DNews

Vì sao ngân hàng cấp tập phát hành trái phiếu trở lại?

Thảo Thu

(Dân trí) - Tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng tăng tốc từ tháng 6, báo hiệu sự phục hồi của nhu cầu vay vốn cũng như phát hành trái phiếu trong thời gian tới.

Vì sao ngân hàng cấp tập phát hành trái phiếu trở lại?

Cầu tín dụng dần tăng trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, nên ngân hàng không chỉ tăng lãi suất tiền gửi, mà còn tăng cường phát hành trái phiếu để hút vốn. Các ngân hàng chào bán trái phiếu cho nhà đầu tư lãi suất dao động từ 5,5%/năm đến gần 8%/năm, cao hơn gửi tiết kiệm.

Ngân hàng ồ ạt phát hành trái phiếu tiêu đề

BVBank mới đây thông báo chào bán 56 triệu trái phiếu, dự kiến phát hành 6 đợt. Trong đó, đợt một là 15 triệu trái phiếu, được chào bán từ nay đến ngày 10/9, lãi suất cố định trong năm đầu tiên ở mức 7,9%/năm. Từ năm thứ 2, lãi suất bằng lãi tham chiếu cộng biên độ 2,5%/năm.

HDBank cũng cho biết sẽ phát hành lô trái phiếu ra công chúng có kỳ hạn 7 năm, lãi suất được tính bằng lãi suất tham chiếu, cộng thêm biên độ 2,8%/năm, tổng là 7,5%/năm.

Trước đó, VPBank cũng phát hành lô trái phiếu đầu tiên trong năm 2024 với tổng giá trị 4.000 tỷ đồng, trái phiếu không có tài sản đảm bảo, có kỳ hạn 3 năm và lãi suất cố định là 5,5%/năm.

Đầu tháng trước, MB cũng phát hành riêng lẻ thành công 4.000 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 3 năm. Đây là trái phiếu không tài sản đảm bảo và có lãi suất cố định ở mức 5,45%/năm. Trước đó, ngân hàng này phát hành thành công 15.000 tỷ đồng trái phiếu không có tài sản bảo đảm trong tháng 6 và tháng 7.

ACB tháng trước cũng đã phát hành thêm 2 lô trái phiếu riêng lẻ trong tháng 8 với quy mô đạt 670 tỷ đồng, lãi suất 6%/năm đến 6,1%/năm cho năm đầu tiên. Ngân hàng này mới đây cũng đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 2 trong năm, với quy mô tối đa 15.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản và không phải là nợ thứ cấp của ACB.

Hay OCB cũng đã huy động được 5.000 tỷ đồng từ việc phát hành trái phiếu không tài sản đảm bảo cho nhà đầu tư, kỳ hạn 2-3 năm, lãi suất cố định ở mức 5,6%/năm.

Vì sao ngân hàng cấp tập phát hành trái phiếu trở lại? - 1

Ngân hàng cấp tập phát hành trái phiếu (Ảnh: Mạnh Quân).

Khối ngân hàng TMCP Nhà nước cũng tăng cường phát hành trái phiếu. Đầu tháng 8, BIDV phát hành thành công 2 lô trái phiếu 6 năm và 8 năm, tổng giá trị 2.500 tỷ đồng, đều là trái phiếu không có tài sản đảm bảo và lãi suất cho kỳ đầu tiên lần lượt là 5,58%/năm và 5,88%/năm.

Còn Agribank cách đây hai tuần cũng đã phân phối thành công 10.000 tỷ đồng trái phiếu cho hơn 5.000 nhà đầu tư trong một tháng. Lô trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Agribank có lãi suất năm đầu lên gần 6,7%/năm. Trong các năm tiếp theo, lãi suất được xác định bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 2%/năm. Trong 5 năm cuối trước khi đến hạn, nếu Agribank không mua lại, biên độ lãi suất của trái phiếu lên tới 3%/năm.

Vì sao loạt ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu?

Trái phiếu của ngân hàng hiện là kênh đầu tư hấp dẫn hơn gửi tiết kiệm về lãi suất. Cụ thể, theo khảo sát của phóng viên Dân trí, với kỳ hạn một năm, mặt bằng gửi tiết kiệm chỉ dao động từ 4,7%/năm đến 5,5%/năm.

Tuy nhiên, đầu tư vào trái phiếu ngân hàng đòi hỏi nguồn vốn nhàn rỗi trong thời gian dài hạn hơn so với gửi tiết kiệm thông thường. Trái phiếu thường có thời gian gửi lên đến vài năm. Còn gửi tiết kiệm, kỳ hạn gửi có thể ngắn hơn, thường theo tháng.

Thống kê của một công ty chứng khoán cho thấy, từ đầu năm, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt hơn 220.800 tỷ đồng, tăng 50,4% so cùng kỳ. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bình quân trong 8 tháng đầu năm ước khoảng 7%, thấp hơn so với mức trung bình 8,3% của năm 2023.

Ngân hàng là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất, với khoảng 159.200 tỷ đồng, tăng 163% so với cùng kỳ, chiếm 72% tổng giá trị trái phiếu phát hành với lãi suất bình quân 5,5%/năm, kỳ hạn bình quân 4,3 năm.

Theo dự báo của các nhà phân tích tại đơn vị này, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ sôi động hơn trong quý IV, khi nhu cầu vốn của doanh nghiệp phục hồi, thị trường bất động sản bắt đầu ấm dần, nhu cầu mở rộng sản xuất - kinh doanh đang tích cực theo đà phục hồi của nền kinh tế.

