Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Nhật Bản... làm điện mặt trời ra sao?
(Dân trí) - Quán quân về khả năng sản xuất điện mặt trời trên thế giới hiện thuộc về Trung Quốc. Công cuộc phát triển điện mặt trời tại các quốc gia khác như Thái Lan, Mỹ, Nhật Bản... cũng rất sôi động.
Trong bối cảnh thế giới đang đau đầu với cuộc khủng hoảng năng lượng và các cam kết chống biến đổi khí hậu, điện mặt trời ngày càng được nhiều quốc gia ưu tiên đầu tư phát triển. Vậy các nước trên thế giới đang làm điện mặt trời ra sao?
Trung Quốc xây nhà máy điện mặt trời trong sa mạc
Trung Quốc hiện được xem là quốc gia có khả năng sản xuất điện mặt trời lớn nhất trên thế giới với công suất lên đến 8.430 MW và sản lượng điện lên tới 10 tỷ kWh ở sa mạc Tala.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết, vào năm 2018, Trung Quốc lắp đặt một nửa tổng công suất lượng năng lượng mặt trời mới trên toàn thế giới. Đây cũng là đất nước đầu tiên lắp đặt hơn 100 GW công suất năng lượng mặt trời, tương đương với lượng điện được sản xuất từ 75 nhà máy năng lượng hạt nhân.
Tính đến đầu năm 2019, Trung Quốc sở hữu 6 trong 10 công ty sản xuất năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới. Việc phát triển thành công những dự án điện mặt trời này một phần là nhờ Trung Quốc là nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới. Mức sản xuất pin mặt trời tại quốc gia này hiện đã vượt qua mục tiêu của chính phủ về lắp đặt năng lượng mặt trời.
Theo báo cáo về phát triển năng lượng tái tạo năm 2021, mức tiêu thụ năng lượng tái tạo của Trung Quốc trong năm 2021 tương đương 750 triệu tấn than tiêu chuẩn, góp phần giảm phát thải khoảng 1,95 tỷ tấn khí CO2.
Tính đến hết năm 2021, sản lượng điện từ năng lượng tái tạo đạt 2.480 tỷ kWh, chiếm 29,7% tổng sản lượng điện của cả nước. Trong đó, riêng công suất phát điện từ năng lượng mặt trời đạt 306 triệu kW và sản lượng điện mặt trời đạt 327 tỷ kWh.
Năm 2022, nước này bổ sung hơn 51 GW điện mặt trời quy mô nhỏ. Khoảng 40% tổng công suất hiện nay đến từ các mái nhà và sân vườn. Điều này khiến công suất điện mặt trời quy mô nhỏ lắp đặt mới ở Trung Quốc nhiều hơn tổng công suất điện sạch ở bất kỳ quốc gia nào khác. Cứ 5 tấm pin mặt trời được lắp trên toàn cầu vào 2022, lại có một tấm nằm trên mái nhà người dân hoặc doanh nghiệp Trung Quốc.
Trung Quốc có tổng diện tích sa mạc khoảng 1,2 triệu km2, phân bố chủ yếu ở khu vực miền tây có khí hậu khô và hơn 80% số ngày trong năm có thời tiết nắng, cường độ bức xạ mặt trời cao. Với lợi thế là một trong những quốc gia có nhiều sa mạc nhất trên thế giới, nước này đang đầu tư phát triển các công trình phát điện từ năng lượng mặt trời trên sa mạc.
Theo ông Hoàng Chiến Vinh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Phát triển và Cải cách Trung Quốc, các tấm pin năng lượng mặt trời chủ yếu được sản xuất trong nước, chi phí lắp đặt hiện nay đã giảm xuống mức rất thấp do đã hình thành chuỗi công nghiệp năng lượng mặt trời trong cả nước.
Ngoài việc tận dụng nguồn năng lượng mặt trời dồi dào, việc lắp đặt hệ thống phát điện từ năng lượng mặt trời còn được Trung Quốc gắn liền với công tác phòng, chống sa mạc hóa và phát triển ngành du lịch trải nghiệm, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Các chuyên gia cho rằng, có được sự phát triển vượt bậc trong sản xuất điện mặt trời là do ngay từ năm 2006, Trung Quốc đã ban hành Luật Năng lượng tái tạo, đặt nền móng cho cuộc cách mạng phát triển năng lượng sạch.
Tiếp đó, tại Kế hoạch đến năm 2020, Trung quốc đã ưu tiên phát triển năng lượng xanh và bảo vệ môi trường, bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải carbon và thay đổi cấu trúc thị trường than.
