DMagazine

Thực chất kinh tế Trung Quốc đang đứng đâu trong cỗ máy kinh tế toàn cầu?

(Dân trí) - Trong một năm bất thường, nền kinh tế Trung Quốc đã ghi nhận một thành tựu gây bất ngờ...

Năm 2021: "Thời thế" cho kinh tế Trung Quốc, "vận hội" cho chính quyền ông Tập

"Trong một năm bất thường, nền kinh tế Trung Quốc đã ghi nhận một thành tựu phi thường", đó là tuyên bố của ông Ning Jizhe, quan chức đứng đầu Cục Thống kê Quốc gia NBS về toàn cảnh kinh tế Trung Quốc năm 2020.

Trên trường quốc tế, trong khi phần còn lại của thế giới vẫn đang vật lộn với làn sóng dịch bệnh tiếp theo, nhiều nhà quan sát đã nhận định năm 2021 tiếp tục là "năm của Trung Quốc" với triển vọng tăng trưởng đột phá.

Vậy, thực chất kinh tế Trung Quốc đang đứng ở đâu trong cỗ máy kinh tế toàn cầu?

Thực chất kinh tế Trung Quốc đang đứng đâu trong cỗ máy kinh tế toàn cầu? - 1

Ảnh: AFP

"PHÉP MÀU" KINH TẾ TRUNG QUỐC 2020 - TRIỂN VỌNG 2021

Phải thừa nhận, năm 2020 là một năm hỗn loạn với nền kinh tế toàn cầu, khi cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 đưa hàng loạt quốc gia rơi vào suy thoái. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu - 4,4% trong năm qua, mức giảm tốc tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II đến nay.

Tuy nhiên, Trung Quốc - với tư cách là quốc gia tâm chấn đại dịch đầu tiên - đã tạo nên cú lội ngược dòng ngoạn mục khi sớm kiểm soát thành công đại dịch và phục hồi nền kinh tế. Chiến lược phong tỏa nghiêm ngặt kết hợp với chính sách tiền tệ và tài khóa hợp lý đã giúp Bắc Kinh định hướng lại các mục tiêu vĩ mô phù hợp. Trung Quốc được dự báo là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới chứng kiến tăng trưởng dương vào năm ngoái. Trên thực tế, tăng trưởng GDP quý IV của nước này đã trở lại mức trước đại dịch, qua đó mở ra triển vọng tương đối lạc quan cho năm 2021.

TĂNG TRƯỞNG DƯƠNG, TIỀM NĂNG "VƯỢT MẶT" MỸ

Tăng trưởng GDP Trung Quốc đã chứng kiến mức giảm sâu kỷ lục -6,8% trong quý I/2020, thời điểm quốc gia này tiến hành phong tỏa hàng loạt tỉnh thành để kiểm soát dịch bệnh.

Tuy nhiên, kể từ quý II, ngay sau khi mở cửa trở lại nền kinh tế, GDP Trung Quốc lập tức khởi sắc nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng 3,2% trong quý II, 4,9% trong quý III và 6,5% trong quý IV/2020.

Thực chất kinh tế Trung Quốc đang đứng đâu trong cỗ máy kinh tế toàn cầu? - 2

Tựu chung, Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng GDP 2,3% trong năm qua, quy mô GDP đạt 101,6 nghìn tỷ NDT (15,68 nghìn tỷ USD); dự kiến là nền kinh tế lớn duy nhất hành tinh đạt tăng trưởng dương trong bối cảnh đại dịch. Năm 2019, tăng trưởng GDP quốc gia này là 6% (đã điều chỉnh trên cơ sở năm). Thu nhập bình quân khả dụng đầu người năm 2020 ước tính 32.189 NDT (4.966 USD), gấp đôi so với con số năm 2010.

Đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc được thúc đẩy bởi tổng hòa nhiều yếu tố như lượng vốn đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng và bất động sản, sự bùng nổ xuất khẩu vật tư thiết bị y tế và sản phẩm điện tử, sự gia tăng ổn định của chi tiêu tiêu dùng nội địa.

Một báo cáo được công bố tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển tuần qua cũng cho thấy, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành quốc gia thu hút FDI lớn nhất thế giới trong năm 2020, với 163 tỷ USD vốn FDI, tăng mạnh từ mức 140 tỷ USD năm 2019. Đầu tư tài sản cố định năm 2020 tăng 2,9% lên 51,89 nghìn tỷ NDT.

