(Dân trí) - Tại một thị trường mới nổi như Trung Quốc, sự bùng nổ của thị trường chứng khoán đang tạo ra những tỷ phú chỉ sau một phiên giao dịch. Nhưng khối tài sản ấy liệu có bền vững?
Tỷ phú Trung Quốc phất lên thần tốc, tụt hạng chóng mặt và câu chuyện cưỡi bong bóng chứng khoán như cưỡi trên lưng hổ!
Tại một thị trường mới nổi như Trung Quốc, sự bùng nổ của thị trường chứng khoán đang tạo ra những tỷ phú chỉ sau một phiên giao dịch. Nhưng khối tài sản ấy liệu có bền vững?
HIỆN TƯỢNG TỶ PHÚ "MỘT NGÀY"
Zhong Shanshan, chủ sở hữu công ty nước giải khát Nongfu Spring trong năm qua bất ngờ soán ngôi trùm tài phiệt Ấn Độ Mukesh Ambani để trở thành người giàu nhất châu Á, lọt top 10 tỷ phú giàu nhất hành tinh, vượt qua cả nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett. Tại thời điểm 29/1/2021 (giờ Mỹ), tài sản ròng của Zhong Shanshan ước tính khoảng 89 tỷ USD, theo Bloomberg.
Vị tỷ phú giàu nhất Trung Quốc đã chứng kiến khối tài sản tăng ngoạn mục từ 18,9 tỷ USD lên 50,9 USD chỉ trong vòng 1 phiên giao dịch hôm 8/9/2020 nhờ đà tăng phi mã của cổ phiếu Nongfu Spring. Từ đó đến nay, sức nóng của cổ phiếu Nongfu Spring tiếp tục củng cố thêm khối tài sản ròng khổng lồ cho Zhong Shanshan.
Câu chuyện bỏ túi thêm hàng chục tỷ USD sau một ngày của Zhong Shanshan không gây sốc cho giới đầu tư Trung Quốc. Tại thị trường mới nổi này, câu chuyện trở thành triệu phú hay tỷ phú trong vòng 24 giờ không phải hiếm. Ngay cả một nhà giáo từng giảng dạy tại Đại học Bắc Kinh là Gan Zhongru cũng phất lên thành tỷ phú sau khi cổ phiếu công ty dược phẩm Gan & Lee do ông này sáng lập tăng vọt gần 300%. Hiện tài sản ròng của Gan Zhongru ước tính 3,4 tỷ USD, theo Forbes.
Terence Ho, nhà phân tích hoạt động IPO tại thị trường Trung Quốc đại lục nhận định: "Dịch Covid-19 không tác động đáng kể đến hoạt động IPO tại Trung Quốc. Mỗi đợt IPO thành công vừa là quá trình gia tăng vốn hóa doanh nghiệp khi nhà đầu tư có xu hướng định giá cao hơn cho các tài sản có tính thanh khoản cao, lại vừa là cơ hội kích thích khối tài sản tiềm ẩn của các tỷ phú" - ông Terence Ho cho hay.
IPO từ lâu đã được xem là kênh đầu tư sinh lợi để các chủ sở hữu doanh nghiệp Trung Quốc tăng khối tài sản ròng. Nhưng những gì xảy ra trên thị trường IPO Trung Quốc năm 2020 quả là điều không tưởng. Được thúc đẩy bởi đám đông nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận khổng lồ và sự hưng phấn của thị trường trước những chỉ số kinh tế phục hồi mạnh mẽ; các thương vụ IPO tại Trung Quốc đã huy động được số vốn kỷ lục.
Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2020 - thời điểm mà đại dịch Covid-19 làm tê liệt phần lớn nền kinh tế Trung Quốc, ít nhất 118 công ty đã IPO tại sàn Thượng Hải và Thâm Quyến với số vốn huy động khoảng 20 tỷ USD, cao hơn gấp đôi cùng kỳ năm 2019. Thượng Hải trở thành sàn niêm yết số 1 thế giới, đánh bại cả sàn New York ở Mỹ. Thống kê của Bloomberg Billionaires Index trong cùng kỳ cho thấy đã có ít nhất 24 doanh nhân Trung Quốc bước vào danh sách tỷ phú nhờ các thương vụ IPO kỷ lục.
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, thị trường chứng khoán Trung Quốc vốn đã không ngừng nóng lên. Trong vòng 5 năm 2013-2018, khối tài sản của nhóm tỷ phú Trung Quốc đã tăng gấp hơn 3 lần về quy mô, qua đó vượt Nga trở thành nhóm tỷ phú lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ.
Danh sách người giàu Hurun cập nhật lần gần nhất vào tháng 10/2020 chỉ ra rằng tổng tài sản của các tỷ phú Trung Quốc đã tăng vọt 1,5 nghìn tỷ USD lên 4 nghìn tỷ USD trong năm qua, phần lớn do các đợt IPO kỷ lục. Báo cáo của Hurun nhận định đây là mức tăng trưởng lớn nhất từng được ghi nhận tại Trung Quốc cho đến nay. Theo Hurun, Trung Quốc đã tạo ra 257 tỷ phú trong năm tài chính 2020, tức bình quân 5 tỷ phú mới mỗi tuần, qua đó nâng tổng số tỷ phú ở quốc gia này lên tới 878 người, vượt qua con số 788 của Mỹ.
Ông Rupert Hoogewerf, chủ tịch và trưởng nhóm nghiên cứu của Hurun Report cho biết: "Thế giới chưa bao giờ chứng kiến mức tăng tài sản kỷ lục như thế chỉ trong 1 năm. Các doanh nhân Trung Quốc đã có một năm thành công ngoài mong đợi bất chấp đại dịch Covid-19… Danh sách người giàu Trung Quốc của Hurun đã ghi nhận mức tăng tài sản trong năm qua nhiều hơn cả mức tăng 5 năm trước đó cộng lại. Điều này phản ánh cấu trúc của nền kinh tế đã phát triển theo hướng chuyển dịch khỏi các lĩnh vực truyền thống như sản xuất và bất động sản, hướng tới công nghệ cao".
Còn BXH của Bloomberg tính đến 29/1/2021 cho thấy Trung Quốc có tới 91 tỷ phú nằm trong top 500 người giàu nhất hành tinh.
Tuy nhiên, lợi nhuận phi mã và nhu cầu nóng từ các nhà đầu tư bán lẻ đang làm dấy lên mối quan ngại rằng thị trường chứng khoán Trung Quốc đang trong tình trạng bong bóng.
SỰ GIÀU CÓ KHÔNG BỀN VỮNG
Trong khi số tỷ phú ở Trung Quốc tăng ngoạn mục như vậy, các nhà quan sát vẫn đưa ra những so sánh và cảnh báo. Tương phản với danh sách tỷ phú Mỹ khá ổn định bao gồm hàng loạt cái tên quen thuộc thống trị BXH người giàu trong nhiều năm như ông trùm Amazon Jeff Bezos, nhà sáng lập Microsoft Bill Gates, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett, trùm mạng xã hội Mark Zuckerberg… thì danh sách tỷ phú Trung Quốc lại thường xuyên biến động dữ dội. Ngày hôm nay, một doanh nhân xuất hiện trong BXH tỷ phú, ngày mai tên của anh ta đã mất hút.
Tờ Bloomberg chỉ ra rằng con số thống kê tài sản ròng trên giấy tờ của các tỷ phú Trung Quốc thực chất không đủ tin tưởng, bởi phần lớn số tài sản này đến từ việc nắm giữ cổ phiếu doanh nghiệp. Như trường hợp Nongfu Spring của Zhong Shanshan, một số nhà phê bình nhận định mức định giá cao cho cổ phiếu Nongfu là "ảo", bởi nguồn cung trên thị trường cổ phiếu của nó là quá ít. Khoảng 2/3 số cổ phiếu Nongfu lưu hành hiện tại được nắm giữ bởi các thành viên trong tập đoàn chứ không được giao dịch trên thị trường.
Hãy nhìn vào biến động trên vị trí người giàu nhất Trung Quốc 4 năm gần nhất để thấy sự bất ổn. Năm 2017, người sáng lập tập đoàn phát triển bất động sản China Evergrande Group Hui Ka Yan dẫn đầu BXH tỷ phú Trung Quốc với khối tài sản hơn 42,1 tỷ USD. Thị trường bất động sản đã nóng lên cho đến cuối năm 2017, trước khi Bắc Kinh khởi động chiến dịch giảm nợ doanh nghiệp khắc nghiệt. Phát triển bất động sản vốn là lĩnh vực có tỷ lệ nợ lớn và thời gian thu hồi vốn dài, do đó động thái của Bắc Kinh nhanh chóng gây sức ép lên toàn ngành, khiến tài sản của Hui Ka Yan đi xuống. Vụ dịch Covid-19 càng khiến tình hình tồi tệ hơn, hiện ông trùm China Evergrande Group chỉ còn sở hữu tổng tài sản ước tính 23,4 tỷ USD, theo Bloomberg hôm 30/1/2021.
Năm 2018, sau sự mất đà của Hui Ka Yan, tỷ phú Jack Ma trở lại thống trị BXH người giàu Trung Quốc khi kỷ nguyên ngành công nghệ kéo đến. Các chính sách tập trung phát triển công nghệ cao của Bắc Kinh, sự chuyển đổi từ xu hướng mua sắm truyền thống sang shopping trực tuyến và thanh toán điện tử đã đưa đế chế Alibaba trở thành một trong những gã khổng lồ TMĐT lớn nhất hành tinh, làm giàu thêm cho khối tài sản của Jack Ma.