Cụ thể, Trung Quốc đã điều chỉnh giá điện từ nguồn tái tạo và hủy bỏ các kế hoạch triển khai các dự án nhà máy nhiệt điện chạy than và khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư sản xuất nguồn năng lượng sạch tại nước này.
Nhật Bản khuyến khích người dân tự sản xuất điện mặt trời tại nhà
Với lợi thế là một cường quốc về khoa học - công nghệ phát triển bậc nhất trên thế giới, Nhật Bản cũng đã sớm nhận thức vai trò và tầm quan trọng của nguồn năng lượng sạch đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngay từ năm 2008, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện chính sách hỗ trợ cho vay mua nhà sử dụng năng lượng tái tạo với thời gian trả nợ tối đa là 10 năm. Trong đó, đối với những gia đình cải tạo nhà, chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời được vay số tiền tối đa lên đến 5 triệu yên. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản còn mua điện sản xuất từ năng lượng mặt trời với giá cao hơn giá thị trường và giảm giá bán các tấm pin năng lượng mặt trời.
Để tiếp tục thúc đẩy phát triển điện mặt trời, tháng 8/2011, Nhật Bản đã ban hành Luật Trợ giá (FIT) mua năng lượng tái tạo, khuyến khích người dân tự sản xuất điện mặt trời tại nhà và từ đó xây dựng các trung tâm điện mặt trời lớn và tập trung. Luật mới này cho phép hỗ trợ giá điện sản xuất từ năng lượng mặt trời khi các doanh nghiệp tư nhân muốn đầu tư.
Năm 2016, Chính phủ Nhật Bản dành khoảng 2.300 tỷ yên để hỗ trợ việc mua lại điện mặt trời với giá cao hơn giá thị trường theo cơ chế FIT và giảm giá bán các tấm pin năng lượng mặt trời để khuyến khích người dân tự sản xuất điện mặt trời tại nhà. Không những vậy, việc này còn khuyến khích chính quyền các địa phương cùng tham gia, từ đó xây dựng các trung tâm điện mặt trời lớn, tập trung hơn.
Đặc biệt, nhằm tạo động lực và gia tăng lợi ích cho người dân và doanh nghiệp khi đầu tư vào điện mặt trời, tháng 4/2017, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã ban hành luật FIT mới sửa đổi. Theo đó, giảm thuế từ 21 đến 30 yên/kWp điện tái tạo, tùy thuộc vào quy mô hệ thống.
Tháng 7/2018, Nhật Bản thông qua kế hoạch chiến lược phát triển năng lượng lần thứ 5 tầm nhìn 2030 và đến 2050. Quốc gia này đã đặt mục tiêu giảm 26% lượng khí thải vào năm 2030 và đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050. Theo kế hoạch, Nhật Bản tiếp tục duy trì mục tiêu sử dụng đa dạng các nguồn năng lượng. Cụ thể, đến năm 2030, trong cơ cấu nguồn điện, năng lượng tái tạo chiếm từ 22-24%, nhiên liệu hóa thạch 56% và năng lượng hạt nhân từ 20-22%.
Cuối năm ngoái, Nhật Bản quy định bắt buộc lắp đặt pin năng lượng Mặt Trời ở các công trình xây dựng quy mô lớn tại Kyoto và Guma. Còn thủ đô Tokyo là thành phố đầu tiên yêu cầu lắp đặt tại các công trình nhà ở mới và đặt mục tiêu giảm một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030.
Mỹ quan tâm đầu tư phát triển năng lượng mặt trời từ khá sớm
Là quốc gia dẫn đầu thế giới về phát triển năng lượng tái tạo, trong đó năng lượng mặt trời cũng đã được quốc gia này quan tâm đầu tư phát triển từ khá sớm.
Năm 1982, tại bang California đã xây dựng nhà máy quang điện công suất 1 MW đầu tiên trên thế giới, nhờ việc tận dụng điều kiện lý tưởng về tự nhiên khi tại đây có khoảng 102,7 nghìn km2 là sa mạc nắng nóng, điều kiện lý tưởng để phát triển điện mặt trời.
Đến giai đoạn 2011-2014, cũng tại California đã xây dựng 2 nhà máy điện mặt trời lớn. Đó là Trang trại quang điện Topaz với công suất 550 MW và tổng mức đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD. Cùng với đó là Nhà máy điện mặt trời Ivanpah với công suất 392 MW và có tổng vốn đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD, được xây dựng tại sa mạc Mojave, bang California và cung cấp điện đủ cho 140.000 hộ gia đình.
