DBiz

Trung Nam Group có chủ tịch HĐQT bị tạm hoãn xuất cảnh hoạt động ra sao?

Khổng Chiêm
Trung Nam Group có chủ tịch HĐQT bị tạm hoãn xuất cảnh hoạt động ra sao?

Doanh nghiệp đa ngành, áp lực nợ vay lớn

Ông Nguyễn Tâm Thịnh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) - vừa bị tạm hoãn xuất cảnh, liên quan việc doanh nghiệp nợ thuế hơn 21 tỷ đồng tại Chi cục Hải quan Ninh Thuận - Cục Hải quan Khánh Hòa.

Thời gian tạm hoãn xuất cảnh là từ ngày 6/5 đến khi người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước. Lãnh đạo Cục Hải quan Khánh Hòa cho biết đây là một biện pháp cần thiết để cưỡng chế việc thu hồi thuế.

Theo giới thiệu của doanh nghiệp, Trung Nam Group được thành lập từ năm 2004, trải qua 18 năm hoạt động với hệ sinh thái đa ngành nghề gồm 5 lĩnh vực hoạt động: Năng lượng, hạ tầng, xây dựng, bất động sản, công nghiệp thông tin điện tử.

Năng lượng là mảng kinh doanh chính của Trung Nam Group. Một số dự án đáng chú ý như Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam (Bình Thuận) với công suất 450MW, sản lượng điện tối đa 1,2 triệu kWh/năm; Điện gió Ea Nam Đắk Lắk đóng góp 1,1 tỷ kWh/năm vào nguồn điện quốc gia... Công ty cũng đầu tư một số nhà máy thủy điện như Krông Nô 3, Đồng Nai 2.

Trung Nam Group có chủ tịch HĐQT bị tạm hoãn xuất cảnh hoạt động ra sao? - 1

Dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam của Trung Nam Group có công suất lớn (Ảnh: TNG).

Với mảng hạ tầng, Trung Nam Group đầu tư vào các công trình cầu dây văng vượt sông lớn, cảng biển, hệ thống thủy lợi bảo vệ vùng lõi TPHCM với hơn 100km đường giao thông khắp 3 miền. Đáng chú ý, Trung Nam Group là đơn vị thực hiện dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TPHCM, đầu tư Cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn 1 (Ninh Thuận) quy mô 6.500 tỷ đồng...

Một trụ cột khác của Trung Nam Group là bất động sản. Doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ từ giải phóng mặt bằng đến quản lý xây dựng tại các tòa nhà Trung Nam, Khu công viên văn hóa và đô thị Đà Lạt - Golf Valley, Golden Hills.

Báo cáo mới nhất lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Trung Nam Group cập nhật đến năm 2022, công ty có vốn chủ sở hữu 27.914 tỷ đồng.

Tuy nhiên, doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính khá lớn. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 2,44 lần, tức nợ phải trả khoảng 68.110 tỷ đồng. So với năm trước, Trung Nam Group đã gia tăng thêm 3.550 tỷ đồng nợ phải trả.

Trung Nam Group có chủ tịch HĐQT bị tạm hoãn xuất cảnh hoạt động ra sao? - 2

Số liệu tài chính năm 2022 mới nhất được Trung Nam Group báo cáo lên HNX (Nguồn: TNG).

Năm 2022, công ty lãi gần 255 tỷ đồng, giảm 84% so với năm trước. Vì thế, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) giảm mạnh từ 5,85% còn 0,91%.

Cũng tính đến cuối năm 2022, Trung Nam Group có 24.285 tỷ đồng dư nợ trái phiếu, tương đương 87% so với vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, việc thanh toán gốc, lãi trái phiếu của doanh nghiệp này trong một số lần báo cáo gần nhất có gặp khó khăn.

Với lô trái phiếu TNGCH2223001, thanh toán vào ngày 16/3/2023, công ty chỉ trả được 80 tỷ đồng trên tổng số tiền 400 tỷ đồng cần thực hiện nghĩa vụ. Lý do doanh nghiệp đưa ra là lãi suất tăng cao, kỳ thu tiền điện bình quân tăng đột biến ảnh hưởng đến dòng tiền. Công ty vẫn tiếp tục thu xếp nguồn thanh toán cho trái chủ.