Nhưng đến nửa cuối năm 2020, hướng gió lại chuyển biến bất lợi khi Alibaba và nhiều tập đoàn công nghệ lớn bắt đầu rơi vào tầm ngắm của chính phủ Bắc Kinh. Hàng loạt động thái hoãn thương vụ IPO của công ty con Ant Group và điều tra hành vi độc quyền đưa Alibaba vào cơn khủng hoảng chưa từng có trong 2 thập kỷ kể từ khi thành lập. Lúc này, đến lượt Zhong Shanshan - chủ tịch công ty nước giải khát Nongfu Spring nổi lên như tỷ phú giàu nhất Trung Quốc nhờ cổ phiếu Nongfu tăng vùn vụt.
Các chuyên gia nhận định với một thị trường mới nổi như Trung Quốc, xu hướng biến động sẽ còn kéo dài khi Bắc Kinh tiếp tục những cải cách cấu trúc quan trọng trong nỗ lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đây là nguyên nhân tạo ra những tỷ phú sau một đêm, nhưng cũng là nguy cơ khiến khối tài sản khổng lồ họ lao dốc trong nay mai.
BAO GIỜ BONG BÓNG VỠ?
Tận dụng vị thế nền kinh tế lớn đầu tiên phục hồi sau dịch Covid-19, chính phủ Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh mở cửa thị trường vốn, tăng cường cải cách khơi thông giao dịch cổ phiếu, đẩy nhanh tiến độ IPO tạo đà cho thu hút vốn đầu tư. Trên thị trường STAR Thượng Hải, các công ty chỉ mất trung bình 288 ngày để IPO, ngắn hơn nhiều so với khoảng thời gian bình quân 754 ngày để niêm yết tại các sàn giao dịch khác của Trung Quốc, theo khảo sát của EY.
"Điều này nghĩa là danh sách tỷ phú Trung Quốc có xu hướng ngày càng mở rộng bất chấp những lo ngại rằng thị trường chứng khoán nước này đang quá nóng" - nhận định của ông Marcel Tschanz, chuyên gia tư vấn quản lý tài sản tại PwC Thụy Sĩ. Trong đó, các lĩnh vực dễ sản sinh tỷ phú nhất là công nghệ, tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe và năng lượng mới.
Dong Baozhen, Chủ tịch quỹ chứng khoán tư nhân Lingtong Shengtai Investment Management có trụ sở tại Bắc Kinh nhận định: "Đang có hiện tượng bong bóng trong các cổ phiếu tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe và rượu - giải khát. Mức định giá của một số cổ phiếu vượt quá mức cao kỷ lục trước đó từng ghi nhận… Đà tăng nóng hiện tại không dựa trên các nguyên tắc cơ bản và do đó gây rủi ro lớn cho các nhà đầu tư".
Tính đến đầu tháng 1/2021, chỉ số CSI 300 tại Trung Quốc đã tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng hơn 1 thập kỷ, đồng thời tăng hơn 50% so với mức đáy hồi tháng 3/2020 - thời điểm nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tê liệt vì các biện pháp phong tỏa kiểm soát dịch bệnh. Mức tăng vọt được dẫn dắt bởi sự hưng phấn của giới đầu tư khi kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ hơn dự kiến và đồng NDT mạnh tương đối.
Chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBOC đã đẩy dòng vốn giá rẻ tràn vào thị trường chứng khoán, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài cũng tích cực bơm vốn. Paul Colwell, nhà tư vấn danh mục đầu tư châu Á tại Willis Towers Watson nhận định việc PBOC duy trì lãi suất cơ bản ở mức hiện tại trong khi các Ngân hàng Trung Ương toàn cầu giữ mức lãi suất tiệm cận 0 hoặc âm sẽ thúc đẩy dòng vốn ngoại rót vào thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh hơn nữa. Nhất là khi Trung Quốc được dự báo là nền kinh tế lớn duy nhất thế giới tăng trưởng dương trong năm 2020 và Bắc Kinh nỗ lực mở cửa thị trường tài chính.
Kết quả là giới chức Trung Quốc ngày càng lo ngại nguy cơ vỡ bong bóng. Bài học nhãn tiền năm 2015 khi thị trường vỡ vụn sau thời gian bùng nổ nhờ đòn bẩy vẫn còn ở ngay trước mắt. Các quan chức tài chính Bắc Kinh thừa hiểu rằng thiệt hại khi niềm tin sụp đổ còn vượt xa những lợi ích từ sự tăng trưởng bứt phá trong thời gian qua.
Dễ hiểu vì sao PBOC trong tuần qua đã rút khoảng 12 tỷ USD ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Động thái thắt chặt hầu bao này là một tín hiệu cảnh báo từ PBOC đến các nhà đầu tư đang phấn khích vì thanh khoản dồi dào, cũng là một nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm hạn chế nguy cơ vỡ bong bóng tài sản.
Trước đó, cố vấn PBOC, ông Ma Jun đã cảnh báo nguy cơ vỡ bong bóng trên thị trường tài chính nếu Bắc Kinh tiếp tục duy trì các đòn bẩy mà không chuyển trọng tâm sang tăng trưởng việc làm, tạo nội lực lành mạnh cho nền kinh tế.