Năm 2020, Bộ Nội vụ Mỹ đã thông qua lần cuối dự án năng lượng mặt trời lớn nhất ở Mỹ, trị giá lên tới 1 tỷ USD ở tại tiểu bang Nevada. Dự án này có thể cung cấp điện cho khoảng 260.000 hộ gia đình, đủ để đáp ứng nhu cầu của dân cư tại Las Vegas. Không chỉ vậy, dự án sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế cũng như môi trường, tạo ra hàng nghìn việc làm trong lĩnh vực xây dựng và sản xuất ra nguồn năng lượng sạch có thể bù đắp lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của khoảng 83.000 chiếc xe hơi.
Để đẩy mạnh triển khai thực hiện các dự án về năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng điện mặt trời nói riêng, Mỹ đã đề ra chính sách năng lượng sạch lâu dài nhằm tạo ra một thị trường bền vững cho năng lượng tái tạo, khuyến khích và hỗ trợ việc tích hợp năng lượng tái tạo, tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển lĩnh vực này. Đồng thời, Mỹ cũng đưa ra nhiều biện pháp kịp thời nhằm cải thiện lưới điện bằng cách tăng cường hạ tầng cơ sở truyền dẫn để tích hợp được một lượng lớn năng lượng tái tạo, kết hợp với kế hoạch hóa phát triển lưới điện tiên tiến hơn để duy trì tính tin cậy và bền vững của loại năng lượng này.
Trong đó, năng lượng mặt trời được chú trọng bởi đó là thành phần chủ yếu trong hệ thống năng lượng tái tạo của Mỹ. Trong những năm qua, chi phí cho hệ thống sản xuất điện mặt trời đã giảm đáng kể, góp phần mang lại cho các gia đình và doanh nghiệp Mỹ cơ hội tiếp cận với năng lượng sạch và giá thành phải chăng. Thông qua hạng mục đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, Bộ Năng lượng Mỹ vẫn tiếp tục thúc đẩy phát triển và mở rộng thị trường năng lượng mặt trời trên cơ sở hài hòa, bền vững, phát triển sản xuất điện đi đôi với cơ sở hạ tầng kèm theo, như mạng lưới truyền tải hay tích trữ điện.
Bà JennifeGranholm, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ cho rằng: "Năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng sạch rẻ nhất và có thể phát triển nhanh nhất. Chúng ta có thể sản xuất đủ điện mặt trời để cung cấp tới tất cả các ngôi nhà ở Mỹ vào năm 2035 và tạo thêm đến 1,5 triệu việc làm".
Thái Lan dẫn đầu thị trường điện mặt trời ở Đông Nam Á
Tại khu vực ASEAN, hiện nay Thái Lan được đánh giá là quốc gia dẫn đầu khu vực trong sử dụng điện mặt trời. Dự kiến, công suất lắp đặt điện mặt trời tại Thái Lan đến năm 2036 là 6.000 MW.
Cùng năm đó, Thái Lan cũng là nước đầu tiên trong khu vực áp dụng biểu giá FIT cho năng lượng tái tạo. Trong đó các dự án năng lượng mặt trời nhận được FIT cao nhất, với mức 23 cent/kWh cho 10 năm.
Để khuyến khích phát triển điện mặt trời ở các dự án nhỏ, Thái Lan cũng đã đưa ra các mức hỗ trợ FIT cao nhất cho các nhà sản xuất nhỏ với quy mô hộ gia đình. Cụ thể, Thái Lan đưa ra mức giá FIT ưu đãi 21 cent/kWh cho các dự án năng lượng mặt trời trên mái nhà, đồng thời khởi xướng chương trình "Mái nhà quang điện".
Đầu năm 2022, trang trại rộng 120 ha được đặt tại đập thủy điện Sirindhorn (Thái Lan) đã đi vào vận hàng từ đầu năm 2022 với công suất lên 45MW và quy mô bằng 120 sân bóng đá cộng lại. Vào ban ngày, 145.000 tấm pin mặt trời được lắp đặt tại dự án có nhiệm vụ tạo ra nguồn điện. Ban đêm, nhà máy tiếp tục sản xuất điện bằng 3 tuabin cỡ lớn sử dụng sức nước phía dưới.
