4 ngân hàng lớn hút 6,4 triệu tỷ đồng tiền gửi
Theo số liệu phóng viên Dân trí thống kê từ báo cáo tài chính quý II/2024 của các ngân hàng, nửa đầu năm, các ngân hàng hút tiền gửi mạnh nhất trong năm vừa rồi đều nằm trong big 4 (4 ngân hàng lớn có vốn Nhà nước).
Trong đó, Agribank hút nhiều tiền gửi nhất. Tổng số dư tiền gửi tại ngân hàng này là 1,83 triệu tỷ đồng, tăng 0,9% so với cuối năm ngoái.
Xếp vị trí thứ hai là BIDV với tổng tiền gửi đạt 1,81 triệu tỷ đồng, tăng hơn 102.200 tỷ đồng so với hồi đầu năm, tương ứng tăng 6%. Theo sau là VietinBank với số dư là 1,47 triệu tỷ đồng, tăng 4%.
Xếp vị trí thứ 4 là Vietcombank với 1,37 triệu tỷ đồng, giảm 1,5% so với cuối năm ngoái. Dù là "quán quân" lợi nhuận nửa đầu năm nay của toàn ngành với gần 20.500 tỷ đồng, song đây là ngân hàng duy nhất trong nhóm big 4 sụt giảm huy động tiền gửi khách hàng.
Ông Lê Quang Vinh - Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank - trong buổi làm việc với ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước mới đây - thông tin thêm, huy động vốn thị trường 1 của đơn vị này giảm 1,9% so với cuối năm 2023. Lý do là ngân hàng điều hành để đảm bảo tiết giảm chi phí đầu vào trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng chậm những tháng đầu năm và do ngân hàng thực hiện theo định hướng giảm lãi suất huy động, duy trì mặt bằng lãi suất huy động thấp.
Về cơ cấu tiền gửi khách hàng, Vietcombank vẫn đang là nhà băng có nhiều tiền gửi không kỳ hạn nhất tại Việt Nam, đạt hơn 458.000 tỷ đồng, chiếm 33,3% trong tổng tiền gửi khách hàng.
Tính chung 4 ngân hàng có vốn Nhà nước, số dư tiền gửi của khách hàng lên tới 6,4 triệu tỷ đồng. Lượng tiền "khủng" vẫn chảy vào bất chấp bối cảnh các ngân hàng nhiều tháng duy trì lãi suất ở mức thấp, cách xa các ngân hàng tư nhân khác. Cụ thể, 6 tháng qua, VietinBank ghi nhận 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất, Agribank cũng chỉ tăng lãi suất một lần.
3 ngân hàng tăng trưởng tiền gửi 2 chữ số
10 ngân hàng hút tiền gửi mạnh nhất đang nắm giữ tổng 9,54 triệu tỷ đồng.
Còn nếu chỉ tính riêng 6 ngân hàng tư nhân trong nhóm này, thì lượng tiền khách hàng gửi tại 6 đơn vị là 3,08 triệu tỷ đồng, vẫn chưa bằng một nửa tiền gửi tại 4 ngân hàng lớn nhất hệ thống.
Không phải là các đơn vị hút tiền gửi mạnh nhất nhưng LPBank, MSB, NCB mới là 3 cái tên dẫn đầu tốc độ tăng trưởng tiền gửi khách hàng. Cụ thể, LPBank hút hơn 288.000 tỷ đồng tiền gửi, tăng tới 21,3% so với đầu năm, tương ứng 50.700 tỷ đồng. MSB hút hơn 152.000 tỷ đồng tiền gửi, tăng 14,6%, tương ứng 19.400 tỷ đồng trong khi NCB hút 85.500 tỷ đồng, tăng 11,16%.
Dù vậy, cả 3 cái tên này không nằm trong nhóm top 10 ngân hàng dẫn đầu về huy động. Ngoài 4 ngân hàng quốc doanh, những cái tên nằm trong top 10 huy động tiền gửi gồm MB 617.000 tỷ đồng, tăng 8,34% so với đầu năm; Sacombank 544.000 tỷ đồng, tăng 7,5%; ACB 513.000 tỷ đồng, tăng 6,15%; Techcombank 484.000 tỷ đồng, tăng 5,84%; VPBank 473.000 tỷ đồng, tăng 6,6% và SHB 455.000 tỷ đồng, tăng 2,4%.
6 ngân hàng sụt giảm huy động
Ngoài Vietcombank, nhóm các ngân hàng bị suy giảm về huy động so với cuối năm 2023 còn có TPBank, giảm 2,5%; PVCombank giảm 1,44%, VietABank giảm 0,34%; ABBank giảm 14,52% và Saigonbank giảm 0,17%.
