Thời kỳ hoàng kim của USD đã qua?
(Dân trí) - Giới đầu tư tin rằng USD sẽ lao dốc mạnh sau một năm tăng trưởng phi mã trước đó. Nhưng đến nay, đồng bạc xanh vẫn trụ vững. Dù vậy, các nhà đầu tư tin rằng điều này sẽ sớm kết thúc.
Liệu USD đã đạt đỉnh?
USD Index - chỉ số đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ khác - vẫn duy trì trên ngưỡng 100 điểm. Dù vậy, các nhà đầu tư tin rằng điều này sẽ sớm kết thúc.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm kết thúc chiến dịch tăng lãi suất điều hành trong vài tháng tới khi ngày càng có nhiều dấu hiệu chỉ ra lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt.
"Nhìn chung, chúng tôi dự báo giá trị của USD đã đạt đỉnh. Đây là cơ hội để các đồng tiền khác tăng trưởng trong nửa cuối năm nay và cả năm 2024", ông Brad Gibson, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại công ty trái phiếu AB, nhận định.
Ông cũng cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại, buộc Fed phải bắt đầu nới lỏng chính sách.
Sau báo cáo lạm phát tháng 6 của Mỹ, chỉ số đo lường sức mạnh của đồng USD đã rơi xuống mức thấp nhất 15 tháng và sụt giảm tới 11% so với mức đỉnh vào tháng 9/2022.
Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư cũng đồng thời tìm kiếm đồng tiền hưởng lợi từ đà suy yếu của USD, đặc biệt là đồng yên Nhật với kỳ vọng ngân hàng trung ương nước này sẽ từ bỏ theo đuổi chiến lược chính sách tiền tệ siêu nới lỏng trong một vài tháng tới.
Jim Leaviss, Giám đốc đầu tư tại quỹ M&G Investments, với tài sản lên tới 336 tỷ USD, đang bán khống USD trong khi đặt cược vào đồng yên Nhật.
"Có nhiều cơ hội ở thời điểm hiện tại. Nhiều đồng tiền của các quốc gia mới nổi hiện tương đối rẻ", ông nhận định với Bloomberg.
Các đồng tiền khác hưởng lợi
Tất cả tiền tệ trong nhóm G10 đều mạnh lên so với USD trong vòng một tháng qua. Đồng yên Nhật ghi nhận mức tăng ấn tượng trong những phiên gần đây. Trong tháng vừa qua, một loạt đồng tiền chủ chốt toàn cầu cũng đều tăng giá so với đồng USD.
Đồng franc Thụy Sĩ cũng tăng lên ngưỡng cao nhất kể từ năm 2015 so với đồng USD. Trong khi đó, đồng euro và bảng Anh cũng chạm đỉnh một năm.
Với chuyên gia Shamaila Khan tại UBS Asset, các đồng tiền của Mỹ Latinh, bao gồm Brazil, Mexico, Chile và Colombia, được dự báo sẽ ghi nhận mức tăng ấn tượng. Kể từ đầu năm đến nay, đồng peso của Colombia đã tăng 18% so với USD.
"Chúng tôi ưa thích đầu tư vào những đồng tiền với khả năng tạo ra lợi nhuận lên tới hàng chục phần trăm", ông Khan chia sẻ với Bloomberg. "Theo quan điểm của chúng tôi, USD sẽ tiếp tục giảm giá vào nửa cuối năm nay".
Chuyên gia Christian Abuide của Lombard Odier cũng tin rằng đồng real của Brazil sẽ tăng giá so với USD. Tỷ giá giữa franc Thụy Sĩ, euro, yen và đồng bạc xanh cũng thay đổi.
"Lãi suất điều hành của Mỹ sẽ sớm đạt đỉnh dù Fed không cắt giảm ngay trong năm nay", các chuyên gia của Bloomberg nhận định. Theo đó, việc USD tiếp tục suy yếu trong nửa cuối năm là hoàn toàn dễ hiểu.
"Nín thở" chờ Fed
Tuy nhiên, một bộ phận nhà đầu tư vẫn hoài nghi về xu hướng sụt giảm của USD.
Mới đây, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 chỉ tăng 3% so với một năm trước đó. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021, thậm chí thấp hơn ước tính 3,1% của các chuyên gia.