Đồng thời, các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh phát hành vốn cấp 2 nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay được dự báo dần tăng trưởng.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tín dụng tính đến ngày 16/8 tăng 6,25% so với cuối năm 2023. Trong khi đó, đến hết tháng 7, tổng dư nợ toàn nền kinh tế tăng 5,66%, thấp hơn con số ghi nhận vào cuối tháng 6 là 6,1%. Tín dụng được dự báo tăng tốc trong những tháng cuối năm 2024. Vì thế, các nhà băng tăng cường phát hành trái phiếu với lãi suất cao nhằm hút vốn.

Vì sao ngân hàng cấp tập phát hành trái phiếu trở lại? - 2

Trái phiếu ngân hàng được kỳ vọng có một năm bận rộn (Ảnh: Mạnh Quân).

Còn theo các chuyên gia đến từ công ty xếp hạng tín nhiệm VIS Rating, các ngân hàng phát hành trái phiếu tăng trở lại thời gian qua để bổ sung vốn cấp 2 (vốn bổ sung), đáp ứng các quy định về an toàn vốn của Ngân hàng Nhà nước.

Bắt đầu từ đầu tháng 10 năm ngoái, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng chỉ còn được dùng 30% vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, thay vì mức 34% như trước đây.

Ngoài ra, tỷ lệ cho vay trên tổng vốn huy động phải dưới 85%. Trong khi đó, huy động tiền gửi của các ngân hàng tăng chậm lại do mặt bằng lãi suất duy trì mức thấp. Vì thế, nhiều ngân hàng buộc xoay qua kênh trái phiếu để bổ sung cơ cấu vốn trung, dài hạn và dùng nguồn lực này tài trợ các dự án.

Theo dự báo của đơn vị trên, trong 1-3 năm tới, khối ngân hàng sẽ cần khoảng 283.000 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2. Nguồn lực này sẽ hỗ trợ các nhà băng duy trì tỷ lệ an toàn vốn.

Tăng trưởng tín dụng tạo động lực để ngân hàng phát hành trái phiếu

Các chuyên gia đến từ Công ty xếp hạng tín nhiệm FiinRatings cho biết, tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng tăng tốc từ tháng 6, báo hiệu sự phục hồi của nhu cầu vay vốn cũng như phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới.

Theo đơn vị này, tín dụng tăng nhanh hơn một phần nhờ Ngân hàng nhà nước phát đi cảnh báo điều chuyển room tín dụng giữa các ngân hàng để những ngân hàng có khả năng sử dụng hiệu quả hơn.

Động thái điều phối này sẽ khiến các ngân hàng tăng tốc hơn trong việc tìm kiếm khách hàng và giải ngân, tạo đà tăng trưởng trong các tháng tới. Cùng với đó, mức độ hấp thụ vốn cải thiện sẽ tạo động lực để các ngân hàng là nhóm nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường trái phiếu đa dạng đầu ra sang kênh đầu tư trái phiếu, từ đó giúp thị trường sôi động trở lại.

Thời gian qua, trong khi nhóm ngân hàng tư nhân tiếp tục tăng lãi suất tiết kiệm, nhóm ngân hàng quốc doanh (big 4) vẫn chưa tăng lãi suất kỳ hạn 12 tháng, do đó lãi suất thả nổi của trái phiếu doanh nghiệp được FiinRatings đánh giá tạm thời chưa bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, với triển vọng tín dụng tăng tốc nhanh trong nửa cuối năm trong khi tốc độ tăng của tiền gửi khách hàng vẫn rất chậm, nhiều khả năng nhóm ngân hàng big 4 cũng sẽ tăng lãi suất vào cuối quý III, đầu quý IV. Điều này sẽ gây áp lực chi phí lên các nhà phát hành hiện trả lãi suất thả nổi. Trên thị trường thứ cấp, lãi suất kỳ vọng của nhà đầu tư tăng sẽ làm giảm giá trái phiếu và tăng lợi suất đầu tư.

Vì sao ngân hàng cấp tập phát hành trái phiếu trở lại? - 3

Ngân hàng không chỉ tăng lãi suất tiền gửi, mà còn tăng cường phát hành trái phiếu để hút vốn (Ảnh: Tiến Tuấn).

Dự báo khối ngân hàng tiếp tục tăng phát hành trái phiếu trong thời gian còn lại của năm nay, nhằm có thêm nguồn vốn trung, dài hạn trên 3 năm khi tăng trưởng tín dụng đang dần khởi sắc.

Công ty xếp hạng tín nhiệm cho rằng trái phiếu ngân hàng được kỳ vọng có một năm bận rộn hơn các năm trước. Giải ngân tín dụng sẽ được đẩy mạnh hơn trong nửa cuối năm 2024. Để đáp ứng tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng có kế hoạch tăng vốn cổ phần hoặc vốn nợ, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp.

Ngoài ra, do các ngân hàng vẫn là nhà đầu tư chính của trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh pháp lý và chính sách hiện nay, việc đa dạng hóa hình thức cấp vốn cho các doanh nghiệp bởi ngân hàng cũng sẽ làm tiền đề cho sự tiếp tục hồi phục của trái phiếu.

Theo cập nhật, nhiều ngân hàng đã đăng ký hoặc dự kiến phát hành trái phiếu từ nay tới cuối năm, như VietinBank 8.000 tỷ đồng, LPBank khoảng 6.000 tỷ đồng, ACB 15.000 tỷ đồng, SHB 5.000 tỷ đồng…