Kinh tế Trung Quốc phục hồi "phập phù" và nhiều mâu thuẫn
(Dân trí) - Mặc dù sự phục hồi kinh tế Trung Quốc sau đại dịch mạnh mẽ hơn các quốc gia khác song vẫn có những dấu hiệu cho thấy sự mâu thuẫn trong dữ liệu chính thức mà Chính phủ nước này công bố.
Hôm qua, hàng trăm phụ huynh của một trường học ở Bắc Kinh đã xuống đường để yêu cầu một công ty giáo dục phải trả lại tiền học phí cho họ sau khi công ty này bị sụp đổ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Khoảng 200 người đã tập trung bên ngoài văn phòng của Youwin Education. Ở đây, họ đã chặn một con đường trong khu thương mại trung tâm sầm uất của Bắc Kinh và hô vang khẩu hiệu: “Trả lại tiền cho chúng tôi!”
Sự việc này diễn ra cùng thời điểm khi Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố dữ liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế của nước này đã tăng tốc trong quý thứ 3 vừa qua. Với các sự kiện xảy ra đồng thời như vậy cho thấy sự phục hồi kinh tế ở Trung Quốc hậu Covid-19 diễn ra không đồng đều.
Youwin Education, có hàng trăm cơ sở trên toàn quốc, đây là cơ sở giáo dục mới nhất trong danh sách dài các cơ sở giáo dục tư nhân của Trung Quốc đóng cửa vào năm 2020.
Lĩnh vực giáo dục và đào tạo ngoại tuyến là một trong những lĩnh vực bị Covid-19 tấn công nặng nề nhất, vì việc giãn cách xã hội buộc nhiều công ty phải ngừng kinh doanh và thực hiện các khóa học trực tuyến.
Trong khi dữ liệu kinh tế hôm thứ 2 vừa rồi cho thấy sự phục hồi kinh tế đang mở rộng ở Trung Quốc - với tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý thứ 3 tăng tốc từ 3,2% trong quý thứ 2 lên 4,9% - tuy nhiên, sự phục hồi này vẫn nghiêng về sản xuất thay vì tiêu dùng.
Theo cơ quan thống kê của Trung Quốc, chi tiêu tiêu dùng bình quân đầu người đã giảm 6,6% trong 9 tháng đầu năm xuống còn 14.923 Nhân dân tệ (2.224 USD).
Cơ quan thống kê cho biết, chi tiêu của người tiêu dùng cho thực phẩm và nhà ở tăng từ tháng 1 đến tháng 9, nhưng chi tiêu cho giáo dục và giải trí lại giảm 27,7% trong cùng kỳ.
Mặc dù sự phục hồi của Trung Quốc sau đại dịch Covid-19 mạnh mẽ hơn các quốc gia khác như Mỹ và Ấn Độ, nhưng vẫn có những dấu hiệu cho thấy sự mâu thuẫn trong dữ liệu chính thức mà Chính phủ Trung Quốc công bố, điều này làm dấy lên nghi ngờ về độ tin cậy của các dữ liệu trên.
Chẳng hạn, vào hôm thứ 2 vừa qua, cơ quan thống kê Trung Quốc cho biết rằng đầu tư tài sản cố định quốc gia (FAI) đã tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái lên 4,37 nghìn tỷ Nhân dân tệ trong 9 tháng đầu tiên. Nhưng năm ngoái, cơ quan này cho biết, FAI là 4,6 nghìn tỷ nhân dân tệ trong 9 tháng đầu năm 2019.
Trong phần chú thích, cơ quan này cho biết họ đã sửa đổi dữ liệu FAI sau cuộc điều tra dân số kinh tế vào tháng 11/2019.
“Chúng tôi nhận được mức tăng trưởng 0,8% dựa trên dữ liệu đã sửa đổi và cơ sở hoàn toàn có thể so sánh được,” một phát ngôn viên của cục thống kê cho biết qua điện thoại.
Derek Scissors, nhà kinh tế trưởng của China Beige Book có trụ sở tại New York, cho biết nếu giá trị tuyệt đối của FAI là chính xác trong 3 quý đầu tiên thì cả đầu tư và doanh số bán lẻ đều giảm đáng kể trong quý thứ 3 cùng năm đó.
Theo ông: “Thay đổi GDP sẽ gần giảm 5%, chứ không phải là không tăng 5%.”
Dù bằng cách nào đi nữa, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc hậu Covid-19 dường như vẫn còn xa trong suy nghĩ của nhiều người tại cuộc biểu tình hôm qua.
Ít nhất một người đàn ông đã bị đưa đến xe cảnh sát trong cuộc biểu tình, nhưng sau đó được thả ra, và sự hiện diện dày đặc của cảnh sát vẫn tiếp tục cho đến cuối buổi chiều.
Một người biểu tình nói: “Chúng tôi chỉ muốn thu hút sự chú ý của chính phủ và lấy lại tiền của chúng tôi!”