Thực chất kinh tế Trung Quốc đang đứng đâu trong cỗ máy kinh tế toàn cầu? - 3

Ảnh: Getty

Tiêu dùng nội địa chững lại trong vài tháng đầu năm nhưng đã phục hồi nhanh chóng và bắt đầu tăng trưởng trong nửa cuối năm. Tính đến hết 11 tháng đầu năm 2020, tổng doanh số bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử nước này đạt 410 triệu NDT (58 tỷ USD), tăng 31% so với cùng kỳ năm 2019. Mảng doanh số bán hàng xa xỉ, ô tô và bất động sản cũng chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ. Doanh số bán hàng tại các trung tâm thương mại cao cấp năm 2020 đã tăng 25-35% so với năm 2019. Theo một báo cáo chung của nền tảng thương mại điện tử Tmall Luxury và công ty tư vấn Bain, thị trường hàng xa xỉ ở Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng 48% vào năm 2020, đối lập hoàn toàn mức thu hẹp 23% của thị trường hàng xa xỉ toàn cầu.

Mức phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc còn được phản ánh qua đồng NDT mạnh lên. Tính đến 27/1/2021, tỷ giá tiền tệ Trung Quốc hiện là 6,48 NDT đổi 1 USD, mạnh hơn đáng kể mức 7,16 NDT đổi 1 USD hồi tháng 5/2020 - thời điểm đại dịch bùng phát tại Mỹ, EU và nhiều quốc gia khác.

Thực chất kinh tế Trung Quốc đang đứng đâu trong cỗ máy kinh tế toàn cầu? - 4

Các nhà phân tích từ UBS kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2021 có thể nhảy vọt lên mức 8,1% sau một năm 2020 yếu kém. Một nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh CEBR chỉ ra rằng, Trung Quốc sẽ sớm vượt qua Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất hành tinh vào năm 2028, tức sớm hơn 5 năm so với dự báo trước đó nhờ đà phục hồi nhanh chóng hiện tại.

Eswar Prasad, cựu Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF nhận định: "Trung Quốc đã củng cố vai trò của mình như động lực chính trong quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu vốn đang ảm đạm".

THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG VỮNG MẠNH

Thực chất kinh tế Trung Quốc đang đứng đâu trong cỗ máy kinh tế toàn cầu? - 5

Theo số liệu được công bố bởi Cục Thống kê Quốc gia NBS, thị trường lao động Trung Quốc đã ghi nhận 11,86 triệu việc làm mới được tạo ra trong khu vực kinh tế thành thị năm 2020, hoàn thành 131,8% mục tiêu đặt ra trong năm. Tính đến tháng 12/2020, tỷ lệ thất nghiệp thành thị đạt 5,2%, không đổi so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp bình quân cả nước ước tính 3,8%.

Tại cuộc họp tổng kết năm hôm 15/12/2020 của Bộ Chính trị Trung Quốc, các nhà hoạch định chính sách hàng đầu quốc gia đã tập trung vào đề xuất cải cách kinh tế từ phía cầu, mục tiêu tối ưu hóa hệ thống phân phối thu nhập, mạng lưới an sinh xã hội để củng cố sức mạnh thị trường lao động trong nước, qua đó nâng cao sức mạnh và tiềm năng chi tiêu tiêu dùng của các hộ gia đình trên cả nước.

THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN "LÊN ĐỒNG"

Theo Trung tâm Lưu ký và Thanh toán Chứng khoán Trung Quốc, chỉ trong tháng 12/2020, thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục ghi nhận kỷ lục 1,62 triệu nhà đầu tư mới, tức gấp đôi con số 809.300 cùng kỳ năm 2019. Trong cả năm 2020, có thêm 18,02 triệu nhà đầu tư đổ tiền vào thị trường chứng khoán đại lục, nâng tổng số nhà đầu tư lên tới 177,77 triệu.

Theo thống kê của Ernst & Young, sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải là sàn có tổng số thương vụ IPO trong năm đứng đầu thế giới với 233 lần IPO. Sàn Thâm Quyến đứng thứ ba sau Nasdaq (New York).

