Cảnh báo đáng ngại về kinh tế Mỹ và châu Âu
(Dân trí) - Mỹ có thể bước vào thời kỳ suy thoái vào cuối năm nay, còn châu Âu được dự báo sẽ theo sau vào năm 2024.
Mỹ và châu Âu trước nguy cơ suy thoái kinh tế
Theo ông Joseph Little, chiến lược gia toàn cầu tại HSBC Asset Management, các thị trường đang ở trong thời kỳ "suy thoái lợi nhuận nhẹ". Ông chỉ ra số vụ vỡ nợ doanh nghiệp đã bắt đầu gia tăng.
"Mặc dù vậy, chúng tôi tin rằng lạm phát sẽ nhanh chóng hạ nhiệt. Điều đó có thể tạo cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách cắt giảm lãi suất", ông nói thêm.
Trong triển vọng giữa năm, HSBC Asset Management cho biết các cảnh báo suy thoái đang "đỏ rực" đối với nhiều nền kinh tế, trong khi các chính sách tài khóa và tiền tệ không đồng nhịp với thị trường chứng khoán và trái phiếu.
HSBC Asset Management tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất điều hành trong năm nay. Còn Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể theo sau vào năm tới.
Dự đoán trên được đưa ra sau khi BOE chuyển sang nâng lãi suất lên mức cao nhất trong 15 năm vào tuần trước khi lạm phát tiếp tục gây áp lực lên nền kinh tế Anh. Các nhà phân tích đang đặt cược vào mức lãi suất cơ bản 6% trước khi ngân hàng có thể bắt đầu cắt giảm vào năm tới.
Tại Mỹ, Fed đã tạm dừng chu kỳ thắt chặt tiền tệ tại cuộc họp tháng 6, lãi suất hiện được cố định trong khoảng 5-5,25%, nhưng báo hiệu về khả năng sẽ có thêm 2 đợt tăng nữa trong năm nay.
Ông Little cho rằng, các ngân hàng trung ương sẽ khó có thể cắt giảm lãi suất nếu lạm phát vẫn cao hơn đáng kể so với mục tiêu. "Điều quan trọng là suy thoái kinh tế không nên đến quá sớm và gây ra giảm phát. Kịch bản suy thoái sắp tới sẽ giống với cuộc suy thoái đầu những năm 1990, với dự đoán GDP giảm 1-2%", ông Little nhấn mạnh.
Tia sáng tích cực tại Trung Quốc và Ấn Độ
Ông Little cho rằng việc các nền kinh tế phương Tây rơi vào suy thoái sẽ gây ra triển vọng khó khăn cho các thị trường.
"Đầu tiên, chúng ta đã thấy việc thắt chặt điều kiện tài chính một cách nhanh chóng đang gây ra sự suy yếu trong chu kỳ tín dụng. Hơn nữa, các thị trường dường như chưa tính đến một kịch bản bi quan của kinh tế thế giới", ông cảnh báo.
"Chúng tôi nghĩ rằng luồng tin tức trong 6 tháng tới sẽ rất xấu đối với thị trường, vốn đang đặt cược vào một cú tiếp đất nhẹ nhàng", ông nói thêm.
Theo ông, ngay cả các cuộc suy thoái cũng là chưa đủ để xóa bỏ mọi áp lực lạm phát khỏi nền kinh tế. "Những nền kinh tế phát triển có thể đối mặt với hiện tượng lãi suất và lạm phát cùng tăng cao trong một thời gian", vị chuyên gia cho biết.
Khi Trung Quốc mở cửa trở lại sau nhiều năm áp dụng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, mức tiết kiệm lớn ở các hộ gia đình sẽ tiếp tục hỗ trợ nhu cầu trong nước, trong khi các nỗ lực tài chính của chính phủ sẽ thúc đẩy thêm việc làm.
Ông Joseph Little cũng cho rằng với mức lạm phát tương đối thấp ở Trung Quốc, chính phủ nước này có thể nới lỏng các chính sách tiền tệ và tăng trưởng GDP sẽ dễ dàng vượt qua mục tiêu khiêm tốn 5% như đã được đề ra.
Ấn Độ cũng trở thành điểm sáng trong năm 2023 khi nền kinh tế này đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch nhờ chi tiêu của người dân phục hồi và lĩnh vực dịch vụ phát triển mạnh mẽ.
"Tại Ấn Độ, những số liệu kinh tế khả quan trong thời gian gần đây cùng với chỉ số lạm phát hạ nhiệt đang kỳ vọng tạo lực đẩy cho tăng trưởng kinh tế của nước này trong những tháng cuối năm", ông Little đánh giá.