Vận may của Elon Musk đã hết, tương lai của X, Tesla, SpaceX về đâu?
(Dân trí) - Dường như "vận may" của tỷ phú Elon Musk đang dần cạn khi ông liên tục vướng vào loạt thông tin bất lợi và kết quả kinh doanh các công ty của ông đều kém hơn kỳ vọng.
Những "canh bạc" từng thắng lớn
Từ năm 2019 đến năm 2022, gần như mọi "canh bạc" mà tỷ phú Elon Musk tham gia đều thắng lớn. Tesla liên tục có lãi, cổ phiếu của hãng tăng phi mã sau khi nhà máy khổng lồ ở Thượng Hải (Trung Quốc) tăng công suất hoạt động. Tên lửa của SpaceX cũng thu hút được đông đảo sự chú ý của công chúng.
Vị tỷ phú giàu nhất thế giới đã được tự do thử nghiệm và thành công trong nhiều lĩnh vực nào ông đầu tư. Năm 2021, Elon Musk thậm chí còn được tạp chí Time vinh danh là Nhân vật của năm.
Theo Business Insider, việc tự tin quá mức cùng sự chủ quan đã dẫn đến một loạt các quyết định sai lầm của Elon Musk. Dường như vận may của vị tỷ phú đã hết và đế chế của ông đang gặp rất nhiều rắc rối.
Điều này thể hiện khá rõ ràng tại hội nghị của New York Times, khi vị tỷ phú tỏ ra bối rối trước những loạt câu hỏi quan trọng về tương lai của X, Tesla và SpaceX.
Năm 2018, vị tỷ phú đã đặt cược tương lai của Tesla vào dòng xe Model 3. Với mức giá khởi điểm dự kiến 30.000 USD, chiếc xe được cho là sẽ giúp xe điện được phổ cập rộng rãi hơn nhờ giá cả phải chăng và có thể giúp những tài xế thu nhập thấp nhất cũng có thể tiếp cận xe điện.
Áp lực phải đưa Model 3 ra thị trường đè nặng lên tỷ phú Elon Musk. Thời điểm này, Musk hoạt động tích cực trên nền tảng mạng xã hội Twitter, hiện đã đổi tên thành X. Việc liên tục có những phát ngôn ngông cuồng, ngạo mạn đã khiến hình ảnh vị tỷ phú xấu đi.
Năm 2019, loạt giám đốc điều hành rời bỏ Tesla và doanh nghiệp tiếp tục thua lỗ. Tuy nhiên, Elon Musk lại đạt được thỏa thuận xây dựng nhà máy khổng lồ tại Thượng Hải (Trung Quốc) và điều này giúp hãng xe được "cứu".
Tuy nhiên, những khó khăn lần này được cho là khó giải quyết hơn nhiều. Hiện Elon Musk phải đối mặt với khoản nợ hơn 13 tỷ USD đang đè nặng lên X. Lợi nhuận của Tesla cũng liên tục lao dốc do nhu cầu giảm mạnh.
Thương vụ tỷ USD mua Twitter
Năm 2022 đánh dấu thương vụ tỷ USD giữa Elon Musk và Twitter. Vị tỷ phú bắt đầu mua cổ phần tại Twitter vào đầu năm 2022 và sau đó ông đề nghị mua đứt toàn bộ công ty với mức giá lên tới 44 tỷ USD.
Sau khi thâu tóm mạng xã hội này, Elon Musk đã sa thải hầu hết lãnh đạo cấp cao và một nửa nhân sự Twitter, đồng thời chấm dứt chính sách làm việc từ xa, buộc nhân viên quay trở lại văn phòng.
Thế nhưng Twitter đã không vận hành thuận lợi như Elon Musk kỳ vọng. Việc Twitter không có lãi kể từ 2019 cùng tình hình kinh doanh không mấy khả quan trong thời điểm kinh tế suy thoái khiến công ty ngày càng chật vật. Nhiều nhà phân tích nghi ngờ rằng Twitter đang chi tiêu nhiều hơn mức lợi nhuận họ có thể đem lại.
Kể từ khi được tỷ phú giàu nhất thế giới tiếp quản vào tháng 10 năm ngoái, ứng dụng này đã mất khoảng 13% số người dùng hoạt động hàng ngày, theo dữ liệu mới từ công ty nghiên cứu di động Apptopia.
Elon Musk thừa nhận dòng tiền của X vẫn âm do doanh thu quảng cáo giảm 50%. Ngoài ra, nền tảng cũng gặp sự cạnh tranh từ nhiều đối thủ mới, như Threads của Meta.
"Sau một năm, với các quyết định của Elon Musk, lượng tiền mặt của Twitter có thể sắp cạn kiệt", Vicki Bryan, Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu Bond Angle, nhận định với Business Insider.
Để giải quyết vấn đề tài chính, Elon Musk liên tục đưa ra các gói dịch vụ đăng ký trả phí. Bloomberg ước tính, hiện có chưa đến 1% người dùng X đăng ký dịch vụ hằng tháng, nghĩa là doanh thu của công ty chưa đến 120 triệu USD mỗi năm. Bên cạnh đó, do phần lớn nhóm kiểm duyệt nội dung của công ty đã bị sa thải, hiện X phải đối phó với lượng tin giả khổng lồ.
Theo The Times, Musk vẫn lạc quan về tương lai của nền tảng mạng xã hội này. Trong một cuộc họp của công ty, ông cho biết X có thể trở thành một ứng dụng đa năng đi kèm với dịch vụ hẹn hò và tuyển dụng việc làm.
Vị tỷ phú Mỹ cũng hé lộ kế hoạch biến X thành "everything app" với hy vọng có thể tạo ra doanh thu từ các tính năng mua sắm và thanh toán. Vào tháng 10, công ty đã triển khai tính năng cuộc gọi thoại và video đồng thời công bố kế hoạch ra mắt kênh tin tức riêng.
Những khoảng nợ "phình to"
Theo Business Insider, do cách Musk vận hành, những rắc rối của X là mối đe dọa đối với toàn bộ đế chế kinh doanh của ông. Mặc dù là một trong những tỷ phú giàu nhất trên thế giới nhưng Elon Musk lại "nghèo" đi một cách đáng kinh ngạc.
Elon Musk không nhận lương từ Tesla và mặc dù ông sở hữu khoảng 20% cổ phần của công ty. Tuy nhiên, theo các tài liệu của công ty được công khai, tính đến tháng 3 năm nay, khoảng 63% số cổ phiếu ông nắm giữ được cầm cố làm tài sản thế chấp đảm bảo các khoản nợ cá nhân.
Chính vì vậy, nếu cổ phiếu Tesla giảm xuống dưới một mức nhất định, các ngân hàng có thể thu hồi các khoản vay cá nhân và khiến Musk gặp khó khăn. Tuy nhiên, cách dễ nhất để Elon Musk lấp đầy những khoản lỗ của Twitter là bán cổ phiếu Tesla. Và điều này được xem như một vòng luẩn quẩn.
Elon Musk đã vay tiền từ SpaceX mặc dù doanh nghiệp này thua lỗ hơn 1,5 tỷ USD vào năm 2021 và 2022. Vị tỷ phú đã vay 1 tỷ USD từ SpaceX khi mua Twitter và trả lại khoản vay trong vòng 1 tháng nhưng đã phải bán số cổ phiếu Tesla trị giá 4 tỷ USD để làm điều đó.
"Elon Musk đang chấp nhận rủi ro bằng cách sử dụng cổ phiếu Tesla làm tài sản thế chấp. Việc cổ phiếu nhà sản xuất ô tô điện này đột ngột sụt giảm sẽ gây ra nhiều biến động mạnh mẽ trên thị trường", Russ Mold, chuyên gia của quỹ đầu tư AJ Bell nhận định với Business Insider.
Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong nỗ lực chống lạm phát cũng gián tiếp khiến các khoản nợ phải trả của tỷ phú Elon Musk "phình to". Triển vọng kinh doanh của Tesla cũng không giúp cải thiện được tình hình.
Thị phần của công ty trên thị trường xe điện đã giảm khi các đối thủ cạnh tranh ngày càng tăng khiến Musk bắt đầu giảm giá ô tô của mình vào đầu năm nay, và kết quả là lợi nhuận của Tesla đang chịu áp lực nghiêm trọng.
Điều này trở nên rõ ràng vào đầu tháng này khi Tesla báo cáo kết quả kinh doanh quý III. Công ty này không đạt được kỳ vọng của Phố Wall về doanh thu, lượng xe bàn giao. Đáng chú ý, dòng tiền tự do giảm xuống còn 848 triệu USD từ 3,4 tỷ USD trước đó một năm.
Trong quý III, chi phí vốn của Tesla thực sự đã tăng vọt lên mức 2,4 tỷ USD. Musk cũng không thể dự báo thời điểm nào thì "cơn khát" tiền của Tesla sẽ chấm dứt, hay tỷ suất lợi nhuận sẽ được cải thiện.
Tesla báo cáo rằng tỷ suất lợi nhuận gộp tiếp tục suy giảm. Điều này khiến các nhà đầu tư sợ hãi, bởi họ đã quen với việc Tesla luôn đạt mức lợi nhuận cao.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc giảm giá không đủ để tăng doanh số bán hàng. Nếu Tesla muốn duy trì hoạt động hiệu quả, họ cần phải hướng tới tệp khách hàng mới, đẩy mạnh nghiên cứu và khởi động chiến dịch quảng cáo khác biệt.
Thậm chí, theo Fortune, hãng xe điện lớn nhất nước Mỹ này còn đang "hiện nguyên hình" là một thương hiệu khó chào bán sản phẩm và tỷ suất lợi nhuận ngày càng xói mòn.