Nền kinh tế Trung Quốc lần đầu tiên ghi nhận giảm phát sau 11 năm

Hương Vũ

(Dân trí) - Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - lần đầu tiên sau 11 năm đã ghi nhận chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm xuống mức âm do giá thực phẩm, đặc biệt là giá thịt lợn giảm đáng kể.

Điều này gây nên nhiều lo ngại về việc tăng nguy cơ giảm phát và nghi ngờ về sức chi tiêu thực sự của người tiêu dùng nước này.

Nền kinh tế Trung Quốc lần đầu tiên ghi nhận giảm phát sau 11 năm - 1
Giá thịt lợn tăng tại Trung Quốc tăng đột biến từ năm ngoái do tình trạng khan hiếm nguồn cung sau đợt dịch tả lợn châu Phi đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh: Getty

Dẫn số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia (NBS) công bố hôm 5/12, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc đã giảm xuống âm 0,5% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm trước, từ mức tăng 0,5% trong tháng 10. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm 2009, khi nó cũng đạt đến âm 0,5%.

Theo SCMP, nguyên nhân khiến giá thực phẩm giảm 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái là giá thịt lợn giảm 12,5%. Giá thịt lợn - thực phẩm chủ lực của người dân Trung Quốc - đã tăng chóng mặt từ năm ngoái do tình trạng khan hiếm nguồn cung sau dịch tả lợn châu Phi.

Thông thường, việc chỉ số giá tiêu dùng chạm mức âm được coi là dấu hiệu về sức tiêu dùng giảm mạnh và nguy cơ đe dọa đối với tăng trưởng kinh tế.

Đầu năm nay, Trung Quốc đặt mục tiêu CPI ở mức 3,5%, tăng 0,5% so với mức tăng của năm 2019. Dù vậy, giá tiêu dùng trong giai đoạn từ đầu tháng 1 đến tháng 11 năm nay của Trung Quốc chỉ tăng khoảng 2,7% so với năm trước.

Tuy nhiên, theo nhận định từ các nhà kinh tế, việc chỉ số CPI trong tháng trước của Trung Quốc giảm xuống mức âm, do nguồn cung thịt lợn tăng trở lại, không đồng nghĩa với việc sự phục hồi của nền kinh tế hậu đại dịch Covid-19 bị đe dọa.

Mặc dù Trung Quốc đã phải đối mặt với đại dịch song chỉ số CPI trong 11 tháng đầu tiên vẫn phù hợp với chiến lược lưu thông kép của Bắc Kinh. Trung Quốc đang thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai bằng cách dựa vào tiêu dùng nội địa.

Nền kinh tế Trung Quốc lần đầu tiên ghi nhận giảm phát sau 11 năm - 2

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC). Ảnh: Getty

Liệu CPI giảm có phải là một tín hiệu tốt cho lạm phát tiêu dùng hay không vẫn là vấn đề gây nên nhiều tranh luận trong giới chuyên gia.

Tháng trước, Cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc - Zhou Xiaochuan đã cho rằng, các chỉ số lạm phát phải ảnh hưởng đến giá tài sản nếu không chúng sẽ mất liên quan đến thực tế

"Đây không phải là bức tranh có thể phản ánh toàn cảnh mức chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc", ông He Wei - một nhà kinh tế Trung Quốc tại công ty nghiên cứu Gavekal - đánh giá.

Cũng theo ông He, việc lạm phát tiêu dùng này sẽ buộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phải cẩn trọng hơn trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ.

Đối với chuyên gia kinh tế trưởng tại Capital Econimics - Julian Evans-Pritchard, mức giảm chỉ số CPI của Trung Quốc trong tháng 11 hầu hết là do mức giá thịt lợn đã được "ổn định" và "việc CPI giảm chưa có nghĩa là giảm phát xuất hiện ở Trung Quốc".

Nhiều chuyên gia kinh tế khác cũng không cho rằng, cú giảm CPI này sẽ khiến cho Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phải có sự điều chỉnh quan trọng trong chính sách tiền tệ.

Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của Trung Quốc trong tháng 11 giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 10, mức giảm này là 2,1%.

Nhìn chung, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang trên đà phục hồi hậu đại dịch Covid-19, với mức tăng trong quý III là 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 3,2% so với quý trước đó. Vào quý I năm nay, nền kinh tế Trung Quốc suy giảm 6,8%.

Trung Quốc được dự đoán là nước duy nhất trong nhóm G20 chứng kiến mức tăng trưởng trong năm nay. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến Trung Quốc sẽ tăng trưởng 1,9% trong năm nay và 8,2% trong năm tới.

Vào tháng 10, lượng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc tăng đột biến hơn 20%, song song với việc chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đạt đỉnh của 3 năm vừa qua, và là tháng xuất khẩu lớn nhất trong lịch sử nước này, theo dữ liệu từ Cục Hải quan công bố đầu tuần này.

Dù với những dấu hiệu tích cực trên, trước mắt, một số chuyên gia kinh tế vẫn bày tỏ sự quan ngại rằng CPI giảm có thể gây bất lợi cho sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc, khi người tiêu dùng và doanh nghiệp trì hoãn việc mua sắm với hy vọng giá cả sẽ trở nên rẻ hơn trong tương lai.