Black Friday dần mất sức hút

Minh Huyền

(Dân trí) - Trước Black Friday, nhiều cửa hàng đã rầm rộ quảng cáo khuyến mại sớm, song người mua không còn hào hứng như trước. Nhiều người cảm thấy choáng ngợp trước hàng loạt đợt sale liên tục cuối năm.

Ngày 24/11, nghe tin cửa hàng thời trang yêu thích thông báo chương trình khuyến mại "đồng giá 49K, 99K, 199K toàn bộ cửa hàng" dịp Black Friday (ngày thứ 6 đen tối), chị Ngọc Lam (quận Hà Đông, Hà Nội) háo hức đến cửa hàng ở quận Cầu Giấy săn sale (giảm giá).

"Tuy nhiên, các món đồ giảm giá như thông báo đa số là hàng rất cũ và khá ít mẫu, trên kệ chủ yếu là hàng 299K, 399K và 499K. Đồng giá 49K, 99K, 199K toàn bộ cửa hàng chỉ là chiêu thu hút khách", chị Lam bức xúc.

Đáng nói, chị cho biết đã chọn một chiếc túi đen trên kệ hàng giá 299.000 đồng nhưng khi thanh toán, nhân viên mới thông báo chiếc túi màu đen không sale mà chỉ áp dụng giá 299.000 đồng với mẫu màu trắng.

Tương tự, một mẫu ví có giá 199.000 đồng nhưng nhân viên lại đặt trên kệ hàng giá 99.000 đồng khiến người mua hiểu lầm khuyến mại hời. Đến khi thanh toán mới được thông báo giá bán thật.

Không còn mặn mà săn sale Black Friday

Black Friday năm nay rơi vào ngày 29/11, nhưng nhiều cửa hàng đã rầm rộ tung khuyến mại từ trước khoảng một tuần để thu hút khách. Dọc các tuyến phố thời trang lớn ở Hà Nội như Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Trãi, Cầu Giấy... các biển quảng cáo giảm giá đã giăng kín vỉa hè với mức giảm 50-80%. Tuy nhiên, không khí mua sắm vẫn ảm đạm.

6-7 năm về trước, khi cơn sốt "ngày thứ 6 đen tối" nở rộ ở Việt Nam, chị Thanh Hoa (quận Thanh Xuân, Hà Nội) và hàng trăm người khác đã chen lấn, xô đẩy trong các cửa hàng, khu trung tâm thương mại hàng giờ đồng hồ để săn đồ hiệu giảm giá.

Chủ một cửa hàng trên phố Chùa Bộc (quận Đống Đa, Hà Nội) thừa nhận khi trào lưu giảm giá Black Friday mới xuất hiện ở Việt Nam, doanh số bán hàng tăng vọt so với bình thường. Tuy nhiên, kể từ năm 2020 đến nay, lượng khách đến mua dịp này càng ít đi, doanh số vì thế mà giảm theo.

Black Friday dần mất sức hút - 1

Nhiều người tiêu dùng không còn háo hức trước "sale sập sàn, giảm giá 80%" (Ảnh: Minh Huyền).

Thực tế, vài năm trở lại đây, Black Friday dần mất sức hút do ngày càng nhiều cửa hàng ra mắt chương trình khuyến mại trước đó và kéo dài qua Black Friday nên người mua cũng không còn tâm lý háo hức chờ đến đúng ngày để săn sale như trước.

Chỉ trong 2 tháng cuối năm có ít nhất 3 đợt giảm giá lớn (11/11, Black Friday, 12/12) khiến nhiều người tiêu dùng cảm thấy "quá tải" với hàng loạt chương trình khuyến mại.

Đặc biệt, một số cho rằng hàng hóa được giảm sâu không đa dạng, trong đó hầu hết là hàng cũ và lỗi khiến họ không mấy mặn mà với "Thứ sáu đen". Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có xu hướng chi tiêu thận trọng hơn, không tùy ý mua sắm trong các dịp lễ hội. 

Chị Thùy Linh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết dịp Lễ Độc thân 11/11 vừa qua đã chi hơn 4 triệu đồng để săn sale trên các sàn thương mại điện tử, chủ yếu là mỹ phẩm. Do đó, dịp Black Friday vào cuối tháng, cô sẽ không chi tiêu thêm bởi mức giảm của các cửa hàng cũng chỉ tương tự dịp 11/11 vừa qua.

"Từ lâu tôi đã có thói quen săn sale trên các sàn thương mại điện tử thay vì mất thời gian đến các cửa hàng mà không chọn được sản phẩm ưng ý. Khi mua sắm cũng phải lên kế hoạch chi tiêu cụ thể thay vì ồ ạt nhấn chọn đặt hàng", chị Linh chia sẻ.

Đẩy giá rồi quảng cáo khuyến mại "khủng"

Để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, nhiều chủ cửa hàng đã sử dụng những con số khuyến mãi "khủng" và những biển quảng cáo sale sập sàn, sale lớn nhất năm. Tuy nhiên thực tế, các sản phẩm giảm giá "khủng" chủ yếu là mặt hàng cũ, lỗi mốt. Nhiều người cho biết họ không còn tin vào những tấm biển sale 50-80% ở các cửa hàng.

Không chỉ vậy, nhiều cửa hàng còn đẩy giá sản phẩm lên cao rồi quảng cáo khuyến mại "khủng". Thậm chí, trên các sàn thương mại điện tử, thay vì so sánh với giá cũ ngay trước lúc giảm, các gian hàng lại so sánh giá giảm với mức niêm yết ban đầu, vốn cao hơn rất nhiều so với giá thực tế khiến nhiều khách hàng mắc bẫy về số phần trăm giảm giá.

Theo đó, tại một gian hàng trên sàn thương mại điện tử, sản phẩm bỉm trẻ em được chào bán giảm giá dịp Black Friday với mức giá 59.000 đồng. Sản phẩm được quảng cáo đã giảm lên đến 87% so với mức giá niêm yết ban đầu là 450.000 đồng. Tuy nhiên, trước đó nhiều ngày sản phẩm đã có giá 59.000 đồng, thậm chí có thời điểm giá bán về mức hơn 53.000 đồng.

Black Friday dần mất sức hút - 2

Các biển quảng cáo sale Black Friday đã xuất hiện dày đặc trên các trang thương mại điện tử, các cửa hàng (Ảnh: Hải Phương).

Tương tự, anh Nguyễn Khôi (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) thấy lọ sữa rửa mặt được giới thiệu giảm giá từ 350.000 đồng xuống còn 250.000 đồng trên sàn thương mại điện tử TikTok Shop đã nhanh tay đặt mua. Nhưng tìm hiểu sản phẩm trên thị trường giá bán ngày thường cũng chỉ dao động 200.000-270.000 đồng.

Ngoài ra, không ít khách hàng bị đánh lừa khi lướt qua một số cửa hàng quảng cáo con số giảm 80%, mà không để ý đến từ "up to" (lên đến) in nhỏ ở bên cạnh. Theo một số người chuyên "săn" hàng giảm giá, trong các đợt khuyến mại, bên cạnh nhiều sản phẩm giảm giá ảo thì cũng có một số giá tốt hơn thường ngày. Người dùng không nên chú trọng vào số phần trăm giảm giá mà nên tìm hiểu, khảo sát giá tại nhiều nơi, thời điểm khác nhau.