(Dân trí) - Tập đoàn EVN vừa được Thủ tướng giao làm chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Tập đoàn Petrovietnam làm chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.
Ngày 4/2, tại phiên họp thứ hai của Ban chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) và Tập đoàn Công nghiệp năng lượng Quốc gia (Petrovietnam - PVN) làm chủ đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải).
EVN, PVN và các cơ quan được yêu cầu ngay trong tháng 2 cử đoàn công tác đàm phán với các đối tác nước ngoài, chú ý phải có đối tác dự phòng để sẵn sàng trong mọi tình huống. Trên cơ sở này, chủ đầu tư xác định quy mô, công suất, tổng mức đầu tư nhà máy. Sau đó, cấp có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định.
Doanh thu hàng chục tỷ USD
EVN và PVN là 2 tập đoàn Nhà nước có vai trò nòng cốt trong các ngành quan trọng như dầu khí, điện của nước ta. Trước khi được giao làm chủ đầu tư cho dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, 2 "ông lớn" này có kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm vừa qua.
Trong năm 2024, EVN đạt doanh thu hợp nhất ước đạt 575.000 tỷ đồng (gần 23 tỷ USD), tăng 13,7% so với năm 2023. Trong đó, doanh thu của công ty mẹ EVN ước đạt là 480.662 tỷ đồng.
Tại hội nghị tổng kết công tác năm của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước diễn ra vào tháng 12/2024, ông Đặng Hoàng An - Chủ tịch HĐTV EVN - cho biết doanh nghiệp dự kiến lãi trước thuế hơn 4.100 tỷ đồng. "Đến cuối năm 2024, EVN dự kiến sẽ cân bằng được tài chính. Đây cũng là bước khởi đầu mới cho đơn vị bước sang năm nay", ông An nói.
Trước đó, trong nửa đầu năm 2024, tập đoàn ghi nhận lỗ sau thuế 8.098 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ cùng kỳ là 29.107 tỷ đồng. Theo lãnh đạo tập đoàn này, nhờ tăng giá điện vào tháng 10/2024, EVN đã thoát lỗ năm vừa qua. Tuy nhiên, vẫn còn khoản lỗ lũy kế từ năm 2022 và 2023, tương ứng hơn 47.000 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 6/2024, tổng tài sản của EVN đạt 653.187 tỷ đồng. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất (chiếm 63%) là tài sản cố định, ở mức hơn 391.446 tỷ đồng. Lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của EVN đạt gần 74.500 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 204.000 tỷ đồng, tăng 4%.
Với PVN, doanh nghiệp này vừa ghi nhận năm thứ 3 liên tiếp phá kỷ lục về doanh thu vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 36% so với thời kỳ trước đại dịch Covid-19 (năm 2019) và tương đương với khoảng 9% tổng GDP của cả nước.
Theo lãnh đạo PVN, doanh thu hợp nhất năm nay của tập đoàn đã đạt 601.000 tỷ đồng (gần 24 tỷ USD), tăng 51%; trong đó doanh thu công ty mẹ đạt 270.000 tỷ đồng, tăng 237%. Lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 35.100 tỷ đồng, tăng 45%. Lợi nhuận hợp nhất của PVN tiếp tục duy trì đạt trên 2,3 tỷ USD/năm.
Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 của "ông lớn" này cho thấy đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của PVN đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt hơn 532.000 tỷ đồng. Trong đó, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng đạt gần 350.000 tỷ đồng.
Kinh nghiệm đầu tư dự án điện hạt nhân ra sao?
Thời điểm năm 2009, dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận từng được giao EVN làm chủ đầu tư và đã hợp tác với phía Nga (dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1) và Nhật Bản (dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2) để triển khai công tác chuẩn bị đầu tư.
Các địa điểm được lựa chọn đã được các tư vấn trong và ngoài nước khảo sát, đánh giá rất kỹ, là hai địa điểm tốt nhất, đáp ứng các tiêu chí khắt khe của quốc tế, phù hợp để xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Trước thời điểm dừng đầu tư dự án (11/2016), EVN cũng đã hoàn thành và trình Thủ tướng hồ sơ phê duyệt địa điểm và Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1; Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đã được tư vấn quốc tế bổ sung, hoàn thiện và nộp cho EVN để thẩm tra.
Về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho các dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, trước khi dừng đầu tư dự án, EVN đã cử tổng cộng 31 sinh viên đi học các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân ở Liên bang Nga, Pháp và 33 kỹ sư đi đào tạo cán bộ khung vận hành nhà máy tại Nhật Bản...
Dù chưa từng đảm nhận vai trò chủ đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân nhưng PVN cũng có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư dự án điện. Từ năm 2001, tập đoàn này đã nghiên cứu đầu tư các dự án Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau 1 và 2.
Đến năm 2007, tập đoàn đã thành lập Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) và các Ban Quản lý dự án để quản lý đầu tư xây dựng và vận hành các dự án điện theo nhiệm vụ Chính phủ giao.
Hiện, PVN và một số đơn vị thành viên đã và đang xây dựng hàng loạt dự án nhà máy điện than, thủy điện, điện khí LNG, năng lượng tái tạo... Đặc biệt, với thế mạnh cơ sở vật chất, công nghệ, nguồn vốn lớn... PVN cũng có nhiều lợi thế khi được giao làm chủ đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.
Bên cạnh đó, trong hàng chục năm qua, "ông lớn" dầu khí này cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài như Nga, Mỹ, Saudi Arabia... trong sản xuất điện khí, hợp tác triển khai các dự án thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí, điện gió ngoài khơi, năng lượng mặt trời, hydrogen…
Ngày 4/2, Thủ tướng cũng đã yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương trình dự thảo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh liên quan điện hạt nhân, hoàn thành trước ngày 28/2.
Ông yêu cầu rút ngắn thời gian hoàn thành dự án so với dự kiến trước đây, chậm nhất tới 31/12/2031 phải hoàn thành và phấn đấu hoàn thành trước 31/12/2030.