Hay với lô trái phiếu TNGCH2223004 trị giá 430 tỷ đồng, công ty chậm thanh toán 3 ngày số tiền lãi hơn 10 tỷ đồng. Doanh nghiệp nêu lý do gặp vấn đề trong quá trình điều chuyển từ các hệ thống ngân hàng khác nhau dẫn đến việc công ty không kịp chuyển tiền về tài khoản dự phòng trả nợ trái phiếu để thanh toán lãi đúng hạn.

Nhiều dự án gặp khó

Một số dự án của doanh nghiệp này cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, dự án điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam tại Ninh Thuận từng được chỉ ra vi phạm xây dựng công trình khi chưa được cấp có thẩm quyền giao đất để thực hiện dự án.

Nội dung được đề cập trong báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 4 và kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng. Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm, đúng quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, vào tháng 4/2023.

Cũng ở dự án này, tháng 4 năm nay, Trung Nam Group có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng về việc nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam đối diện với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng doanh thu từ nguồn phát điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa thanh toán đối với phần sản lượng đã ghi nhận.

Cụ thể, sản lượng điện phát lên lưới từ tháng 10/2020 đến tháng 8/2022 đạt khoảng 687 triệu kWh, tương đương gần 814 tỷ đồng được tạm xác định theo khung giá điện của các nhà máy điện mặt trời chuyển tiếp. Dù doanh nghiệp đã nhiều lần đề nghị tạm thanh toán với đơn giá chỉ bằng 40% mức giá khung để hỗ trợ giải quyết khó khăn về tài chính nhưng vẫn chưa được xem xét giải quyết.

Trung Nam Group có chủ tịch HĐQT bị tạm hoãn xuất cảnh hoạt động ra sao? - 3

Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam gặp tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng doanh thu từ nguồn phát điện, theo Trung Nam Group (Ảnh: TNG).

Phản hồi vấn đề này, EVN cho rằng đã thanh toán phần sản lượng, công suất theo giấy phép của Trung Nam Group và đúng quy định, hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Theo EVN, dự án điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam đến nay chưa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nghiệm thu công trình. Khi dự án chưa đầy đủ về mặt pháp lý, chưa được cấp giấy phép hoạt động điện lực thì EVN chỉ ghi nhận sản lượng mà không thể thanh toán. EVN cho rằng Trung Nam Group cần phải hoàn thiện các phần việc của mình theo đúng quy định của pháp luật trước khi "kêu cứu" Thủ tướng.

Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TPHCM do Trung Nam Group thực hiện cũng gặp khó khăn trong nhiều năm qua. Theo báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM, dự án đã thi công hoàn thành đạt 93,33% tổng khối lượng.

Hiện nay, dự án còn vướng lập phương án thanh toán cho nhà đầu tư và phương án huy động nguồn vốn cho nhà đầu tư vay để tiếp tục thi công hoàn thành. Tuy nhiên, để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của dự án thì phải trình Chính phủ thay thế Nghị quyết 40 nên khó có thể triển khai thi công theo tiến độ.

Trước đó, dự án được khởi công từ tháng 6/2016, nhằm kiểm soát ngập cho diện tích 750km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố. Dự kiến hoàn thành sau 3 năm nhưng đến nay, dự án đã ngừng thi công nhiều lần và trễ hẹn vận hành.

TPHCM cũng nhiều lần thúc gỡ vướng cho dự án này, nhà đầu tư đã nhiều lần kiến nghị sớm được triển khai, khởi động lại dự án. Trong lúc dự án chưa được gỡ vướng, Trung Nam Group cho biết vẫn đang phải chịu lãi quá hạn và lãi phát sinh theo từng ngày. Số tiền lãi này đang rất cao và chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn nữa nếu như dự án vẫn còn tiếp tục kéo dài. Khi đó, nguy cơ tổng mức đầu tư vượt trên 10.000 tỷ đồng là không thể kiểm soát được.