Hoàn thành công tác đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Bộ Công Thương được yêu cầu hoàn thành công tác đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm.

Hoàn thành công tác đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký chỉ thị về việc chủ động giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân trong thời gian cao điểm năm nay và giai đoạn 2026-2030.

Bộ trưởng Công Thương được giao chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, cấp bách của ngành điện.

Đặc biệt, Chỉ thị nêu rõ cần tập trung chỉ đạo triển khai, hoàn thành công tác đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm. Dự án được Quốc hội quyết nghị tái khởi động vào cuối tháng 11/2024, sau 8 năm tạm dừng.

Trước đó, tại họp báo đầu tháng 12/2024, Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết cơ quan này đã tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng về việc thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác để tiếp tục khởi động chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam.

Hiện hành lang pháp lý cơ bản đầy đủ cơ sở để triển khai dự án này. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực sửa đổi, trong đó có nội dung về phát triển điện hạt nhân. Thời gian tới, Chính phủ dự kiến báo cáo Quốc hội để sửa Luật năng lượng nguyên tử với các nội dung liên quan tới phát triển nguồn năng lượng này. 

Bên cạnh nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, Bộ Công Thương cũng phải chỉ đạo các địa phương triển khai ngay lựa chọn nhà đầu tư dự án nguồn điện trong Quy hoạch, Kế hoạch điện 8 chưa có nhà đầu tư (LNG Nghi Sơn, LNG Quỳnh Lập, LNG Cà Ná...) Các dự án này phải hoàn thành trong quý II/2025 và đẩy nhanh tiến độ đầu tư để hoàn thành chậm nhất trong quý III/2028.

Đối với các dự án nguồn điện dự kiến hoàn thành và vận hành vào năm nay như Thủy điện Nậm Củm 4, Hòa Bình MR, Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 4..., Bộ Công Thương cũng như UBND các tỉnh cần chỉ đạo đôn đốc các chủ đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ, đưa vào vận hành sớm hơn 3-6 tháng.

Các cơ quan đồng thời yêu cầu chủ đầu tư cam kết tiến độ, thời gian vận hành cụ thể để gửi về Bộ Công Thương trước ngày 20/1.

Về các dự án nguồn điện dự kiến hoàn thành, vận hành trong thời gian 2026-2030 và các dự án đã lựa chọn nhà đầu tư, Bộ Công Thương cùng UBND các tỉnh đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục để khởi công, đẩy nhanh tiến độ dự án, cam kết thời gian vận hành cụ thể, đồng thời phấn đấu hoàn thành, đưa vào vận hành sớm hơn 1-2 năm so với kế hoạch.

Trong trường hợp cần thiết, chủ đầu tư nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định các cơ chế, chính sách liên quan để đáp ứng yêu cầu đảm bảo cung ứng điện, nhất là giai đoạn 2026-2028.

Hoàn thành công tác đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm - 1

Bộ trưởng Công Thương được giao chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, cấp bách của ngành điện (Ảnh: Unplash).

Không để các dự án, công trình ách tắc

Thời gian tới, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đặt ra cao hơn rất nhiều so với thời gian qua, tăng trưởng kinh tế cả nước năm nay phấn đấu đạt trên mức 8% và tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2026-2030 phấn đấu ở mức 2 con số.

Điều này đòi hỏi điện năng tăng trưởng gấp 1,5 lần, dự kiến bình quân hàng năm từ 12% đến trên 16% (tương ứng mỗi năm cần bổ sung từ 8.000 đến 10.000 MW).

Chỉ thị nhấn mạnh đây là thách thức rất lớn, trường hợp không kịp thời có giải pháp nhanh chóng phát triển nguồn điện. Nhất là các nguồn điện xanh, điện sạch, bền vững sẽ tiềm ẩn nguy cơ thiếu nguồn cung điện nghiêm trọng, nhất là trong thời gian từ 2026-2028.

Để chủ động các giải pháp từ sớm, từ xa, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bảo đảm tuyệt đối không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào. 

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, huy động cả hệ thống chính trị, tập trung mọi nguồn lực để thúc đẩy và khẩn trương hoàn thành nhanh nhất các công trình, dự án nguồn điện, truyền tải điện trong phạm vi quản lý của cơ quan mình. Tuyệt đối không để các dự án, công trình ách tắc do việc xử lý chậm trễ các thủ tục hành chính của bộ, ngành, cơ quan, địa phương.

Bộ trưởng Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm cung ứng đủ điện năm nay và các năm tiếp theo; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát, thường xuyên theo dõi diễn biến của nhu cầu điện và các yếu tố phát sinh để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp, hiệu quả.

Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ tập trung rà soát, nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch điện 8 để kịp thời cập nhật các yêu cầu, mục tiêu chiến lược mới về phát triển kinh tế xã hội; cập nhật, bổ sung các dự án nguồn điện mới, nguồn điện xanh, sạch, bền vững, đồng thời loại bỏ, thay thế các dự án chậm tiến độ, không phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước, hoàn thành trước ngày 28/2.

Về truyền tải điện, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo nghiên cứu đầu tư xây dựng các dự án truyền tải điện theo Quy hoạch điện 8, tăng cường liên kết mạnh giữa các khu vực, tăng khả năng vận hành an toàn và ổn định cho Hệ thống điện quốc gia...