Ước tính khu trang trại điện mặt trời này giúp giảm 47.000 tấn khí CO2 ra môi trường mỗi năm. Và dù khu trang trại chỉ chiếm khoảng 1% diện tích mặt hồ, nhưng có tác dụng giữ lại lượng nước 460.000 m3 khỏi bốc hơi mỗi năm. Khí mát từ nước mặt hồ sẽ bảo đảm cho các tấm pin không bị quá nóng, tăng hiệu suất phát điện thêm 15% so với lắp đặt trên đất liền.
Ông Boonyanit Wongrukmit, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Thái Lan cho biết, dự án "lai" này giúp tăng cường an ninh năng lượng cho Thái Lan, góp phần tạo ra nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường và tạo thêm công ăn việc làm bền vững, thu nhập ổn định cho người dân và phát triển kinh tế trong vùng.
Dự kiến, trong thời gian tới, Thái Lan sẽ triển khai 15 dự án điện mặt trời khác. Khi hoàn tất, các dự án này sẽ giúp bổ sung vào lưới điện quốc gia của Thái Lan sản lượng điện 2.725 MW.
Giống như đa số các quốc gia Đông Nam Á, Thái Lan chủ yếu dựa vào khí đốt tự nhiên để tạo ra điện phục vụ cho gần 70 triệu dân. Hiện năng lượng từ khí đốt tự nhiên vẫn chiếm 2/3 sản lượng điện cả nước, trong khi điện mặt trời, điện gió và thủy điện chưa tới 10%.
Tuy nhiên, Thái Lan đã bắt đầu tính toán về việc chuyển đổi năng lượng sạch khi nguồn cung nhiên liệu hóa thạch trong nước dần cạn kiệt. Sản lượng khí đốt, nguồn nhiên liệu hóa thạch lớn nhất tại nước này, đã đạt đỉnh vào năm 2014 và suy giảm.
Và sau nhiều năm cải cách Thái Lan hiện nằm trong nhóm nước đi đầu trong ASEAN về phát triển năng lượng tái tạo, thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia sâu hơn và có đóng góp lớn hơn đối với thị trường này. Chính phủ nước này hy vọng đến năm 2037, năng lượng tái tạo sẽ đóng góp 35% tổng sản lượng điện quốc gia.
Cuộc đua năng lượng sạch
Với nhiều lợi ích mang lại, ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới đã quan tâm và tham gia cuộc đua điện mặt trời.
Singapore cũng là một quốc gia tiêu biểu trong phát triển năng lượng sạch, trong đó điện mặt trời và điện gió là những ưu tiên hàng đầu. Năm 2016, Singapore đã công bố tài trợ hơn 700 triệu USD cho các hoạt động Nghiên cứu và Phát triển ở khu vực công trong 5 năm nhằm tìm ra giải pháp cho phát triển bền vững đô thị. Và để thúc đẩy các dự án điện mặt trời, Singapore cung cấp các mức thuế cạnh tranh và ưu tiên phát triển thị trường buôn bán điện, nơi mà tất cả người tiêu dùng có quyền lựa chọn nhà cung cấp điện cho mình.
Indonesia cũng là quốc gia thông qua luật về năng lượng tái tạo từ đầu năm 2017. Theo luật mới, mức hỗ trợ FIT sẽ dựa trên chi phí cung cấp điện trung bình của khu vực, nơi dự án điện năng lượng mới được xây dựng. Mức hỗ trợ theo chương trình mới là từ 6,5 đến 11,6 cent/kWh. Luật mới của Indonesia cũng cho phép điện mặt trời cạnh tranh trực tiếp với các nhà máy nhiệt điện than, hình thức sản xuất điện năng phổ biến ở Indonesia.
Malaysia cũng không nằm ngoài cuộc chơi khi đưa ra chính sách về năng lượng mặt trời từ năm 2011 và được sửa đổi năm 2014 nhằm phù hợp với sự thay đổi của thị trường cũng như việc giảm giá các tấm pin năng lượng. Ngoài ra, cơ chế thanh toán bù trừ cũng được quốc gia này áp dụng vào năm 2016 với mục tiêu đạt 500 MW điện mặt trời vào năm 2020 tại bán đảo Malaysia và Sabah. Theo đó, người tiêu dùng chỉ tốn 1m2 lắp đặt là có thể tạo ra điện năng cho gia đình và bán năng lượng dư thừa cho điện lưới quốc gia. Nhờ các chính sách hỗ trợ về giá, công suất lắp đặt pin mặt trời tại Malaysia năm 2019 đạt 338 MW.
Nội dung: Phương Liên (tổng hợp)