Tính theo con số tuyệt đối, Saigonbank và PGBank cũng là hai ngân hàng xếp cuối về con số huy động trong 6 tháng đầu năm, lần lượt đạt 24.127 tỷ đồng, giảm 0,1% và 37.391 tỷ đồng, tăng 4,65%.
Tính chung, tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng của 30 ngân hàng đạt 7,21%, với tổng lượng vốn cho vay đạt 12,328 triệu tỷ đồng. Chỉ tiêu tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tích lũy không ngừng bất chấp lãi suất nửa đầu năm giữ ở mức thấp.
Như vậy, môi trường lãi suất thấp vẫn không khiến dòng tiền dịch chuyển mạnh khỏi hệ thống ngân hàng để chuyển sang các kênh đầu tư khác. Thậm chí thời gian gần đây, từ đầu tháng 4, các ngân hàng (đặc biệt nhóm tư nhân) có xu hướng tăng lãi suất tiền gửi. Đến tháng 7, mức lãi suất 6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng đã quay trở lại thị trường.
Tiền sẽ tiếp tục chảy vào hệ thống ngân hàng?
Hầu hết chuyên gia đều nhận định tiền vẫn sẽ chảy vào hệ thống ngân hàng trong bối cảnh lãi suất sẽ còn tăng từ nay đến cuối năm.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, lãi suất huy động sẽ dần tăng lên do 2 lý do. Thứ nhất, nửa cuối năm, có thể các ngân hàng sẽ mạnh tay hơn trong cho vay, do đó phải huy động vốn nhiều hơn, ngân hàng phải tăng lãi suất để kéo vốn vào.
Mặt khác, việc tăng lãi suất huy động còn có thể do nợ xấu gia tăng. "Nợ xấu nội bảng tại thời điểm này vào khoảng 4,5%, nếu tính nợ xấu ngoại bảng theo dự tính của tôi vào khoảng 6%. Với nợ xấu tăng cao và nhu cầu vốn tăng cao, lãi suất huy động sẽ phải tăng, kéo lãi suất cho vay tăng theo", ông Hiếu nói.
Theo vị này, khi nguồn vốn cho vay không quay trở lại hệ thống, các ngân hàng phải huy động vốn mới để trả cho tiền gửi cũ đáo hạn. Việc tăng lãi suất huy động nhằm thu hút dòng tiền mới có thể là biện pháp cần thiết để đảm bảo thanh khoản. Dù vậy, vị này lưu ý điều này đẩy chi phí vay lên cao vì các ngân hàng cần giữ biên độ lợi nhuận từ 3-4%.
"Với kịch bản này, các ngân hàng sẽ tăng lãi suất huy động để tăng huy động và tăng cho vay. Dự báo mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tăng trong nửa năm sau của 2024", ông Nguyễn Trí Hiếu nói.
Nhận định về xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa nhận định lãi suất là chỉ báo vô cùng quan trọng cho thị trường tài chính. "Hiện chưa có yếu tố hỗ trợ cho việc giảm lãi suất như chúng ta mong muốn. Tuy nhiên, điều này không hề nguy hiểm, hơn nữa còn có lợi cho nền kinh tế, lãi suất tăng sẽ giúp cân bằng các kênh đầu tư, đồng thời hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng", ông nói.
Theo ông, lãi suất liên ngân hàng quý I chỉ mới 0,3%, sang quý II đã nhảy vọt lên 4%. Điều này cho thấy thanh khoản đang trở nên có vấn đề. Khi tăng trưởng cao, kinh tế phục hồi thì lãi suất cũng cao hơn do nhu cầu vốn tăng lên. "Do đó tôi đồng ý với ý kiến rằng dù chúng ta có tìm cách kiềm chế lãi suất, nó vẫn dần tăng trở lại", ông nói.
Chuyên gia này nêu, mức độ tăng lãi suất huy động như hiện tại chưa gây nguy hiểm cho nền kinh tế. Lãi suất tiết kiệm như hiện nay giúp cân bằng các kênh đầu tư, hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng. Còn mức tăng lãi suất cho vay sẽ còn phụ thuộc vào các hoạt động kinh tế. Trường hợp các doanh nghiệp đi vay nhiều thì lãi suất sẽ tăng mạnh hơn, còn trường hợp sức khỏe doanh nghiệp vẫn ở mức lưng chừng như năm 2023, có thể lãi suất sẽ chỉ tăng đôi chút.