DNews

Tiền nhàn rỗi không chảy vào ngân hàng, đang chảy vào đâu?

Thảo Thu

(Dân trí) - Tăng trưởng tín dụng tại nhiều ngân hàng cao hơn huy động dù lãi suất tiết kiệm đã được điều chỉnh tăng liên tục từ tháng 4. Các kênh đầu tư khác có tỷ suất sinh lời cao hơn gửi ngân hàng.

Tiền nhàn rỗi không chảy vào ngân hàng, đang chảy vào đâu?

Ngân hàng tăng lãi suất thận trọng

12 ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi kể từ đầu tháng 9. So với các tháng trước, mức điều chỉnh lãi suất của các ngân hàng dè dặt hơn.

OceanBank mới đây thông báo điều chỉnh biểu lãi suất huy động với mức tăng từ 0,2 đến 0,4 điểm %/năm các kỳ hạn tiền gửi 1-15 tháng. Ngân hàng này đang trả lãi suất tiền gửi cao nhất thị trường với các kỳ hạn dưới 6 tháng khi áp mức cao nhất 4,4% năm. Ở các ngân hàng tư nhân khác như OCB, NCB, BaoVietBank, BVBank, DongA Bank, CB, Eximbank, Nam A Bank, lãi suất chỉ  3,8-3,9%/năm cho cùng kỳ hạn trên. 

OceanBank cũng là ngân hàng đầu tiên tăng lãi suất lần thứ 2 kể từ đầu tháng 9. Tính đến nay, 12 ngân hàng tăng lãi suất huy động từ đầu tháng 9, bao gồm DongA Bank, OceanBank, VietBank, GPBank, Agribank, Bac A Bank, NCB, OCB, BVBank, ACB, PGBank và Nam A Bank.

*Biểu lãi suất tiết kiệm một số ngân hàng (đơn vị: %/năm)

 Ngân hàng 1 tháng 3 tháng 6 tháng 9 tháng 12 tháng
 Agribank 2 2,5 3,3 3,3 4,7
 BIDV 2 1,3 3,3 3,3 4,7
 Vietcombank 1,6 1,9 2,9 2,9  4,6
 VietinBank 2 2,3 3,3 3,3 4,7
 ABBank 3,2 3,7 5 5,2 5,6 
 Eximbank 3,8 4,3 5,2 4,5  5,2
 LPBank 3,4  3,5  4,7 4,8 5,1
 MB 3,3 3,7 4,4 4,4 5,1
 VPBank 3,6 3,8 5 55,5
 SHB 3,5  5,8 5 5,15,5

Ngược lại, ABBank là ngân hàng đầu tiên giảm lãi suất huy động trong tháng 9 với mức giảm từ 0,1 đến 0,4 điểm %/năm cho các kỳ hạn 1-12 tháng.

Làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm bắt đầu mạnh lên từ đầu tháng 4 năm nay. Thời điểm đó, lãi suất cao nhất hệ thống cho kỳ hạn 12 tháng chỉ quanh 5%/năm, hiện lên cao nhất là 6,2%/năm. Hiện tại, hầu hết ngân hàng đều trả lãi suất từ 5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.

Ngân hàng huy động thấp hơn cho vay

Tính đến hết quý II, số dư tiền gửi của phần lớn ngân hàng tăng thấp hơn cùng kỳ trong bối cảnh giải ngân tín dụng hạn chế. Thậm chí, có một số đơn vị ghi nhận lượng tiền gửi giảm so với đầu năm như Vietcombank giảm 1,8%; TPBank giảm 2,5%; PVcomBank giảm 1,44%, VietABank giảm 0,34%; ABBank giảm 14,52% và Saigonbank giảm 0,17%.

Ông Lê Quang Vinh - Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank - trong buổi làm việc với ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước mới đây - thông tin thêm, huy động vốn thị trường 1 của đơn vị này giảm 1,9% so với cuối năm 2023.

Lý do là ngân hàng điều hành để đảm bảo tiết giảm chi phí đầu vào trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng chậm những tháng đầu năm và do ngân hàng thực hiện theo định hướng giảm lãi suất huy động, duy trì mặt bằng lãi suất huy động thấp.

Các ngân hàng lớn còn lại trong nhóm quốc doanh như VietinBank tăng trưởng cho hay cũng lên tới 6,7% nhưng đầu vào chỉ gần 4%. Còn tại BIDV cho vay tăng trưởng cho hay và huy động chỉ ngang nhau ở mức 6%. 

Báo cáo tài chính cũng cho thấy không ít ngân hàng xảy ra tình trạng tăng trưởng tín dụng thấp hơn huy động. Như Vietcombank, huy động giảm song tăng trưởng tín dụng tới 7,8%. Hay tại Techcombank, tín dụng 6 tháng đầu năm tăng khoảng 13%, trong khi huy động vốn chưa tới 6%. Ở VPBank, cho vay tăng 11,2% còn tín dụng tăng 6,6%...

Người dân thích các kênh đầu tư khác hơn gửi tiết kiệm?

Diễn biến huy động tăng thấp so với tín dụng trong nửa đầu năm nay được không ít chuyên gia đánh giá do người dân có xu hướng rút tiền gửi đổ vào các kênh khác có tỷ suất sinh lời tốt hơn như mua vàng, bất động sản, chứng khoán... Diễn biến huy động tiền gửi dù tăng song nền lãi suất tiền gửi vẫn được cho là ở mức thấp, chưa thu hút người dân.

Vàng - vốn là kênh đầu tư mang tính trú ẩn an toàn thời gian qua - lại là kênh có tỷ lệ sinh lời cao nhất. Trước đây, theo thống kê từ Dragon Capital Việt Nam, hiệu suất sinh lời khi đầu tư trong 5 năm (2016-2021) của vàng chỉ ở mức 6,1%. Tuy nhiên, vàng hiện là kênh "sốt nóng" nhất.

Ở thời điểm trước khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp "bình ổn" giá, vàng miếng lên tới 92 triệu đồng/lượng. Còn vàng nhẫn hiện vượt 82 triệu đồng/lượng, có mức sinh lời gần 30% sau 9 tháng. Chuyên gia tài chính Huỳnh Hoàng Phương đánh giá "vàng đã tỉnh giấc sau hơn một thập kỷ ngủ yên".

Không riêng vàng, các kênh đầu tư khác như bất động sản dù chưa có chỉ số mang tính đại diện để có thể so sánh với các kênh đầu tư khác cũng có giai đoạn tạo sóng. Ông Huỳnh Hoàng Phương cho rằng Luật Đất đai mới được đưa vào áp dụng trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hồi phục mạnh mẽ và nền lãi suất thấp tạo điều kiện cho thị trường bất động sản dần hồi phục và tích lũy nguồn lực cho một chu kỳ mới.

Hay thị trường chứng khoán cũng đi lên với mức sinh lời từ đầu năm hơn 12,3% và nhiều lần VN-Index thử thách vùng 1.300 điểm. Tiền đổ vào chứng khoán cũng ở mức cao khi nhiều phiên giao dịch ghi nhận mức thanh khoản 20.000 tỷ đồng.

Thời gian vừa rồi, hàng loạt ngân hàng cũng "đua" phát hành trái phiếu với lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm. Theo đó, các ngân hàng chào bán trái phiếu cho nhà đầu tư lãi suất dao động từ 5,5%/năm đến gần 8%/năm, cao hơn gửi tiết kiệm. Đây là kênh huy động dài hạn, giúp các nhà băng đảm bảo cấu trúc vốn theo quy định.

Theo VIS Rating, lượng phát hành trái phiếu mới lên tới 202.400 tỷ đồng riêng nửa đầu năm. Trong đó, 70% được phát hành bởi khối ngân hàng. Cập nhật mới nhất của đơn vị này cũng cho thấy tháng 7, các ngân hàng phát hành thêm 27.000 tỷ đồng, chiếm tới 87% tổng giá trị thị trường, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Trái phiếu phát hành với nhiều kỳ hạn khác nhau giúp ngân hàng quản lý dòng tiền và rủi ro lãi suất hiệu quả hơn. Hút tiền từ kênh trái phiếu thay vì gửi tiết kiệm cũng giúp ngân hàng tránh phụ thuộc vào huy động từ dân cư và các tổ chức kinh tế.

Lãi suất sắp tới sẽ ra sao?

Các đợt tăng lãi suất thời gian qua theo chuyên gia nhằm chuẩn bị cho nhu cầu tín dụng dự kiến ấm lên nửa cuối năm. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất tiết kiệm nhìn chung vẫn sẽ được duy trì ở mức thấp.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng toàn ngành tính đến ngày 17/9 đạt 7,38% so với đầu năm. Trong đó, khối ngân hàng tư nhân tăng 8,6%, chiếm 45% thị phần.

Tiền nhàn rỗi không chảy vào ngân hàng, đang chảy vào đâu? - 1

Nửa đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng tại một số ngân hàng cao hơn huy động (Ảnh: Mạnh Quân).

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng hiện chưa có yếu tố hỗ trợ cho việc giảm lãi suất. Lãi suất tăng sẽ giúp cân bằng các kênh đầu tư, đồng thời hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng.

Chuyên gia này nêu, lãi suất tiết kiệm như hiện nay giúp cân bằng các kênh đầu tư, hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng. Còn mức tăng lãi suất cho vay sẽ còn phụ thuộc vào các hoạt động kinh tế. Trường hợp các doanh nghiệp đi vay nhiều thì lãi suất sẽ tăng mạnh hơn, còn trường hợp sức khỏe doanh nghiệp vẫn ở mức lưng chừng như năm 2023, có thể lãi suất sẽ chỉ tăng đôi chút.

Về triển vọng xa hơn, ông Huỳnh Hoàng Phương nói, mức lãi suất kỳ hạn 12 tháng vẫn duy trì mức lợi suất thực dương nhưng không quá cao trong 2-3 năm tới. Lãi suất đang ở mức thấp trong lịch sử lãi suất tiền gửi từ 2010 đến nay, xu hướng lãi suất sẽ gia tăng chậm trong trung hạn.

"Lãi suất tăng chậm vì theo tôi trong giai đoạn đầu hoặc giữa của chu kỳ kinh tế, chính sách tiền tệ sẽ duy trì ở mức nới lỏng đến trung lập (ít có khả năng thắt chặt do lạm phát) nên nền lãi suất nhìn chung sẽ tăng dần về mức trung lập chứ khó tăng cao. Do đó, tiền gửi vẫn phát huy vai trò vừa sinh lãi vừa có tính thanh khoản cao, độ linh động cao cho nhu cầu chờ tái phân bổ cho nhà đầu tư", ông Phương bày tỏ.