Thực chất kinh tế Trung Quốc đang đứng đâu trong cỗ máy kinh tế toàn cầu? - 6

Ảnh: FT

Sự tăng vọt dòng vốn đầu tư vào thị trường đã đưa các chỉ số chứng khoán Trung Quốc tăng vọt. Ví dụ, chỉ số Shenzhen Component tăng 38,7% và CSI 300 leo dốc 27,2% trong năm 2020. Để so sánh, chỉ số S&P 500 trên sàn chứng khoán Mỹ tăng 16,26% trong cùng kỳ. Chốt năm 2020, chứng khoán Trung Quốc chứng kiến mức tăng mạnh hơn cả chỉ số MSCI All-Country World Index toàn cầu với chênh lệch lớn nhất trong vòng 6 năm. Dữ liệu của S&P Global Market Intelligence tính đến cuối tháng 12/2020 cho thấy, vốn hóa trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tăng vọt gần 5.000 tỷ USD bất chấp cú sụt mạnh hồi đầu năm khi dịch Covid-19 làm tê liệt gần như toàn bộ nền kinh tế.

Tâm lý lạc quan trước đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ và sự mạnh lên của đồng NDT góp phần lớn vào sức bật tăng của thị trường, đưa Trung Quốc trở thành thị trường mới nổi có sức hấp dẫn bậc nhất với nhà đầu tư.

NHIỀU ĐỘT PHÁ THƯƠNG MẠI

Trên mặt trận thương mại, năm 2020 cũng là một năm thành công của Trung Quốc.

Thống kê cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc năm 2020 đã lên mức cao nhất mọi thời đại 2,6 nghìn tỷ USD. Bất chấp hệ quả từ thương chiến Mỹ Trung, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đạt đỉnh 13,6 tỷ USD trong năm. Thị phần xuất khẩu của Trung Quốc trên toàn cầu tăng lên mức kỷ lục 14,3%.

Thực chất kinh tế Trung Quốc đang đứng đâu trong cỗ máy kinh tế toàn cầu? - 7

Ảnh: Reuters

Tháng 1/2020, Trung Quốc ký với Mỹ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, tạm chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại kéo dài gần 2 năm giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Trong nội dung thỏa thuận, Trung Quốc cam kết tăng cường nhập khẩu 200 tỷ USD hàng hóa - dịch vụ Trung Quốc trong hai năm 2020-2021 (so với mức nhập khẩu năm 2017 trước khi thương chiến bùng nổ).

Tính đến hết 11 tháng đầu năm 2020, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mới chỉ nhập khẩu khoảng một nửa mức mục tiêu. Dù vậy, nhiều chuyên gia nhận định, Bắc Kinh đã kiếm lợi lớn từ thỏa thuận này khi nhập khẩu lượng lớn nông sản Mỹ với mức giá thấp tương đối.

Thực chất kinh tế Trung Quốc đang đứng đâu trong cỗ máy kinh tế toàn cầu? - 8

Đến tháng 11/2020, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) bao gồm 15 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, trọng tâm là khối ASEAN. Viện Kinh tế Quốc tế Peterson từng chỉ ra rằng, Trung Quốc có khả năng là quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ RCEP.

Nhưng quan trọng hơn cả lợi ích kinh tế; vai trò của Hiệp định RCEP trong tham vọng bành trướng tầm ảnh hưởng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương mới là điều Bắc Kinh quan tâm. "Hiệp định RCEP không có Mỹ và Ấn Độ giúp Trung Quốc loại bỏ các ảnh hưởng đối trọng, qua đó gây tác động đến chính sách kinh tế ở khu vực Đông Á nói riêng và châu Á nói chung".

Thực chất kinh tế Trung Quốc đang đứng đâu trong cỗ máy kinh tế toàn cầu? - 9

Ảnh: AFP

Tháng 12/2020, Trung Quốc thành công đạt được Hiệp định đầu tư toàn diện quan trọng với EU (CAI). Hiệp định này cho phép các công ty châu Âu tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường 1,4 tỷ người tiêu dùng đầy tiềm năng của Trung Quốc, qua đó hỗ trợ tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc gia.

THAM VỌNG LỚN, THÁCH THỨC LỚN

Cho đến nay, Trung Quốc hiếm khi che giấu tham vọng "vượt mặt" Mỹ để trở thành cường quốc kinh tế - khoa học, công nghệ số 1 hành tinh. Bằng chứng là nước này chưa bao giờ bỏ qua những cơ hội bành trướng quyền lực mềm, gia tăng tầm ảnh hưởng thông qua hàng loạt chiến lược "ngoại giao bẫy nợ", "ngoại giao vaccine" bất chấp sự chỉ trích từ các nước phương Tây.

Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 mà Trung Quốc thảo luận hồi cuối năm 2020 tập trung vào 3 trọng tâm là đổi mới công nghệ, tự lực hóa nền kinh tế, phát triển bền vững được cho là sự phản chiếu rõ rệt nhất tham vọng vươn lên thống trị nhiều ngành kinh tế chiến lược của chính quyền ông Tập Cận Bình.

Trong khi Trung Quốc đang nỗ lực chứng minh vai trò như một mắt xích thiết yếu tạo động lực cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu hậu đại dịch, các nhà phân tích chỉ ra nước này vẫn đối diện với nhiều thách thức đáng kể.

Hồi tháng 12/2020, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF nhận định, sự phục hồi kinh tế Trung Quốc chủ yếu dựa vào những hỗ trợ của chính phủ. Phân tích động lực tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2020, ông Michael Pettis - giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh cũng chỉ ra rằng: "Mức tăng trưởng năm ngoái chủ yếu đến từ đầu tư bất động sản và cơ sở hạ tầng - một động lực tăng trưởng không lành mạnh. Đúng là GDP đã tăng, nhưng nhiều chỉ số khác lại cho thấy mặt trái tồi tệ. Tỷ lệ thất nghiệp không tăng nhưng tiền lương thực tế trên GDP chững lại."

Thực chất kinh tế Trung Quốc đang đứng đâu trong cỗ máy kinh tế toàn cầu? - 10

Julian Evans - Pritchard, chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc từ Capital Economics chỉ ra rằng, các chính sách đối phó với đại dịch Covid-19 của Bắc Kinh có hiệu quả tích cực trong ngắn hạn nhưng về dài hạn, nó sẽ tăng thêm gánh nặng nợ khổng lồ cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Thực tế, tỷ lệ nợ công trên GDP quá cao đã phủ bóng đen lên chính sách kinh tế của chính phủ Trung Quốc trong nhiều năm gần đây, kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Hàng loạt vụ phá sản và vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp nhà nước trong năm qua rõ ràng đã gây áp lực lên thị trường tài chính.

Thực chất kinh tế Trung Quốc đang đứng đâu trong cỗ máy kinh tế toàn cầu? - 11

Ảnh: Getty

Những thách thức về cơ cấu như tỷ lệ dân số già ngày một cao, lực lượng lao động thu hẹp, khoảng cách thu nhập quá lớn giữa khu vực thành thị và nông thôn… cũng đang trở thành lực cản của Trung Quốc trên con đường duy trì tăng trưởng cao bền vững. Thực chất, ngay cả trước đại dịch Covid-19, đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã bắt đầu chững lại. Năm 2019, Trung Quốc báo cáo tăng trưởng GDP 6,1%, kết quả đáng thất vọng nếu nhìn lại thời điểm vàng đầu thập niên 2000, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì liên tục ở mức 2 con số. Ước tính, trong năm 2020, vẫn có khoảng 43 triệu người dân Trung Quốc sống với mức thu nhập dưới 1 USD mỗi ngày - mức chuẩn nghèo mà Bắc Kinh quy định.

Nhiều nghiên cứu quốc tế thậm chí chỉ ra rằng thống kê tỷ lệ thất nghiệp 3,8% mà chính phủ Trung Quốc công bố trong năm qua là con số không đáng tin cậy, do nó chỉ tính đến người lao động ở khu vực thành thị mà bỏ qua hàng triệu lao động nhập cư.

Thực chất kinh tế Trung Quốc đang đứng đâu trong cỗ máy kinh tế toàn cầu? - 12
Thực chất kinh tế Trung Quốc đang đứng đâu trong cỗ máy kinh tế toàn cầu? - 13

Bên cạnh các yếu tố nội sinh, môi trường địa chính trị toàn cầu - đặc biệt là sức ép từ Mỹ - dự kiến cũng sẽ là thách thức lớn với nền kinh tế Trung Quốc. Chính quyền Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây đã nhấn mạnh sẽ tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc, dù gợi ý cách tiếp cận đa phương hơn.

Ông David Li Daokui - Giáo sư Đại học Thanh Hoa đồng thời là cựu cố vấn Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc (PBOC) từng cảnh báo: "Nếu bạn hỏi rủi ro lớn mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt trong năm 2021 là gì, thì điều tôi quan ngại nhất là liệu chính quyền Biden có áp đặt thêm những hạn chế mới nhằm vào một số ngành công nghiệp nhất định của Trung Quốc hay không".