.
Không còn hào hứng săn sale vào ngày Black Friday như trước, chị Trần Hoài (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết trong khi ở nước ngoài, các mặt hàng kể cả mẫu mới đều được giảm giá đậm thì việc giảm giá tại các cửa hàng ở Việt Nam vào ngày này không thực chất, đa số là khuyến mại ảo. "Các sản phẩm đều đưa về giá gốc rồi treo biển giảm giá sốc nhưng thực tế giá ngày thường chẳng khác giá sale Black Friday là bao", chị chia sẻ.
Bên cạnh đó, một số khách hàng cũng có tâm lý lo ngại chủ cửa hàng đã nâng giá trước khi giảm để tạo cảm giác ưu đãi "khủng" nên cân nhắc, dè dặt chi tiêu trong ngày Black Friday.
Từng là nhân viên của một cửa hàng thời trang trên đường Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội), chị N.L cho biết thực chất các dịp khuyến mãi như Black Friday là cơ hội cho các cửa hàng vừa xả hàng tồn vừa tăng doanh thu với hàng mới.
"Tâm lý người tiêu dùng cứ có chữ "giảm giá sốc" hay "giảm giá 80%" là sẽ vào cửa hàng xem. Nếu họ không mua hàng sale thì cũng xem thêm các sản phẩm mới, thấy ưng sẽ mua tiếp", chị N.L chia sẻ.
Theo nhân viên này, mỗi lần đến các đợt giảm giá lớn các cửa hàng đều phải tính toán kỹ từ cách bố trí sản phẩm giảm giá, số lượng là bao nhiêu đến số phần trăm giảm…
Nơi giảm giá ít vẫn hút khách
Gần 21h tại Vincom Phạm Ngọc Thạch, lượng khách vẫn chủ yếu tập trung tại một số cửa hàng của các thương hiệu thời trang lớn. Nhân viên một cửa hàng cho biết tối nay lượng khách đông hơn ngày thường nhưng vẫn ít hơn so với Black Friday vài năm trước. Chương trình khuyến mại cũng kéo dài nhiều ngày nên người mua cũng không mặn mà đi đúng ngày.
Theo ghi nhận, mặc dù chỉ giảm khoảng 25-40% nhưng các thương hiệu thời trang lớn hay các local brand (thương hiệu thời trang nội địa) vẫn hút khách. Tại cửa hàng thời trang đến từ Nhật Bản, khu vực quầy thanh toán chật kín người.
"Dù mức giảm trung bình chỉ khoảng 25% nhưng đa số các mẫu đều được giảm giá chứ không quảng cáo lố như các cửa hàng khác. Đi săn sale nhưng tôi vẫn lựa chọn mua các sản phẩm chất lượng, dễ mặc", anh Nguyễn Khôi (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ.
Thực tế, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, đặc biệt sau dịch Covid-19, người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên mua những sản phẩm thiết yếu hoặc có giá trị sử dụng lâu dài.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng chuyển dần sang săn sale online khiến Black Friday tại các cửa hàng truyền thống không còn sôi động như nhiều năm trước. Chính vì vậy, nhiều thương hiệu thời trang, mỹ phẩm cũng tập trung khuyến mại dịp Black Friday trên các sàn thương mại điện tử.
Black Friday trên thế giới ra sao?
Theo Liên đoàn bán lẻ quốc gia Mỹ (NRF), hơn 183 triệu người dự kiến sẽ mua sắm từ Lễ Tạ ơn đến Cyber Monday, với 131 triệu người tập trung vào ngày Black Friday. Tuy nhiên, áp lực lạm phát tăng cao sẽ khiến người tiêu dùng có xu hướng dè dặt chi tiêu trong dịp Black Friday năm nay.
"Black Friday không còn như trước nữa. Giá thực phẩm đắt đỏ và ngay cả quần áo cũng không còn ở mức giá mà bạn có thể chi tiêu", Hoss Moss, một đầu bếp đến từ New Jersey cho biết.
Thay vì chi tiêu mạnh tay như trước đây, người tiêu dùng Mỹ tập trung vào các sản phẩm thực sự cần thiết và so sánh giá kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định. Điều này buộc các nhà bán lẻ phải điều chỉnh chiến lược, tập trung vào các chương trình giảm giá chiến lược thay vì giảm giá đại trà.
Tuy nhiên, không phải tất cả món hàng Black Friday đều có mức giá hấp dẫn nhất. CNBC dẫn báo cáo của WalletHub cho thấy 41% mặt hàng tại các nhà bán lẻ lớn không giảm giá so với giá ngày thường. Các mặt hàng được giảm giá trung bình khoảng 24%. Báo cáo đã so sánh các quảng cáo Black Friday với giá bán trên Amazon trong giai đoạn trước đó.
Chuyên gia tiêu dùng Andrea Woroch nói với CNBC rằng một số ưu đãi trong ngày Black Friday có thể gây hiểu lầm vì không ít nhà bán lẻ thổi phồng giá gốc để khiến người tiêu dùng cảm giác ưu đãi giá trị. Đặc biệt, một số ưu đãi đã đạt mức tốt nhất ngay trước ngày Black Friday.
Theo RJ Cross, giám đốc chiến dịch tại PIRG, một nhóm nghiên cứu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, những chiến thuật như vậy có thể tạo cảm giác cấp thiết phải mua hàng, ngay cả khi mức giảm giá không đáng kể.
Tại Tây Ban Nha, La Vanguardia đưa tin Bộ Người tiêu dùng Tây Ban Nha đã giám sát hơn 800 sản phẩm tại 19 nhà bán lẻ từ ngày 23/9 đến ngày 20/12/2023 và phát hiện 70% mức giảm giá trên các nền tảng thương mại điện tử là không có thật.
Cơ quan chức năng cũng chỉ ra người bán sẽ tăng giá vài ngày trước ngày khuyến mại sau đó hạ giá và quảng cáo "giảm giá". Họ cũng tạo tâm lý "sợ bỏ lỡ" cho khách hàng với những tuyên bố như "chỉ trong hôm nay" hoặc "ưu đãi chỉ hiệu lực trong 24 giờ tới".