Đa số nhà đầu tư tin rằng Fed chỉ tăng lãi suất thêm 1 lần nữa trong năm nay, rồi giữ nguyên ở mức này cho đến năm sau.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng kỳ vọng đồng USD sẽ lên giá. Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất nếu như lạm phát không sớm quay trở lại ngưỡng mục tiêu. USD có xu hướng trở thành đồng tiền dự trữ an toàn trong bối cảnh rủi ro suy thoái cận kề.
Nhưng nhìn chung, phần lớn thị trường cho rằng thời kỳ hoàng kim của đồng bạc xanh đã qua. Ông Brendan Murphy tại Insight Investment cho rằng lãi suất tại Mỹ vẫn đang ở mức cao và sẽ tiếp tục tăng lên.
"Chúng tôi không liều mình bằng cách tham gia vào trường ngoại hối", Brendan Murphy, Giám đốc đầu tư tại Insight Investment, hiện quản lý khối tài sản 880 tỷ USD chia sẻ với Bloomberg. "Lãi suất thực tế đang cao và có thể tiếp tục tăng lại nhiều quốc gia. Triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn là một dấu hỏi trong khi kinh tế Mỹ thể hiện sức chống chịu tốt hơn so với châu Âu và Trung Quốc", ông chia sẻ.
"Động lực tăng giá của đồng USD sẽ biến mất khi lãi suất tại Mỹ chạm đỉnh", Rajeev De Mello, Nhà quản lý tại GAMA Asset Management với 36 năm kinh nghiệm trên thị trường nhận định với Bloomberg. Hiện ông đang mua vào đồng rupee của Ấn Độ và peso của Mexico. "Xu hướng đầu tư vào các đồng tiền khác ngoài USD đã bắt đầu", ông nhấn mạnh.
Sức chống chịu ấn tượng
Kinh tế Mỹ cũng đang chống chịu rất tốt bất chấp những đợt tăng lãi suất dồn dập của ngân hàng trung ương. Nhu cầu dự trữ tăng cao cũng có thể sẽ thúc đẩy sức mạnh của đồng bạc xanh.
Cục Thống kê Lao động Mỹ vừa công bố Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của nước này tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021 và thấp hơn dự báo tăng 3,1% của các chuyên gia kinh tế.
Tốc độ này đã chậm lại tháng thứ 12 liên tiếp. Trong khi tháng 6 năm ngoái, Mỹ lạm phát lên tới 9,1%, cao nhất kể từ năm 1981.
Nếu loại bỏ thực phẩm và năng lượng, lạm phát cơ bản tăng 4,8% so với cùng kỳ và là tốc độ chậm nhất kể từ cuối năm 2021. Dù vậy, tốc độ này vẫn cao hơn mục tiêu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) là 2%.
Kể từ tháng 3/2022, Fed đã tăng lãi suất 10 lần liên tiếp để kiềm chế lạm phát. Cơ quan này tạm dừng trong tháng trước và được dự báo tăng lãi trở lại trong cuộc họp cuối tháng này.
Ông George Mateyo, giám đốc đầu tư của Key Private Bank, nhận định báo cáo tháng 6 vẫn khó có thể ngăn Fed tăng lãi suất một lần nữa vào cuối tháng này.
Dù cho các dữ liệu cho thấy lạm phát đã hạ nhiệt nhưng nhiều người vẫn nhận định khả năng cao Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm % tại cuộc họp vào cuối tháng 7 tới.
Tuy nhiên, thị trường đang có tín hiệu cho rằng đây sẽ là đợt tăng lãi suất cuối cùng. Sau đó, Fed sẽ tạm dừng và quan sát ảnh hưởng của chính sách thắt chặt tiền tệ tới nền kinh tế.
Ngày càng nhiều người tin rằng USD đã đạt đỉnh và sẽ sụt giảm kể từ đây. Fed có thể duy trì lãi suất ở mức cao, thậm chí thắt chặt mạnh tay hơn nữa nếu lạm phát không sớm hạ nhiệt về mức mục tiêu. Đồng tiền dự trữ của thế giới cũng có xu hướng mạnh lên trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm.